Thuốc Micardis® (telmisartan): Cách dùng và những lưu ý cần thiết
Nội dung bài viết
Tăng huyết áp đang trở thành một căn bệnh vô cùng phổ biến hiện nay. Có rất nhiều thuốc điều trị tăng huyết áp trong đó có Micardis (telmisartan). Vậy Micardis tác dụng như thế nào đối với bệnh tăng huyết áp? Cơ chế tác dụng của thuốc ra sao?
Thành phần hoạt chất: telmisartan
Thuốc chứa thành phần tương tự: Bio-car, Cilzec, Lowlip…
Micardis là thuốc gì?
Micardis (telmisartan) chứa thành phần là telmisartan có tác dụng trong điều trị tăng huyết áp vô căn. Telmisartan không gây tác dụng phụ ho khan như một số thuốc tăng huyết áp khác nên thuốc được lựa chọn thay thế cho trường hợp bệnh nhân bị tác dụng phụ ho khan khi dùng thuốc.
Micardis được chỉ định trong trường hợp nào?
Micardis (telmisartan) được có hai chỉ định là điều trị tăng huyết áp vô căn và phòng ngừa bệnh lý và tử vong do tim mạch ở những bệnh nhân từ 55 tuổi trở lên và nguy cơ cao bệnh lý tim mạch. Tùy theo từng tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định liều phù hợp.
>> Thuốc Micardis được chỉ định cho tăng huyết áp vô căn. Vậy tăng huyết áp vô căn là gì? Tìm hiểu ngay!
Cách uống thuốc Micardis
Đối với chỉ định điều trị tăng huyết áp
Liều khởi đầu thông thường là 40 mg x 1 lần/ngày, có thể tăng liều lên 80 mg x 1 lần/ngày. Dùng đơn liệu pháp hoặc phối hợp với thuốc lợi tiểu nhóm thiazid. Không cần chỉnh liều ban đầu ở người lớn tuổi hoặc người mắc bị suy thận. Suy gan nhẹ & vừa: tối đa 40 mg/ngày.
Đối với chỉ định phòng ngừa bệnh lý tim mạch
Liều khuyến cáo 80mg 1 lần/ngày.
Có thể uống Micardis (telmisartan) cùng hoặc không cùng thức ăn.
Trường hợp không được sử dụng thuốc Micardis
- Quá mẫn với thành phần của thuốc.
- Phụ nữ có thai 3 tháng giữa & 3 tháng cuối & khi cho con bú.
- Tắc mật.
- Suy gan nặng.
Những thuốc nào không nên dùng chung với Micardis (telmisartan)?
Dùng chung các thuốc kháng viêm giảm đau nhóm NSAIDs với telmisartan làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về thận.
Những triệu chứng có thể gặp khi dùng thuốc?
- Nhiễm trùng và nhiễm ký sinh trùng: Nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Rối loạn hệ máu và bạch huyết: thiếu máu, tăng bạch cầu ái toan, giảm tiểu cầu.
- Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: tăng kali huyết, hạ kali ở người bệnh đái tháo đường.
- Rối loạn tâm thần: lo lắng, mất ngủ, trầm cảm.
- Rối loạn thần kinh: ngất xỉu.
- Rối loạn thị lực.
- Chóng mặt.
- Rối loạn tim: nhịp tim chậm, nhịp tim nhanh.
- Rối loạn mạch: huyết áp thấp, hạ huyết áp tư thế đứng.
- Rối loạn hô hấp: khó thở.
- Rối loạn tiêu hóa: đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu.
- Rối loạn da và mô mỡ dưới da: phù, chàm, ban đỏ, ngứa,..
- Rối loạn xương khớp: đau khớp, đau lưng, đau cơ…
- Rối loạn toàn thân: đau ngực, có triệu chứng giống cúm.
Cần bảo quản thuốc như thế nào?
Bảo quản Micardis (telmisartan) trong bao bì, ở nhiệt độ không quá 30 độ C, tránh ẩm, tránh ánh sáng trực tiếp.
>> Tăng huyết áp diễn tiến âm thầm nhưng nguy hiểm khó lường. Nắm vững những câu hỏi thường gặp về bệnh tăng huyết áp sẽ giúp bạn chăm sóc sức khỏe bản thân tốt hơn!
Micardis (telmisartan) là một thuốc có tác dụng hạ huyết áp còn dùng để phòng ngừa bệnh lý tim mạch. Ưu điểm của thuốc là không gây ho khan như một số thuốc trị tăng huyết áp khác.
Ngoài ra Telmisartan còn có được sử dụng phối hợp với thuốc lợi tiểu để tăng hiệu quả điều trị. Không được tự ý sử dụng Micardis (telmisartan) mà cần được chẩn đoán và chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan hơn về thuốc Micardis (telmisartan).