YouMed

Đầy bụng khó tiêu: Làm thế nào để đánh bay cảm giác khó chịu này?

bác sĩ lê dương linh
Tác giả: Bác sĩ Lê Dương Linh
Chuyên khoa: Đa khoa

Hầu như mỗi người trong chúng ta đều từng trải qua cảm giác đầy bụng, trướng hơi. Nhưng có lẽ vì quá quen thuộc nên nhiều người còn chưa quan tâm đến những nguyên nhân đằng sau hiện tượng này. Điều gì gây ra cảm giác đầy bụng? Làm thế nào để giảm bớt sự khó chịu do cảm giác đầy bụng gây ra? Hãy cùng bác sĩ Lê Dương Linh tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết sau đây nhé.

Triệu chứng đầy bụng

Triệu chứng đầy bụng xảy ra khi đường tiêu hóa chứa đầy hơi, đặc biệt là ở cơ quan dạ dày. Đây là một vấn đề vô cùng phổ biến ở cả người lớn và trẻ em. Hầu hết mọi người đều mô tả đầy bụng là cảm giác bụng trướng căng, bí bách khó chịu. Nó xảy ra ngay cả khi chúng ta không hề ăn quá no. Một số trường hợp có thể kèm theo đau hoặc tức bụng dẫn đến khó thở nhẹ. Hiện tượng này thường kéo theo những cơn ợ hơi, trào ngược dịch vị dạ dày.1

Hầu hết đầy hơi chướng bụng không phải là một dấu hiệu nghiêm trọng về sức khỏe. Tuy nhiên, khi xảy ra quá thường xuyên và kéo dài, chúng gây mệt mỏi và phiền toái không nhỏ cho chúng ta. Vì vậy, tìm ra những nguyên nhân gây đầy bụng kéo dài là rất cần thiết giúp bạn hạn chế tình trạng này.

day-bung
Tình trạng đầy bụng có thể gây ra những triệu chứng khó chịu cho người mắc phải

Nguyên nhân đầy bụng

Nguyên nhân tạm thời

Táo bón

Tình trạng đi tiêu ít hơn 3 lần/tuần được xem là táo bón. Thức ăn di chuyển trong đường ruột quá chậm gây ra ứ đọng. Từ đó làm trì trệ cả quá trình bài tiết lẫn hấp thu. Sự ứ đọng thức ăn, đặc biệt là bữa ăn chưa được tiêu hóa hết, khiến người bị táo bón thường gặp phải cảm giác đầy bụng kèm theo.

Thức ăn khó tiêu

Những thức ăn khó tiêu sẽ lưu lại trong đường ruột lâu hơn. Từ đó gây ra ứ đọng cả thức ăn và hơi trong đường ruột. Các thức ăn khó tiêu thường bao gồm:

  • Thực phẩm chứa quá nhiều tinh bột hay nhiều chất béo. Những thức ăn nhanh hay đồ chiên xào nếu dùng quá thường xuyên sẽ gây ra nhiều vấn đề về tiêu hóa.
  • Đồ uống có ga như nước ngọt, soda hay bia rượu. 
  • Thực phẩm có chứa lactose. Lactose là một loại đường tự nhiên khó tiêu đối với hầu hết người châu Á. Lactose thường có sẵn trong sữa và các chế phẩm từ sữa. Đa số người châu Á gặp phải hội chứng không dung nạp lactose. Hiện tượng này gây ra sự khó tiêu hay rối loạn tiêu hóa khi uống sữa ở nhiều người. Để khắc phục, hiện nay nhiều loại sữa được bổ sung thêm men tiêu hóa lactose.
day-bung
Các loại thức ăn như đồ chiên xào dầu mỡ và đồ uống có gas có thể gây đầy bụng

Thừa cân, béo phì

Những người béo phì, đặc biệt là khi tăng cân quá nhanh, sẽ tích tụ lượng mỡ thừa lớn ở vùng bụng. Sự chèn ép này khiến hoạt động của dạ dày bị ảnh hưởng. Kết quả là những triệu chứng trào ngược, ợ hơi, đầy bụng diễn ra thường xuyên hơn.2

Thói quen ăn uống chưa lành mạnh

Một số người có thói quen ăn rất nhanh hay rất nhiều trong thời gian ngắn. Hệ thống tiêu hóa của chúng ta giống như một nhà máy với rất nhiều dây chuyền hoạt động tuần tự. Khi buộc phải tải một lượng nguyên liệu khổng lồ trong một thời gian ngắn, hệ tiêu hóa sẽ bị quá tải. Điều này dẫn đến hấp thu không hoàn toàn, ứ đọng thức ăn và hơi trong đường ruột.2

Những thói quen ăn uống chưa tốt còn bao gồm:

  • Vận động mạnh ngay sau khi ăn.
  • Vừa nằm vừa ăn hay nằm ngay sau khi ăn xong. Tư thế này dễ dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản, thường đi kèm với đầy bụng khó tiêu.

Vừa trải qua một cuộc phẫu thuật lớn ở vùng bụng

Việc bất động và ăn uống khó khăn trước, trong, và sau khi mổ dễ dẫn đến rối loạn hoạt động đường ruột. Sử dụng kháng sinh mạnh và kéo dài cũng ảnh đến hệ lợi khuẩn thường trú đường ruột. Từ đó gây ra khó tiêu, táo bón, đầy hơi.3

Nguyên nhân mãn tính

Đầy bụng diễn ra thường xuyên và kéo dài thường là do các nguyên nhân bệnh lí mạn tính. Triệu chứng đầy bụng cùng các vấn đề tiêu hóa khác sẽ khó kiểm soát tốt nếu chưa giải quyết được nguyên nhân. Dưới đây là những nguyên nhân đáng chú ý:

  • Bệnh không dung nạp gluten (Celiac). Đây là một rối loạn của hệ thống miễn dịch, xảy ra trên một số cơ địa đặc biệt và có tính di truyền. Người bệnh Celiac không tiêu thụ được một loại protein tên là gluten. Khi ăn phải gluten, ruột non của họ sẽ bị ảnh hưởng. Từ đó gây ra tiêu chảy, khó hấp thu, khó tiêu, sụt cân cùng nhiều rối loạn tiêu hóa khác. Đầy bụng chướng hơi là một trong các triệu chứng thường gặp ở căn bệnh này.1 2
  • Viêm loét đại tràng mạn tính, viêm loét dạ dày mạn tính. Đây là những vấn đề tiêu hóa rất phổ biến. Bên cạnh đó, viêm đường ruột mạn tính thường phát triển từ những đợt viêm cấp tính không được điều trị triệt để. Trong đó, đa số các tác nhân gây bệnh là ký sinh trùng hay vi khuẩn. Những ổ viêm loét có thể gây đầy hơi chướng bụng, những cơn đau dữ dội, thậm chí là chảy máu đường tiêu hóa.4
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS). Đây là tên gọi chung cho một nhóm các biểu hiện rối loạn tiêu hóa xảy ra dai dẳng. Đặc trưng của chúng là kéo dài và không tìm được các tổn thương cụ thể dù đã thăm khám và xét nghiệm. Triệu chứng của IBS bao gồm khó tiêu, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón xen kẽ.5
  • Những bệnh lí ác tính đường tiêu hóa hay phụ khoa. Những khối u ác tính trong lòng ruột sẽ gây ra bít tắc, ứ đọng. Những khối u di căn hoặc chèn ép từ cơ quan khác như buồng trứng, tử cung cũng có thể gây ra tình trạng này.3

Cách trị đầy bụng tại nhà

Đa số các trường hợp đầy bụng do những nguyên nhân tạm thời thường nhẹ và tự khỏi. Chúng ta cũng có nhiều cách thức để làm giảm mức độ khó chịu của hiện tượng này. Một số cách bao gồm:

  • Vận động nhẹ nhàng trong 30 phút sau khi ăn. Không nằm xuống ngay sau khi ăn sẽ giảm được đáng kể những cơn trào ngược, ợ hơi và đầy bụng. Tránh vận động quá mạnh ngay sau khi ăn giúp hạn chế những cơn đau và hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.
  • Massage vùng bụng. Thao tác xoa bóp nhẹ nhàng đều đặn trên bụng giúp tăng nhu động ruột. Từ đó tác động tích cực lên quá trình tiêu hóa.
  • Sau những bữa tiệc lớn hoặc các bữa ăn nhiều đạm, hãy tráng miệng bằng các loại trái cây họ cam chanh quýt.
  • Men vi sinh, men tiêu hóa. Bổ sung ngắn hạn các loại men hỗ trợ tiêu hóa có thể giúp làm giảm tức thời các triệu chứng khó chịu.6
day-bung
Trái cây họ cam chanh có thể giúp bạn làm dịu cảm giác đầy bụng

Xem thêm: Mách bạn cách bấm huyệt chữa đầy bụng khó tiêu dễ dàng

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Triệu chứng đầy bụng xảy ra thường xuyên và kéo dài là một dấu hiệu báo động rằng bạn cần thăm khám y khoa. Vì vậy hãy liên hệ và đến khám tại các cơ sở y tế khi bạn bị đầy bụng kèm với các triệu chứng sau:

  • Tiêu chảy.
  • Đau bụng dữ dội hoặc cơn đau kéo dài dai dẳng.
  • Có máu trong phân hoặc phân đen, sệt.
  • Chán ăn kéo dài, mất cảm giác ngon miệng, rối loạn lo âu hay trầm cảm.
  • Những cơn nôn ói liên tục.
  • Sụt cân không do ăn kiêng.
  • Cảm giác tức ngực, nặng ngực, hay khó thở. Dù ít gặp nhưng cảm giác căng tức vùng trên rốn có thể nhầm lẫn với triệu chứng nặng ngực do một cơn nhồi máu cơ tim thực sự.1 4

Xem thêm: Nặng ngực khó thở là bệnh gì? Cách xử lý khi gặp tình trạng này

Cách phòng tránh triệu chứng đầy bụng

Đa số trường hợp đầy bụng tạm thời đều có thể được ngăn chặn dễ dàng khi thay đổi lối sống. Sau đây là một số cách đơn giản và hiệu quả để phòng tránh đầy bụng, bao gồm:

  • Xây dựng một chế độ ăn lành mạnh. Một thực đơn đa dạng dinh dưỡng và giàu chất xơ vô cùng có lợi cho hoạt động của hệ tiêu hóa.
  • Uống đủ nước mỗi ngày. Khoảng 2 lít nước mỗi ngày giúp đường ruột dễ dàng loại bỏ các độc tố, hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
  • Hạn chế những thói quen ăn uống có hại. Ăn uống điều độ, đúng bữa, ăn chậm nhai kỹ,… sẽ hạn chế tình trạng đầy hơi khó tiêu. 
  • Giảm bớt tần suất ăn những thực phẩm kích thích, khó tiêu như: món chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, đồ uống có ga, bia rượu, đồ cay nóng,..
  • Duy trì cân nặng hợp lí, tránh tích mỡ vùng bụng.
  • Hạn chế lối sống ù lì, ít vận động. Vận động vừa phải trong ngày hỗ trợ tốt cho hoạt động tiêu hóa. Ngoài ra, luyện tập thể dục còn giúp giữ được cân nặng phù hợp mà không cần ăn kiêng khắc nghiệt.

Đối với những nguyên nhân mạn tính gây đầy bụng, việc thăm khám định kỳ và tuân thủ điều trị có thể giúp phát hiện sớm và cải thiện đáng kể những triệu chứng khó chịu.

Hy vọng bài trên đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về tình trạng đầy bụng, cũng như một số cách khắc phục và phòng ngừa tình trạng này. Từ đó, bạn có thể áp dụng và hạn chế các triệu chứng khó chịu do đầy bụng gây ra. Tuy nhiên, trong trường hợp tình trạng này kéo dài và đi kèm với các bất thường khác. Bạn hãy đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị phù hợp nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. What’s Causing My Abdominal Bloating, and How Do I Treat It?https://www.healthline.com/health/abdominal-bloating

    Ngày tham khảo: 28/11/2021

  2. Why Am I Bloated?https://www.webmd.com/digestive-disorders/ss/slideshow-bloating-reasons

    Ngày tham khảo: 28/11/2021

  3. Understanding and managing chronic abdominal bloating and distensionhttps://www.mayoclinic.org/medical-professionals/digestive-diseases/news/understanding-and-managing-chronic-abdominal-bloating-and-distension/mac-20511032

    Ngày tham khảo: 28/11/2021

  4. Belching, gas and bloating: Tips for reducing themhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gas-and-gas-pains/in-depth/gas-and-gas-pains/art-20044739

    Ngày tham khảo: 28/11/2021

  5. Everything You Want to Know About IBShttps://www.healthline.com/health/irritable-bowel-syndrome#what-is-ibs

    Ngày tham khảo: 28/11/2021

  6. Remedies to Relieve a Bloated Stomachhttps://www.webmd.com/digestive-disorders/remedies-for-bloated-stomach

    Ngày tham khảo: 28/11/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người