U máu ở trẻ sơ sinh: Liệu có cần điều trị?
Nội dung bài viết
Nhiều trẻ sinh ra sau vài ngày, hình thành một cục (u, bướu) màu đỏ tươi trên cơ thể. Chúng được gọi là U máu. Điều này gây nhiều băn khoăn, lo lắng cho người mẹ. Những cục u nay là gì? Tại sao con tôi lại bị? Chúng có gây hại cho con tôi không? Tôi nên làm gì cho con mình? Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai hy vọng bài viết này sẽ giúp mẹ hiểu hơn, và bớt lo lắng hơn về tình trạng này của bé.
U máu là gì?
U máu trông giống như một cục (u, bướu) hình thành trên cơ thể khi các mạch máu ở khu vực đó phát triển một cách bất thường. Chúng thường nổi trên bề mặt da, có màu hồng hoặc đỏ, trông giống như quả dâu tây. Hoặc cũng có thể là một vùng da nổi gò lên với các đốm màu hồng hoặc đỏ. Những cục (u, bướu) này thường được gọi là khối u. Tuy nhiên tình trạng này không phải là ung thư, và chúng thường vô hại.
U máu phổ biến nhất ở trẻ em. Chúng thường không nhìn thấy rõ ngay khi sinh. Đôi khi chúng ta chỉ thấy ở một vùng da em bé có những vệt đỏ. Sau đó, vùng da này hình thành u máu trong vài ngày hoặc vài tháng đầu đời của trẻ. Một khi đã hình thành, chúng phát triển (tăng sinh) rất nhanh thành một khối u. Đến một thời điểm nào đó, khối u này thường tự co lại (thoái triển) và biến mất.
Tình trạng này có thể xuất hiện trên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể trẻ. Tuy nhiên, vị trí phổ biến nhất là trên đầu, mặt, ngực hoặc lưng. Do u máu có thể tự mất dần theo thời gian, nên thường không cần điều trị. Trong một vài trường hợp ít gặp, khối u sẽ cần can thiệp khi chúng nổi ở những vị trí làm khó chịu cho bé. Ví dụ như: Ở mí mắt làm cản trở tầm nhìn, ngay trên cổ khiến bé trở nên khó thở hơn; hoặc xuất hiện ở những cơ quan quan trọng ảnh hưởng đến chức năng của chúng.
U máu biểu hiện như thế nào?
Phần lớn các u máu không xuất hiện rõ ràng khi đứa bé ra đời. Hầu hết, chúng thường bắt đầu phát triển vào những ngày đầu tiên đến vài tháng đầu sau sinh. Khối u máu 80% xuất hiện trên đầu và cổ. Chúng có có thể tăng sinh thành nhiều kích thước khác nhau. Có khi chỉ vài milimet, hoặc có thể lên đến vài cemtimet. Thường một đứa trẻ chỉ nổi một khối u trên cơ thể, một số trẻ khác lại nổi nhiều hơn.
Xét về biểu hiện trên da, khối u máu có thể chia làm 3 nhóm:
- Nổi rõ ngay trên da là phổ biến nhất. Chúng còn được gọi là u máu nông, màu đỏ tươi, hoặc có màu da nhưng lốm đốm đỏ.
- U máu sâu dưới da lại ít phổ biến. Thường biểu hiện như là một khối da gồ lên, ở trên mặt gồ có những vệt màu hơi xanh.
- Ngoài ra u máu có thể biểu hiện kết hợp cả hai. Trường hợp này cũng là khá phổ biến trên trẻ.
Xét về mức độ tiến triển, khối u máu được chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn tăng sinh: Khối u có thể phát triển tới 80% kích thước tối đa trong ba tháng đầu và hầu hết ngừng tăng trưởng vào khoảng 5 tháng. Tuy nhiên, một vài trường hợp, chúng có thể tiếp tục phát triển đến 18 tháng.
Sau đó, khối u chuyển qua giai đoạn thoái triển: Điều này có thể mất đến 3-10 năm. Gần như tất cả các khối u ở trẻ sơ sinh mất dần theo thời gian mà không cần điều trị. Mặc dù u máu có thể biến mất, nhưng chúng thường để lại sẹo (bớt) ít nhất 50% trường hợp.
Nguyên nhân gây ra là gì?
Khối u này là do các tế bào nội mạch (tế bào góp phần cấu tạo mạch máu) tăng sinh quá mức. Nguyên nhân là chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố khiến trẻ có thể xuất u máu hơn những trẻ khác, bao gồm:
- Giới tính: U máu thường phổ biến gấp 2 đến 3 lần ở nữ so với nam. Đặc biệt u máu có biến chứng ( loét, chảy máu,…) cũng có khả năng gặp nhiều ở trẻ nữ hơn. Điều này cũng chưa thể được lý giải rõ ràng tại sao.
- Chủng tộc: Thường u máu hay gặp ở người da trắng hơn so với những chủng tộc khác.
- Trẻ sanh non: Nguy cơ tăng cao hơn khi trẻ sinh non và có cân nặng lúc sinh thấp.
- Một số lý do trong thời kỳ sinh sản: mẹ lớn tuổi, tiền sử nhau tiền đạo, tiền sản giật, v.v.
U máu có gây đau hay khó chịu cho bé không?
Khối u này thường không gây đau hay khó chịu cho bé. Chúng có thể trông đáng sợ, nhưng thường vô hại. Đôi khi tình trạng này có thể nằm ở vị trí gây khó chịu cho bé như: Ở gần mắt sẽ ảnh hưởng đến thị lực, che tầm nhìn; gần tai ảnh hưởng đến thính giác, giảm khả năng nghe rõ; ở cổ có thể gây chèn ép các cơ quan hô hấp gây khó thở. Thậm chí, khối u có thể nằm ở bên trong cơ thể, như gan, thận, …, và gây ra các vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến chức năng cơ quan đó, tuy trường hợp này là hiếm gặp.
Bên cạnh đó, các trường hợp ít gặp khác, u máu có thể trở nên loét (đau), chảy máu hoặc bị nhiễm trùng. Tất cả các trường hợp gây khó chịu cho bé, đều sẽ có phương pháp điều trị thích hợp.
Khi nào đi khám bác sĩ?
Nếu bạn có phát hiệu một u máu trên cơ thể của bé, hãy đến khám bác sỹ. Bác sỹ sẽ thăm khám và đưa ra vài xét nghiệm cần thiết để chắn chắn rằng đây là u máu lành tính hay là những bệnh lý khác gây nên tình trạng gần tương tự. Ngoài ra, con bạn sẽ cần theo dõi sự phát triển của khối u này qua kiểm tra sức khỏe định kỳ. Với những khối u ở vị trí cản trở tầm nhìn, giảm thính giác, gây khó thở sẽ cần được theo dõi chặt chẽ cùng với các liệu pháp điều trị thích hợp để loại bỏ chúng.
Trong trường hợp u máu có diễn biến xấu như chảy máu, hình thành vết loét hay có dấu hiệu nhiễm trùng. Hãy đến cơ sở y tế thăm khám càng sớm càng tốt để được điều trị, ngăn chặn chúng gây nhiều đau đớn, khó chịu cho con bạn.
Hầu hết biểu hiện u máu là khá đặc trưng, nên ít cần đến xét nghiệm. Một số công cụ hỗ trợ chẩn đoán trong vài trường hợp như:
- U máu nằm sau dưới da: Trường hợp này có thể sẽ cần siêu âm để chẩn đoán. Mục đích là để loại trừ các dị dạng mạch máu khác. Đồng thời xem các mô dưới da có có bị tổn thương hay không.
- Trong một vài trường hợp cần loại bỏ u máu, MRI (chụp cộng hưởng từ) có thể cần thiết để khảo sát các cơ quan lân cận.
Khi nào cần được điều trị?
Hầu hết các u máu không cần phải điều trị vì chúng có khả năng biến mất hoàn toàn theo thời gian. Để chắc chắn được thời gian biết mất là rất khó, vì tùy vào từng trẻ mà khác nhau. Tuy nhiên, một vài con số được thống kê sẽ khiến người mẹ dễ hình dung hơn:
- 50% khối u sẽ biến mất khi trẻ tròn 5 tuổi
- 70% biến mất khi trẻ 7 tuổi
- 90% biến mất khi trẻ 9 tuổi
Trên thực tế, khoảng 50% trẻ sẽ có vết bớt sau khi u máu biến mất. Tuy nhiên, sẽ hợp lý hơn khi chờ đợi và theo dõi khối u này ảnh hưởng như thế nào đến da của bé trước khi bắt đầu bất kỳ liệu pháp điều trị nào.
Trong một số trường hợp, các bác sĩ sẽ điều trị u máu sớm, nếu nó:
- Rất lớn.
- Nằm ở vị trí làm giảm thị lực, thính giác, khó thở, khó nuốt.
- Trở nên loét, chảy máu, bị nhiễm trùng.
- Biến mất rất chậm, hoặc không biết mất, ảnh hưởng đến thẩm mỹ khi lớn lên.
Khi cần, u máu được điều trị như thế nào?
Cách tiếp cận điều trị và lựa chọn phương thức điều trị cho u máu là khác nhau ở từng trẻ. Chúng tùy thuộc vào kích thước của tổn thương, vị trí, sự hiện diện của các biến chứng, khả năng để lại sẹo hoặc biến dạng. Bên cạnh đó còn đánh giá độ tuổi hiện tại của trẻ, tốc độ tăng trưởng của khối u. Đặc biệt là cân nhắc lợi ích và rủi ro của từng phương pháp điều trị.
Các mục tiêu của điều trị bao gồm phòng ngừa các biến chứng trong trường hợp u máu có ảnh hưởng xấu đến trẻ. Giảm thiểu biến dạng, chảy máu, nhiễm trùng và loét nếu có. Đồng thời, giảm thiểu đau khổ tâm lý xã hội khi trẻ lớn lên do mặc cảm, tự ti bản thân và giảm thiểu sự lo lắng của gia đình.
Phương pháp điều trị bao gồm thuốc bôi, uống, tiêm; hoặc chiếu lase với bước sóng nhất định vào khối u, để chúng biến mất nhanh hơn. Trong các trường hợp cần loại bỏ u máu ngay lập tức sẽ có thể cần phẫu thuật để cắt bỏ.
Bên cạnh đó, bác sỹ sẽ tư vấn rõ cho bạn lợi ích và rủi ro của từng phương pháp điều trị trước khi được áp dụng cho trẻ.
U máu là một khối u lành tính hay gặp ở trẻ sơ sinh và hầu hết sẽ biến mất theo thời gian. Việc điều trị chỉ đặt ra khi lợi ích nhiều hơn tác dụng phụ của liệu pháp điều trị. Điều quan trọng nhất mà mẹ có thể làm là khiến trẻ cảm thấy bình thường với “quả dâu tây” của mình. Vì đôi khi trẻ sẽ cảm thấy tự ti bản thân khi chúng vào tuổi đi học và gặp gỡ bạn bè. Nếu trong trường hợp trẻ trở nên mặc cảm quá nhiều, hoặc chúng gây đau, khó chịu cho trẻ, hãy đến thăm khám bác sỹ để có lời khuyên và cân nhắc phương pháp điều trị nào thích hợp nhất cho trẻ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.