Cách tính ngày rụng trứng: Dễ hay khó?
Nội dung bài viết
Chị em thường nghe nhắc đến rất nhiều về tránh thai bằng cách tính ngày như là một biện pháp kinh tế, dễ làm. Tuy nhiên, các bạn gái có thực sự hiểu rõ cách tính ngày rụng trứng, để có biện pháp tránh thai tương đối an toàn khi gần gũi? Chỉ với vài phút tính chu kì kinh nguyệt sẽ giúp các bạn chọn ra khoảng thời gian phù hợp để sinh hoạt vợ chồng. Cùng YouMed tìm hiểu nhé!
1. Chu kì kinh nguyệt và sinh lý thụ tinh
Chu kì kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên của kì kinh nguyệt cuối cùng cho đến khi bắt đầu kì kinh nguyệt tiếp theo. Thông thường, 1 chu kì của phụ nữ kéo dài 28 ngày.
Trong nửa đầu chu kì, hormone sinh dục tăng lên. Nhờ đó, nhiều trứng phát triển, lớn dần lên. Đến khoảng ngày thứ 14, trứng phát triển tốt nhất sẽ phóng noãn, hay còn gọi là hiện tượng “rụng trứng”. Thời gian này, nếu trứng rụng gặp tinh trùng, thụ tinh có thể xảy ra. Sau đó, nội mạc tử cung sẽ dày lên, chuẩn bị cho việc làm tổ của “em bé”.
Trong nửa sau chu kì, nếu trứng không được thụ tinh, tử cung không cần đón nhận phôi làm tổ. Do vậy, theo sinh lí, nội mạc tử cung sẽ bong tróc, được cơ thể đào thải. Từ đó, tạo nên 1 kì hành kinh ra máu kéo dài 3-5 ngày. Tất cả những hoạt động trên đều chịu sự chi phối nhịp nhàng của hormone sinh dục (estrogen, progesterone) và hormone tuyến yên (FSH, LH).
2. Cơ sở của việc tính ngày rụng trứng trong tránh thai – thụ thai
Chúng ta cần biết, trứng chỉ có khả năng thụ tinh trong vòng 10 – 24 giờ sau khi phóng noãn. Tiếp đó, khả năng hoạt động tối đa của tinh trùng là 48 – 72 giờ. Ngoại lệ, vài trường hợp tinh trùng có thể sống đến 5 ngày. Như vậy, nếu muốn tránh thai, cần kiêng giao hợp ít nhất 3 ngày trước phóng noãn và 1 ngày sau phóng noãn. Nói cách khác, phải làm sao để tinh trùng “chết” trước khi gặp được trứng rụng. Ngược lại, trứng rụng rồi cũng phải “yểu” trước khi chờ đợi được tinh trùng bước vào. Như vậy, thụ tinh mới không xảy ra.
Để nhận biết được thời điểm dễ có thai, chu kì kinh nguyệt chia thành 3 giai đoạn. Ngày đầu hành kinh được tính là ngày 1.
- Trước rụng trứng: giai đoạn không thụ thai.
- 4 – 7 ngày khoảng giữa chu kì: giai đoạn thụ thai. Giai đoạn này bao gồm vài ngày trước và ngày sau rụng trứng.
- Sau rụng trứng: giai đoạn không thụ thai.
Vấn đề chính và khó khăn nhất là, làm thế nào để xác định đúng ngày phóng noãn cho mỗi phụ nữ?
3. Cách tính ngày rụng trứng trong chu kì kinh nguyệt
3.1 Cách tính lịch theo Ogino – Knauss
Năm 1929 – 1930, Ogino – Knauss tìm ra quy luật sau:
- Khoảng thời gian từ phóng noãn đến hành kinh là cố định.
- Hiện tượng phóng noãn xảy ra từ 12 – 16 ngày trước kì kinh sắp tới.
Chính vì vậy, cách tính lịch này áp dụng cho phụ nữ có kinh nguyệt đều. Nếu kinh đều, chị em mới có thể tính đúng được ngày xảy ra kinh sắp tới của mình.
Trên cơ sở này, dựa vào khả năng thụ tinh của noãn và khả năng hoạt động của tinh trùng, Ogino – Knauss khuyên nên tránh giao hợp từ 19 – 12 ngày trước kì kinh sau. Nói cách khác, với vòng kinh ổn định 28 ngày, để tránh thai cần kiêng giao hợp ngày 10 – 17 tính từ ngày đầu kì kinh trước. Mở rộng ra, chu kì 26 ngày thì nguy hiểm là khoảng ngày 8 – 15. Còn chu kì 32 ngày thì khoảng ngày 12 – 19 là lúc dễ thụ thai. Từ đó, chúng ta có vòng tránh thai theo kinh nguyệt đều như sau:
3.2 Cách tính lịch theo Chartier
Đối với chị em có vòng kinh không ổn định, có thể sử dụng công thức của Chartier, ra đời năm 1970. Phụ nữ cần theo dõi ghi nhận lại các ngày trong mỗi chu kì kinh trong ít nhất 6 tháng. Trong 6 tháng đó, chọn ra vòng kinh dài nhất và ngắn nhất.
Khoảng thời gian nhạy cảm được tính toán như sau
- Ngày đầu có thể thụ tinh: vòng kinh ngắn nhất trừ đi 18.
- Ngày cuối có thể thụ tinh: vòng kinh dài nhất trừ đi 11.
Ví dụ: chu kì dao động từ 25 đến 31 ngày thì ngày giao hợp có khả năng thụ thai là từ ngày 7 (= 25 – 18) đến ngày 20 (= 31 – 11).
Theo thống kê của nhiều tác giả, tỉ lệ tránh thai không đều nhau. Nhật Bản 19 – 42%, Mỹ 13 – 38%, Nga 2.4%. Tuy vậy phương pháp này vẫn được nhiều người công nhận và áp dụng. Nguyên nhân thất bại thường do không thực hiện đúng quy tắc tính toán. Đối với những người có vòng kinh không ổn định thì thất bại sẽ gặp nhiều hơn. Khoảng thời gian an toàn nhất là trong 10 ngày trước kì kinh sau.
3.3 Phương pháp đo thân nhiệt hằng ngày
Sử dụng một nhiệt kế cố định, đo thân nhiệt ở miệng hay hậu môn vào một giờ nhất định trong ngày. Ví dụ, buổi sáng vừa thức dậy, chưa ra khỏi giường, cặp nhiệt trong vòng 5 phút. Đọc nhiệt độ, ghi vào bảng nhiệt độ. Khi đó sẽ thấy đường biểu diễn thân nhiệt có hai pha
- Pha 1: Sau khi thấy kinh, thân nhiệt luôn dưới 37oC. Ngày phóng noãn, nhiệt độ đột ngột hạ thấp rồi tăng nhanh trên 37oC.
- Pha 2: Sau ngày phóng noãn, thân nhiệt giữ ở mức trên 37oC, do tác dụng của progesterone lên trung tâm điều hòa nhiệt độ trên não.
Dựa vào đó, người phụ nữ sẽ nhận ra lúc thân nhiệt thay đổi để tính ngày rụng trứng. Vợ chồng tránh giao hợp vào 3 ngày trước hôm dự kiến có phóng noãn và 2 ngày sau khi nhiệt độ lên cao để ngừa thai.
Thời kì đầu sau kinh là thời kì an toàn tương đối. Thời kì an toàn tuyệt đối là giai đoạn sau khi thân nhiệt đã lên cao. Muốn xác định chính xác ngày rụng trứng qua đường biểu diễn thân nhiệt, cần thiết phải theo dõi nhiệt độ cơ thể qua 3-6 chu kì kinh liên tiếp. Đây là phương pháp dễ làm, không tốn kém và chính xác để chọn ngày phóng noãn. Tuy nhiên, phải thực hiện đúng quy tắc đo thân nhiệt.
3.4 Theo dõi chất nhầy cổ tử cung
Phương pháp chất nhầy cổ tử cung được dựa trên quan sát cẩn thận các mẫu chất nhầy trong suốt quá trình của chu kì kinh nguyệt. Trước khi rụng trứng, chất tiết của cổ tử cung thay đổi. Mục đích nhằm tạo ra môi trường lí tưởng cho thụ tinh. Nhờ vậy, tinh trùng đi lại thông suốt qua cổ tử cung, tử cung và ống dẫn trứng với trứng. Bằng cách nhận biết thay đổi của chất nhầy cổ tử cung, có thể dự đoán lúc rụng trứng.
3.4.1 Biểu đồ thay đổi của chất nhầy
Trong một chu kì, chất nhầy cổ tử cung thay đổi tình trạng như sau:
- Kinh nguyệt: 3 – 5 ngày đầu chu kì. Khi ra máu, sẽ không thể nhận ra chất nhầy.
- Khô: 3 – 5 ngày tiếp đó.
- Chất nhầy có màu giống như lotion: ngày rụng trứng có thể đang đến, nhưng chưa phải lúc thụ thai. Giai đoạn này rơi vào khoảng tuần thứ 2 của chu kì kinh.
- Ướt và nước: 3 – 5 ngày trước rụng trứng.
- Chất nhầy giống lòng trắng trứng: đây là thời điểm rất dễ thụ thai. Vì vậy đây là lúc thích hợp để lên lịch gần gũi vợ chồng nếu muốn có con. Chất nhầy trở nên ẩm ướt, giống như lòng trắng trứng sống. Dùng ngón tay có thể kéo giãn chất nhầy ra khoảng 2,5cm trở lên.
- Đặc sệt: sau phóng noãn 3 – 5 ngày.
- Khô: cơ thể đào thải trứng không thụ tinh, chuẩn bị cho đợt hành kinh.
- Kinh nguyệt trở lại.
3.4.2 Một số lưu ý
Khi áp dụng phương pháp dịch nhầy cổ tử cung, chú ý rằng bất kì vấn đề nào đối với sức khỏe hoặc thói quen hàng ngày cũng có khả năng khiến cho việc nhận biết dấu hiệu rụng trứng trở nên khó khăn hơn. Để tránh gây nhầm lẫn chất tiết cổ tử cung với tinh trùng hoặc bôi trơn tình dục bình thường, không nên quan sát dịch nhầy ngay sau khi quan hệ. Ngoài ra, một số loại thuốc, dung dịch vệ sinh phụ nữ, chất thụt rửa, khám phụ khoa đều là những yếu tố làm thay đổi tính chất của dịch nhầy cổ tử cung.
4. Ưu nhược điểm của phương pháp
Trên thực tế, dù là tránh thai bằng cách nào đi nữa thì cũng tồn tại những rủi ro nhất định. Tính toán ngày dễ thụ thai bằng phương pháp này dù mang nhiều ưu điểm cũng không thể đảm bảo tỉ lệ thành công cao. Thụ tinh hay tránh thai thành công hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác.
4.1 Ưu điểm
Một ưu điểm không thể phủ nhận của các cách tránh thai theo vòng kinh phụ nữ là tiết kiệm chi phí. Lí do bởi vì cơ chế chủ yếu dựa trên sự rụng trứng tự nhiên của cơ thể. Tính ngày dễ phổ biến, dễ áp dụng, không cần phương tiện. Hơn nữa, có thể áp dụng lâu dài, không ảnh hưởng đến sức khoẻ và khả năng sinh sản. Chị em không cần phải lo lắng về thuốc tránh thai, nội tiết tố, dụng cụ vật lí cùng những hệ quả của các phương pháp tránh thai đi ngược sinh lí.
4.2 Nhược điểm
Áp dụng ngừa thai bằng tính ngày theo chu kì kinh có một số bất lợi sau
- Tỉ lệ thành công dao động lớn, chỉ phù hợp cho phụ nữ kinh đều, gần như không xê dịch. Vòng kinh càng đều, khả năng thành công càng cao. Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ không thể có mọi kì kinh đều đúng bon 28 ngày.
- Những phương pháp tránh thai theo chu kì kinh nguyệt được đề cập trong bài viết để xác định thời điểm có khả năng thụ thai cao, chứ không thể tránh thai tuyệt đối. Cho dù kinh gần như đều đặn, cũng không thể tránh khỏi hoàn toàn phóng noãn bất thường xảy ra.
- Thông thường, chị em thường cho rằng quan điểm sau đây đúng: “Một người phụ nữ không thể có thai khi cô ấy đang trong lần hành kinh của mình”. Do đó, vợ chồng gần gũi vào ngày “ra máu”. Tuy nhiên, tỉ lệ cho mang thai chỉ thấp hơn vào những ngày bạn đang ở trong kì hành kinh chứ không phải là 0%. Bên cạnh đó, chị em lầm lẫn giữa xuất huyết âm đạo bất thường và máu kinh, hoặc cho rằng máu rỉ vào ngày 10 của chu kì vẫn đồng nghĩa với quan hệ an toàn. Những quan niệm này là sai, không thể đảm bảo sẽ tránh thai thành công.
- Không thích hợp với những vợ chồng có tần suất giao hợp cao. Nếu không cảm thấy chắc chắn, hãy dùng phương pháp tránh thai nội tiết tố hoặc dùng bao cao su.
- Tránh thai tự nhiên theo vòng kinh không thể chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs), bao gồm cả HIV.
>> Xem thêm: Tỉ lệ thành công thực tế của các biện pháp tránh thai
Bên cạnh hiệu quả tránh thai, mỗi biện pháp đều có tác dụng phụ, có thể có lợi và cũng có thể có hại. Không một biện pháp nào được coi là hoàn hảo hay tốt nhất nhưng mỗi người ở một hoàn cảnh cụ thể tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe, kinh tế, tâm lý, đều có thể chọn cho mình một biện pháp hợp lí nhất.
Tránh thai bằng tính ngày rụng trứng đơn giản, dễ làm, tỉ lệ tương đối nếu hiểu đúng quy tắc và thực hiện chặt chẽ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Zeynep Öztürk İnal, Hasan Ali İnal, Hasan Küçükkendirci, Ayla Sargın Oruç, Oğuzhan Günenç (2017), "The level of using family planning methods and factors that influence the preference of methods in the Konya-Meram area". Journal of the Turkish German Gynecological Association, 18 (2), pp. 72-76.
- F. Cunningham, Kenneth Leveno, Steven Bloom, John Hauth, Dwight Rouse, et al. (2009), "Williams Obstetrics: 23rd Edition".