Trắc bá diệp: Vị thuốc Nam cầm máu
Nội dung bài viết
Đôi khi đi ngang qua công viên hay qua những khu vườn nhà ai đó, ta có thể bắt gặp những lùm cây thấp, lá nhìn qua khá giống lá Thông. Đó chính là cây Trắc bá, lá của nó gọi là Trắc bá diệp (Cacumen Platycladi). Không phải ai cũng biết, đó chính là một vị thuốc Nam rất công hiệu trong việc cầm máu. Cụ thể công dụng của nó như thế nào, chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
1. Đặc điểm cây thuốc Trắc bá diệp
Cây phát triển tối đa có thể cao tới 6 – 8m. Những cây được chiết cành thì thường không cao mà mọc thành những bụi thấp chúng ta hay thấy trong công viên hoặc được trồng làm cảnh. Cây dạng tháp, phân nhiều nhánh xếp theo những mặt phẳng thẳng đứng. Dọc thân mọc nhiều nhánh con chứa lá.
Lá nhỏ, mọc đối thành khóm màu xanh đậm, phiến lá nhỏ tương tự lá Thông, hình vảy dẹp, lợp lên nhau. Lá ở nhánh non và nhánh già có hình dạng khác nhau. Nón cái tròn ở gốc các cành.
Nón quả hình trứng, có 6 – 8 vảy dày, xếp đối nhau.
Hạt hình trứng, dài độ 4mm. Vỏ hạt cứng nhẵn, màu nâu sậm, không có cánh.
Mùa hoa quả: khoảng tháng 3 – 9.
2. Bộ phận dùng
Cây Trắc bá dùng cành lá và nhân hạt làm thuốc. Cành lá gọi là Trắc bá diệp (là vị thuốc chúng ta đề cập tới trong bài này), còn nhân hạt gọi là Bá tử nhân.
3. Phân bố
Trắc bá là cây của vùng Đông Bắc Trung Quốc, Triều Tiên, Myanmar.
Ở nước ta, cây được trồng rộng rãi khắp các vùng miền. Cây được trồng làm cảnh và thu hái để làm thuốc.
>> Đọc thêm về một loại dược liệu có công dụng cầm máu tương tự Trắc bá: Bạch cập: Vị thuốc quý cầm máu hiệu quả.
4. Thu hái, chế biến, bảo quản
4.1. Thu hái
Lá và cành nhỏ có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất là vào tháng 9 – 11.
4.2. Chế biến
Theo Trung y:
Lấy lá ngâm nước vo gạo nếp 7 ngày, mỗi ngày thay nước 1 lần. Tẩm rượu rồi đồ một lúc. Mỗi kg Trắc bá diệp dùng 500ml nước cốt Hoàng tinh tẩm sấy nhiều lần cho đều, đến khi hết nước Hoàng tinh (theo Lôi Công).
Dùng sống hoặc sao cháy tùy từng trường hợp (theo Lý Thời Trân).
Theo kinh nghiệm Việt Nam: có thể thái nhỏ, dùng sống hoặc sao cháy. Cũng có thể lấy lá tươi cắt nhỏ rồi hầm trong nồi đậy kín, đốt ngoài cho đến khi cháy tồn tính.
4.3. Bảo quản
Để nơi khô ráo, đậy kín, tránh nóng quá.
5. Thành phần hóa học trong Trắc bá diệp
Trong lá cây Trắc bá chứa:
- Tinh dầu (chủ yếu là pinen, cariophylen).
- Các hợp chất flavon.
- Phần sáp, sau khi xà phòng hóa sẽ được 21% acid hữu cơ, trong đó chủ yếu gồm những acid sabinic, acid juniperic.
- Các chất béo.
- Nhựa.
6. Tác dụng dược lý
Thử nghiệm nước sắc Trắc bá diệp trên chó được thực hiện tại Bộ môn Dược lý Trường Đại học Y dược Hà Nội vào năm 1962 cũng cho thấy khả năng đông máu nhanh hơn.
Dùng phần lắng đọng của nước sắc Trắc bá diệp với rượu có tác động lên trung khu thần kinh và giảm ho rõ.
Dịch chiết làm Pentobarbital sodium có tác dụng gây mê tốt hơn trên súc vật được thử nghiệm.
Ngoài ra, vị thuốc Trắc bá diệp còn thể hiện khả năng ức chế đối với một số loại vi khuẩn, tụ cầu khuẩn, virus cúm.
7. Công dụng
Trắc bá diệp vị đắng, tính hơi lạnh, thường dùng để cầm máu, làm mát máu. Trong lâm sàng, vị thuốc này thường dùng điều trị một số bệnh:
- Cầm máu chữa chảy máu (ví dụ chảy máu do trĩ, lỵ, đại tiện ra máu, chảy máu cam, ho ra máu…).
- Chữa sốt gây chảy máu.
- Chữa ra khí hư do nhiễm trùng.
- Lợi tiểu tiện.
- Chữa viêm họng, ho, mất tiếng.
- Chữa mụn nhọt.
8. Liều lượng và cách dùng
Cách dùng: Trắc bá diệp có thể dùng tươi, khô, sao lên hay tán bột mịn.
Liều lượng: khoảng 6 – 12g/ngày, tùy bệnh.
9. Một số bài thuốc sử dụng Trắc bá diệp
9.1. Bài thuốc dùng để cầm máu
Dùng 30 – 50g Trắc bá diệp. Đem nguyên liệu đã chuẩn bị sao vàng, cho vào ấm sắc với 1 lít nước. Chờ cho nước sôi, vặn nhỏ lửa, tiếp tục đun ấm thuốc đến khi cạn còn một nửa. Chia uống 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều.
9.2. Bài thuốc trị rong kinh, rong huyết
Cành lá Trắc bá diệp 10g, Bạc hà 8g, Vỏ cam 6g, Hương phụ 6g.
Cành lá Trắc bá diệp sao đen. Sắc nước uống 2 lần/ngày.
9.3. Bài thuốc trị băng huyết
Trắc bá diệp 15g, Ngải cứu 10g, Buồng cau khô 8g. Đem sao cháy tất cả. Đun sôi với 3 chén nước, sắc còn 1 chén để uống. Uống lúc nóng, ngày 2 lần.
9.4. Bài thuốc điều trị viêm bàng quang cấp
Trắc bá diệp, Nghiệt bì, Hạn liên thảo, Củ kim cang, Mộc thông (mỗi vị 16g). Đỗ phụ, Liên kiều, Hòe hoa (mỗi vị 12g). Sắc uống.
9.4. Bài thuốc điều trị ho ra máu
Trắc bá diệp, Ngải diệp (mỗi vị 15g), Can khương (6g). Trắc bá diệp sao đen, Can khương sao vàng. Tất cả đem sắc. Uống 5 – 7 ngày.
9.5. Bài thuốc điều trị ho kéo dài
Trắc bá diệp 10g, Tang kí sinh 10g, rễ Chanh 10g, rễ Dâu 10g. Tất cả đem sao vàng, rồi sắc lấy nước uống.
9.6. Bài thuốc chữa trĩ đi ngoài ra máu
Trắc bá diệp, Hòe mễ, quả Trấp già (Chỉ xác), hoa Kinh giới số lượng bằng nhau. Tất cả dùng dạng khô. Tán nhỏ tất cả. Mỗi ngày uống 20g hãm với nước sôi uống thay trà. Dùng trước khi ăn 30 phút.
9.7. Bài thuốc chữa chảy máu chân răng
Trắc bá diệp 12g, Thượng thảo 12g, A giao 12g, Sinh địa 16g, Thiên môn 16g, Thạch cao 20g. Sắc uống.
Trắc bá diệp là loại cây phổ biến, dễ trồng và cũng tương đối dễ sử dụng. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên có sự tham khảo ý kiến của thầy thuốc để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc. Rất mong nhận được phản hồi cũng như sự đồng hành của các bạn ở những bài viết kế tiếp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Bài giảng Đông y. Đại học Y Hà Nội, khoa Y học cổ truyền
- Bào chế Đông dược. Đại học Y Hà Nội, khoa Y học cổ truyền
- Võ Văn Chi. Những cây thuốc thông thường