Thuốc Tegretol (carbamazepine): Công dụng, cách dùng và những lưu ý
Nội dung bài viết
Tegretol (carbamazepine) là thuốc gì? Trong quá trình dùng thuốc cần lưu ý gì về liều dùng cũng như cách dùng? Khi dùng thuốc Tegretol, liệu bạn sẽ phải trải qua những tác dụng phụ nào? Hãy cùng YouMed tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ về vai trò của Tegretol (carbamazepine) nhé!
Tên thành phần hoạt chất: carbamazepine.
Thuốc có thành phần tương tự: Calzepin; Carbadac 200; Carbatol-200; Cazerol; Taver; Tegretol 200; Tegretol CR 200; Umitol-200.
1. Tegretol (carbamazepine) là thuốc gì?
Hoạt chất chính của thuốc là Carbamazepine. Đây là một loại thuốc chống co giật và đồng thời cũng có thể điều trị các cơn đau và có thể kiểm soát rối loạn tâm thần.
2. Thuốc Tegretol (carbamazepine) được dùng trong những trường hợp nào?
Thuốc Tegretol được chỉ định trong những trường hợp:
- Động kinh cục bộ có triệu chứng phức hợp (động kinh tâm thần vận động, động kinh thùy thái dương).
- Tình trạng mắc động kinh cơn lớn (co cứng – co giật toàn bộ).
- Các kiểu động kinh phức hợp gồm các loại trên hoặc các loại động kinh cục bộ hoặc toàn bộ khác.
- Đau dây thần kinh tam thoa: Thuốc dùng để giảm đau trong bệnh đau dây thần kinh tam thoa và thuốc cũng có lợi ích trong đau dây thần kinh lưỡi – hầu.
- Carbamazepin không phải là thuốc giảm đau thông thường và không nên sử dụng để giảm đau trong các trường hợp không nghiêm trọng.
3. Trường hợp nào không nên dùng thuốc
Thuốc Tegretol chống chỉ định trong những trường hợp:
- Dị ứng với carbamazepine hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Bệnh nhân đã từng bị rối loạn tạo máu và suy tủy trước đây.
- Sử dụng đồng thời hoặc trong vòng 14 ngày với chất ức chế monoamin oxidase (IMAO), sử dụng đồng thời với nefazodon.
4. Cách dùng và liều dùng
4.1. Cách dùng
- Thuốc được dùng theo đường uống.
- Viên nén giải phóng kéo dài cần nuốt nguyên viên và không được nhai hoặc làm vỡ. Một số dạng viên nang giải phóng kéo dài có thể mở vỏ nang và các hạt thuốc có thể rắc vào thức ăn, nhưng không nên nhai hoặc nghiền.
- Dạng viên giải phóng kéo dài (viên nén hoặc viên nang) được dùng 2 lần/ngày với cùng liều dùng như các dạng bào chế thông thường.
4.2. Liều dùng
Bệnh nhân nên tuân theo hướng dẫn điều trị từ bác sĩ điều trị trong mọi trường hợp để đạt hiệu quả tốt nhất.
5. Những tác dụng phụ trong quá trình dùng thuốc
5.1. Triệu chứng tác dụng phụ
- Chóng mặt.
- Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu.
- Mất điều phối, mệt mỏi, ngủ gà, đau đầu.
- Chán ăn, buồn nôn, nôn, khô miệng, kích ứng trực tràng nếu dùng đạn trực tràng.
- Mày đay, dị ứng da.
- Khó điều tiết, nhìn một thành hai.
- Phù, giữ nước, tăng cân, hạ natri máu và nồng độ thẩm thấu trong máu giảm do tác dụng kiểu hormon kháng bài niệu, dẫn đến một số hiếm các trường hợp có nhiễm độc nước kèm theo ngủ lịm, nôn, đau đầu, trạng thái lú lẫn, các rối loạn tâm thần.
- Tiêu chảy, táo bón.
- Run, mất thăng bằng,loạn trương lực cơ, rung giật cơ, rung giật nhãn cầu.
- Tăng men gan.
- Viêm da tróc vảy và đỏ da.
5.2. Hướng dẫn cách xử trí ADR
- Các tác dụng không mong muốn khá phổ biến của Tegretol, đặc biệt trong giai đoạn đầu điều trị bao gồm: hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ và mất điều phối. Có thể giảm thiểu các tác dụng này bằng bắt đầu điều trị với liều thấp.
- Buồn ngủ và rối loạn chức năng tiểu não và vận nhãn cũng là các triệu chứng của nồng độ carbamazepin quá cao trong huyết tương và có thể hết khi tiếp tục điều trị với liều thấp.
- Các tác dụng không mong muốn liên quan đến liều dùng thường tự hết trong một vài ngày hoặc sau khi tạm thời giảm liều. Khi bị các tác dụng không mong muốn nặng như phát ban đỏ toàn thân, phản ứng quá mẫn, có thể cần phải ngừng điều trị.
6. Các tương tác cần chú ý khi dùng chung với thuốc Tegretol (carbazepine)
- Mefloquin có thể đối kháng tác dụng chống động kinh của Tegretol.
- Isotretinoin làm thay đổi sinh khả dụng và/hoặc độ thanh thải carbamazepin.
- Carbamazepin có thể làm giảm nồng độ và do vậy giảm hiệu quả điều trị của một số thuốc: levothyroxin, clobazam, clonazepam, ethosuximid, primidon, acid valproic, alprazolam, corticosteroid.
- Levotiracetam đã được báo cáo làm tăng độc tính carbamazepin.
- Sử dụng đồng thời carbamazepin và isoniazid đã được báo cáo làm tăng độc tính trên gan do isoniazid.
- Phối hợp carbamazepin với metoclopramid hoặc các thuốc an thần mạnh khác như haloperidol, thioridazin, có thể làm tăng tác dụng phụ trên hệ thần kinh.
- Ngoài ra, sử dụng đồng thời carbamazepin và một vài thuốc lợi tiểu (hydrochlorothiazid, furosemid) có thể dẫn đến giảm natri máu.
- Tegretol có thể đối kháng tác dụng của các thuốc giãn cơ không khử cực (như pancuronium).
7. Lưu ý khi dùng thuốc Tegretol (carbamazepine)
- Carbamazepin cần được sử dụng thận trọng trên các người bệnh mắc động kinh phức hợp bao gồm cả cơn vắng ý thức không điển hình.
- Thuốc có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm bao gồm các rối loạn về tạo máu, về da, các rối loạn về tim mạch, gan, thận.
- Lưu ý rằng việc ngừng đột ngột bất kỳ thuốc động kinh nào cũng có thể khởi phát cơn co giật hoặc động kinh liên tục. Nếu có thể được, nên ngừng thuốc từ từ.
- Người bệnh cần được kiểm tra kỹ càng trước khi dùng thuốc và được giám sát chặt chẽ trong quá trình điều trị.
- Cân nhắc kỹ lợi ích so với nguy cơ trên người bệnh đã từng bị rối loạn dẫn truyền tim, có tổn thương ở tim, gan, thận hoặc đã có phản ứng trên huyết học hoặc quá mẫn với các thuốc khác.
- Phản ứng trên da mức độ nặng và đôi khi gây tử vong.
- Tegretol làm tăng nguy cơ hành vi tự sát ở các người bệnh sử dụng thuốc này với bất kỳ chỉ định nào.
- Cần giám sát chặt các bệnh nhân có tăng nhãn áp. Ngoài ra, cần lưu ý về khả năng hoạt hóa cơn loạn thần và cơn lú lẫn hoặc kích động ở người cao tuổi.
- Tránh sử dụng thuốc trên người bệnh đã bị rối loạn chuyển hóa porphyrin.
- Thận trọng nếu sử dụng rượu trong khi điều trị với carbamazepin.
- Cần xét nghiệm công thức máu chức, năng gan và chức năng thận trước điều trị và định kỳ trong quá trình điều trị do thuốc có thể gây tổn thương gan và thận.
8. Phụ nữ mang thai và cho con bú có sử dụng thuốc Tegretol (carbamazepine) được không?
8.1. Phụ nữ mang thai
- Carbamazepin có thể gây tật nứt đốt sống (nghi ngờ). Đã gặp các dị tật ngón tay, ngón chân, dị hình xương sọ – mặt, bất thường về tim ở thai nhi khi người mẹ dùng thuốc chống động kinh trong 3 tháng đầu thai kỳ.
- Việc điều trị phối hợp với các thuốc chống co giật khác làm tăng nguy cơ quái thai. Tuy nhiên, nếu không duy trì được sự kiểm soát các cơn động kinh có hiệu quả thì cũng sẽ làm tăng nguy cơ cho cả mẹ lẫn con.
- Đó có thể là một mối đe dọa lớn hơn cả nguy cơ khuyết tật cho sơ sinh.
- Do đó, cần cân nhắc kỹ khi điều trị động kinh trong lúc mang thai.
8.2. Phụ nữ cho con bú
- Carbamazepin có thể bài tiết qua sữa mẹ.
- Độ an toàn khi sử dụng thuốc trong thời kỳ cho con bú vẫn chưa được nghiên cứu kỹ.
- Do những nguy cơ phản ứng có hại nghiêm trọng trên trẻ, quyết định ngừng cho con bú hay ngừng thuốc cần đưa ra dựa trên tầm quan trọng của thuốc đối với người mẹ.
9. Trường hợp dùng quá liều
9.1.Triệu chứng khi dùng quá liều
- Các dấu hiệu và triệu chứng đầu tiên xuất hiện sau 1 – 3 giờ. Nổi bật nhất là các rối loạn thần kinh – cơ.
- Các rối loạn tim mạch nhẹ hơn; các tai biến tim trầm trọng chỉ xảy ra khi dùng liều rất cao (trên 60 g).
- Nếu kèm theo uống rượu hoặc dùng các thuốc chống trầm cảm ba vòng, barbiturat hay hydantoin, thì những dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc carbamazepin cấp tính có thể nặng thêm hoặc thay đổi.
9.2. Xử trí khi dùng quá liều thuốc Tegretol
- Các trường hợp ngộ độc nặng phụ thuộc chủ yếu vào việc loại bỏ thuốc nhanh chóng. Một số biện pháp có thể thực hiện bằng cách gây nôn, rửa dạ dày, làm giảm hấp thu thuốc bằng các biện pháp thích hợp (uống 100 g than hoạt, sau đó cứ cách 4 giờ lại uống 50 g, cho đến khi bình phục).
- Nếu các biện pháp trên không thể thực thi, thì phải chuyển ngay đến bệnh viện để đảm bảo các chức năng sống cho người bệnh.
- Lưu ý không có thuốc giải độc đặc hiệu.
- Điều trị triệu chứng và hỗ trợ: Cần theo dõi các chức năng hô hấp, tim (theo dõi điện tâm đồ), huyết áp, nhiệt độ, phản xạ đồng tử, chức năng thận, bàng quang trong một số ngày.
10. Xử trí như thế nào nếu bạn quên liều
Nếu quên một liều hãy uống ngay sau khi nhớ ra.
Không dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên.
11. Cách bảo quản thuốc
- Bảo quản thuốc ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời và tránh nơi ẩm ướt.
- Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và trẻ nhỏ.
- Nhiệt độ phù hợp để bảo quản thuốc là <25°C.
- Không dùng thuốc đã hết hạn sử dụng.
- Lưu ý không được vứt thuốc không còn dùng ra rác thải sinh hoạt gia đình vì điều này có thể gây ra ô nhiễm môi trường. Do đó, cần xử trí trước khi đưa ra ngoài môi trường.
Tegretol là một thuốc biệt dược có chứa hoạt chất carbamazepine. Thuốc được dùng điều trị các trường hợp động kinh hoặc động kinh cơn lớn, thậm chí thuốc có thể được dùng để điều trị một số cơn đau. Thuốc có thể gây ảnh hưởng không tốt trên hệ thần kinh cho người bệnh.
Lưu ý thuốc có thể gây buồn ngủ hoặc ngủ gật, vì thế nếu người bệnh đang trong tình trạng làm việc đòi hỏi sự tỉnh táo cao thì nên lưu ý. Tuy nhiên, nếu tình trạng trở nặng hơn hoặc phát sinh bất kì điều gì bất thường hãy gọi ngay cho bác sĩ để được thăm khám và tư vấn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018.