U máu trong gan có thực sự nguy hiểm?
Nội dung bài viết
U máu trong gan là một trong những khối u lành tính thường gặp nhất ở gan. Khối u được hình thành do nhiều mạch máu tập trung lại với nhau. Trong đa số trường hợp, u được phát hiện tình cờ khi đi khám hoặc xét nghiệm cho một bệnh lí khác. Người bị u máu trong gan hiếm khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng và không cần điều trị. Cho đến hiện nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy u máu trong gan không điều trị sẽ diễn tiến thành ung thư.
Các dấu hiệu và triệu chứng
Phần lớn u máu trong gan không gây ra triệu chứng gì. Người bệnh thường chỉ có 1 khối u đơn độc và có kích thước nhỏ. Tuy nhiên, hiếm gặp hơn, người bệnh có thể có nhiều khối u máu trong gan hoặc khối u kích thước lớn.
Nếu khối u máu có đường kính lớn hơn 4 cm, nó có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Cảm giác đầy hơi và khó tiêu.
- Buồn nôn.
- Nôn ói.
- Mất cảm giác thèm ăn.
- Đau bụng ở vị trí 1/4 trên bên phải.
- Cảm giác đầy bụng sau khi ăn 1 bữa ăn nhỏ.
Tuy nhiên, các triệu chứng này không đặc hiệu và có thể gây ra bởi 1 tình trạng khác.
Ngoài u máu trong gan, gan nhiễm mỡ cũng là một căn bệnh gan phổ biến gây ra các triệu chứng khó chịu trong gan. Vậy gan nhiễm mỡ là gì? Có chữa được không?
Nguyên nhân dẫn đến u máu trong gan
Cho đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân hình thành khối u máu trong gan. Nhiều bác sĩ cho rằng 1 số trường hợp là do tình trạng bẩm sinh, nghĩa là bạn đã có sẵn khối u khi sinh ra. Tuy nhiên các u này vẫn có thể xuất hiện ở bất kì thời điểm nào trong vòng đời của con người.
Các yếu tố thuận lợi
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xảy ra triệu chứng của u bao gồm:
- Độ tuổi của bạn: U có thể được chẩn đoán ở bất cứ độ tuổi nào. Tuy nhiên, 30 – 50 tuổi là đỉnh tuổi được chẩn đoán nhiều nhất.
- Giới tính của bạn: Phụ nữ được chẩn đoán u máu trong gan nhiều hơn nam giới
- Thai kì: Thai phụ hoặc phụ nữ từng mang thai có khả năng xuất hiện u máu nhiều hơn phụ nữ chưa từng mang thai. Nhiều người tin rằng nội tiết tố estrogen, tăng trong thai kì, có thể đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của khối u máu.
- Liệu pháp thay thế nội tiết tố: Phụ nữ sử dụng liệu pháp thay thế nội tiết tố cho các triệu chứng mãn kinh thường được chẩn đoán u máu trong gan nhiều hơn.
Các biến chứng có thể gặp của u máu trong gan
Phụ nữ được chẩn đoán u máu trong gan sẽ có nguy cơ xảy ra biến chứng nếu mang thai. Nội tiết tố nữ Estrogen tăng trong thai kì được cho là yếu tố làm khối u lớn hơn.
Các loại thuốc ảnh hưởng trên nội tiết tố như thuốc ngừa thai có thể gây ra biến chứng. Nếu bạn đang dùng các thuốc này, bàn bạc với bác sĩ về lợi ích và nguy cơ của nó.
Hiếm gặp hơn, khối u đang phát triển có gây ra các triệu chứng như đau bụng 1/4 trên bên phải, đầy hơi hoặc buồn nôn… Khi có các triệu chứng này có thể phải can thiệp điều trị.
U máu trong gan được chẩn đoán như thế nào?
Nếu u gây ra các triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm tìm bất thường trong gan. Các xét nghiệm này gồm:
- Siêu âm: xét nghiệm hình ảnh dùng sóng âm tần số cao để tạo ra hình ảnh của gan.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): kết hợp 1 chuỗi các tia X chiếu vào các góc khác nhau xung quanh cơ thể. Sau đó sử dụng máy tính xử lí để tạo ra các hình ảnh cắt ngang của gan.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): dùng từ trường và sóng vô tuyến tạo hình ảnh chi tiết của gan.
- Xạ hình: sử dụng các chất đồng vị phóng xạ để tạo ra hình ảnh của gan.
Các xét nghiệm và thủ thuật khác có thể được chỉ định tùy vào tình trạng của bạn.
Điều trị u máu trong gan được đặt ra khi nào?
1. Khi nào cần điều trị u máu trong gan
Nếu khối u của bạn nhỏ và không gây ra triệu chứng gì, bạn không cần điều trị. Trong đa số trường hợp, khối u sẽ không phát triển và không gây ra vấn đề gì. Bác sĩ sẽ đặt lịch khám định kì theo dõi sự phát triển của u nếu kích thước u lớn.
Điều trị tùy thuộc vào vị trí, kích thước u, số lượng u, tình trạng sức khỏe tổng quát và sự lựa chọn của bạn.
2. Các phương án điều trị bao gồm
- Phẫu thuật cắt khối u máu trong gan: nếu khối u có thể tách khỏi gan dễ dàng, bác sĩ của bạn sẽ chỉ định phẫu thuật để lấy khối u.
- Phẫu thuật cắt bỏ 1 phần gan, bao gồm khối u: vài trường hợp, bác sĩ phẫu thuật cần phải cắt bỏ 1 phần gan có chứa khối u.
- Thủ thuật ngăn máu chảy đến khối u: nếu không được cung cấp máu, khối u sẽ ngưng phát triển và teo đi. Có 2 cách để ngăn máu đến khối u là thắt động mạch gan hoặc tiêm thuốc vào động mạch để ngăn máu chảy. Mô gan bình thường không bị ảnh hưởng vì các mạch máu khác gần đó có thể đưa máu tới.
- Phẫu thuật ghép gan: trong trường hợp bạn có 1 khối u lớn hoặc nhiều khối u máu trong gan mà không thể điều trị bằng các phương án khác, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn gan của bạn và thay thế nó bằng gan của người hiến.
- Xạ trị: sử dụng các tia năng lượng cao như tia X để tác động đến các tế bào trong khối u. Phương án này ít được sử dụng bởi vì có các phương án điều trị khác an toàn và hiệu quả hơn.
Khi nào cần tìm đến bác sĩ?
Đặt lịch hẹn với bác sĩ của bạn nếu bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng dai dẳng làm bạn lo lắng.
Một số hướng dẫn giúp bạn chuẩn bị sẵn sàng khi gặp bác sĩ
Đa phần u được phát hiện tình cờ khi bạn đi khám hoặc xét nghiệm vì một tình trạng khác. Nếu bạn có 1 khối u ở gan, bạn sẽ được giới thiệu đến khám bác sĩ chuyên khoa gan.
1. Những việc bạn có thể làm trước khi đến gặp bác sĩ
- Viết ra các triệu chứng mà bạn đang có.
- Lập danh sách các loại thuốc, vitamin và cả thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng.
- Đi cùng với người thân hoặc bạn bè. Thật sự rất khó để có thể nhớ hết tất cả thông tin trong buổi thăm khám. Người đi chung với bạn có thể sẽ nhớ vài điều mà bạn quên.
- Viết ra các câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn.
2. Một số câu hỏi giúp bạn chuẩn bị sẵn sàng cho 1 cuộc thăm khám với bác sĩ
- Khối u máu trong gan của tôi kích thước bao nhiêu?
- Tôi có 1 khối u hay nhiều khối u trong gan?
- Khối u trong gan tôi có đang phát triển không?
- Tôi có cần thực hiện thêm các xét nghiệm gì khác không?
- Khối u máu trong gan của tôi có cần điều trị không?
- Có tài liệu hoặc tờ bướm nào tôi có thể tìm hiểu không? Bác sĩ có trang web nào đáng tin cậy giới thiệu cho tôi được không?
- Tôi có cần phải lên thời gian biểu tái khám không?
- Có loại thuốc nào làm khối u tôi diễn biến xấu đi mà tôi cần tránh không?
- Các triệu chứng của tôi hiện tại có phải do khối u máu trong gan gây ra không?
Đừng ngại đặt ra bất kì câu hỏi khác mà bạn có nhé.
3. Bác sĩ của bạn có thể sẽ đặt 1 số câu hỏi sau đây
- Bạn có bị đau bụng, buồn nôn, mất cảm giác thèm ăn hoặc cảm giác đầy bụng mặc dù chỉ ăn ít?
- Hiện tại bạn có đang mang thai không?
- Bạn có đang sử dụng liệu pháp thay thế nội tiết tố không?
Tóm lại, u máu trong gan là khối u lành tính thường gặp ở gan. U thường không gây ra triệu chứng gì trừ khi u có kích thước lớn hoặc có nhiều khối u trong gan. Đa số u sẽ được phát hiện tình cờ khi bạn đi khám vì một vấn đề sức khỏe khác. Dó đó, việc điều trị thường ít khi được đặt ra. Tuy nhiên, 1 số ít trường hợp có các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, nôn ói hoặc các biến chứng khác. Khi có các dấu hiệu này làm bạn lo lắng, hãy đặt hẹn ngay với bác sĩ của bạn. Và hãy nhớ làm theo các hướng dẫn phía trên để chuẩn bị tốt cho buổi thăm khám bạn nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hemangioma of the liverhttps://www.healthline.com/health/hepatic-hemangioma
Ngày tham khảo: 12/05/2020
-
What to know about liver hemangiomashttps://www.medicalnewstoday.com/articles/322450
Ngày tham khảo: 12/05/2020
-
Liver hemangiomahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/liver-hemangioma/symptoms-causes/syc-20354234
Ngày tham khảo: 12/05/2020