Tinh dầu hoa cam: công dụng, cách dùng và lưu ý
Nội dung bài viết
Tinh dầu hoa cam đã được y học bản địa sử dụng trong các mặt bệnh khác nhau trên thế giới. Ngày nay, tinh dầu này được nghiên cứu, sản xuất, phục vụ đời sống con người. Vậy cách dùng tinh dầu này như thế nào? Bài viết sau của Thạc sĩ, Bác sĩ Y học cổ truyền Dư Thị Cẩm Quỳnh sẽ cung cấp một số thông tin đến bạn.
Tinh dầu hoa cam là gì?
Tinh dầu hoa cam là tinh dầu chiết xuất từ hoa của cây cam đắng. Tên khoa học: Citrus aurantium L.1
Người ta dùng phương pháp chưng cất tinh dầu bằng hơi nước (steam distillation) hoặc chưng cất hydro (hydrodistillation). Để chiết tách triệt để tinh dầu, người ta còn dùng thêm một số loại dung môi hóa học như hexan. Sau đó tách lọc dung môi, cô đặc mới thu được toàn bộ lượng tinh dầu. Tinh dầu này có mùi hoa ngọt, màu vàng nhạt, và hơi đắng nhẹ.
Thành phần hóa học
Thành phần chính của tinh dầu là linalool, linalyl acetate, dol, E,E-farnesol, α-terpineol, và limonene. Ngoài ra còn một số chất khác như β-Pinene, α-Pinene, Sabinene, β-Myrcene, Pentanal,…1 2
Tinh dầu hoa cam có tác dụng gì?
Giúp phấn chấn tinh thần, thư giãn cơ
Các trung tâm chăm sóc sức khỏe ở các nước như Puerto Rico, Guatemala, Mexico, Ý, Martinique và Tây Ban Nha sử dụng loại tinh dầu này làm một loại thuốc an thần nhẹ. Nó có tác dụng thư giãn, giảm đau và giãn cơ. Mùi thơm của nó còn làm giảm các triệu chứng lo lắng, cải thiện tâm trạng và khiến bạn cảm thấy hạnh phúc.1 2
Giảm lo âu, chống co giật
Ngửi và xoa bóp bằng tinh dầu này đã được chứng minh hiệu quả giảm lo lắng trên người bệnh trước khi phẫu thuật. Đồng thời tinh dầu cũng giúp giảm lo lắng ở phụ nữ sau mãn kinh. Nghiên cứu trên chuột nhận thấy tinh dầu này có khả năng giảm lo âu thông qua cơ chế điều chỉnh các thụ thể 5-HT.3 4
Tinh dầu này cũng được chứng minh là có tác dụng làm giảm các triệu chứng mất ngủ, động kinh và co giật.5
Giảm đau, kháng viêm
Loại tinh dầu này đã được chứng minh có khả năng giảm đau đáng kể ở chuột. Ngoài ra, tinh dầu còn có tác dụng giảm đau trung ương. Nó cũng làm giảm viêm cấp – mạn tính. Khả năng tác dụng của tinh dầu tương đương với thuốc natri diclofenac.1 2
Với sức khỏe phụ nữ
Tinh dầu hoa cam có hiệu quả trong cải thiện nội tiết phụ nữ. Ngửi tinh dầu này giúp giảm các triệu chứng của thời kì mãn kinh, giảm huyết áp và tăng ham muốn tình dục ở phụ nữ sau mãn kinh.6
Tinh dầu cho thấy tác động tích cực đến tâm trạng, huyết áp, giảm đau, chống viêm, đầy bụng khó tiêu thường xảy ra khi đến kì kinh nguyệt.7
Tinh dầu này giảm các cơn co thắt do oxytocin và prostaglandin gây ra. Từ đó giảm đau do cơn co thắt tử cung giúp sản phụ giảm đau trong quá trình chuyển dạ.1 8
Trong các bệnh lý tim mạch
Loại tinh dầu này tác động vào lớp nội mô và cơ trơn mạch máu. Ngửi hỗn hợp tinh dầu hoa oải hương, ylang-ylang (tinh dầu hoa ngọc lan tây), kinh giới tây và hoa cam với tỉ lệ 20: 15: 10: 2 làm giảm huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương, nồng độ cortisol nước bọt ở người tiền tăng huyết áp và tăng huyết áp.9
Chống oxy hóa mạnh
Giống như tinh dầu trong họ cam quýt, tinh dầu hoa cam cũng là một chất chống oxy hóa. Nó thu gom toàn bộ các gốc tự do oxy hóa trong thí nghiệm. Ở tất cả các nồng độ từ 0,1 – 2% có tác dụng tương đương với acid ascorbic.10 11
Trong bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer là một bệnh rối loạn thần kinh tiến triển, chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi. Người ta nhận thấy cơ chế gây bệnh có thể do scopolamine. Tinh dầu hoa cam cho thấy hiệu quả trong chứng hay quên, tăng cường trí nhớ, suy giảm khả năng học hỏi và rối loạn hành vi do scopolamine gây ra.5
Khả năng kháng vi sinh vật
Tinh dầu hoa cam ức chế hoạt động của các vi khuẩn thường gặp như Staphylococcus aureus, S. epidermis, Enterococcus faecalis, Listeria monocytogenes, Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa, Klebsiella pneumonia.1 12
Đồng thời, tinh dầu cũng ức chế được nấm gây bệnh như Aspergillus niger, A. flavus, A. nidulans, A. fumigatus, Fusarium graminearum, Alternaria alternata.1 7 10 12
Lưu ý, kiêng kỵ
Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Khi sử dụng tinh dầu hoa cam, bạn nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Các phản ứng trên da có thể xảy ra, thường gặp như mẩn đỏ, da dễ bắt nắng hoặc nhạy cảm hơn…1
Đối tượng đặc biệt
Cơ địa dị ứng
Loại tinh dầu này phổ biến với độ an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên vẫn có một tỉ lệ nhỏ bị dị ứng với tinh dầu này. Nếu bạn bị dị ứng với các loài cây trong họ Cam quýt thì nên cân nhắc trước khi sử dụng.
Tương tự như những tinh dầu khác, nếu bạn vẫn muốn sử dụng tinh dầu trên da thì hãy pha loãng và thử trước trên một vùng da nhỏ.1
Khác
Đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, đang cho con bú và người mắc bệnh lý nền đang điều trị, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. 1
Cách sử dụng tinh dầu hoa cam
Cách dùng tại nhà
Đây là loại tinh dầu an toàn khi bạn dùng đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Liệu pháp hương thơm: pha loãng tinh dầu từ 0,1 – 0,5 % là đã đủ cho tác dụng thư giãn. Khoảng từ 2 – 6 giọt tinh dầu pha trong 30 ml dầu nền như dầu hạt nho. Sau đó mát xa toàn thân thư giãn, và xoa bụng dưới nếu đến kì kinh nguyệt.
- Bạn cũng có thể pha loãng tinh dầu vào máy khuếch tán hoặc đèn đốt tinh dầu để thư giãn
- Tương tự, bạn pha loãng lượng tinh dầu với nồng độ như trên vào bồn tắm hoặc vào máy xông hơi mặt.
Các dạng chế phẩm có tinh dầu hoa cam hiện nay
Hiện nay, bạn có thể thấy đây là thành phần trong rất nhiều sản phẩm khác nhau. Như sản phẩm dưỡng trắng da chống lão hóa, nước hoa, xịt phòng,…1 2
Có thể làm tinh dầu hoa cam tại nhà không?
Do đặc tính của hoa cam nên phương pháp chiết xuất tinh dầu đặc biệt hơn so với những tinh dầu khác. Ở quy mô công nghiệp, người ta sử dụng hexan làm dung môi để chiết hoàn toàn. Vì vậy, nếu làm tinh dầu tại nhà thì bạn cần những dụng cụ và công đoạn phức tạp.
Có thể thấy tinh dầu hoa cam đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe và đời sống con người. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia để sử dụng tinh dầu an toàn và tránh những tác dụng không mong muốn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Biological Activities and Safety of Citrus spp. Essential Oilshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6073409/
Ngày tham khảo: 20/05/2022
-
Chapter 29 - Bitter Orange (Citrus aurantium L.) Oilshttps://www.sciencedirect.com/science/article/pii/B9780124166417000298
Ngày tham khảo: 20/05/2022
-
Citrus aurantium L. essential oil exhibits anxiolytic-like activity mediated by 5-HT(1A)-receptors and reduces cholesterol after repeated oral treatmenthttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23432968/
Ngày tham khảo: 20/05/2022
-
Citrus aurantium blossom and preoperative anxietyhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22063371/
Ngày tham khảo: 20/05/2022
-
Anti-amnesic activity of Citrus aurantium flowers extract against scopolamine-induced memory impairments in ratshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25367404/
Ngày tham khảo: 20/05/2022
-
Effects of Inhalation of Essential Oil of Citrus aurantium L. var. amara on Menopausal Symptoms, Stress, and Estrogen in Postmenopausal Women: A Randomized Controlled Trialhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25024731/
Ngày tham khảo: 20/05/2022
-
Investigation of the effect of aromatherapy with Citrus aurantium blossom essential oil on premenstrual syndrome in university students: A clinical trial studyhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30057033/
Ngày tham khảo: 20/05/2022
-
Effects of citrus aurantium (bitter orange) on the severity of first-stage labor painhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25276203/
Ngày tham khảo: 20/05/2022
-
Essential oil inhalation on blood pressure and salivary cortisol levels in prehypertensive and hypertensive subjectshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23259002/
Ngày tham khảo: 20/05/2022
-
Chemical composition and in vitro antimicrobial and antioxidant activities of Citrus aurantium l. flowers essential oil (Neroli oil)https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24163946/
Ngày tham khảo: 20/05/2022
-
Singlet oxygen scavenging activity and cytotoxicity of essential oils from rutaceaehttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18648659/
Ngày tham khảo: 20/05/2022
-
Characterization of essential oil from Citrus aurantium L. flowers: antimicrobial and antioxidant activitieshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24088513/
Ngày tham khảo: 20/05/2022