Thuốc Acetazolamid: công dụng và những lưu ý khi dùng
Nội dung bài viết
Thuốc Acetazolamid là gì? Thuốc Acetazolamid được dùng trong những trường hợp nào? Cần lưu ý gì về những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc? Hãy cùng YouMed tìm hiểu thật kĩ về thuốc Acetazolamid trong bài viết được phân tích dưới đây của Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên nhé!
Thành phần hoạt chất: Acetazolamid
Thuốc có thành phần hoạt chất tương tự: Diamox, Acetazolamide,..
Acetazolamid là thuốc gì?
Dạng thuốc và hàm lượng:
- Thuốc tiêm 500 mg/5 ml; Viên nén 125 mg, 250 mg.
Dược lý và cơ chế tác dụng:
- Acetazolamid là chất ức chế carbonic anhydrase.
- Thuốc hoạt động bằng cách ức chế enzym này làm giảm tạo thành ion hydrogen và bicarbonat từ carbon dioxyd và nước. Từ đó, làm giảm khả năng sẵn có những ion này dùng cho quá trình vận chuyển tích cực.
- Ngoài ra, Acetazolamid làm hạ nhãn áp bằng cách làm giảm sản xuất thủy dịch tới 50 – 60%. Mặc dù cơ chế chưa được hoàn toàn biết rõ nhưng có lẽ liên quan đến giảm nồng độ ion bicarbonat trong các dịch ở mắt.
- Tác dụng toan chuyển hóa được áp dụng để điều trị động kinh. Trước đây Acetazolamid được dùng làm thuốc lợi niệu, nhưng hiệu lực giảm dần khi tiếp tục sử dụng nên phần lớn đã được thay thế bằng các thuốc khác (thiazid hoặc furosemid).
Công dụng của thuốc Acetazolamid
- Glôcôm góc mở (không sung huyết, đơn thuần mạn tính) điều trị ngắn ngày cùng các thuốc co đồng tử trước khi phẫu thuật, glôcôm góc đóng cấp (góc hẹp, tắc); glôcôm trẻ em hoặc glôcôm thứ phát do đục thủy tinh thể hay tiêu thể thủy tinh.
- Kết hợp với các thuốc khác để điều trị động kinh cơn nhỏ chủ yếu với trẻ em và người trẻ tuổi.
Không nên dùng thuốc Acetazolamid nếu
- Nhiễm acid do thận, tăng clor máu vô căn.
- Bệnh Addison.
- Suy gan, suy thận nặng.
- Giảm kali huyết, giảm natri huyết, mất cân bằng điện giải khác.
- Quá mẫn với các sulfonamide.
- Ðiều trị dài ngày glôcôm góc đóng mạn tính hoặc sung huyết (vì acetazolamid có thể che lấp hiện tƣợng dính góc do giảm nhãn áp).
Cách dùng thuốc Acetazolamid hiệu quả
Cách dùng
- Tùy vào dạng dùng mà cách dùng khác nhau.
- Đối với dạng uống, dễ dùng, có thể dùng thuốc với cốc nước có dung tích vừa đủ.
- Ở dạng thuốc tiêm, khi dùng cần phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế để có thể đảm bảo được hiệu quả cũng như an toàn cho người bệnh.
Liều dùng
1. Dùng theo đường uống
Đối tượng là người lớn
Điều trị glaucom:
- Góc mở: Lần đầu tiên uống 250 mg/1 lần, ngày uống từ 1 đến 4 lần. Duy trì liều tùy theo đáp ứng của người bệnh, thường liều thấp hơn là đủ.
- Glôcôm thứ phát và trước khi phẫu thuật: Uống 250 mg cách nhau 4 giờ/ lần.
Chống co giật (động kinh):
- Uống 4 – 30 mg (thường lúc đầu 10 mg)/ kg/ ngày chia liều nhỏ có thể tới 4 lần/ ngày, thông thường 375 mg đến 1000 mg/ ngày.
- Khi acetazolamid dùng đồng thời với các thuốc chống động kinh khác, liều ban đầu 250 mg/ngày, sau đó tăng dần.
Đối tượng là trẻ em
- Glaucom: Uống 8 – 30 mg/kg, thƣờng 10 – 15 mg/kg hoặc 300 – 900 mg/m² diện tích da/ ngày, chia thành liều nhỏ.
- Ðộng kinh: Giống liều người lớn. Tổng liều < 750 mg.
2. Thuốc tiêm
Đối tượng là người lớn
- Glaucom: Ðể làm giảm nhanh nhãn áp: Tiêm tĩnh mạch 500 mg tương đương với acetazolamid tùy theo đáp ứng của người bệnh, liệu pháp có thể tiếp tục bằng đường uống.
- Lợi tiểu (để kiềm hóa nước tiểu): Tiêm tĩnh mạch 5 mg/kg hoặc cần thiết để đạt đƣợc và duy trì tăng bài niệu kiềm.
Đối tượng là trẻ em
- Tình trạng glaucom cấp tính: Tiêm tĩnh mạch: 5 – 10 mg/kg cách 6 giờ/1 lần.
- Lợi tiểu (để kiềm hóa nước tiểu): Tiêm tĩnh mạch 5 mg/kg hoặc 150 mg/m² diện tích da cơ thể, tiêm 1 lần/ ngày vào buổi sáng, tiêm cách 1 hoặc 2 ngày/1 lần.
Tác dụng phụ của Acetazolamid
- Mệt mỏi, hoa mắt, chán ăn.
- Thay đổi vị giác.
- Nhiễm acid chuyển hóa.
- Sốt, ngứa; dị cảm, trầm cảm; buồn nôn, nôn; bài tiết acid uric giảm trong nước tiểu, bệnh gút có thể nặng lên; giảm kali máu tạm thời; tiểu ra tinh thể, sỏi thận, giảm tình dục (tình trạng hiếm gặp).
Tương tác xảy ra khi dùng thuốc Acetazolamid
- Corticosteroid, (glucocorticoid, mineralocorticoid) có thể gây hạ kali huyết nặng.
- Amphetamin.
- Chất kháng tiết acetyl- cholin.
- Mecamylamin.
- Quinidin.
- Các barbiturat, carbamazepin, phenytoin, pirimidon.
- Glycosid.
- Salicylat.
Những lưu ý khi dùng thuốc Acetazolamid
Cần lưu ý khi dùng thuốc trên các bệnh nhân mắc bệnh tắc nghẽn phổi, tràn khí phổi.
Ngoài ra, cần sử thuốc một cách thận trọng trên người bệnh dễ bị nhiễm acid hoặc đái tháo đường.
Các đối tượng sử dụng đặc biệt
1. Phụ nữ mang thai
Thuốc lợi tiểu thiazid và dẫn chất có thể đi qua hàng rào nhau thai, gây rối loạn điện giải đối với thai nhi. Một vài trường hợp gây giảm tiểu cầu sơ sinh.
Vì vậy, acetazolamid không được sử dụng cho ngƣời mang thai.
2. Phụ nữ cho con bú
Acetazolamid bài tiết vào sữa mẹ và gây ra các phản ứng có hại nguy hiểm cho trẻ.
Vì vậy không nên sử dụng acetazolamid đối với phụ nữ cho con bú.
Xử trí khi quá liều thuốc Acetazolamid
Nếu người bệnh có bất cứ triệu chứng nào bất thường nào khi dùng quá liều điều trị thì cần đưa người bệnh đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Tập trung điều trị triệu chứng và hỗ trợ cũng như cải thiện chức năng cho người bệnh.
Xử trí khi quên một liều thuốc Acetazolamid
Dùng ngay sau khi nhớ ra đã quên liều.
Nếu liều đã quên kề với liều kế tiếp. Bỏ qua liều đã quên và dùng theo đúng lịch trình dùng thuốc.
Không dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên.
Cách bảo quản
- Để thuốc Acetazolamid tránh xa tầm tay của trẻ em và thú cưng trong nhà.
- Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo thoáng mát. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hoặc để thuốc Acetazolamid ở những nơi ẩm ướt.
- Nhiệt độ bảo quản tốt nhất là < 30 ºC.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Acetazolamidhttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/08/hdsd-acetazolamid-250mg.jpg
Ngày tham khảo: 27/03/2021