Tiêm phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung
Nội dung bài viết
Ở phụ nữ, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh lý nguy hiểm gây tử vong. Một trong những nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây ra. Vậy tiêm phòng HPV có ý nghĩa như thế nào? Những cơ sở nào sẽ có đủ tiêu chuẩn để tiêm ngừa HPV? Xin xem qua bài viết bên dưới.
Virus HPV là gì? Vì sao cần tiêm phòng HPV?
Virus HPV là gì?
HPV (Human papillomavirus) là loại virus gây bệnh u nhú ở người.
Một số chủng HPV có khả năng cao gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung là ung thư gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phụ nữ. Việc tiêm chủng HPV giúp ngăn ngừa nguyên nhân gây nên ung thư cổ tử cung do HPV gây ra.
Vì sao cần tiêm phòng HPV?
Vaccine phòng ngừa HPV là gì?
Vaccine tiêm phòng HPV là loại vaccine giúp phòng bệnh ung thư cổ tử cung và bệnh u nhú ở người do HPV gây ra.
Hiện chưa có thuốc đặc trị virus HP. Nhưng bạn có thể làm để giữ cho HPV không có tác động tiêu cực đến sức khỏe của bạn bằng cách tiêm phòng HPV.
Tình hình các bệnh liên quan đến nhiễm HPV trên thế giới
Chúng ta hiện đã có những kiến thức và kinh nghiệm để ngăn ngừa phần lớn gánh nặng bệnh tật liên quan đến HPV trên toàn cầu.
Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư thường gặp đứng thứ 3 ở phụ nữ. Mỗi ngày trên thế giới có 7 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung, 14 trường hợp mới được chẩn đoán mắc bệnh. Không phải ai nhiễm HPV cũng sẽ chuyển thành ung thư cổ tử cung nhưng có hơn 90% các trường hợp ung thư cổ tử cung phát hiện do virus HPV gây ra. HPV cũng có liên quan đến những ung thư khác như ung thư hậu môn, âm hộ, âm đạo, dương vật, ung thư vùng đầu và cổ.
Virus HPV có thể tồn tại âm thầm và phát triển trong cơ thể mà không tạo ra bất kỳ triệu chứng nào. Biện pháp phòng ngừa tối ưu đến 90% ung thư cổ tử cung chính là tiêm phòng HPV đối với bé gái và phụ nữ từ 9-26 tuổi (đặc biệt là những người chưa từng quan hệ tình dục).
- Ở những nước có thu nhập cao
Ở nhiều quốc gia nơi các chương trình tiêm ngừa HPV dự phòng đã được áp dụng như các chương trình y tế công cộng có hiệu quả cao với mức độ bao phủ vaccine tốt. Những quốc gia này hầu hết là các quốc gia thuộc nhóm nước giàu có, thu nhập cao. Chúng ta cũng đã có các kết luận trong một dân số đáng kể đã tiêm ngừa HPV, đã giảm thiếu các bệnh nhiễm, mụn cóc sinh dục và tiền ung thư cổ tử cung.
Với những thành công đã đạt được cho đến nay và những hiểu biết hiện có, đã có một nỗ lực toàn cầu nhằm đảm bảo rằng mọi phụ nữ đều có thể tiếp cận với việc kiểm tra cổ tử cung hiệu quả. Đồng thời, mọi trẻ em gái đều có cơ hội phòng ngừa ban đầu thông qua tiêm phòng HPV.
Một số quốc gia áp dụng phương pháp tiếp cận trung lập về giới bằng cách tiêm ngừa HPV cho cả trẻ em trai và rất đáng được quan tâm vì ung thư liên quan đến HPV cũng ảnh hưởng đến nam giới. Hơn nữa, tiêm phòng HPV cho trẻ em trai có lợi thế là giảm nguy cơ lây truyền HPV cho bạn tình, giảm tỷ lệ lây nhiễm HPV trong dân số nói chung và cuối cùng là các bệnh liên quan đến HPV cho cả hai giới. Do đó, tất cả các quốc gia cần xem xét và thúc đẩy các hướng dẫn và chương trình quốc gia để ngăn ngừa các bệnh liên quan đến HPV.
- Ở những nước có thu nhập thấp và trung bình
Thế nhưng, các nước có thu nhập thấp và trung bình vẫn tiếp tục chịu gánh nặng đáng kể từ căn bệnh này. Thuốc tiêm ngừa HPV là một giải pháp để kiểm soát bệnh tật. Tuy nhiên, việc phổ biến vaccine diễn ra chậm ở những nước nghèo và đông dân.
Độ tuổi và đối tượng tiêm ngừa ung thư cổ tử cung
Tại Việt Nam, vaccine tiêm phòng HPV theo khuyến cáo của nhà sản xuất vaccine được chỉ định tiêm cho nữ giới trong độ tuổi từ 9 – 26 tuổi, bất luận đã từng quan hệ tình dục hay chưa.1
Phụ nữ cần đi tiêm phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung càng sớm càng tốt. Vaccine có hiệu quả kéo dài lên đến 30 năm.1
Các nhà khoa học cho rằng các bé trai trong độ tuổi dậy thì cũng có thể thụ hưởng được lợi ích từ tiêm phòng HPV. Mặc dù HPV không gây các biểu hiện nghiêm trọng ở nam giới. Nhưng nam giới đóng vai trò như nguồn duy trì virus trong cộng đồng và vô tình trở thành vector truyền nhiễm sang người khác.
Hiện nay, theo Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kì), cần xem xét mở rộng chương trình tiêm phòng HPV cho các bé trai, sau khi một nghiên cứu cho thấy số nam giới mắc bệnh ung thư do nhiễm virus HPV sẽ vượt xa nữ giới. Đặc biệt là nhiễm HPV có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng, ung thư miệng, lưỡi ở nam giới cũng như ung thư đường sinh dục nam giới (hậu môn, dương vật…).
Có những loại vắc xin phòng HPV nào?
Có nhiều lại vaccine HPV khác nhau. Hiện nay, ở nước ta đang lưu hành vaccine Gardasil (Mỹ) phòng bệnh ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, các tổn thương tiền ung thư và loạn sản, mụn cóc sinh dục, các bệnh lý do nhiễm virus HPV, được chỉ định dành cho trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi từ 9-26 tuổi.
Các loại vaccine này có xuất xứ từ Hoa Kỳ. Phòng 4 type HPV (6, 11, 16 và 18).
Loại vắc xin này cùng giúp bảo vệ bạn khỏi virus HPV chủng 16 và 18 – hai loại virus này được xem là nguy hiểm nhất vì chúng có thể gây ra các căn bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo và hậu môn. Ngoài ra, vắc xin cũng có tác dụng chống lại virus HPV chủng 6 và 11, hai chủng virus này có thể gây ra bệnh mụn cóc sinh dục.
Tiêm phòng HPV ở đâu? Bao nhiêu tiền?
Tình hình vaccine ngừa HPV tại Việt Nam
Vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung do HPV đang là vaccine nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu của nhiều người. Vì thế tình trạng khan hiếm, đôi khi loạn giá vaccine đã xảy ra ở nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc.
Lịch tiêm ngừa HPV tại Việt Nam
Đối tượng tiêm: Tiêm ngừa cho nữ giới từ 9 tuổi đến 26 tuổi (mọi đối tượng, dù có quan hệ tình dục hay chưa)
Lịch tiêm: Gồm 3 mũi:
- Ngày tiêm mũi đầu tiên: mũi 1.
- 2 tháng sau mũi đầu tiên: tiêm mũi thứ 2.
- 6 tháng sau mũi đầu tiên: tiêm mũi thứ 3 (mũi cuối).
Tiêm ngừa vaccine HPV ở đâu?
Chị em phụ nữ nên lựa chọn các trung tâm tiêm chủng lớn và uy tín, cập nhật vắc xin thường xuyên, có tiện ích đặt giữ vắc xin để đảm bảo được tiêm phòng HPV đủ liều và đúng lịch.
1. Trung tâm tiêm chủng VNVC
Trung tâm tiêm chủng VNVC là địa chỉ uy tín hàng đầu để tiêm chủng HPV.
2. Hệ thống Tiêm chủng 315
Hệ thống Tiêm chủng 315 thuộc hệ thống phòng khám Nhi đồng 315 – hệ thống phòng khám Phụ sản 315. Ở đây có nguồn vaccine uy tín, giá cả cạnh tranh trên thị trường và quy trình theo dõi, tiêm chủng đúng chuẩn y khoa.
3. Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC)
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hay còn gọi là Cục Y tế dự phòng Việt Nam, là cục chuyên ngành thuộc Bộ Y tế. Đây được xem là nơi đi đầu trong công tác phòng bệnh.
4. Viện Pasteur
Viện Pasteur có nguồn vaccine được kiểm duyệt nghiêm ngặt cùng quy trình tiêm phòng và chăm sóc, tư vấn kỹ lưỡng. Đây là một trong những địa chỉ tiêm vaccine HPV mà bạn có thể an tâm lựa chọn.
Giá vaccine HPV là bao nhiêu tiền?
Giá vaccine có sự khác nhau phụ thuộc vào loại vaccine.
Loại vaccine ngừa HPV được dùng phổ biến tại Việt Nam là Gardasil, do Hoa Kì sản xuất. Gía dao động từ 1.800.000 đến 2.300.000. Gía phụ thuộc vào tùy thời điểm và tùy cơ sở y tế. Do vaccine này không nằm trong danh sách tiêm chủng mở rộng phổ cập tại Việt Nam. Nó được xếp vào nhóm “dịch vụ” nên chưa có khung giá rõ ràng và thống nhất.
Lưu ý về vaccine HPV
Vaccine HPV có những phản ứng phụ khi tiêm
Nhiều người có thể tiêm ngừa mà không gặp bất kỳ phản ứng phụ nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, bạn có thể gặp phản ứng phụ nhẹ đến trung bình sau khi chủng ngừa như:
- Phản ứng tại chỗ tiêm, quầng đỏ, đau hoặc sưng;
- Sốt nhẹ;
- Nổi mề đay;
- Đau đầu;
- Mệt mỏi;
- Đau cơ;
- Đau khớp;
- Buồn nôn và nôn;
- Rối loạn dạ dày ruột: đau bụng, tiêu chảy;
- Quá mẫn…
Những đối tượng không nên tiêm vaccine HPV
- Nhạy cảm với men hoặc bất cứ thành phần nào của vắc xin
- Đang bị sốt cao cấp tính, nhiễm trùng ở cấp độ vừa hoặc nặng. Hãy điều trị dứt điểm mới bắt đầu tiêm vắc xin.
- Bị giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu.
- Đang có thai hoặc đang cho con bú.
- Đã nhiễm vi khuẩn HPV.
Nếu không tiêm vaccine, khả năng lây nhiễm virus HPV cao không?
Nếu chưa tiêm vaccine, bạn có thể bị nhiễm virus HPV nếu gặp phải các yếu tố sau:
- Quan hệ tình dục không an toàn;
- Quan hệ vớu nhiều bạn tình;
- Tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở, dịch tiết của người bệnh;
- Suy giảm hệ thống miễn dịch, ghép tạng; truyền máu hoặc sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, dinh dưỡng kém.
Xem thêm: Bác sĩ trả lời thắc mắc về việc quan hệ trước và sau khi tiêm phòng HPV
Hiệu quả của vaccine HPV
- Vaccine HPV có hiệu quả lên tới hơn 95%. Tuy nhiên cần nên nhớ rằng, việc tiêm chủng HPV chỉ có tác dụng phòng ngừa nguyên nhân ung thư do HPV gây ra. Không nên chủ quan mà bỏ qua các triệu chứng bất thường; nhất là ở bộ phận sinh dục mà chủ quan rằng đã tiêm ngừa HPV mà không đi khám hay kiểm tra.
- Xin được trích lời giáo sư Ian Frazer, giáo sư người Úc và là cha đẻ của vaccine HPV:
“Cần nhớ rằng việc tiêm chủng HPV không có nghĩa là bạn sẽ không bị ung thư cổ tử cung”.
- Như đã giải thích ở trên, việc tiêm ngừa HPV đã giúp bạn ngừa được HPV nhất là các chủng có nguy cơ cao gây nên ung thư cổ tử cung. Nhưng những nguyên nhân khác, gây nên ung thư cổ tử cung mà không do HPV gây nên thì vaccine không thể bảo vệ bạn. Vì vậy cần nhất là không được bỏ qua các triệu chứng bất thường của cơ thể.
HPV là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung cho phụ nữ. Việc tiêm ngừa HPV tại Việt Nam hiện nay được ưu tiên cho nữ. Mức giá vaccine dao động từ 1.800.000 đến 2.300.000/mũi. Bạn có thể tiêm ngừa tại các cơ sở y tế cấp 2 trở lên hoặc các công ty tiêm chủng đảm bảo theo quy định nhà nước. Hãy tiêm chủng HPV để ngừa các bệnh do HPV gây ra nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Tiêm phòng ung thư cổ tử cung HPV: những điều cần biếthttps://vnvc.vn/tiem-phong-ung-thu-co-tu-cung-hpv-nhung-dieu-can-biet/
Ngày tham khảo: 09/02/2021
-
Human papillomavirus (HPV) vaccination: from clinical studies to immunization programshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31455660/
Ngày tham khảo: 09/02/2021
-
Human Papillomavirus Vaccines: An Updated Reviewhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7565290/
Ngày tham khảo: 09/02/2021
-
Human papillomavirus vaccination: the population impacthttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5473416/
Ngày tham khảo: 09/02/2021