Thuốc kháng nấm Sporal (itraconazol) và những điểm cần lưu ý
Nội dung bài viết
Thuốc Sporal (itraconazol) là thuốc gì? Trong quá trình dùng thuốc cần lưu ý những gì? Khi dùng thuốc, liệu sẽ phải trải qua những triệu chứng không mong muốn nào? Hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây của Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên để hiểu rõ về vai trò của Sporal nhé!
Tên thành phần hoạt chất: itraconazol.
Thuốc có thành phần tương tự: Acitral; Bestporal; Canditral; Conazonin; Eurotracon; Flunol; Fungotex; Funleo; Itaspor; Itcure; Itracap; Itracole; Itratil; Itraxcop; Itrazol; Itrex; Izol – Fungi; Izolmarksans; Kupitral; Pharmitrole; Raset; Rumycoz; Sanuzo; Scotrasix; Spobet; Sporacid; Sporanox IV; Taleva; Tanolox; Trifungi; Vanoran.
Sporal (itraconazol) là thuốc gì?
Sporal thuộc nhóm thuốc kháng nấm, virus và vi khuẩn. Thuốc có khả năng điều trị và phòng ngừa nhiễm nấm ngoài da và các cơ quan bên trong cơ thể.
Công dụng của thuốc Sporal (itraconazol) là gì?
- Nấm Candida ở miệng – họng, âm hộ – âm đạo.
- Lang ben.
- Bệnh nấm da chân, da bẹn, da thân, da kẽ tay, nấm móng chân, tay, nấm Blastomyces phổi và ngoài phổi, nấm Histoplasma bao gồm bệnh mạn tính ở khoang phổi và bệnh nấm Histoplasma rải rác, không ở màng não, nấm Aspergillus phổi và ngoài phổi ở người bệnh không dung nạp hoặc kháng với amphotericin B.
- Điều trị duy trì cho những người bệnh nhiễm HIV để phòng nhiễm nấm tiềm ẩn tái phát.
- Đề phòng nhiễm nấm trong thời gian giảm bạch cầu trung tính kéo dài, khi phác đồ điều trị thông thường cho thấy không hiệu quả.
Chống chỉ định
Không nên sử dụng thuốc Sporal cho các trường hợp sau:
- Mẫn cảm với itraconazol và các azol khác hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Dùng đồng thời với một số thuốc nhóm chống loạn nhịp, các thuốc hạ lipid máu (các statin), terfenadin, astemisol, triazolam dạng uống, midazolam dạng uống và cisaprid.
- Điều trị bệnh nấm móng cho phụ nữ mang thai hoặc dự định có thai.
Liều dùng thuốc Sporal (itraconazol)
Liều thường dùng cho người lớn
Điều trị ngắn ngày
- Nấm Candida miệng – hầu: 100 mg/ngày x 15 ngày. Người bệnh AIDS hoặc giảm bạch cầu trung tính: 200 mg/ngày x 15 ngày.
- Candida âm hộ – âm đạo: 200 mg/lần x 2 lần/ngày (dùng 1 ngày); hoặc uống 200 mg/lần/ngày x 3 ngày.
- Lang ben: 200 mg/lần/ngày x 7 ngày.
- Bệnh nấm da: 100 mg/lần/ngày x 15 ngày. Nếu nấm ở các vùng sừng hóa cao, điều trị kéo dài thêm 15 ngày với liều 100 mg/ngày.
Điều trị dài ngày (nhiễm nấm toàn thân) phụ thuộc vào đáp ứng lâm sàng và chủng loại nấm
- Bệnh nấm móng: 200 mg/lần/ngày x 3 tháng.
- Nấm Aspergillus: 200 mg/lần/ngày, điều trị từ 2 – 5 tháng. Có thể tăng liều: 200 mg/lần x 2 lần/ngày, nếu bệnh lan tỏa.
- Bệnh nấm Candida: 100 – 200 mg/lần/ngày, điều trị từ 3 tuần – 7 tháng. Có thể tăng liều đến 200 mg, ngày 2 lần, nếu bệnh lan tỏa.
- Nhiễm nấm Cryptococcus (không phải viêm màng não): 200 mg/ lần/ ngày, điều trị từ 6 – 12 tháng.
Trẻ em
Hiệu quả và an toàn thuốc chưa được khẳng định.
Mức liều 50 mg/ngày (trẻ cân nặng < 20 kg) hoặc 100 mg/ngày (trẻ cân nặng ≥ 20 kg) đã được dùng trong điều trị bệnh nấm da đầu.
Liều cho người suy giảm chức năng gan, thận
Kinh nghiệm còn hạn chế, nên thận trọng khi dùng thuốc cho những đối tượng này.
Cách dùng thuốc Sporal (itraconazol)
- Luôn luôn dùng thuốc này chính xác như bác sĩ đã kê.
- Nên uống itraconazole ngay lập tức sau một bữa ăn để thuốc có thể được hấp thụ tối đa. Lưu ý nuốt cả viên lượng nước nhỏ.
- Số lượng viên nang và thời gian điều trị sẽ phụ thuộc vào loại nấm và vị trí nhiễm trùng.
Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc Sporal (itraconazol)
Trường hợp nhiễm nấm Candida toàn thân nghi ngờ đã kháng fluconazol thì cũng có thể kém nhạy cảm với itraconazol. Do vậy, cần kiểm tra độ nhạy cảm với thuốc trước khi điều trị.
Mặc dù khi điều trị ngắn ngày thuốc không gây rối loạn chức năng gan, nhưng cũng không nên dùng thuốc cho người bệnh đã bị bệnh gan hoặc gan đã bị nhiễm độc do các thuốc khác. Khi điều trị dài ngày (> 30 ngày) phải định kỳ theo dõi chức năng gan.
Tác dụng phụ của thuốc Sporal (itraconazol)
- Chóng mặt, đau đầu, sốt, suy nhược.
- Buồn nôn, đau bụng, táo bón, rối loạn tiêu hóa.
- Phù, tăng huyết áp, đau ngực
- Các phản ứng dị ứng như ngứa, ngoại ban, nổi mày đay và phù mạch; hội chứng Stevens – Johnson, bệnh thần kinh ngoại vi. Rối loạn công thức máu, giảm kali huyết (khi dùng dài ngày).
- Rối loạn kinh nguyệt.
- Tăng có hồi phục các men gan, viêm gan, đặc biệt sau khi điều trị thời gian dài.
- Ngoài ra cũng thấy có nguy cơ viêm gan, giảm kali huyết, phù và rụng lông, tóc, đặc biệt sau điều trị thời gian dài >1 tháng với itraconazol.
Phụ nữ mang thai và cho con bú có sử dụng thuốc Sporal (itraconazol) được không?
Phụ nữ mang thai
Chưa có nghiên cứu trên phụ nữ mang thai.
Do đó, chỉ dùng cho phụ nữ mang thai khi thật cần thiết.
Phụ nữ cho con bú
Thuốc có phân bố vào sữa mẹ.
Nên cân nhắc lợi ích của việc dùng thuốc cho người mẹ và nguy cơ có thể xảy ra với trẻ.
Do đó, không nên cho trẻ bú khi người mẹ dùng Sporal.
Tương tác thuốc
Có thể sẽ xảy ra tương tác khi dùng chung thuốc Sporal với các thuốc sau:
- Với các thuốc chống loạn nhịp: Itraconazol có thể gây tăng nồng độ quinidin, dofetilid khi dùng đồng thời làm tăng tác động không mong muốn nghiêm trọng trên tim, gây rối loạn tim đến mức đe dọa tính mạng, có thể gây tử vong đột ngột.
- Các thuốc hạ cholesterol máu (chống tăng lipid) như lovastatin, atorvastatin, simvastatin, pravastatin.., itraconazol có thể làm tăng nồng độ các thuốc này trong máu làm tăng tác dụng và tăng nguy cơ độc.
- Thuốc chống retrovirus: Itraconazol gây tăng nồng độ maraviroc.
- Terfenadin, astemisol, cisaprid: làm tăng nồng độ các thuốc này trong huyết tương, giảm độ thanh thải thuốc. Chống chỉ định dùng đồng thời itraconazol với các thuốc này.
- Benzodiazepin (diazepam, midazolam, triazolam): Itraconazol có thể gây tăng nồng độ hoặc làm tăng hoặc kéo dài tác dụng an thần, gây ngủ.
- Warfarin: Itraconazol làm tăng tác dụng chống đông của chất này.
- Nifedipin, Felodipin, Verapamil (thuốc chẹn calci): Itraconazol có thể ức chế chuyển hóa các thuốc này đồng thời có thể có tác dụng gây co thắt tim, thêm vào tác dụng của itraconazol.
- Các thuốc kháng acid, hoặc các chất kháng H2 (cimetidin, ranitidin) hoặc omeprazol, sucralfat, sinh khả dụng của itraconazol sẽ bị giảm đáng kể, làm mất tác dụng điều trị chống nấm.
- Rifampicin, isoniazid, phenobarbital, phenytoin làm giảm nồng độ itraconazol trong huyết tương.
Nếu tôi quên liều thuốc Sporal (itraconazol) thì xử trí ra sao?
Trường hợp quên một liều hãy uống ngay sau khi nhớ ra. Thời điểm gần với liều kế tiếp thì bỏ qua liều đã quên và dùng thuốc theo đúng lịch trình.
Không dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên.
Nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?
Quá liều và xử trí
Chưa có nhiều thông tin về trường hợp quá liều.
Một số người bệnh dùng liều > 1.000 mg có các triệu chứng tương tự phản ứng phụ ở liều khuyên dùng.
Điều trị
Người bệnh cần được điều trị triệu chứng và hỗ trợ, rửa dạ dày nếu cần thiết.
Lưu ý
- Không có thuốc giải độc đặc hiệu.
- Cần biết không loại được itraconazol bằng thẩm tách máu.
Cách bảo quản
- Nhiệt độ phù hợp để bảo quản thuốc là < 25°C.
- Bảo quản thuốc ở nơi thoáng mát, khô ráo.
- Tránh để thuốc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời và tránh nơi ẩm ướt (nhà tắm).
- Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ và thú cưng.
- Không dùng thuốc đã hết hạn sử dụng.
Thuốc Sporal (itraconazol) giá bao nhiêu?
Thuốc trị nấm Sporal 100mg có thể tìm mua dễ dàng tại các nhà thuốc Tây trên toàn quốc. Giá thuốc Sporal tham khảo là 90.000đ/Hộp 1 vỉ x 4 viên. Hoặc thuốc được bán với giá dao động từ 80 – 100.000 đồng/ hộp. Giá thành có thể chênh lệch ở một số đại lý bán lẻ và các nhà thuốc.
Sporal là một thuốc biệt dược có chứa itraconazol dùng để kiểm soát cũng như điều trị các bệnh nhiễm nấm. Bên cạnh hiệu quả mà thuốc mang lại thì người bệnh cũng sẽ phải trải qua những triệu chứng không mong muốn, mức độ càng ngày càng nghiêm trọng nếu thời gian tiếp xúc với độc tính của thuốc càng lâu. Do đó, nếu tình trạng bệnh trở nặng hoặc các triệu chứng này trở nên tệ hơn thì hãy gọi ngay cho bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Dược thư quốc gia 2018, trang 849.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=849
-
Itraconazole 100mg Capsules, Hardhttps://www.medicines.org.uk/emc/files/pil.5914.pdf
Ngày tham khảo: 10/01/2020