YouMed

Thục địa: Vị thuốc có tác dụng bổ máu, bổ thận

bác sĩ nguyễn trần anh thư
Tác giả: Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trần Anh Thư
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Thục địa có nguồn gốc từ Sinh địa, một vị thuốc quý và phổ biến trong Đông y. Đó là củ Sinh địa đã được bào chế kĩ, vì vậy nó có những dược tính quan trọng khác với Sinh địa. Nó có công dụng bổ tinh, bổ máu, bổ Can Thận, trị các chứng đau lưng mỏi gối, say xẩm chóng mặt, tinh thần mệt mỏi. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về Thục địa và công dụng, cách dùng của nó trong bài viết này.

Thục địa là gì?

Thục địa có tên khoa học là Radix Rehmanniae glutinosae praeparata. Là rễ củ đã chế biến của cây Địa hoàng – tên khoa học là Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch. Câu này thuộc họ Hoa mõm sói (Scrophulariaceae).

Chế biến Sinh địa thành Thục địa như thế nào?

Có 2 cách chế Thục địa phổ biến.

Bào chế Thục địa theo cách 1

Lấy củ Sinh địa đã rửa sạch, cho vào thùng, xếp củ to ở dưới, củ nhỏ ở trên. Cứ 90 kilogram Sinh địa thì thêm 10 lít rượu. Bắc lên đun đến sôi. Tiếp tục đun nhỏ lửa từ 6 giờ đến 8 giờ cho đến cạn. Trong khi đun, cứ khoảng 1 giờ lại lấy nước ở đáy nồi tưới lên các củ cho thấm đều.

Sau đó lấy ra phơi 3 ngày, rồi lại đem nấu lần thứ 2 với nước gừng. Dùng 2 kilogram Gừng tươi giã nhỏ cho vào nước, khuấy đều, lọc lấy nước, nấu với Sinh địa. Sau đó lặp lại, vớt ra phơi, rồi lại nấu. Làm như vậy 5 đến 7 lần, đến khi dược liệu có màu đen nhánh.

Bào chế Thục địa theo cách 2

Lấy sinh địa 10kg, loại bỏ đất cắt, rửa sạch, để ráo nước. Lấy gừng tươi 10kg, rửa sạch, thái nhỏ hoặc xay ướt. Lấy sa nhân 1.5kg, loại bỏ tạp chất, rửa sạch, đập, giã hoặc xay nhỏ. Cho gừng tươi và sa nhân vào nồi nấu hai vỏ. Thêm nước, đun sôi, điều chỉnh nhiệt độ để sôi âm ỉ trong 1 giờ, rút dịch chiết sa nhân – gừng để được khoảng 50 lít.

Cho sinh địa đã ráo nước vào nồi nấu hai vỏ. Tẩm sinh địa với 1.2 lượng rượu (22.5 lít) cùng với dịch chiết sa nhân – gừng, ngâm ủ trong 2 giờ. Nếu lượng dịch sa nhân – gừng, rượu chưa đủ ngập sinh địa thì bổ sung thêm nước sạch (yêu cầu cao hơn mặt sinh địa 2 cm đến 3 cm). Tiến hành nấu trong 3 ngày, mỗi ngày đun âm ỉ trong 6 giờ. Đêm ngừng nấu. Cứ sau mỗi ngày lại bổ sung thêm nước sôi cho đủ ngập.

Sau đó đến ngày thứ 4 thì rút dịch nấu, gộp cùng 1/2 lượng rượu còn lại. Đảo trộn cho Sinh địa được ngấm đều rượu. Đổ dịch nấu vào gộp với rượu ở trên và ngâm ủ trong 2 h. Bổ sung nước cho ngập rôi đun âm ỉ tiếp trong 6 giờ. Đêm ngừng nấu. Ngày thứ 5 tiếp tục nấu và điều chỉnh lượng nước sao cho lượng dịch nấu rút ra ngày hôm sau chi còn khoảng 9 đến 10 lít. Sinh địa sau khi được nấu trở nên đen nhánh, có mùi thơm, vị ngọt. Để nguyên hoặc thái lát dày 3 đến 4 mm. Đem sấy. Trong quá trình sấy, tẩm với dịch còn lại.

Quá trinh tẩm – sấy (hoặc phơi nắng) được làm liên tục cho tới khi hết dịch và thục địa thu được trở nên đen, láng bóng, khô, dẻo, thớ dai chắc, sờ không dính tay là được.

Dược liệu Thục địa có tác dụng bổ thận, bổ máu
Dược liệu Thục địa có tác dụng bổ thận, bổ máu

Thục địa chuẩn có hình dạng ra sao?

Thục địa bào chế đúng là loại phiến dày hoặc khối không đều. Bề mặt không đều, mặt ngoài bóng. Chất của nó mềm, dai, khó bẻ gãy. Mặt cắt ngang có màu đen nhánh, mịn bóng. Chúng không có mùi, vị ngọt.

Trong Thục địa có gì?

Hàm lượng của các hợp chất trong Thục địa thay đổi tùy thuộc vào số lần hấp, sấy và phương pháp làm khô.

Trong Thục địa, người ta tìm thấy các chất sau: Catalpol, Galactose, Glucose và Fructose, Maltose và Sucrose. Ngoài ra còn có các loại chất béo thô và protein thô.

Tác dụng của Thục địa

Theo Y học cổ truyền

Thục địa có công dụng bổ máu, bổ thận, bổ tinh.

Chủ trị: Can, Thận hư yếu, thắt lưng đầu gối mỏi, đau nhức trong xương, nóng về chiều, mồ hôi trộm, di tinh, thiếu máu, đánh trống ngực, hồi hộp, kinh nguyệt không đều, rong kinh, chóng mặt ù tai, mắt mờ, táo bón.

Theo Y học hiện đại

  • Các thí nghiệm dược lý và lâm sàng phong phú cho thấy Thục địa có thể ngăn ngừa loãng xương sau mãn kinh và loãng xương do tuổi già.
  • Kết quả nghiên cứu cho thấy Thục địa làm tăng hoạt tính chống viêm trong các đại thực bào đã được kích hoạt. Điều này cho thấy Thục địa có hoạt tính kháng viêm.
  • Một số nghiên cứu thực nghiệm cho thấy Thục địa còn có tác dụng hạ huyết áp.
Thục địa có thể ngăn ngừa loãng xương sau mãn kinh và loãng xương do tuổi già
Thục địa có thể ngăn ngừa loãng xương sau mãn kinh và loãng xương do tuổi già

Cách dùng Thục địa

Thục địa được dùng với liều từ 9 g đến 15 g một ngày. Dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc làm thành viên. Thường dùng Thục địa phối hợp với các vị thuốc khác trong 1 bài thuốc.

Thận trọng khi dùng Thục địa

  • Thục địa kỵ sắt. Người có hệ tiêu hoá kém, hay đau lạnh bụng tiêu chảy phân sống thì không được dùng.
  • Sách Bản Thảo Kinh Tập Chú: Thục địa không dùng với Bối mẫu, Vô di.
  • Sách Dược Tính Luận: Thục địa kỵ Tam bạch.
  • Sách Dược Phẩm Tinh Yếu: Thục địa kỵ La bặc, Thông bạch, Phỉ bạch, Cửu bạch.
  • Sách Đắc Phối Bản Thảo: Những người vị khí hư hàn, dương khí suy, dương khí thiếu, ngực đầy không dùng.

Bài thuốc có Thục địa

Bổ thận sinh tinh cho nam giới

Dùng Thục địa 100g, nhục thung dung 50g, hoàng tinh 100g, kỷ tử 50g, sinh địa 50g, dâm dương hoắc 50g, hắc táo nhân 40g, quy đầu 50g, cam cúc hoa 30g, cốt toái bổ 40g, xuyên ngưu tất 40g, xuyên tục đoạn 40g, nhân sâm 40g, bắc kỳ 50g, phòng đảng sâm 50g, đỗ trọng 500g, đảng sâm 40g, trần bì 20g, đại táo 30 quả, lộc giác giao 40g. Bài thuốc này được dùng để ngâm rượu uống.

Trị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, say xẩm chóng mặt, tinh thần mệt mỏi

Lấy Thục địa 16g; Sơn thù, Hoài sơn mỗi vị 12g; Trạch tả, Đan bì, Phục linh, Phụ tử chế mỗi vị 8g; Nhục quế 4g. Sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

Trị thoái hoá cột sống

Thục địa 30g, nhục thung dung 20g, dâm dương hoắc 20g, kê huyết đằng 20g, la bạc tử 10g… Sắc lấy nước hoặc tán thành viên uống hàng ngày đều được.

Trị tăng huyết áp

Dùng Thục địa 20g-30g dùng liên tục trong 14 – 21 ngày.

Thục địa là một vị thuốc quý trong Đông Y với nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ. Thục địa cần được bào chế công phu và kĩ lưỡng từ củ Sinh địa. Nó có tác dụng bổ máu, bổ Thận, bổ sinh, kháng viêm, ngừa loãng xương, hạ huyết áp,… Tuy nhiên không phải Để sử dụng vị thuốc Thục địa chữa bệnh, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Youn UJ, Gu BS, Kim KH, Ha C, Jung IC. Variation of main components according to the number of steaming and drying of Rehmanniae radix preparata. J Pharmacopuncture. 2018 Jun;21(2):112-119. doi: 10.3831/KPI.2018.21.014. Epub 2018 Jun 30. PMID: 30151312; PMCID: PMC6054086.

  2. Xia T, Dong X, Jiang Y, Lin L, Dong Z, Shen Y, Xin H, Zhang Q, Qin L. Metabolomics Profiling Reveals Rehmanniae Radix Preparata Extract Protects against Glucocorticoid-Induced Osteoporosis Mainly via Intervening Steroid Hormone Biosynthesis. Molecules. 2019 Jan 11;24(2):253. doi: 10.3390/molecules24020253. PMID: 30641909; PMCID: PMC6358733.

  3. Han Y, Jung HW, Lee JY, Kim JS, Kang SS, Kim YS, Park YK. 2,5-dihydroxyacetophenone isolated from Rehmanniae Radix Preparata inhibits inflammatory responses in lipopolysaccharide-stimulated RAW264.7 macrophages. J Med Food. 2012 Jun;15(6):505-10. doi: 10.1089/jmf.2011.1940. Epub 2012 Apr 17. PMID: 22510152.

  4. Dược điển Việt Nam.

  5. GS. Đỗ Tất Lợi, Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người