Bạn biết gì về thuốc kiểm soát huyết áp Natrilix SR (indapamid)?
Nội dung bài viết
Thuốc Natrilix SR (indapamid) là gì? Dùng thuốc như thế nào để đạt được hiệu quả? Cần lưu ý những điều gì khi dùng thuốc? Hãy cùng YouMed phân tích bài viết dưới đây để hiểu sâu về thuốc Natrilix SR (indapamid) nhé!
Thành phần hoạt chất: indapamid
Tên thành phần tương tự: Diuresin SR; Indapa SR; Indapen; Indatab SR; Inpalix; Lorvas; Pamidstad 2,5; pms-Indapamide; Rafin SR; Rinalix-Xepa.
1. Thuốc Natrilix SR (indapamid) là thuốc gì?
Natrilix SR là một biệt dược có chứa indapamid. Trong đó, indapamid là một sulfonamid lợi tiểu, không thuộc nhóm thiazid. Do đó, thuốc có tác dụng lợi tiểu và chống tăng huyết áp.
Chỉ định thuốc Natrilix SR (indapamid) với mục đích làm giảm huyết áp ở người trưởng thành.
2. Trường hợp không dùng thuốc Natrilix SR (indapamid)
Dị ứng với indapamid hoặc dị ứng với bất kì thành phần nào của thuốc hoặc dị ứng với nhóm sulfonamid.
Lưu ý, indapamid không được dùng cho các trường hợp mới bị tai biến mạch máu não, vô niệu.
3. Hướng dẫn dùng thuốc Natrilix SR (indapamid)
4.1. Cách dùng
- Dùng bằng đường uống.
- Thời điểm uống: nên uống thuốc vào buổi sáng.
- Trường hợp phải uống nhiều lần trong một ngày thì lần uống cuối cùng trong ngày nên trước 6 giờ tối.
4.2. Liều dùng
4.2.1. Tăng huyết áp
- Liều ban đầu: 1,25 mg/ngày, uống 1 lần. Trường hợp vẫn không đáp ứng đủ, sau 4 tuần, có thể tăng lên tới 2,5 mg/ngày.
- Không cần thiết dùng liều >2,5 mg indapamid vì tác dụng chống tăng huyết áp không tăng thêm mà tác dụng lợi tiểu lại tăng rõ.
Huyết áp có thể tiếp tục giảm và chỉ đạt hiệu quả tối đa sau nhiều tháng điều trị. Việc sử dụng indapamid đồng thời với các thuốc chống tăng huyết áp khác có kết quả hạ huyết áp tốt hơn và tỷ lệ người bệnh đáp ứng với thuốc tăng so với người bệnh dùng một thuốc. Tuy nhiên cũng cần thông báo cho người bệnh biết khi kết hợp với thuốc chống tăng huyết áp khác có thể gia tăng khả năng hạ huyết áp thế đứng.
4.2.2. Điều trị phù
- Liều dùng cho người lớn là 2,5 mg indapamid, dùng một lần trong
ngày và sau 1 tuần có thể tăng tới 5 mg/lần/ngày. - Hiện nay có những thuốc lợi tiểu mạnh hơn như bumetanid hoặc furosemid.
- Chú ý: Chưa có kinh nghiệm dùng indapamid cho trẻ em
5. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Natrilix SR (indapamid)
- Mờ mắt
- Mệt mỏi, yếu cơ
- Chán ăn, buồn nôn, nôn
- Rối loạn điện giải và dịch
- Cảm giác lo âu, bồn chồn
- Đau đầu, chóng mặt hoa mắt
- Phát ban, mẩn ngứa, mày đay
- Táo bón, ỉa chảy, khó chịu ở dạ dày
- Hạ huyết áp thế đứng, đánh trống ngực
Nhìn chung triệu chứng sẽ mất trong khoảng 2 tuần sau khi ngừng điều trị, thường không cần phải điều trị.
6. Tương tác thuốc khi dùng Natrilix SR (indapamid)
- Lithi: giảm sự thanh thải của thận đối với lithi, do đó gây nguy cơ ngộ độc lithi. Thuốc làm tăng tác dụng của các thuốc hạ huyết áp và cũng tăng tiềm lực hạ huyết áp tư thế.
- Digitalis, corticosteroid, corticotropin, amphotericin B: tăng mất kali huyết khi dùng kèm.
- Đương quy (có hoạt tính estrogen), ma hoàng, yohimbe, nhân sâm: tình trạng tăng huyết áp trở nên tệ hơn.
Lưu ý, indapamid giảm đáp ứng của động mạch đối với chất gây co mạch như noradrenalin, nhưng mức giảm không đủ để ngăn cản tác dụng điều trị của noradrenalin.
7. Lưu ý khi dùng thuốc Natrilix SR (indapamid)
Việc dùng thuốc cần phải thận trọng ở các đối tượng bị bệnh thận nặng. Lưu ý, nếu tổn thương thận tiến triển thì phải ngừng sử dụng indapamid. Ngoài ra, cần thận trọng khi sử dụng indapamid cho người bệnh mắc bệnh về gan (suy giảm chức năng gan hoặc bệnh gan tiến triển).
Với những bệnh nhân cao tuổi hoặc đối tượng đang dùng kèm glycosid tim hoặc trước đó đã bị loạn nhịp tâm thất hoặc các trường hợp giảm kali máu phải thật cẩn thận khi sử dụng thuốc.
Trong thời gian điều trị bằng indapamid, phải định kỳ xác định nồng độ đường trong máu, đặc biệt ở người bệnh đã bị hoặc nghi ngờ đái tháo đường. Phải thật thận trọng với những người bệnh cường cận giáp hoặc các bệnh tuyến giáp. Nếu trong quá trình sử dụng indapamid xuất hiện tăng calci máu và giảm phosphat, phải ngừng thuốc trước khi tiến hành thử chức năng cận giáp.
Đối với người bệnh phẫu thuật cắt bỏ thần kinh giao cảm, sử dụng indapamid cũng phải thận trọng vì tác dụng hạ huyết áp của thuốc có thể tăng lên ở những người bệnh này.
8. Lưu ý gì ở phụ nữ có thai và cho con bú khi dùng thuốc Natrilix SR (indapamid)
8.1. Thời kỳ mang thai
Nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc không gây độc hại đối
với sự phát triển của thai. Tuy vậy, trên người mang thai chưa có nghiên cứu đầy đủ và hoàn chỉnh nên không được dùng indapamid cho người mang thai trừ phi lợi ích của việc sử dụng thuốc lớn hơn bất cứ nguy cơ tiềm tàng nào của thuốc.
8.2. Thời kỳ cho con bú
Hiện chưa biết indapamid có phân bố ở trong sữa hay không. Nếu cần thiết phải sử dụng thuốc cho người cho con bú thì phải ngừng cho con bú.
9. Xử trí khi dùng quá liều thuốc Natrilix SR (indapamid)
Triệu chứng do quá liều gồm có rối loạn chất điện giải, hạ huyết áp, yếu cơ, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, suy hô hấp.
Việc điều trị quá liều là điều trị triệu chứng, không có thuốc giải độc đặc hiệu. Nếu quá liều cấp tính, cần tiến hành rửa dạ dày hoặc gây nôn ngay. Cần đánh giá cẩn thận cân bằng nước và chất điện giải sau khi rửa dạ dày. Điều trị hỗ trợ duy trì chức năng hô hấp và tuần hoàn.
10. Trường hợp quên một liều thuốc Natrilix SR (indapamid)
- Trường hợp quên liều, hãy dùng ngay sau khi nhớ ra.
- Tuy nhiên, nếu liều đã quên gần với liều kế tiếp thì hãy bỏ qua liều đã quên và dùng với lịch dùng thuốc như bình thường.
- Lưu ý, đặc biệt không dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên.
11. Cách bảo quản thuốc
- Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và trẻ nhỏ, kể cả thú cưng.
- Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo thoáng mát.
- Không để thuốc ở nơi có ánh sáng chiếu trực tiếp hoặc những nơi ẩm ướt (trong phòng tắm).
- Để ý đến hạn sử dụng của thuốc trên bao bì để tránh dùng.
Thuốc Natrilix SR là một biệt dược có chứa hoạt chất indapamid, thuộc nhóm lợi tiểu. Thuốc được chỉ định nhằm giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn. Tuy nhiên, trong quá trình dùng thuốc sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ có thể là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn,.. Lưu ý nếu tình trạng huyết áp trở nên tệ hơn hoặc các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn hãy liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ và xử lí kịp thời.
Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Natrilix SR 1.5 mg Tablets https://www.medicines.org.uk/emc/product/1152/pil Ngày truy cập 09.04.2020 NATRILIX SR 1.5MG TABLETS https://www.drugs.com/uk/natrilix-sr-1-5mg-tablets-leaflet.html Ngày truy cập 09.04.2020 Brand name: Natrilix SR https://www.healthdirect.gov.au/medicines/brand/amt,47361000168100/natrilix-sr Ngày truy cập 09.04.2020