Triệu chứng ngộ độc thực phẩm: hiểu rõ để phát hiện kịp thời
Nội dung bài viết
Ngộ độc thực phẩm là bệnh gây ra khi ăn hoặc uống thức ăn, nước uống chứa vi khuẩn, siêu vi hoặc kí sinh trùng gây bệnh. Bệnh khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày và có thể gây nguy hại đến sức khỏe con người. Để có thể phát hiện sớm và xử lí kịp thời, hãy theo dõi bài viết này để trang bị cho mình cách nhận biết 10 triệu chứng ngộ độc thực phẩm.
Đau bụng
Đau bụng là triệu chứng ngộ độc thực phẩm hay gặp. Đau bụng là cảm giác khó chịu, đau ở khu vực dưới xương sườn và trên xương chậu.
Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, các sinh vật gây bệnh có thể sản sinh ra những chất độc gây kích ứng niêm mạc dạ dày và ruột. Điều này có thể gây viêm đau dạ dày, khiến bạn cảm thấy đau bụng.
Ngoài ra, bệnh nhân ngộ độc thực phẩm có thể bị chuột rút ở vùng bụng. Nguyên nhân là do các cơ bụng co bóp để gia tăng nhu động ruột giúp loại bỏ các sinh vật gây hại nhanh hơn.
Tuy nhiên, đau bụng và chuột rút ở vùng bụng là những triệu chứng phổ biến, có thể gặp ở nhiều bệnh lý và tình trạng khác. Cho nên, khi chỉ xuất hiện đơn độc những triệu chứng này có thể không phải là do ngộ độc thực phẩm.
Lưu ý rằng không phải mọi trường hợp ngộ độc thực phẩm đều cảm thấy đau bụng hoặc chuột rút ở bụng.
Tiêu chảy
Tiêu chảy là một triệu chứng ngộ độc thực phẩm điển hình, rất thường gặp. Có thể xác định rằng bạn tiêu chảy khi đi tiêu phân lỏng từ 3 lần trở lên trong vòng 24 giờ.
Tiêu chảy xảy ra khi tình trạng viêm làm giảm hiệu quả của ruột trong việc tái hấp thu nước và các chất lỏng khác được tiết ra trong quá trình tiêu hóa.
Tiêu chảy cũng có thể đi kèm với các triệu chứng khác, chẳng hạn như cảm giác luôn muốn đi vệ sinh, đầy hơi hoặc chuột rút ở bụng.
Tiêu chảy khiến cơ thể bạn mất một lượng dịch nhiều hơn bình thường, làm tăng nguy cơ bị mất nước. Vì vậy điều quan trọng là đảm bảo bạn uống đủ nước. Bên cạnh uống nước, bạn có thể húp những dịch lỏng như súp hoặc canh để chống lại việc mất nước và có thêm nhiều năng lượng nếu bạn không thể ăn thức ăn đặc.
Để kiểm tra xem bạn có bị mất nước hay không, hãy theo dõi màu của nước tiểu. Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt hoặc trong. Nếu nước tiểu của bạn sẫm màu hơn, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng bạn đang bị mất nước.
Đau đầu
Đau đầu là triệu chứng ngộ độc thực phẩm cực kì phổ biến. Tuy nhiên nó cũng liên quan đến rất nhiều nguyên nhân bệnh lí và tình trạng sức khỏe, bao gồm stress, uống nhiều rượu, mất nước…
Các trường hợp ngộ độc thực phẩm thường bị mất nước, nên nhiều người bị ngộ độc thực phẩm bị đau đầu.
Mặc dù nguyên nhân thật sự vẫn chưa được tìm hiểu hoàn toàn, nhưng có thể thấy rằng sự mất nước có thể ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ, làm nó mất dịch và bị co lại tạm thời.
Ngoài ra, nếu bạn vừa tiêu chảy vừa nôn ói sẽ dễ bị đau đầu hơn, vì cả hai tình trạng trên đều gia tăng nguy cơ mất nước.
Nôn ói
Nhiều người bị ngộ độc thực phẩm than phiền rằng họ bị nôn ói. Nôn ói là do cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể, làm cơ bụng và cơ hoành co bóp thật mạnh tống hết thức ăn trong dạ dày ra ngoài. Điều này giúp loại bỏ hết sinh vật gây hại và chất độc nguy hiểm.
Trong thực tế, ban đầu ngộ độc thực phẩm thường gây ra những đợt nôn vọt. Sau đó, một số người sẽ giảm dần, trong khi số khác sẽ tiếp tục nôn ói. Nếu nôn ói tiếp tục kéo dài, bạn nên đến gặp bác sĩ để tránh việc bị mất nước do nôn ói.
Chán ăn, mệt mỏi
Chán ăn và mệt mỏi có thể là triệu chứng ngộ độc thực phẩm
Đó là biểu hiện khi hệ miễn dịch phản ứng để chống lại sự nhiễm khuẩn.
Trong quá trình này, cơ thể sẽ phóng thích ra các chất hóa học được gọi là cytokine.
Cytokine có nhiều vai trò đối với cơ thể chúng ta. Trong đó, một vai trò quan trọng là kiểm soát miễn dịch của cơ thể phản ứng lại sự nhiễm khuẩn. Điều này được thực hiện bằng cách thông báo cho các tế bào miễn dịch phải đi đến đâu và làm gì.
Bên cạnh việc giúp cơ thể chống lại sự nhiễm khuẩn, cytokine gởi tín hiệu đến não và gây ra nhiều triệu chứng khác bao gồm chán ăn, mệt mỏi và cảm giác đau ở nhiều vùng cơ thể.
Sốt
Bạn được xác định là sốt là khi nhiệt độ cơ thể bạn tăng cao hơn mức bình thường, nghĩa là lớn hơn 37°C. Do đó, mỗi khi cảm thấy cơ thể nóng hơn bình thường, bạn nên đo nhiệt độ bằng nhiệt kế để dễ xác định triệu chứng sốt và theo dõi tình trạng bệnh tốt hơn. Có khá nhiều loại dụng cụ đo nhiệt độ hiện nay trên thị trường, nhưng nhiệt kế thủy ngân có ưu điểm về độ chính xác và giá cả hợp lý sẽ thích hợp với đa số mọi người.
Sốt là triệu chứng phổ biến trong nhiều bệnh (bao gồm triệu chứng ngộ độc thực phẩm). Đây cũng là một cách phòng thủ tự nhiên của cơ thể để chống lại nhiễm trùng.
Các chất gây ra sốt được gọi là pyrogens gây kích hoạt sự gia tăng nhiệt độ. Nguồn gốc của pyrogens có thể là được giải phóng bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể. Hoặc có thể do vi khuẩn truyền nhiễm đã xâm nhập vào cơ thể bạn.
Chất này gây sốt bằng cách gửi tin nhắn đánh lừa não bộ, khiến nó nghĩ rằng cơ thể lạnh hơn bình thường. Điều này làm cơ thể bạn tạo ra nhiều nhiệt hơn và mất ít nhiệt hơn. Vì thế làm tăng nhiệt độ cơ thể.
Sự gia tăng nhiệt độ này làm tăng hoạt động của các tế bào bạch cầu, giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng.
Cảm giác ớn lạnh
Cảm giác ớn lạnh xảy ra khi cơ thể bạn run lên để gia tăng nhiệt độ. Đây cũng có thể là một triệu chứng ngộ độc thực phẩm
Nguyên nhân của ớn lạnh là do cơ bắp của bạn sẽ co lại và dãn ra nhanh chóng. Điều này giúp tạo ra những đợt rùng mình để tạo ra nhiệt.
Cảm giác ớn lạnh thường đi kèm với sốt. Vì chất gây ra sốt pyrogens đánh lừa cơ thể rằng nó đang lạnh và cần phải được sưởi ấm.
Cảm giác yếu và mệt mỏi
Yếu và mệt cũng là những triệu chứng ngộ độc thực phẩm.
Những triệu chứng này xuất hiện do việc giải phóng những chất hóa học gọi là cytokine.
Bên cạnh đó, việc bạn ăn ít hơn do chán ăn cũng khiến bạn cảm thấy mệt.
Cảm giác yếu và mệt là những triệu chứng mơ hồ mà đôi khi chúng ta dễ dàng bỏ qua. Tuy nhiên đây là cảnh báo của cơ thể rằng bạn cần nghỉ ngơi. Cho nên, nếu bạn cảm thấy yếu mệt, tốt nhất là nên lắng nghe cơ thể mình và dành thời gian để hồi phục.
Buồn nôn
Buồn nôn là cảm giác khó chịu, nôn nao khiến bạn nghĩ rằng mình sắp nôn, dù sau đó bạn có nôn hoặc không nôn.
Buồn nôn cũng có thể là một triệu chứng ngộ độc thực phẩm cảnh báo để cơ thể biết rằng bạn đã ăn vào chất độc hại. Bạn sẽ cảm thấy buồn nôn nhiều hơn khi ruột phải chuyển động chậm lại. Điều này giúp giữ chất độc trong dạ dày không di chuyển xuống ruột.
Buồn nôn có thể gặp ở nhiều bệnh lý và tình trạng sức khỏe, bao gồm:
- Ngộ độc thực phẩm
- Đau đầu migraines
- Say tàu xe
- Ăn quá nhiều.
Buồn nôn có thể được xem là dấu hiệu ngộ độc thực phẩm khi xảy ra cách bữa ăn từ 1 đến 8 tiếng.
Đau cơ
Đau cơ có thể gặp khi bạn bị chấn thương, stress, sử dụng cơ quá mức. Những nguyên nhân này thường chỉ gây đau cục bộ, ảnh hưởng đến một ít cơ hoặc một phần cơ thể.
Trái lại, đau cơ toàn thân thì thường do nhiễm trùng, tác dụng phụ của thuốc, ngộ độc thực phẩm.
Do đó, bạn nên lưu ý đặc điểm của triệu chứng này, do đây có thể là một triệu chứng ngộ độc thực phẩm đấy.
Triệu chứng đau cơ xuất hiện do hệ miễn dịch được kích hoạt, gây nên tình trạng viêm. Trong quá trình này, cơ thể giải phóng chất histamine, làm gia tăng dòng máu đến khu vực nhiễm khuẩn. Histamine cũng có thể đến những vùng cơ thể khác nhau và kích hoạt thụ thể đau. Điều này làm những vùng cơ thể đó nhạy cảm với đau nhiều hơn, dẫn đến những cơn đau âm ỉ thường gặp khi bị bệnh.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Đa số trường hợp thực phẩm có thể tự ổn định sau vài ngày. Tuy nhiên, vẫn có một vài trường hợp nặng mà bạn cần phải đến gặp bác sĩ. Hãy đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng ngộ độc thực phẩm nêu trên diễn tiến nặng và cơ thể của bạn không đủ khả năng chống chọi, cụ thể là:
- Có máu trong phân
- Sốt cao (1200F tương đương với 390C)
- Nôn ói thường xuyên (có dẫn tới tình trạng mất nước)
- Dấu hiệu mất nước (bao gồm lượng nước tiểu giảm hay không có nước tiểu, khô miệng và khô họng, và cảm giác chóng mặt khi đứng dậy).
- Tiêu chảy kéo dài nhiều hơn 3 ngày.
- Đau bụng dữ dội
- Rối loạn cảm giác, tê bì tay chân
- Yếu liệt
- Co giật
- Lơ mơ, hôn mê
Nếu không có những dấu hiệu cần gặp bác sĩ, bạn có thể nghỉ ngơi tại nhà. Hệ miễn dịch của cơ thể sẽ làm việc và giúp bạn hồi phục. Bạn có thể tham khảo thêm chế độ ăn sau khi bị ngộ độc thực phẩm tại đường link sau: https://youmed.vn/tin-tuc/nen-an-gi-sau-khi-bi-ngo-doc-thuc-pham/
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Việc nhận biết các triệu chứng ngộ độc thực phẩm giúp phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, việc chủ động phòng tránh cũng rất quan trọng.
Để phòng tránh NĐTP, các chuyên gia khuyến cáo rằng:
- Cần phải ăn chín, uống sôi
- Lựa chọn thực phẩm tươi sống hoặc đông lạnh đúng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm
- Cần phải riêng thực phẩm sống và chín, kể cả các dụng cụ chế biến, chứa đựng
- Quan trọng là phải rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh
Ngộ độc thực phẩm rất thường xảy ra trong sinh hoạt hằng ngày. Hầu hết những trường hợp ngộ độc thực phẩm thường không nghiêm trọng và sẽ tự khỏi sau vài ngày. Nếu bạn có những triệu chứng đã nêu trong bài và nghi ngờ bản thân bị ngộ độc thực phẩm, nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Tuy nhiên, một vài trường hợp ngộ độc thực phẩm có thể diễn tiến nặng, hãy lắng nghe cơ thể và tìm đến bác sĩ kịp thời để tránh những biến chứng nặng để lại những hậu quả nặng nề.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.