YouMed

Thuốc sinh học trị vảy nến: Hiệu quả giảm tổn thương da và các bệnh đồng mắc

bác sĩ nguyễn thị thảo
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo
Chuyên khoa: Da liễu

Bệnh vảy nến không chỉ gây ảnh hưởng bởi những sang thương trên da, mà còn có thể dẫn đến những bệnh đồng mắc (bệnh đi kèm) khác. Thuốc sinh học trị vảy nến là một trong những phương pháp có thể cải thiện tổn thương cả trên da và các bệnh đồng mắc. Mời bạn đọc tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây của Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo nhé!

Cơ chế hoạt động của thuốc sinh học trị vảy nến

Thuốc sinh học là chế phẩm được sản xuất từ các sinh vật sống (ví dụ như vi sinh vật, tế bào thực vật hoặc động vật). Thuốc sinh học thường được dùng trong điều trị bệnh, hỗ trợ chẩn đoán hoặc giúp phòng ngừa bệnh.1

Trong bệnh vảy nến, hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, các tế bào miễn dịch tiết ra các chất gây viêm tấn công da, kích thích da tăng sinh nhanh chóng, tạo ra các mảng vảy trên da. Ngoài ra, các chất này còn tấn công những vùng khác ngoài da như khớp, hệ tim mạch,… Vậy nên, có thể nói vảy nến không chỉ là bệnh ngoài da mà được xem là bệnh của hệ thống toàn cơ thể.2

Thuốc sinh học dùng trong điều trị vảy nến sẽ giúp ức chế các chất gây viêm mà hệ thống miễn dịch tiết ra, ngăn chặn không cho các chất này tác động lên da cũng như các vùng khác trong cơ thể. Đây là cơ chế chủ chốt trong điều trị bệnh vảy nến.3

Thuốc sinh học giúp giảm các mảng vảy trên da, giúp da phục hồi lại nhanh chóng. Ngoài ra, vì cơ chế nhắm trúng các chất gây viêm, thuốc sinh học còn giúp cải thiện triệu chứng các cơ quan khác, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh vảy nến.3

Thuốc sinh học ức chế các chất tiền viêm, ngăn chặn chúng tác động lên da và các vùng khác trên cơ thể
Thuốc sinh học ức chế các chất tiền viêm, ngăn chặn chúng tác động lên da và các vùng khác trên cơ thể

Hiệu quả giảm tổn thương trên da của thuốc sinh học trị vảy nến

Hiện nay, các thuốc sinh học trong điều trị vảy nến được phân loại dựa trên loại chất gây viêm mà thuốc tác động. Hiệu quả và thời gian cải thiện triệu chứng bệnh sẽ khác nhau tùy theo từng loại thuốc. Tuy nhiên, nhìn chung, thuốc sinh học vẫn có tác động tốt hơn các phương pháp điều trị truyền thống.

Các loại thuốc sinh học trị vảy nến thường được sử dụng tại Việt Nam gồm các nhóm: ức chế TNF alpha, ức chế interleukin 17, ức chế interleukin 12/23, ức chế interleukin 23.3

Khoảng 70% – 80% bệnh nhân vảy nến đạt được hiệu quả sạch hoặc gần sạch tổn thương trên da (sạch khoảng 90% theo thang điểm PASI) sau khoảng 16 tuần điều trị bằng các thuốc sinh học mới.4 5 Hiệu quả điều trị có thể kéo dài đến 52 tuần.5

Số lượng bệnh nhân đạt hiệu quả sạch tổn thương trên da khi sử dụng thuốc sinh học nhiều hơn số bệnh nhân sử dụng các thuốc uống điều trị toàn thân khác, với độ an toàn của các thuốc là tương đương nhau.6

Khoảng 70% - 80% bệnh nhân vảy nến đạt hiệu quả sạch/gần sạch tổn thương da khi điều trị bằng thuốc sinh học
Khoảng 70% – 80% bệnh nhân vảy nến đạt hiệu quả sạch/gần sạch tổn thương da khi điều trị bằng thuốc sinh học

Hiệu quả của thuốc sinh học trong việc cải thiện các thương tổn khác không phải da

1. Tổn thương khớp

Khoảng ⅓ bệnh nhân vảy nến có tổn thương khớp kèm theo.7 Trước khi áp dụng liệu pháp sinh học vào cuối những năm 1990, điều trị viêm khớp vảy nến chủ yếu bao gồm các loại thuốc uống như thuốc kháng viêm và thuốc ức chế miễn dịch. Mặc dù có hiệu quả trên viêm khớp vảy nến, nhưng những loại thuốc này thường không đạt được mức độ thuyên giảm cao. Và thường có nhiều tác dụng phụ kèm theo.8

Viêm khớp vảy nến cũng do các yếu tố của hệ miễn dịch tấn công vào các khớp gây ra. Do đó, thuốc sinh học được xem là phương pháp hiệu quả để chữa viêm khớp vảy nến.8

Thuốc sinh học đã cho thấy hiệu quả trong việc cải thiện các triệu chứng lâm sàng của viêm khớp vảy nến. Bao gồm: đau, sưng, cứng khớp, giúp cải thiện chức năng, chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.8

Thuốc sinh học được xem là phương pháp hiệu quả để chữa viêm khớp vảy nến
Thuốc sinh học được xem là phương pháp hiệu quả để chữa viêm khớp vảy nến

2. Các vấn đề về tâm lý

Có đến hơn 10% bệnh nhân vảy nến đã được chẩn đoán trầm cảm hoặc rối loạn lo âu kèm theo. Vấn đề này là gánh nặng lớn, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh.9

Thuốc sinh học được cho là có lợi trên những vấn đề tâm lý này. Nghiên cứu cho thấy, số bệnh nhân điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học sẽ ít có triệu chứng trầm cảm hơn bệnh nhân điều trị bằng các phương pháp khác.9

3. Các bệnh đồng mắc khác

Như đã trình bày ở các phần trên, những chất gây viêm trong bệnh vảy nến tác động đến hầu hết các vùng khác trong cơ thể. Điều này làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh khác như bệnh tim mạch, bệnh gan nhiễm mỡ, rối loạn mỡ máu và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác đối với sức khoẻ.10

Thuốc sinh học đã cho thấy hiệu quả trên những vấn đề này, cụ thể:

  • Giảm nồng độ cholesterol có hại trong máu.11
  • Giảm nồng độ đường huyết.12
  • Giảm chỉ số viêm trong bệnh vảy nến. Chỉ số này giảm càng nhiều thì bệnh nhân càng ít có nguy cơ gặp biến cố tim mạch.13
  • Giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.14

Có thể thấy, thuốc sinh học trị vảy nến không chỉ giúp cải thiện các thương tổn trên da, mà còn giúp làm giảm các tổn thương ở những vùng khác như: khớp, tim mạch, gan, tâm lý,… Để có liệu trình điều trị phù hợp nhất, người bệnh cần liên hệ bác sĩ Da liễu để được thăm khám và chỉ định trị liệu cụ thể.

VN2312215823

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Biological Product Definitionshttps://www.fda.gov/files/drugs/published/Biological-Product-Definitions.pdf

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  2. Pathogenesis of psoriasis and development of treatmenthttps://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/1346-8138.14139

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  3. Joint AAD-NPF guidelines of care for the management and treatment of psoriasis with biologicshttps://www.jaad.org/article/S0190-9622(18)33001-9/fulltext

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  4. Efficacy and Safety of Biologics for Psoriasis and Psoriatic Arthritis and Their Impact on Comorbidities: A Literature Reviewhttps://www.mdpi.com/1422-0067/21/5/1690

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  5. Pustular psoriasis: Managementhttps://www.uptodate.com/contents/pustular-psoriasis-management

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  6. Systemic pharmacological treatments for chronic plaque psoriasis: a network meta‐analysishttps://www.cochranelibrary.com/cdsr/doi/10.1002/14651858.CD011535.pub2/full

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  7. Global report on psoriasishttps://www.who.int/publications/i/item/9789241565189

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  8. Biologic Therapy of Psoriatic Arthritishttps://www.researchgate.net/publication/282945325_Biologic_Therapy_of_Psoriatic_Arthritis

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  9. The Psychological Burden of Skin Diseases: A Cross-Sectional Multicenter Study among Dermatological Out-Patients in 13 European Countrieshttps://www.jidonline.org/article/S0022-202X(15)37179-7/fulltext

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  10. Psoriasis: classical and emerging comorbiditieshttps://www.scielo.br/j/abd/a/BmtRNryvkSdwrv94Zsnn4Hh/

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  11. Anti-Interleukin-17 Therapy of Severe Psoriatic Patients Results in an Improvement of Serum Lipid and Inflammatory Parameters’ Levels, but Has No Effect on Body Composition Parametershttps://www.mdpi.com/2075-1729/11/6/535

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  12. Hyperglycemia Is Associated with Psoriatic Inflammation in Both Humans and Micehttps://www.jidonline.org/article/S0022-202X(19)30117-4/fulltext

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  13. Changes in metabolic parameters in psoriatic patients treated with secukinumabhttps://journals.sagepub.com/doi/10.1177/2040622320944777

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

  14. Reduced risk of mortality associated with systemic psoriasis treatment in the Psoriasis Longitudinal Assessment and Registry (PSOLAR): A nested case-control analysishttps://www.jaad.org/article/S0190-9622(20)32422-1/fulltext

    Ngày tham khảo: 21/12/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người