Cùng tìm hiểu các triệu chứng tăng canxi máu
Nội dung bài viết
Tăng canxi máu là bệnh lý tương đối phổ biến và có thể xảy ra ở bất kì đối tượng nào. Đây là mối quan ngại của y học do bệnh để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị sớm. Để khắc phục tình trạng này, việc phát hiện và chẩn đoán sớm là rất cần thiết. Hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu về những triệu chứng tăng canxi máu qua bài viết dưới đây.
Định nghĩa tăng canxi máu
Canxi là nguyên tố quan trọng đối với cơ thể, có các chức năng sau:
- Hình thành nên xương, giúp xương chắc khỏe hơn.
- Điều hòa hoạt động của các cơ quan, tế bào, cơ và hệ thống thần kinh.
- Hỗ trợ quá trình đông máu.
Thông thường, nồng độ canxi huyết dao động từ 2.1 – 2.6 mmol/L. Nếu lượng canxi vượt quá mức này, bạn sẽ được chẩn đoán tăng canxi máu.
Theo các bác sĩ, khi nồng độ canxi tăng quá cao, các chức năng của cơ thể sẽ bị cản trở. Ở một số trường hợp, người bệnh còn bị đe dọa tính mạng. Do đó, việc nhận biết sớm những triệu chứng tăng canxi máu có thể hỗ trợ rất nhiều cho quá trình điều trị.
Các triệu chứng tăng canxi máu
Ở những giai đoạn đầu, tăng canxi máu ít để lại các triệu chứng cụ thể. Tuy nhiên, khi bệnh diễn tiến nặng, người bệnh thường gặp phải các biểu hiện liên quan tới những cơ quan cụ thể như sau:
- Trên thận: Lượng canxi dư thừa trong máu khiến thận phải làm việc nhiều hơn. Bệnh nhân luôn có cảm giác khát nước và buồn tiểu.
- Đường tiêu hóa: Gây buồn nôn, đau bụng, chán ăn, dễ táo bón.
- Tim mạch: Nồng độ canxi cao ảnh hưởng tới hoạt động của tim, gây loạn nhịp tim.
- Cơ bắp: Gây yếu cơ, co giật hoặc chuột rút.
- Xương khớp: Canxi cũng ảnh hưởng đến xương, gây loãng xương hoặc thoái hóa khớp. Nếu bệnh trở nặng, bệnh nhân có thể bị gãy xương.
- Hệ thần kinh: Những triệu chứng tăng canxi máu trên hệ thần kinh thường khá nguy hiểm. Các biểu hiện bao gồm trầm cảm, mất trí nhớ hoặc dẫn đến hôn mê và tử vong.
Nếu bạn có bất kì dấu hiệu bất thường nào, đừng ngần ngại liên hệ phòng khám để được chẩn đoán và tư vấn điều trị.
Nguyên nhân gây bệnh
Canxi máu vốn được điều hòa chủ yếu bởi 3 yếu tố: vitamin D, canxi và hormone tuyến giáp (PTH). Khi có sự cân bằng bị phá vỡ, nồng độ canxi huyết sẽ đột ngột tăng cao. Dưới đây là những lý do dẫn đến sự mất cân bằng này:
Tuyến giáp hoạt động quá mức
Nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng canxi máu là do tuyến giáp hoạt động quá mức. Khi đó, lượng hormone tuyến giáp (PTH) được tăng tiết sẽ kéo theo lượng canxi huyết tăng cao. Phụ nữ lớn hơn 50 tuổi có nguy cơ bị cường giáp rất cao. Do đó, chị em phụ nữ nên chú ý theo dõi sức khỏe của mình để kịp thời thông báo với bác sĩ.
Những yếu tố khác
Những yếu tố khác cũng góp phần làm tăng canxi huyết, bao gồm:
- Ung thư: ung thư phổi là yếu tố hàng đầu gây rối loạn nồng độ canxix huyết. Nguyên nhân là do ung thư phổi làm tăng lượng vitamin, là vitamin chịu trách nhiệm hấp thu canxi cho cơ thể. Ngoài ra, những loại ung thư khác như ung thư vú, ung thư di căn đến xương cũng cần được lưu ý.
- Yếu tố di truyền: canxi huyết có thể tăng do di truyền. Tuy nhiên, tình trạng này ít để lại các triệu chứng và biến chứng.
- Không vận động trong thời gian dài: nếu bạn gặp phải những vấn đề khiến bản thân không thể vận động được như ngồi xe lăn hoặc nằm giường bệnh, bạn có khả năng cao bị tăng canxi máu. Do xương không chịu áp lực nâng đỡ trong thời gian dài, xương sẽ dần giải phóng canxi vào máu.
- Mất nước: lượng dịch mất đi sẽ khiến nồng độ canxi trong máu cao hơn bình thường.
- Một số loại thuốc: sử dụng các thuốc như lithium hoặc thuốc lợi tiểu có thể làm tăng lượng canxi huyết.
Chẩn đoán và điều trị tăng canxi máu
Nếu nhận thấy bản thân có những triệu chứng tăng canxi máu, bạn nên nhanh chóng đến phòng khám để được chẩn đoán và điều trị.
Các cách chẩn đoán
Phương pháp chẩn đoán được ưa chuộng nhất hiện nay là xét nghiệm máu. Thông qua xét nghiệm, bác sĩ sẽ xác định được nồng độ canxi huyết có vượt quá giới hạn cho phép hay không. Nếu nồng độ canxi huyết lớn hơn 2.6 mmol/L, bạn sẽ được chẩn đoán tăng canxi máu. Ngoài ra, xét nghiệm này còn cho biết nồng độ hormone tuyến cận giáp có bất thường không nhằm chẩn đoán cường cận giáp.
Một số phương pháp khác thường được chỉ định để xác định căn nguyên của tình trạng tăng canxi máu.
- Chụp X-quang.
- Chụp cắt lớp vi tính.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI).
- Chụp nhũ ảnh.
Các lựa chọn điều trị
Tăng canxi máu được bác sĩ chia ra thành 2 giai đoạn: nhẹ và nặng.
Giai đoạn nhẹ
Với giai đoạn nhẹ, bạn chỉ cần thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ và tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Người bệnh cần đặc biệt chú ý những biểu hiện bất thường trên thận hoặc xương.
Giai đoạn nặng
Khi các triệu chứng tăng canxi máu chuyển sang mức độ nặng hơn, bác sĩ sẽ cân nhắc các phương pháp điều trị tăng canxi máu khác.
- Truyền dung dịch đẳng trương: được chỉ định trong trường hợp cấp cứu. Phương pháp này giúp đưa nồng độ canxi trở về bình thường trong thời gian ngắn, tránh để bệnh nhân hôn mê.
- Dùng thuốc biphosphonate hoặc calcitonin để ức chế sự hủy xương.
- Dùng thuốc steroid để giảm tái hấp thu canxi tại ruột.
- Dùng thuốc lợi tiểu quai furosemid giúp tăng đào thải canxi qua thận.
- Chạy thận thường được ưu tiên khi nồng độ canxi máu tăng quá cao. Phương pháp này giúp chủ động lọc canxi qua thận.
- Phẫu thuật được cân nhắc nếu bệnh nhân bị tăng canxi huyết do cường giáp.
Canxi là khoáng chất quan trọng đối với cơ thể. Tuy nhiên, khi nồng độ canxi tăng quá cao, bạn sẽ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe. Bệnh lý này có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, việc nhận biết sớm những triệu chứng tăng canxi máu hỗ trợ rất nhiều cho quá trình điều trị. Nếu nhận thấy bản thân có dấu hiệu bất thường, hãy nhanh chóng liên hệ phòng khám để được hỗ trợ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hypercalcemia: What happens if you have too much calcium? https://www.healthline.com/health/hypercalcemia
Ngày tham khảo: 16/06/2021