YouMed

Thuốc Pentoxifylline: Công dụng, cách dùng và những điều cần lưu ý

dược sĩ nguyễn hoàng bảo duy
Tác giả: Dược sĩ Nguyễn Hoàng Bảo Duy
Chuyên khoa: Dược

Thuốc Pentoxifylline là thuốc gì? Thuốc được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý như thế nào? Cách dùng ra sao và có những điều gì cần phải lưu ý xuyên suốt quá trình dùng thuốc? Hãy cùng YouMed tìm hiểu và phân tích Pentoxifylline qua bài viết dưới đây!

Tên thành phần hoạt chất: pentoxifylline.

Tên một số biệt dược chứa hoạt chất pentoxifylline: Capental SR, Perental L.P…

1. Thuốc Pentoxifylline là thuốc gì?

Pentoxifylin là một dẫn chất của xanthin với tác dụng chủ yếu là giảm độ nhớt của máu, có thể do làm hồng cầu dễ uốn biến dạng, làm giảm bám dính và kết tập của tiểu cầu. Từ đó, thuốc cải thiện được lưu lượng máu, làm tăng lưu lượng máu đến các mô bị thiếu máu cục bộ và tăng nồng độ oxy mô ở người bị viêm tắc mạn tính động mạch ngoại biên.

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén hoặc dung dịch thuốc tiêm.

Thuốc Pentoxifylline
Thuốc Pentoxifylline

2. Công dụng của thuốc Pentoxifylline

Pentoxifylline được chỉ định trong một số trường hợp:

  • Điều trị chứng đau cách hồi do viêm tắc động mạch ngoại vi mạn tính.
  • Viêm tắc động mạch do tiểu đường.
  • Rối loạn dinh dưỡng liên quan đến huyết khối động mạch và tĩnh mạch.
  • Loét và hoại tử chân.
  • Bệnh Raynaud.
  • Bệnh lý mạch máu não.
  • Rối loạn mạch võng mạc.
  • Rối loạn chức năng tai trong liên quan đến sự rối loạn cung cấp máu.
  • Cải thiện chức năng của các chi và các triệu chứng của bệnh, nhưng không thể thay thế được phương pháp điều trị căn bản đối với bệnh viêm tắc mạch ngoại biên như phẫu thuật bắc cầu nối hoặc can thiệp tái tạo mạch đoạn hẹp tắc động mạch khi có chỉ định (như nong stent động mạch bằng can thiệp qua da).

Bạn nên nhớ đây là thuốc bán theo đơn và chỉ được sử dụng khi có chỉ dẫn của bác sĩ.

3. Trường hợp không nên dùng Pentoxifylline

Thuốc được chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Mẫn cảm với pentoxifilin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Người bệnh mới bị xuất huyết não và/hoặc xuất huyết võng mạc.
  • Người bệnh đã có tiền sử trước đây không dung nạp đối với pentoxifylin hoặc các dẫn xuất của methylxanthin như cafein, theophylin hoặc theobromim.
  • Nhồi máu cơ tim giai đoạn cấp, bệnh động mạch vành nặng.
  • Người bệnh có nguy cơ hoặc đang có xuất huyết nặng, loạn nhịp nặng, loét dạ dày/tá tràng.
Thuốc chống chỉ định với một số trường hợp
Thuốc chống chỉ định với một số trường hợp

4. Hướng dẫn dùng thuốc Pentoxifylline

4.1. Liều dùng

Pentoxifylline là thuốc được chỉ định theo đơn của bác sĩ. Liều lượng cần được điều chỉnh phù hợp với độ tuổi và triệu chứng bệnh của từng bệnh nhân. Tùy theo từng đối tượng sử dụng mà liều dùng của thuốc sẽ khác nhau. Bạn nên lưu ý rằng, liều trình bày dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Do đó, bạn không được tự ý dùng mà phải tuân thủ chính xác liều lượng mà bác sĩ hướng dẫn.

Đối với thuốc dạng viên nén: Khởi đầu mỗi lần 400mg, ngày 2 lần, sau đó có thể tăng lên 3 lần/ngày. Nếu có các phản ứng có hại về tiêu hóa hoặc thần kinh trung ương, giảm liều thành mỗi lần 400mg, ngày 2 lần. Nếu vẫn còn các phản ứng có hại, bạn phải ngừng dùng thuốc.

Đối với dung dịch tiêm:

  • Truyền tĩnh mạch: 1 – 2 lần/ngày, mỗi lần 100 – 600mg (1 – 6 ống), hòa tan trong 100 – 500ml nước muối. Tốc độ truyền 100mg/giờ.
  • Tiêm bắp: 100mg/lần, dùng 2 – 3 lần/ngày. Không dùng quá 1.200mg/ngày.

4.2. Cách dùng

Đối với thuốc viên: Nên uống trong bữa ăn để giảm các rối loạn về tiêu hoá. Bạn nên uống nguyên viên, không nhai, bẻ hoặc nghiền viên thuốc trước khi uống.

Đối với thuốc tiêm: Bạn cần có sự hỗ trợ từ bác sĩ và không nên tự ý sử dụng thuốc.

5. Tác dụng phụ của thuốc Pentoxifylline

Tác dụng không mong muốn bạn có thể gặp phải khi sử dụng thuốc:

Pentoxifylline gây một số tác dụng phụ khi uống
Pentoxifylline gây một số tác dụng phụ khi uống

Bạn nên thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

6. Tương tác thuốc khi dùng Pentoxifylline

Bạn không nên sử dụng đồng thời với:

  • Các thuốc uống chống đông máu và thuốc ức chế kết tập tiểu cầu (warfarin, clopidogrel…).
  • Các thuốc kháng axit (Maloox, Gastropulgite…).
  • Ketorolac hoặc meloxicam do tăng nguy cơ chảy máu.
  • Cimetidin.
  • Erythromycin.

7. Lưu ý khi dùng thuốc Pentoxifylline

Một vài lưu ý khi dùng thuốc như:

  • Nên tránh dùng Pentoxifylin trong xuất huyết não, xuất huyết võng mạc nặng, loạn nhịp tim nặng và nhồi máu cơ tim cấp.
  • Dùng thuốc thận trọng ở người bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, huyết áp thấp hoặc không ổn định.
  • Pentoxifylin được coi là không an toàn đối với người bệnh có rối loạn chuyển hóa porphyrin.
  • Độ an toàn và hiệu quả đối với trẻ em dưới 18 tuổi chưa được xác định.

8. Những đối tượng đặc biệt khi sử dụng thuốc Pentoxifylline

8.1. Phụ nữ có thai và đang cho con bú

Chỉ nên sử dụng thuốc khi lợi ích mang lại vượt trội hơn rất nhiều so với nguy cơ.

Hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc.

8.2. Người lái tàu xe hay vận hành máy móc

Thận trọng khi sử dụng thuốc khi lái xe hay vận hành máy móc do thuốc có thể gây hoa mắt, chóng mặt.

9. Xử lý khi dùng quá liều thuốc Pentoxifylline

Các triệu chứng chính khi dùng quá liều Pentoxifylline là đỏ bừng, hạ huyết áp, co giật, ngủ gà, mất ý thức, sốt và kích động.

Khi gặp phải các dấu hiệu liệt kê ở trên, bạn nên ngừng dùng thuốc và lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

10. Xử lý khi quên một liều thuốc Pentoxifylline

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

11. Cách bảo quản thuốc Pentoxifylline

Bảo quản thuốc nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ không quá 30oC, tránh ánh sáng trực tiếp.

Lưu ý: Để xa tầm tay trẻ em và đọc kỹ hưỡng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Qua bài viết này, YouMed đã giúp bạn trả lời cho câu hỏi Pentoxifylline là thuốc gì, công dụng, cách dùng và những điều cần lưu ý khi sử dụng. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu có xảy ra bất cứ tác dụng không mong muốn nào hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn hướng giải quyết tốt nhất!

Dược sĩ Nguyễn Hoàng bảo Duy

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Tờ Hướng dẫn sử dụng thuốc Pentoxifylline
  • Mims.com/ Pentoxifylline
  • Dược thư Quốc gia Việt Nam năm 2018
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người