Vắc-xin 4 trong 1 Tetraxim 0.5 ml (Pháp)
Nội dung bài viết
Vắc-xin 4 trong 1 Tetraxim hiện nay được dùng trong tiêm chủng để phòng ngừa bốn loại bệnh bao gồm: ho gà, bạch hầu, uốn ván và bại liệt. Đây là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Mọi đối tượng từ trẻ em cho đến người lớn, người cao tuổi, phụ nữ mang thai đều có nguy cơ mắc những bệnh này. Vì vậy, tiêm vắc-xin là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh cho chính bản thân và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về loại vắc-xin 4 trong 1 qua bài viết sau đây.
Nguồn gốc vắc-xin Tetraxim 0.5 ml
Tìm hiểu về các bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt
Ho gà
Ho gà (tên tiếng anh là Pertussis) là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính. Bệnh có thể xảy ra ở bất kể lứa tuổi nào, chủ yếu là trẻ em dưới 1 tuổi chưa được tiêm hoặc chưa hoàn thành việc tiêm ngừa vắc-xin phòng ho gà.
Bạch hầu
Bệnh bạch hầu (tên tiếng anh là Diphtheria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính giả mạc ở tuyến hạnh nhân, thanh quản, mũi, vùng hầu họng. Bệnh lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác qua đường hô hấp. Bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng, nhiễm độc, gây liệt cơ, viêm cơ tim và có thể tử vong trong vòng 6 ngày.
Uốn ván
Uốn ván (tên tiếng anh là Tetanus) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có tỷ lệ tử vong rất cao, khoảng từ 20 – 90% và lên đến 95% ở những trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ là những đối tượng cần thiết được tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh uốn ván nhất.
Bại liệt
Bệnh bại liệt (tên tiếng anh là Poliomyelitis) là bệnh nhiễm vi rút cấp tính. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa do vi-rút Polio gây ra. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em với các triệu chứng liệt tủy sống, đau cơ, suy hô hấp,…
Vắc-xin 4 trong 1 Tetraxim
Vắc-xin 4 trong 1 Tetraxim được sản xuất bởi công ty dược phẩm Sanofi Pasteur tại Pháp. Vắc-xin giúp phòng ngừa 4 bệnh bao gồm:
- Bạch hầu
- Ho gà
- Uốn Ván
- Bại liệt
Chế phẩm được sử dụng cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên.
Quy cách đóng gói
Có 2 quy cách đóng gói bao gồm:
- Hộp 1 bơm tiêm nạp sẵn 1 liều 0,5ml vắc-xin.
- Hộp 10 bơm tiêm, mỗi bơm tiêm 1 liều 0,5ml vắc-xin.
Dạng bào chế
Vắc-xin 4 trong 1 Tetraxim được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm.
Chỉ định
Tetraxim giúp bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh như bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt. Vắc-xin được chỉ định ở trẻ em:
- Từ 2 tháng tuổi trở lên khi tiêm chủng các liều cơ bản
- Hay khi tiêm liều nhắc lại trong năm tuổi thứ hai
- Ở trẻ từ 5 – 11 tuổi hay 11 – 13 tuổi, tùy theo khuyến cáo chính thức của từng quốc gia.
Liều dùng và cách dùng
Liều dùng
Liều 0,5ml tương ứng với liều được đóng trong từng ống tiêm.
Cách dùng
- Lắc đều trước khi tiêm, cho đến khi đạt được một hỗn dịch màu trắng đục, đồng nhất.
- Đối với dạng trình bày lọ đa liều: rút ra 0,5ml vắc-xin bằng bơm tiêm 1ml hay 0,5ml.
- Dùng đường tiêm bắp. Tốt nhất, nên tiêm vắc-xin mặt phía trước đùi (một phần ba giữa) ở trẻ nhỏ và vùng cơ Delta ở trẻ lớn hơn (từ 5 – 11 tuổi hay 11 – 13 tuổi).
Lịch tiêm chủng
Lịch tiêm chủng ở trẻ từ 2 tháng tuổi đến 2 tuổi
- Mũi 1: tiêm khi trẻ vừa tròn 02 tháng tuổi
- Mũi 2: tiêm khi trẻ 03 tháng tuổi
- Mũi 3: tiêm khi trẻ 04 tháng tuổi
- Mũi 4: tiêm 01 năm sau mũi 3
- Mũi 5: tiêm nhắc lại 03 năm sau mũi 4 (trẻ 4 – 6 tuổi)
Lịch tiêm chủng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên mà chưa được tiêm đủ 4 mũi cơ bản
- Mũi 1: tiêm lần đầu tiên
- Mũi 2: tiêm một tháng sau mũi 1
- Mũi 3: tiêm sáu tháng sau mũi 2
Chống chỉ định
Không được dùng vắc-xin 4 trong 1 Tetraxim trong các trường hợp sau:
- Nếu con của bạn bị dị ứng với bất cứ thành phần nào của vắc-xin. Dị ứng với một trong những chất được dùng trong quá trình sản xuất (ví dụ như glutaraldehyde, neomycin, streptomycin và polymycin B). Các chất này có thể còn tồn dư trong thành phẩm với lượng rất ít. Dị ứng với vắc-xin ngừa ho gà hay trước đây con bạn đã có những phản ứng dị ứng sau khi tiêm vắc-xin có những thành phần tương tự.
- Nếu con bạn có bệnh não tiến triển (tổn thương tại não) kèm theo co giật hoặc không co giật (bệnh thần kinh)
- Nếu lần tiêm trước con bạn từng bị bệnh não (tổn thương ở não) trong vòng 7 ngày sau khi tiêm vắc-xin ho gà (ho gà vô bào hay nguyên bào)
- Nếu trước đây con bạn đã có những phản ứng mạnh trong vòng 48 giờ sau khi tiêm vắc-xin như sốt cao trên 40°C kèm co giật, hội chứng khóc nhè dai dẳng, hội chứng giảm trương lực cơ – giảm phản ứng,…
- Nếu con bạn đang mắc các bệnh cấp tính (phải trì hoãn việc tiêm ngừa)
Cảnh báo và thận trọng khi sử dụng vắc-xin
Những thận trọng khi sử dụng Tetraxim:
– Hãy đảm bảo rằng không tiêm vắc-xin vào lòng mạch máu của trẻ cũng như không tiêm trong da.
– Ở trẻ có tiền sử dị ứng, đặc biệt là phản ứng dị ứng sau khi tiêm vắc-xin 4 trong 1 Tetraxim hoặc đang được điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch hoặc bị suy giảm miễn dịch.
– Trẻ đã từng có các triệu chứng và được cho rằng có liên quan đến việc tiêm vắc-xin:
- Sốt cao trên 40 độ C, trong vòng 48 giờ mà không xác định được nguyên nhân khác
- Khóc thét, quấy khóc dai dẳng trên 3 giờ, xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi tiêm ngừa
- Co giật kèm sốt hay không có sốt, xảy ra trong vòng 3 ngày sau khi tiêm vắc-xin
- Trụy mạch hay tình trạng giống sốc phản vệ với giai đoạn giảm trương lực, giảm đáp ứng (suy nhược) trong vòng 48 giờ sau tiêm.
Tác dụng không mong muốn
Các tác dụng không mong muốn thường gặp:
- Phản ứng tại vị trí tiêm như sưng, nổi quầng đỏ, nốt cứng đường kính lớn hơn 2cm;
- Phản ứng toàn thân: sốt, đôi khi sốt cao trên 40°C. Chán ăn, tiêu chảy, nôn mửa, bồn chồn, dễ bị kích thích; tình trạng mất ngủ hay xáo trộn giấc ngủ; hay khóc nhè bất thường.
Các triệu chứng giống phản ứng dị ứng như: phát ban, nổi mẫn đỏ, mày đay, phù mặt, sưng vùng mặt và cổ đột ngột.
Hạn sử dụng và bảo quản
Hạn sử dụng của vắc-xin: 36 tháng kể từ ngày sản xuất.
Bảo quản vắc-xin ở nhiệt độ từ +2°C đến +8°C (trong tủ lạnh). Không được để vắc-xin đóng băng.
Trên đây là những thông tin liên quan đến vắc-xin 4 trong 1 Tetraxim ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vắc-xin hay sức khỏe, hãy liên hệ ngay bác sĩ để được giải đáp bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Tetraximhttps://dav.gov.vn/upload/attach/4122015_tetraxim.pdf
Ngày tham khảo: 13/06/2021
-
VẮC XIN TETRAXIM (PHÁP) PHÒNG BỆNH BẠCH HẦU – HO GÀ – UỐN VÁN – BẠI LIỆThttps://vnvc.vn/vac-xin-tetraxim/
Ngày tham khảo: 13/06/2021
-
Tetraximhttps://www.mims.com/hongkong/drug/info/tetraxim
Ngày tham khảo: 13/06/2021