YouMed

Ung thư thực quản: Kẻ giết người thầm lặng

bác sĩ nguyền hồ thanh an
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Hồ Thanh An
Chuyên khoa: Chẩn đoán hình ảnh, Nội tổng quát

Ung thư thực quản là loại ung thư gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Nguyên nhân nằm ở sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị. Ở giai đoạn sớm, bệnh gần như không có biểu hiện lâm sàng khiến cho chúng ta dễ dàng bỏ qua. Khi các triệu chứng xuất hiện đầy đủ thì khả năng điều trị thành công lại rất thấp. Vậy làm sao để có thể phát hiện một cách kịp thời? 

1. Ung thư thực quản là gì?

Thực quản là một ống cơ rỗng, có nhiệm vụ đưa thức ăn từ khoang miệng đến dạ dày. Ung thư xảy ra khi các tế bào lót bên trong của ống này hình thành nên một khối u ác tính. Sự biến đổi có thể xuất hiện bất cứ nơi nào dọc theo chiều dài thực quản.

Ung thư thực quản là khối u ác tính của thực quản (esophagus nghĩa là thực quản, tumor nghĩa là khối u)
Ung thư thực quản là khối u ác tính của thực quản (esophagus nghĩa là thực quản, tumor nghĩa là khối u)

2. Nguyên nhân gây bệnh là gì?

Như với hầu hết các bệnh ung thư, nguyên nhân gây ung thư thực quản vẫn chưa được biết đến. Nó được cho là có liên quan đến sự bất thường (đột biến) trong DNA của các tế bào thực quản. Các tế bào đột biến này sẽ nhân lên rất nhanh và không bao giờ chết đi. Theo thời gian, chúng tích tụ ngày càng nhiều và trở thành khối u.

3. Những đối tượng nào dễ gặp phải ung thư thực quản?

Các chuyên gia tin rằng các tế bào thực quản khi bị kích thích liên tục sẽ góp phần vào sự phát triển của ung thư. Một số thói quen và tình trạng có thể gây ra tình trạng này bao gồm:

  • Uống rượu.
  • Hút thuốc.
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
  • Thực quản Barrett (tình trạng niêm mạc thực quản bị tổn thương bởi GERD).
  • Co thắt tâm vị (bệnh lý đặc trưng bởi phần cơ ở phía cuối thực quản co giãn bất thường).
  • Thừa cân, béo phì.
  • Ít ăn rau củ và trái cây.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản và các bệnh khác
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản và các bệnh khác

Những người có nguy cơ mắc ung thư thực quản bao gồm:

  • Đàn ông có nhiều khả năng mắc bệnh gấp 3 lần so với phụ nữ.
  • Nguy cơ bắt đầu tăng ở độ tuổi trên 45.
  • Thường phổ biến hơn ở những người Mỹ gốc Phi.

4. Đâu là các triệu chứng gợi ý?

Người bệnh thường không có triệu chứng trong giai đoạn sớm. Phần lớn các chẩn đoán ung thư thực quản được đặt ra khi ung thư đã tiến triển.

Những than phiền thường gặp có thể bao gồm:

  • Nuốt khó: Khối u gây hẹp lòng của thực quản, khiến thức ăn lưu thông khó khăn hơn. Đây thường là triệu chứng đáng chú ý đầu tiên.
  • Nôn mửa: do ứ đọng thức ăn trong thực quản thời gian dài.
  • Sụt cân.
  • Ho, đôi khi ho ra máu.
  • Thay đổi giọng nói: giọng nói có thể trở nên khàn khàn.
  • Đau và khó chịu trong cổ họng.
  • Ợ hơi, ợ chua, nóng rát sau xương ức do trào ngược axit.

5. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh?

Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và hỏi chi tiết về quá trình bệnh cũng như các yếu tố liên quan. Họ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm sau để xác định chẩn đoán, bao gồm:

  • Nội soi thực quản – dạ dày: Đầu tiên, bác sĩ đưa ống nội soi qua miệng, vào thực quản và về phía dạ dày. Trên đầu ống này có lắp một bóng đèn và một camera. Thông qua đó, bác sĩ sẽ thấy được hình ảnh trực tiếp của thực quản trên màn hình và xác định xem có sự hiện diện của bất kỳ khối u hay bất thường nào không.

Nếu có thắc mắc về quá trình nội soi nói trên, bạn có thể tham khảo bài viết: Giải đáp những thắc mắc thường gặp về nội soi dạ dày, thực quản

Nội soi thường được dùng để quan sát tổn thương và sinh thiết (endoscope: ống nội soi/esophagus: thực quản/stomach: dạ dày)
Nội soi thường được dùng để quan sát tổn thương và sinh thiết (endoscope: ống nội soi/esophagus: thực quản/stomach: dạ dày)
  • Sinh thiết: Bác sĩ sẽ lấy mẫu mô để đánh giá thêm nếu nội soi cho thấy kết quả bất thường. Chúng sau đó được kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định xem có bất kỳ tế bào ung thư nào hay không.
  • Chụp X quang dạ dày có thuốc cản quang: Đầu tiên, bệnh nhân được cho uống một chất lỏng có chứa barium. Kỹ thuật viên sau đó sẽ tiến hành chụp một số hình ảnh X quang tại các thời điểm nhất định. Kết quả thu được sẽ gợi ý có u hay không và u ở vị trí nào.
  • Siêu âm qua ngả nội soi: Phương pháp này thường được chọn với mục đích khảo sát sự lan rộng của khối u ra các mô xung quanh. Bác sĩ sử dụng một ống nội soi gắn với đầu dò siêu âm, đưa nó qua miệng vào đến khu vực cần khảo sát và tiến hành kiểm tra.
  • Các phương pháp khác: Chụp CT có thể giúp xác định sự lây lan của ung thư khắp cơ thể.

6. Phương pháp điều trị là gì?

Mục đích điều trị là loại bỏ toàn bộ khối u hoặc ngăn không cho khối u phát triển. Để đạt được điều này, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị tùy vào:

  • Loại tế bào ung thư.
  • Giai đoạn bệnh.
  • Tuổi tác và sức khỏe hiện tại của người bệnh.
  • Các bệnh đi kèm.

Phẫu thuật

Các can thiệp phẫu thuật sau đây có thể giúp những người bị ung thư thực quản:

  • Cắt thực quản: Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ một phần của thực quản có chứa khối u và nối lại phần còn lại với dạ dày.
  • Cắt thực quản – dạ dày: Trong thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ một phần thực quản chứa u, một phần của dạ dày và các hạch bạch huyết gần đó. Phần còn lại sẽ được nối trực tiếp với nhau.

Trong trường hợp hai đầu thực quản và dạ dày cách quá xa nhau, một phần nhỏ của ruột già được sử dụng để làm trung gian.

Không phẫu thuật

Các kỹ thuật không phẫu thuật khác hỗ trợ điều trị ung thư thực quản, bao gồm:

  • Liệu pháp quang động: Đầu tiên người bệnh được tiêm một chất đặc biệt vào thực quản làm cho các tế bào thêm nhạy cảm với ánh sáng. Bác sĩ sau đó sẽ dùng một ống nội soi có gắn laser để đốt cháy chúng.
  • Hóa trị: Là phương pháp sử dụng hóa chất để loại bỏ ung thư, trì hoãn hoặc ngăn ngừa tái phát, làm chậm tiến triển hoặc giảm các triệu chứng của bệnh. Chúng có thể được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật hoặc cả hai, có thể kết hợp với xạ trị.
  • Xạ trị: Là phương pháp sử dụng chùm tia xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Chúng có tác dụng làm hỏng DNA bên trong khối u, phá hủy khả năng sinh sản của chúng. Giống như hóa trị, xạ trị cũng có thể được dùng trước hoặc sau phẫu thuật.

Biện pháp hỗ trợ

Trong quá trình bệnh, người bệnh có thể không ăn uống được dẫn tới sức khỏe ngày càng kém. Tình trạng này gây ra nhiều khó khăn và ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị. Chính vì lý do đó, người bệnh cần được hỗ trợ để đảm bảo về mặt dinh dưỡng. Các biện pháp thường dùng là:

  • Đặt stent để giữ cho thực quản luôn thông thoáng.
  • Đặt ống thông mũi – dạ dày: Một ống bằng nhựa, nhỏ, mềm sẽ được đặt từ mũi miệng xuống tới dạ dày để đảm bảo đường đi cho thức ăn.
  • Nuôi ăn qua da: Các bác sĩ sẽ tạo một đường thông trực tiếp từ da dày ra một lỗ ở trên da. Thức ăn sau đó sẽ được đưa qua lỗ này để cung cấp dinh dưỡng cho bệnh nhân.

Ung thư thực quản thật sự là một kẻ thù thầm lặng đối với sức khỏe. Do đó, cần hết sức cẩn thận với các biểu hiện nghi ngờ, đặc biệt là đối với những trường hợp có yếu tố nguy cơ. Đừng chần chừ, hãy đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện triệu chứng bạn nhé! Phát hiện sớm và điều trị thích hợp sẽ mang lại kết quả vô cùng khả quan.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. What to know about esophageal cancerhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/172602.php#treatment

    Ngày tham khảo: 25/12/2019

  2. Esophageal Cancerhttps://www.healthline.com/health/esophageal-cancer#treatment

    Ngày tham khảo: 25/12/2019

  3. Esophageal cancerhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/esophageal-cancer/symptoms-causes/syc-20356084

    Ngày tham khảo: 25/12/2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người