Thuốc hạ áp Methyldopa: công dụng, cách dùng và lưu ý
Nội dung bài viết
Thuốc Methyldopa là thuốc gì? Thuốc được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý như thế nào? Cách dùng ra sao và những điều gì cần phải lưu ý xuyên suốt quá trình dùng thuốc? Hãy cùng tìm hiểu và phân tích Methyldopa qua bài viết dưới đây của dược sĩ Nguyễn Hoàng Bảo Duy!
Tên thành phần hoạt chất: methyldopa.
Tên một số biệt dược chứa hoạt chất tương tự: Apo-Methyldopa, Bethyltax, Dopegyt,…
1. Methyldopa là thuốc gì?
Methyldopa thuộc nhóm thuốc chống tăng huyết áp thuộc loại ức chế (liệt) giao cảm trung ương. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén hàm lượng 250 mg:
2. Công dụng của thuốc Methyldopa
Methyldopa được chỉ định trong một số trường hợp:
- Tăng huyết áp.
- Tăng huyết áp kịch phát (dùng đường tiêm tĩnh mạch) nhưng hiện nay ít sử dụng.
- Tăng huyết áp ở người mang thai.
Bạn nên nhớ đây là thuốc bán theo đơn và chỉ được sử dụng khi có chỉ dẫn của bác sĩ.
3. Trường hợp không nên dùng Methyldopa
Thuốc được chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Bệnh nhân mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Bệnh gan đang hoạt động như viêm gan cấp và xơ gan đang tiến triển.
- Rối loạn chức năng gan liên quan đến điều trị bằng methyldopa trước đây.
- Rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp.
- U tế bào ưa crôm.
- Người đang bị bệnh trầm cảm dùng thuốc ức chế MAO.
- Thiếu máu tán huyết.
4. Hướng dẫn dùng thuốc Methyldopa
4.1. Liều dùng
Methyldopa là thuốc được chỉ định theo đơn của bác sĩ. Liều lượng cần được điều chỉnh phù hợp với độ tuổi và triệu chứng bệnh của từng bệnh nhân. Tùy theo từng đối tượng sử dụng mà liều dùng của thuốc sẽ khác nhau. Bạn nên lưu ý rằng, liều trình bày dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Do đó, không được tự ý dùng mà phải tuân thủ chính xác liều lượng mà bác sĩ hướng dẫn.
Người lớn:
- Điều trị bắt đầu: Liều dùng bắt đầu thông thường của methyldopa là 250 mg, 2 đến 3 lần trong ngày, trong 48 giờ đầu. Sau đó liều này được điều chỉnh tùy theo đáp ứng của mỗi người bệnh. Để giảm thiểu tác dụng an thần, nên bắt đầu tăng liều vào buổi tối.
- Điều trị duy trì: Liều dùng thông thường của methyldopa là 0,5 – 2 g/ngày, chia 2 – 4 lần. Liều hàng ngày tối đa được khuyến cáo là 3 g.
- Nên dùng phối hợp thuốc lợi niệu thiazid nếu không khởi đầu điều trị bằng thiazid hoặc nếu tác dụng làm giảm huyết áp không đạt với liều methyldopa 2 g/ngày.
Người cao tuổi:
Liều ban đầu 125 mg, 2 lần mỗi ngày, liều có thể tăng dần. Liều tối đa 2 g/ngày. Ở người cao tuổi có thể xảy ra ngất khi dùng có thể do tăng nhạy cảm với thuốc hoặc tới xơ vữa động mạch tiến triển. Điều này có thể tránh được bằng dùng liều thấp hơn.
Trẻ em:
Liều bắt đầu là 10 mg/kg thể trọng/ngày, chia làm 2 – 4 lần. Liều tối đa là 65 mg/kg hoặc 2 g/m 2, hoặc 3 g/ngày, tùy theo lựa chọn nào là nhỏ nhất.
4.2. Cách dùng
Thuốc được sử dụng đường uống. Bạn có thể sử dụng thuốc trước hay sau ăn đều được.
5. Tác dụng phụ của thuốc Methyldopa
Tác dụng không mong muốn bạn có thể gặp phải khi sử dụng:
- Toàn thân: Nhức đầu, chóng mặt, sốt
- Tuần hoàn: Hạ huyết áp tư thế, hạ huyết áp khi đứng, phù
- Thần kinh trung ương: An thần
- Nội tiết: Giảm tình dục
- Tiêu hóa: Khô miệng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy
- Hô hấp: Ngạt mũi
Bạn nên thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
6. Tương tác thuốc khi dùng Methyldopa
Bạn không nên sử dụng đồng thời với:
- Thuốc lợi niệu và thuốc chữa tăng huyết áp khác: có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp, gia tăng các phản ứng bất lợi của thuốc.
- Thuốc gây mê: phải giảm liều của thuốc gây mê; nếu hạ huyết áp trong khi gây mê có thể dùng thuốc co mạch.
- Lithi: làm tăng độc tính của lithi.
- Thuốc ức chế monoamin oxidase (MAO): vì gây hạ huyết áp quá mức.
- Amphetamin, các thuốc kích thích thần kinh trung ương, thuốc chống trầm cảm 3 vòng: gây giảm tác dụng chữa tăng huyết áp và mất sự kiểm soát huyết áp.
- Digoxin: tăng tác dụng làm chậm nhịp tim.
- Levodopa: tăng tác dụng hạ huyết áp và tăng độc tính trên thần kinh.
- Thuốc có chứa sắt: do sắt làm giảm hấp thu methyldopa dẫn đến giảm nồng độ methyldopa trong huyết tương và làm giảm tác dụng chống tăng huyết áp của methyldopa.
- Thuốc tránh thai uống: vì làm tăng nguy cơ tổn thương mạch máu và gây khó kiểm soát huyết áp.
7. Lưu ý khi dùng thuốc Methyldopa
Một vài lưu ý khi dùng thuốc như:
- Nên định kỳ kiểm tra số lượng hồng cầu, hemoglobin, hematocrit và làm test gan trong 6 – 12 tuần đầu điều trị hoặc khi người bệnh bị sốt nhưng không rõ nguyên nhân.
- Methyldopa có thể gây dương tính giả test Coomb. Khi đang dùng thuốc phát hiện test Coomb dương tính hoặc dấu hiệu thiếu máu cần kiểm tra để xác định tan máu. Nếu khẳng định có thiếu máu tan máu thì phải ngừng thuốc.
8. Những đối tượng đặc biệt khi sử dụng thuốc Methyldopa
8.1. Phụ nữ có thai và đang cho con bú
Methyldopa có thể dùng cho người tăng huyết áp do mang thai gây ra. Thuốc không gây quái thai, nhưng trong số trẻ sinh ra từ các bà mẹ đã được điều trị bằng thuốc trong thời gian mang thai, đôi khi có thời kỳ bị hạ huyết áp.
Methyldopa bài tiết vào sữa mẹ, có thể gây nguy cơ đối với trẻ với liều điều trị thường dùng cho người cho con bú. Vì vậy thuốc không nên dùng cho người cho con bú.
Hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc.
8.2. Người lái tàu xe hay vận hành máy móc
Methyldopa có thể gây buồn ngủ, vì vậy không nên lái xe hoặc vận hành máy khi dùng thuốc.
9. Xử lý khi dùng quá liều
Quá liều cấp có thể gây hạ huyết áp với rối loạn chức năng của não và hệ tiêu hóa (an thần quá mức, mạch chậm, táo bón, đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn, nôn).
Khi gặp phải các dấu hiệu liệt kê ở trên, bạn nên ngừng dùng thuốc và lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
10. Xử lý khi quên một liều
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.
11. Cách bảo quản thuốc Methyldopa
Bảo quản thuốc nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ không quá 30oC, tránh ánh sáng trực tiếp.
Lưu ý: Để xa tầm tay trẻ em và đọc kỹ hưỡng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Qua bài viết này, YouMed đã giúp bạn trả lời cho câu hỏi Methyldopa là thuốc gì, công dụng, cách dùng và những điều cần lưu ý khi sử dụng. Việc sử dụng thuốc cần phải có sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu có xảy ra bất cứ tác dụng không mong muốn nào hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn hướng giải quyết tốt nhất!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Methyldopahttps://drugbank.vn/thuoc/Methyldopa-250mg&VD-21013-14
Ngày tham khảo: 27/10/2020
-
Dược thư Quốc gia Việt Nam năm 2018, trang 967.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf
Ngày tham khảo: 27/10/2020
-
Methyldopahttps://www.mims.com/vietnam/drug/info/methyldopa
Ngày tham khảo: 27/10/2020