Tiêm vắc-xin phế cầu cho trẻ khi nào? Lịch tiêm cụ thể ra sao?
Nội dung bài viết
Những năm tháng đầu đời của trẻ là thời kỳ dễ bị vi khuẩn tấn công gây bệnh nhất bởi hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện. Trong đó, phế cầu là vi khuẩn gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho trẻ như bệnh viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não… Do đó, các bậc phụ huynh nên chủ động tiêm vắc-xin phế cầu cho trẻ. Điều này giúp tạo miễn dịch chủ động, phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra. Vậy, tiêm vắc-xin phế cầu cho trẻ khi nào? Lịch tiêm phòng cụ thể ra sao? Hãy cùng YouMed tìm hiểu về những vấn đề này nhé!
Sơ lược về vi khuẩn phế cầu
Phế cầu khuẩn là gì?
Phế cầu khuẩn (tên khoa học là Streptococcus pneumoniae) là một trong những vi khuẩn phổ biến của hệ vi khuẩn chí vùng hầu họng. Tỷ lệ người lành mang phế cầu thay đổi tuỳ theo:
- Độ tuổi.
- Môi trường sinh sống.
- Thời tiết (mùa).
- Tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên (tỷ lệ trung bình dao động từ 25 – 70% dân số).
Hiện nay đã có vắc-xin phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh sẽ thắc mắc tiêm vắc-xin phế cầu cho trẻ khi nào? Câu trả lời cho vấn đề này sẽ ở phần bên dưới bạn nhé!
Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì viêm phổi do phế cầu. Tại Việt Nam, ước tính hàng năm có khoảng 2,9 triệu trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh liên quan đến vi khuẩn này.
Viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết là 4 căn bệnh rất nguy hiểm do vi khuẩn này gây nên. Tỷ lệ tử vong khi mắc phải là từ 10 – 20%. Tỷ lệ này cao hơn ở nhóm đối tượng có nguy cơ cao như người già và trẻ nhỏ (tỷ lệ tử vong lên đến 50%).
Đường lây
Bệnh do vi khuẩn phế cầu gây ra sẽ lây lan thông qua đường hô hấp:
- Khi tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh.
- Thông qua dịch tiết hô hấp của người bệnh như ho, hắt hơi, hôn hay sử dụng chung vật dụng cá nhân.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh lý phế cầu thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và người lớn tuổi, đặc biệt là người già trên 85 tuổi.
Nguy cơ nhiễm vi khuẩn phế cầu và diễn tiến bệnh nặng cũng cao hơn ở:
- Trẻ dưới 5 tuổi có những bệnh lý khác mắc kèm
- Những người có hệ miễn dịch suy yếu
- Những người đã mắc các bệnh lý mạn tính (tiểu đường, cao huyết áp, các bệnh lý về gan, phổi, thận và những người hút thuốc lá).
Các bệnh gây ra bởi phế cầu khuẩn
Bệnh viêm phổi
Viêm phổi do phế cầu là một trong những nguyên nhân cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em nhất trên thế giới. Theo thống kê năm 2018, đã có hơn 800.000 trẻ nhỏ chết do bệnh viêm phổi. Đối với trẻ dưới 5 tuổi thì tỷ lệ tử vong lên tới 15%. Cứ mỗi 39 giây, trên thế giới có thêm một bé chết vì viêm phổi.
Tại Việt Nam, hằng năm có khoảng 2,9 triệu lượt trẻ nhỏ mắc viêm phổi. Khoảng 4.000 trẻ tử vong vì 1 trong 4 căn bệnh nguy hiểm do phế cầu gây ra.
Không chỉ ở trẻ nhỏ, viêm phổi do phế cầu còn là nguyên nhân gây tử vong nhanh ở người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính, người có sức đề kháng suy yếu…
Bệnh có thể tiến triển nhanh và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời. Nếu may mắn được khỏi bệnh, người bệnh cũng có thể mắc di chứng như liệt, điếc, mù và chậm phát triển về thần kinh.
Bệnh viêm màng não
Viêm màng não do phế cầu là bệnh lý đặc biệt nghiêm trọng do vi khuẩn này gây ra. Hậu quả là làm cho lớp màng não – lớp vỏ bao bên ngoài bảo vệ não và vùng tủy sống – bị viêm.
Bệnh này có thể xảy ra ở bất kỳ mọi lứa tuổi nào. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Tê liệt chân tay.
- Động kinh.
- Mù.
- Điếc.
- Phù não.
- Hôn mê.
- Tử vong.
Bệnh viêm tai giữa
Theo thống kê của WHO, hàng năm có hơn 350 triệu ca viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Hầu hết những trường hợp này xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi. Hơn 33% trong số đó (đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi) sẽ bị tái nhiễm trùng nhiều lần trong năm. Thậm chí, một số trường hợp nặng, cần phải can thiệp phẫu thuật.
Không chỉ ở trẻ, mà người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa. Nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh có thể gặp các biến chứng như:
- Thủng màng nhĩ.
- Suy giảm thính lực.
- Viêm xương chũm.
- Liệt mặt.
- Áp xe não.
- Viêm màng não.
- Trường hợp biến chứng áp xe não có thể nguy hiểm đến tính mạng
Bệnh nhiễm trùng máu
Theo thống kê, có đến 20% trẻ em tử vong do nhiễm trùng máu (nhiễm khuẩn huyết). Tỷ lệ người lớn mắc bệnh cũng khá cao, đặc biệt là ở người cao tuổi (gấp 13 lần so với người trẻ). Nguyên nhân là do hệ miễn dịch của người cao tuổi đã bị suy yếu, rất dễ bị vi khuẩn phế cầu tấn công vào máu dẫn đến nhiễm trùng.
Khi vi khuẩn xâm nhập vào hệ tuần hoàn, chúng sẽ sản sinh ra những độc tố khiến người mắc bị nhiễm độc. Đồng thời, nó sẽ gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể. Điều này khiến cơ thể người mắc bệnh bị suy yếu.
Ngoài ra, bệnh còn gây rối loạn đông máu trong thời gian máu bị nhiễm khuẩn. Lúc này lượng máu di chuyển đến tay, chân cũng như các cơ quan nội tạng khác cũng suy giảm. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ thiếu oxy và các chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể.
Biến chứng nghiêm trọng nhất của nhiễm trùng máu là sốc nhiễm khuẩn. Điều này dẫn đến tình trạng suy đa tạng ở trẻ nhỏ và tử vong ở người lớn tuổi.
Vắc-xin phế cầu khuẩn là gì?
Vắc-xin phế cầu khuẩn là loại vắc-xin giúp cơ thể chống lại vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae). Hiện nay, vắc-xin này được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tuần đến 5 tuổi. Tùy theo độ tuổi tiêm ngừa mà trẻ sẽ có những phác đồ tiêm khác nhau.
Ở Việt Nam. hiện có 2 loại vắc-xin phòng ngừa phế cầu là:
- Synflorix (“Phế cầu của Bỉ”): giúp phòng ngừa được 10 chủng phế cầu khuẩn khác nhau. Vắc-xin này được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi. Loại này còn có thêm tác dụng phòng ngừa viêm phổi và viêm tai giữa.
- Prevenar 13 (“Phế cầu 13”): giúp phòng các bệnh do phế cầu khuẩn gây nguy hiểm cho trẻ em và người lớn.
Tiêm vắc-xin phế cầu cho trẻ khi nào sẽ đảm bảo an toàn?
Các bậc phụ huynh sẽ thắc mắc là tiêm vắc-xin phế cầu cho trẻ khi nào là hợp lý? Tùy theo từng loại vắc-xin mà độ tuổi tiêm ngừa cũng khác nhau:
- Synflorix: đây là loại vắc-xin phế cầu được lựa chọn để tiêm rộng rãi cho trẻ. Thường được áp dụng tiêm cho trẻ đủ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi.
- Prevenar 13: là loại vắc-xin dùng để tiêm ngừa phế cầu khuẩn ở trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên, người lớn, người cao tuổi và những người mắc các bệnh mạn tính (như phổi tắc nghẽn mạn tính, lao phổi, tiểu đường, tim mạch…
Lịch tiêm vắc xin phế cầu cho trẻ
Synflorix
Tiêm vắc-xin phế cầu cho trẻ khi nào cho từng loại vắc-xin? Đối với vắc-xin Synflorix có lịch tiêm như sau:
Trẻ từ 6 tuần tuổi đến 6 tháng tuổi
- Liều đầu tiên có thể bắt đầu từ khi trẻ đủ 6 tuần tuổi.
- Liều thứ 2: Tiêm cách liều đầu tiên ít nhất 1 tháng.
- Liều thứ 3: Tiêm cách liều thứ 2 ít nhất 1 tháng.
- Liều tiêm nhắc lại: Thường được chỉ định cách liều thứ 3 ít nhất 6 tháng.
Trẻ sinh non (trên 27 tuần tuổi)
Tiêm ngừa vắc-xin Synflorix khi trẻ được 2 tháng tuổi, và sử dụng phác đồ tiêm cơ bản 3 + 1 như ở trên.
Trẻ từ 7 – 11 tháng tuổi, chưa được tiêm phòng trước đó
- Tiêm mũi đầu tiên ở bất cứ thời điểm nào trong độ tuổi này.
- Mũi 2: tiêm cách mũi đầu tiên ít nhất 1 tháng.
- Mũi tiêm nhắc lại: tiêm vào năm tuổi thứ 2, cách mũi thứ 2 tối thiểu 2 tháng.
Trẻ 1 – 3 tuổi, chưa được tiêm phòng trước đó
- Tiêm mũi đầu tiên ở bất cứ thời điểm nào trong độ tuổi này.
- Mũi 2: tiêm cách mũi đầu tiên ít nhất 2 tháng.
Prevenar 13
Tiêm vắc-xin phế cầu cho trẻ khi nào cho từng loại vắc-xin? Đối với vắc-xin Prevenar có lịch tiêm như sau:
Trẻ em từ 6 tuần tuổi đến 6 tháng tuổi
- Mũi 1: mũi tiên lần đầu.
- Mũi 2: tiêm cách mũi đầu tiên ít nhất 1 tháng.
- Mũi 3: tiêm cách liều thứ 2 ít nhất 1 tháng.
- Mũi tiêm nhắc lại: tiêm khi trẻ được 11 đến 15 tháng tuổi; cách mũi thứ 3 ít nhất 2 tháng.
Lưu ý: Mũi 1 của phác đồ có thể bắt đầu từ lúc trẻ đủ 6 tuần tuổi.
Trẻ từ 7 – 11 tháng tuổi, chưa được tiêm phòng trước đó
- Tiêm mũi đầu tiên ở bất cứ thời điểm nào trong độ tuổi này.
- Mũi 2: tiêm cách mũi đầu tiên ít nhất 1 tháng.
- Mũi tiêm nhắc lại: khi trẻ trên 1 tuổi.
Lưu ý: Mũi tiêm nhắc lại phải cách mũi thứ 2 ít nhất 2 tháng.
Trẻ em từ 12 – 23 tháng tuổi, chưa từng được tiêm phòng trước đó
- Tiêm mũi đầu tiên ở bất cứ thời điểm nào trong độ tuổi này.
- Mũi 2: tiêm cách mũi đầu tiên ít nhất 2 tháng.
Trẻ em từ 2 tuổi trở lên và người lớn
- Tiêm phòng 1 mũi tiêm duy nhất.
Tác dụng phụ sau khi tiêm vắc-xin phế cầu
Một số tác dụng phụ có thể gặp phải sau tiêm như:
- Phản ứng tại chỗ tiêm: Nổi mẩn đỏ, chai cứng, sưng đau vùng tiêm…
- Phản ứng toàn thân: Sốt, nhức đầu, buồn nôn, nôn, buồn ngủ, giảm cảm giác thèm ăn, tiêu chảy.
Trường hợp cần cân nhắc khi tiêm vắc-xin phế cầu
- Những trẻ sinh non dưới 28 tuần.
- Người bị nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch, rối loạn đông máu, suy lách, giảm số lượng bạch cầu…
- Chống chỉ định tiêm ở phụ nữ có thai hoặc đang trong giai đoạn cho con bú hoặc người bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong vắc-xin.
Những lưu ý khi tiêm vắc-xin phế cầu cho trẻ
- Việc tiêm chủng cần được thực hiện đúng độ tuổi, đúng liều lượng và đúng lịch tiêm để mang lại khả năng bảo vệ tốt nhất cho trẻ.
- Các bậc phụ huynh cần theo dõi sát sao những phản ứng sau khi tiêm của trẻ để kịp thời xử trí.
Trên đây là những thông tin YouMed cung cấp cho bạn về vắc-xin phòng phế cầu khuẩn cũng như trả lời cho câu hỏi tiêm vắc-xin phế cầu cho trẻ khi nào? Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về vắc-xin, hãy liên hệ ngay với nhân viên y tế để được giải đáp bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Prevenar 13https://www.medicines.org.uk/emc/files/pil.453.pdf
Ngày tham khảo: 27/06/2021
-
Synflorixhttps://ca.gsk.com/media/591956/synflorix.pdf
Ngày tham khảo: 27/06/2021
-
VẮC XIN PHẾ CẦU TIÊM BAO NHIÊU MŨI?https://vnvc.vn/faq/vac-xin-phe-cau-tiem-bao-nhieu-mui/
Ngày tham khảo: 27/06/2021