Trà tiên: Tác dụng không ngờ từ loài cây nhỏ bé
Nội dung bài viết
Trà tiên là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng thanh nhiệt, hỗ trợ tiêu hóa, hô hấp rất hiệu quả. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
1. Giới thiệu về Trà tiên
- Tên gọi khác: Trà tiên, Hương thảo, É, É trắng, Tiến thực
- Tên khoa học: Ocimum basilicum L., var. pilosum (Willd.) Benth.
- Họ khoa học: họ Hoa môi – Lamiaceae.
- Toàn cây – Herba Ocimi Pilosi, thường có tên là Mao la lặc.
1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Cây Trà tiên được tìm thấy nhiều ở châu Phi và châu Á Phi. Ở nước ta, có trồng ở đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh Tây Nguyên để lấy cành lá làm thuốc.
Trồng bằng hạt vào mùa xuân. Cành lá thu hái khi cây chưa có hoa hoặc đã có nụ. Có thể dùng tươi hoặc phơi trong râm cho khô. Có thể cất lấy tinh dầu. Ngoài ra, cũng có một số người sử dụng hạt của cây để uống như kiểu dùng hạt é.
Trước đây, Trà tiên có tên là Tiến thực vì ăn ngon, thường được dùng đến tiến cống vua chúa.
1.2. Mô tả toàn cây
Trà tiên thuộc nhỏ sống hằng năm, thân phân nhánh ngay từ gốc tạo thành cây bụi cao 0,5 – 1m hay hơn. Thân vuông, rõ nhất ở phần thân non, màu xanh lục nhạt, có lông thưa.
Lá mọc đơn đối chéo chữ thập, không có lá kèm. Phiến lá hình trứng dài 56cm, rộng 2 – 3cm, màu xanh lục nhạt, mép lá có răng cưa, có nhiều lông nhỏ.
Cụm hoa là những xim co, không có cuống, mỗi xim co gồm 3 hoa có chung một lá bắc. Các xim co này tập trung hai cái một ở mỗi mấu thành những vòng giả, mỗi vòng 6 hoa, các vòng hoa thường cách nhau với những khoảng cách và tập trung ở đỉnh cành thành những bông với trục bông dài khoảng 20cm. Đài màu xanh, tràng màu trắng.
Quả bể tư, rời nhau, không tự mở, nằm trong đài tồn tại. Mỗi quả đựng một hạt, hình bầu dục, nhẵn, màu xám đen, khi cho vào nước thì hút nước tạo thành một màng nhầy trắng bao bọc bên ngoài.
Toàn cây vò có mùi thơm giữa mùi chanh và sả. Về hình thái, Trà tiên giống húng quế chỉ khác phía trên có nhiều cành, lá hoa đều có lông.
Bộ phận dùng làm thuốc: Toàn cây – Herba Ocimi Pilosi, thường có tên là Mao la lặc.
1.3. Bảo quản
Nên bảo quản trong bọc kín, cất trữ nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, thông thoáng.
Ngoài Trà tiên, Càng cua là loại rau quen thuộc bổ dưỡng. Bạn có thể xem thêm bài viết: Càng cua: Loại rau quen thuộc lợi hay hại?
2. Thành phần hóa học và tác dụng
2.1. Thành phần hóa học
Toàn cây chứa 2,5 – 3,5% tinh dầu (có thể 4 – 5%), hàm lượng dầu cao nhất là lúc cây đã ra hoa. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là citral với tỷ lệ 56 – 75%, một ít citronellal 1,4%, còn có khoảng hơn 20 chất khác. Tinh dầu màu vàng nhạt, có mùi thơm dễ chịu của sả và chanh, pH 4 – 4,5.
Hạt chứa chất nhầy mà khi thủy phân sẽ được thành phần có acid galacturonic, arabinose và galactose.
2.2. Tác dụng của Trà tiên
Trà tiên có tác dụng điều trị tốt đối với những đối tượng bị:
- Cảm mạo, phong hàn
- Đau đầu, đau dạ dày, chướng bụng, tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu.
- Đau nhức xương khớp.
- Củng cố sức khỏe, giảm stress nâng cao sức đề kháng nếu dùng Trà tiên ướp thường xuyên.
Theo Y học cổ truyền vị thuốc có các đặc trưng:
- Lá có mùi thơm vị cay, tính ấm. Hạt có tính hàn.
- Quy kinh Phế và Tâm.
- Tác dụng: làm ra mồ hôi, giải biểu, khu phong, tán hàn, giảm đau. Hạt có tác dụng giải nhiệt, nhuận tràng.
Hạt Trà tiên là vị thuốc mát, nhuận tràng thường dùng dưới dạng hãm, (ngày một đến hai thìa ngâm trong 250ml nước cho đến khi nở hết). Có thể nấu thành chè: Liều lượng như trên nhưng trước khi uống cho thêm đường vào cho đủ ngọt.
Dùng ngoài để đắp lên những nơi viêm tấy, tác dụng giảm sưng, viêm.
Lá và toàn cây dùng hãm hay sắc chữa cảm cúm, chữa ho. Ngày dùng 10 – 15g. Có thể dùng nấu nước xông chữa cảm cúm.
3. Lưu ý và kiêng kỵ khi dùng Trà tiên
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu Trà tiên với nhiều cách khác nhau.
Liều dùng: 10 – 15g hãm uống (cành lá phơi khô) hoặc nấu nước uống với nhiều loại cây tươi khác có tinh dầu.
Kiêng kỵ:
Những người dị ứng với bất kỳ thành phần của vị thuốc.
Hạt Trà tiên có tính hút nước mạnh, vì vậy nên uống chung với nhiều nước.
Không dùng cho người bị tiêu chảy, có vấn đề về đường ruột.
Đặc biệt, phụ nữ có thai không nên sử dụng Trà tiên.
4. Một số bài thuốc kinh nghiệm
4.1. Làm thuốc xông chữa cảm, cúm, sốt, đau đầu
Lá trà tiên tươi 20 – 30g, dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều loại lá thơm khác như lá bưởi, lá chanh, cúc tần, hương nhu…, mỗi thứ 10g, nấu nước xông cho vả mồ hôi là khỏe.
4.2. Chữa đau bụng, trướng bụng, ăn không tiêu, nôn mửa
Cành lá trà tiên phơi khô, cắt nhỏ 10 – 20g, hãm nước uống trong ngày. Có thể uống như uống trà cũng tốt.
4.3. Chữa táo bón
Hạt Trà tiên 4 – 12g, ngâm vào 100ml nước ấm đến khi bên ngoài hạt có một lớp nhầy màu trắng bao quanh như thạch trân châu. Thêm đường, khuấy đều và uống.
4.4. Lợi tiểu, giảm tiểu gắt, tiểu buốt
Tinh dầu trà tiên, 3 – 6 giọt, pha với siro và nước thành nhũ tương, uống trong ngày.
Trà tiên là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc VIệt Nam. Nhà xuất bản Y học
- Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiền, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội