Những triệu chứng bệnh Basedow mà bạn cần lưu ý
Nội dung bài viết
Bệnh Basedow có lẽ vẫn là một thuật ngữ khá xa lạ đối với người dân Việt Nam. Thực tế đây là một dạng bệnh lý chức năng tuyến giáp thường gặp và có xu hướng ngày càng gia tăng. Vậy triệu chứng bệnh Basedow là gì? Điều trị ra sao và phòng ngừa như thế nào? Hãy cùng điểm qua các thông tin cần thiết ở bài viết dưới đây của Bác sĩ Lê Dương Linh nhé!
Bệnh Basedow là gì?
Bệnh Basedow là một trong nhiều dạng bệnh lý về tuyến giáp. Trong bệnh lý này tuyến giáp phình to và tăng sản xuất hormone tuyến giáp quá mức. Từ đó gây ra các rối loạn bên trong cơ thể.
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở cổ. Hormone tuyến giáp tham gia vào nhiều hoạt động quan trọng trong cơ thể như:
- Kích thích sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể.
- Ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống xương trong cơ thể thông qua quá trình chuyển hóa canxi.
- Tăng cường hoạt động tim mạch và hô hấp.
- Ảnh hưởng đến hoạt động co bóp và tiêu hóa của ruột.
- Tác động đến quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Đặc biệt là với đường và chất béo.
- Tác động lên sự thư giãn – kích thích của cơ bắp.
- Ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Có thể thấy, hoạt động của hormone tuyến giáp ảnh hưởng đến rất nhiều quá trình trong cơ thể. Bình thường nồng độ và chức năng hormone ở trạng thái cân bằng. Vì vậy các quá trình này diễn ra suôn sẻ. Trong bệnh Basedow, một lượng lớn hormone được sản xuất dư thừa. Kéo theo các quá trình trong cơ thể bị thúc đẩy quá mức gây hại cho sức khỏe.
Nguyên nhân của sự sản xuất thừa thãi này chưa được làm rõ. Nhưng y học chứng minh rằng nó có liên quan mật thiết đến rối loạn hệ miễn dịch của người bệnh. Vì vậy bệnh Basedow còn được gọi là bệnh cường giáp tự miễn.
Triệu chứng của bệnh Basedow
Như đã đề cập, bệnh Basedow là bệnh cường giáp. Nghĩa là có tăng chức năng tuyến giáp một cách bất thường. Vì thế các triệu chứng bệnh Basedow cơ bản là biểu hiện của việc hormone giáp làm việc quá mức. Các cơ quan nhận nhiều kích thích không cần thiết dẫn đến những triệu chứng sau đây:
Quá trình chuyển hóa – trao đổi chất tăng cao
- Tăng thân nhiệt, bệnh nhân luôn cảm thấy nóng hay sợ nóng. Người bệnh tắm nhiều lần một cách bất thường mà vẫn không hết nóng.
- Cảm thấy khát nhiều và phải liên tục uống nước.
- Sút cân nhanh và nặng dù không ăn kiêng và không làm việc nặng. Người bệnh hay người thân có thể nhận biết được rõ triệu chứng này.
Đối với hệ tim mạch
- Nhịp tim nhanh, đôi khi loạn nhịp. Người bệnh có thể biểu hiện bằng cảm giác lo lắng, hụt hơi, khó thở. Khó thở có thể xảy ra sau khi làm việc nặng hay thậm chí khi đang nghỉ ngơi.
- Huyết áp tăng cao đặc biệt là huyết áp tâm thu. Gia tăng sự chênh lệch giữa 2 chỉ số huyết áp: tâm thu và tâm trương.
- Những trường hợp nặng có thể gây suy tim cấp tính, ảnh hưởng đến phổi, khó thở nặng đe dọa tính mạng.
Triệu chứng bệnh Basedow tại hệ thần kinh-cơ
- Run tay là triệu chứng nổi bật, dễ nhận biết. Kèm theo đó là yếu cơ.
- Bệnh nhân thường cảm thấy khó tập trung, dễ cáu gắt, khó ngủ. Tính tình có thể thay đổi thất thường. Dễ lo âu.
- Một số trường hợp rối loạn thần kinh nặng có thể gây hưng phấn quá độ, hoang tưởng, ảo giác…
Hệ tiêu hóa
- Thèm ăn, ăn nhiều.
- Hay có các đợt đau bụng tiêu chảy, buồn nôn và nôn ra thức ăn.
Hệ tiết niệu – sinh dục
- Tăng số lần đi tiểu.
- Giảm ham muốn tình dục.
- Rối loạn cương dương ở nam.
- Rối loạn kinh nguyệt ở nữ.
Các triệu chứng bệnh Basedow khác
Một số triệu chứng bệnh Basedow khác mà người bệnh có thể gặp phải bao gồm:
- Da ấm và ẩm do tăng tiết mồ hôi, mặt đỏ.
- Vùng da trước xương chày (phần nhô lên mặt trước cẳng chân) dày lên, cứng, lông thưa và dựng đứng. Biểu hiện này thường đối xứng hai bên.
- Ngoài ra còn có loãng xương do rối loạn chuyển hóa canxi.
Biểu hiện tại tuyến giáp
Đa số các trường hợp có tuyến giáp phình to, to đều hai bên. Tuyến giáp vẫn giữ được mật độ mềm, đàn hồi. Vẫn có một số trường hợp nhỏ không kèm theo tăng kích thước tuyến giáp.
Biểu hiện tại mắt
Lồi mắt nhiều mức độ cùng các triệu chứng tổn thương khác như:
- Tổn thương giác mạc.
- Tổn thương thần kinh thị giác gây mất thị lực.
- Các cơ đảm nhiệm chức năng xoay nhãn cầu, điều hướng mắt bị thương tổn.
- Sợ ánh sáng, chảy nước mắt bất thường, sưng phù mí mắt, đỏ mắt…
Để đánh giá chính xác mức độ lồi mắt cần phải có siêu âm nhãn cầu.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh Basedow
Chúng ta vừa tìm hiểu về triệu chứng bệnh Basedow. Vậy các biến chứng của căn bệnh này là gì? Thực tế, sự gia tăng quá mức hoạt động của hormone tuyến giáp trong bệnh Basedow có thể gây nhiều biến chứng trên các cơ quan khác nhau. Cụ thể:
Cơn bão giáp
Cơn bão giáp là một trong những biến chứng nghiêm trọng. Thường do cường giáp không được điều trị hay không tuân thủ điều trị. Chức năng giáp gia tăng nhanh và cấp tính gây rối loạn nặng nhiều hệ cơ quan. Biểu hiện là sốt cao, vàng da, loạn nhịp tim, tụt huyết áp và mê sảng. Đây là một tình trạng cấp cứu có khả năng đe dọa sống còn.
Hệ tim mạch
Rối loạn nhịp tim nặng đe dọa tính mạng bệnh nhân. Chức năng tim sụt giảm, không còn duy trì được quá trình tưới máu nuôi cơ thể (suy tim).
Tăng nguy cơ gãy xương
Rối loạn chuyển hóa canxi sẽ gây loãng xương, giòn xương. Cùng với tác động của tuổi tác, nguy cơ gãy xương ở bệnh nhân cường giáp tăng cao.. Kéo theo đó là nguy cơ tàn phế, giảm chất lượng cuộc sống.
Biến chứng đối với phụ nữ có thai
Thai phụ mắc bệnh Basedow có khả năng gặp phải các biến chứng sau:
- Sinh non.
- Thai nhi chậm phát triển.
- Tiền sản giật đe dọa tính mạng mẹ và con.
Điều trị và phòng ngừa bệnh Basedow
Điều trị
Điều trị hiện nay tập trung vào giảm triệu chứng bệnh Basedow và giảm sản xuất hormone tuyến giáp.
Điều trị dùng thuốc:
- Thuốc kháng giáp tổng hợp.
- Thuốc điều trị suy tim, tăng huyết áp.
- Những nhóm thuốc này có các chống chỉ định và tác dụng phụ riêng biệt. Vì vậy phải được kê toa bởi bác sĩ.
Điều trị phóng xạ:
Liệu pháp Iod phóng xạ giúp thu hẹp kích thước tuyến giáp. Từ đó giảm sản xuất hormone giáp. Tuy nhiên liệu pháp này không áp dụng với bệnh nhân có thai hoặc đang cho con bú. Liệu pháp Iod phóng xạ có thể kết hợp cùng với thuốc kháng giáp.
Phẫu thuật tuyến giáp:
Cắt bỏ tuyến giáp khi hai phương pháp trên không hiệu quả. Đây được xem là bước cuối cùng trong điều trị cường giáp Basedow hiện nay. Người bệnh sẽ phải bổ sung hormone giáp suốt đời.
Điều trị bệnh Basedow là một quá trình lâu dài. Bệnh có nguy cơ tái phát cũng như các biến khác trong quá trình trị liệu. Vì vậy không nên tự ý dùng thuốc, ngưng thuốc. Người bệnh cần tái khám định kỳ đầy đủ để kịp điều chỉnh các biến chứng nếu có.
Phòng ngừa
Hiện nay y khoa vẫn chưa có giải pháp phòng ngừa các rối loạn miễn dịch gây ra bệnh Basedow. Tuy nhiên, người mắc vẫn có thể áp dụng một số giải pháp để giảm nhẹ triệu chứng cũng như ngăn ngừa biến chứng:
- Ăn uống đầy đủ và đa dạng chất dinh dưỡng.
- Khi lượng hormone giáp được điều trị ổn định, bạn có thể gặp tình trạng thừa cân do giảm chuyển hóa năng lượng. Hãy liên hệ bác sĩ điều trị để được tư vấn chế độ ăn phù hợp.
- Duy trì các bài tập vận động vừa sức cải thiện sức bền và sức chịu đựng của cơ xương.
- Dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn. Sắp xếp lịch làm việc và học tập. Căng thẳng có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng thần kinh trong bệnh Basedow.
- Không nên tự ý dùng các sản phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu thêm về những triệu chứng bệnh Basedow. Nhận biết sớm biểu hiện bệnh sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc chẩn đoán và điều trị. Người bệnh Basedow hoàn toàn có thể duy trì chất lượng cuộc sống ổn định nếu tuân thủ đúng điều trị và tái khám thường xuyên
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Graves' Disease - What is Graves' Disease and What Causes It?https://www.webmd.com/women/understanding-graves-disease-basics
Ngày tham khảo: 23/05/2021
-
Graves' disease (Symptoms and causes)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/graves-disease/symptoms-causes/syc-20356240
Ngày tham khảo: 23/05/2021