Cùng bác sĩ tìm hiểu về tình trạng trẻ sơ sinh đổ mồ hôi trộm
Nội dung bài viết
Trẻ sơ sinh dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ. Chúng dễ bị đổ mồ hôi trong lúc ngủ cũng như khi thức giấc. Trong một số trường hợp, tình trạng trẻ sơ sinh đổ mồ hôi trộm không có gì phải lo lắng. Nhưng đôi khi nó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng. Cùng tìm hiểu những nguyên nhân và cách hạn chế tình trạng này qua bài viết dưới đây của bác sĩ Phan Văn Giáo.
Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi trộm có bình thường không?
Trẻ ra mồ hôi vào ban đêm không phải lúc nào cũng là một nguyên nhân gây lo ngại. Có rất nhiều lý do gây ra đổ mồ hôi vào ban đêm. Không phải tất cả những lý do đó đều thể hiện một tình trạng bệnh lý. Đa số các trường hợp trẻ ra mồ hôi trộm lúc ngủ là bình thường. Nhưng dù vậy cha mẹ cũng không nên chủ quan. Phụ huynh hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trong trường hợp thấy bé đổ mồ hôi quá nhiều trong một thời gian dài. Tình trạng này thường sẽ đi kèm với các triệu chứng đặc trưng của từng bệnh.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh đổ mồ hôi trộm
1. Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi trộm do sinh lý
Giấc ngủ sâu
Giấc ngủ có 2 giai đoạn chính là giai đoạn chuyển động mắt nhanh (REM) và giai đoạn sâu. Trong giai đoạn ngủ sâu, một số trẻ dễ bị đổ mồ hôi. Thậm chí ra mồ hôi nhiều đến mức có thể làm chúng thức giấc. Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở cả người lớn.
Nếu bạn thấy con bạn ra mồ hôi nhiều khi bé đang ngủ sâu thì đây không phải tình trạng đáng lo ngại.
Khóc
Khóc quá nhiều có thể khiến trẻ mệt mỏi và kiệt sức. Từ đó có thể dẫn đến đổ mồ hôi. Tình trạng trẻ sơ sinh đổ mồ hôi trộm do nguyên nhân này sẽ hết khi chúng ngừng khóc.
Nhiệt độ phòng cao
Nhiệt độ phòng cao là nguyên nhân sinh lý phổ biến nhất làm trẻ ra mồ hôi lúc ngủ. Đổ mồ hôi là một cơ chế tự nhiên của cơ thể để chống lại cái nóng.
2. Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi trộm do sinh lý
Tình trạng đổ mồ hôi ở trẻ sơ sinh có thể do rất nhiều nguyên nhân. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Đây là tình trạng trẻ sơ sinh sẽ ngưng thở một khoảng thời gian giữa các nhịp thở. Thời gian này có thể kéo dài đến 20 giây.
Ngưng thở khi ngủ phổ biến ở trẻ sinh non. Trẻ sơ sinh mắc chứng ngưng thở khi ngủ thường đổ mồ hôi trộm vì đó là cách cơ thể chúng phản ứng lại với tình trạng ngưng thở.
Các triệu chứng khác của hội chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm:
- Thở hổn hển hoặc khò khè.
- Thở nhanh, thở không liên tục.
- Da hơi xanh xao, nhợt nhạt.
Nếu nghi ngờ con bạn bị chứng ngưng thở khi ngủ, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay.
Suy tim bẩm sinh
Giống như trẻ mắc chứng ngưng thở khi ngủ phải đổ mồ hôi để thở, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh cũng như vậy. Tần suất mắc bệnh này là 1/125 trẻ sơ sinh.
Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi trộm do bệnh tim sẽ ra mồ hôi gần như liên tục. Kể cả trong khi ăn, lúc ngủ và chơi. Vì cơ thể chúng phải làm việc nhiều hơn để bơm máu.
Các triệu chứng khác của suy tim bẩm sinh là:
- Trẻ không tăng cân hoặc tăng chậm.
- Da xanh xao.
- Hay ho, khó thở, dễ mắc các bệnh viêm phổi.
Chứng tăng tiết mồ hôi
Đây là một tình trạng đặc trưng bởi sự tăng tiết mồ hôi quá nhiều. Nguyên nhân chính xác của tình trạng này chưa được xác định. Chúng có thể xảy ra khu trú hoặc toàn thân.
Phương pháp hạn chế tiết mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh
Điều chỉnh nhiệt độ phòng
Nên giữ nhiệt độ phòng từ 20 đến 22°C. Nhiệt độ phòng của trẻ phải là giữa ấm và mát. Không quá nóng và không quá lạnh.
Trang phục thoải mái cho trẻ
Cha mẹ nên cho trẻ mặc những bộ quần áo thoải mái và phù hợp với mùa. Các bác sĩ khuyên nên giữ ấm cho trẻ như khi mẹ còn mang thai. Nên chọn vải thoáng khí và quần áo thoải mái. Vì quần áo quá dày sẽ khiến cơ thể trẻ dễ đổ mồ hôi hơn.
Kiểm soát việc khóc
Khóc quá nhiều có thể khiến trẻ sơ sinh đổ mồ hôi trộm. Vì vậy, việc tìm ra và khắc phục sự cố khiến trẻ quấy khóc là điều vô cùng cần thiết. Nguyên nhân có thể là do trẻ đói, tã ướt hoặc bé mơ thấy ác mộng.
Cha mẹ hãy xoa dịu trẻ và ru chúng vào giấc ngủ trở lại. Mẹ có thể thử chuyển em bé sang chỗ khác để ngủ để cải thiện tình trạng này.
Bổ sung nước
Việc bổ sung cho trẻ đủ nước là để bù lại lượng chất lỏng bị mất do đổ mồ hôi. Nếu trẻ vẫn tiếp tục đổ mồ hôi, có thể bé đã bị sốt. Lúc này, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu thực hiện các biện pháp trên nhưng trẻ không cải thiện tình trạng đổ mồ hôi trộm, bạn nên đưa trẻ đi khám sớm. Đặc biệt là khi trẻ có các dấu hiệu và triệu chứng sau:
- Nhiệt độ trẻ cao hơn 38°C.
- Trẻ ngáy, thở hổn hển hoặc tạm dừng lâu giữa các nhịp thở trong khi ngủ
- Bé không tăng cân bình thường hoặc tăng chậm.
- Bé đổ mồ hôi khi cố gắng bú.
Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi trộm nhiều nếu không được chữa trị cũng có thể gây tác động tiêu cực cho sức khỏe. Nếu thấy bé đổ mồ hổi nhiều kèm theo các biểu hiện bất thường, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra. Đây có thể là dấu hiệu trẻ đang gặp vấn đề sức khỏe. Hy vọng qua bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng đổ mồ hôi ở trẻ sơ sinh và có những xử trí thích hợp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Sweating While Sleeping in Newbornshttps://www.hellomotherhood.com/article/533475-sweating-while-sleeping-in-newborns/
Ngày tham khảo: 02/06/2021
-
11 Causes Of Baby Sweating In Sleep And When To Consult A Doctorhttps://www.momjunction.com/articles/baby-sweating-while-sleeping_00347673/
Ngày tham khảo: 02/06/2021