YouMed

Vắc-xin thủy đậu và những thông tin cần biết

ThS-BS-Đặng-Văn-Trị
Tác giả: ThS.BS Đặng Văn Trị
Chuyên khoa: Truyền nhiễm

Thủy đậu là một bệnh lý truyền nhiễm rất dễ lây lan. Bệnh thường tự giới hạn sau 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, thủy đậu có thể diễn tiến nặng dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng như viêm phổi, viêm não khi xảy ra trên đối tượng trẻ sơ sinh, người cao tuổi, nhiễm HIV, người đang hóa trị hoặc mắc các bệnh lý mạn tính khác. Theo Bộ Y tế, thủy đậu có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin cũng như bằng một số biện pháp khác. Trong đó, phòng ngừa bằng vắc-xin vẫn là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất. Cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Văn Trị tìm hiểu qua bài viết sau.

Tổng quan về vắc-xin thủy đậu

Michiaki Takahashi đã phát triển vắc-xin virus thủy đậu sống giảm độc lực vào năm 1974. Đây là vắc-xin đầu tiên và duy nhất về herpesvirus. Các nghiên cứu ban đầu đã cho kết quả hứa hẹn, vắc-xin được thử nghiệm một cách nghiêm ngặt trên nhóm bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch do đây là đối tượng dễ tử vong khi mắc thủy đậu. Vắc-xin được chứng minh có thể cứu sống nhiều người khi mà bệnh đang lây lan rộng rãi trong cộng đồng. Sau đó, vắc-xin cũng được chứng minh là an toàn và hiệu quả đối với trẻ em khỏe mạnh.1

Cơ chế hoạt động của vắc-xin

Sau khi bị thủy đậu, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể tự nhiên để chống lại virus. Do đó, phần lớn người bệnh sẽ không mắc thủy đậu lại dù cho có tiếp xúc gần với nguồn lây (người đang mắc thủy đậu). Tạo miễn dịch cho cơ thể bằng việc tiêm vắc-xin còn được gọi là tạo miễn dịch chủ động. Việc tiêm vắc-xin giúp cơ thể tạo ra một lượng kháng thể nhất định giống như sau khi nhiễm bệnh tự nhiên. Những kháng thể này cũng có khả năng bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh hoặc chỉ mắc bệnh ở mức độ nhẹ và hồi phục nhanh.

Bản chất của vắc-xin thủy đậu là một loại vắc-xin virus sống giảm độc lực. Virus sau khi được phân lập sẽ được biến đổi thông qua việc nuôi cấy lập lại nhiều lần trong tế bào của chuột thí nghiệm. Quá trình này giúp làm giảm đi độc tính của virus nhưng vẫn đảm bảo giữ lại tính sinh miễn dịch (khả năng tạo ra kháng thể). Sau đó, dòng virus biến đổi sẽ được thanh lọc và xử lý thành dạng bột đông khô để đưa vào sử dụng.2

Phân loại vắc-xin thủy đậu

Varicella-zoster virus có nhiều dòng khác nhau lưu hành trên thế giới. Các dòng virus này khác nhau một vài điểm ở trên bộ gene. Năm 1970, dòng virus Oka (phân lập từ bóng nước của một bé trai 3 tuổi mắc thủy đậu) được sử dụng để sản xuất vắc-xin thủy đậu. Từng có nhiều dòng virus khác được nghiên cứu để sản xuất vắc-xin nhưng đều cho kết quả bảo vệ không cao. Do đó, hiện nay dòng virus Oka vẫn được các công ty trên thế giới ưu tiên lựa chọn để sản xuất vắc-xin thủy đậu.

Suduvax là loại vắc-xin thủy đậu duy nhất trên thế giới không sử dụng dòng virus Oka. Vắc-xin này được sản xuất vào năm 1988 tại Hàn Quốc, sử dụng dòng virus MAV/06 có cấu trúc gần giống với dòng virus Oka.

Nhìn chung, vắc-xin thủy đậu được đưa vào sử dụng với hai dạng là vắc-xin đơn độc hoặc ở dạng kết hợp với vắc-xin khác như vắc-xin MMRV (measles, mumps, rubella, varicella: vắc-xin sởi – quai bị – rubella – thủy đậu). Tất cả vắc-xin được đưa vào sử dụng đều phải trải qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn cho người sử dụng. Tùy theo của nhà sản xuất mà mỗi loại vắc-xin sẽ được khuyến cáo sử dụng ở những độ tuổi, nhóm đối tượng khác nhau.

Ngày nay, một số vắc-xin thủy đậu đơn độc được cấp phép sử dụng trên trên thế giới có kể đến như Varivax (Mỹ), Varilrix (Bỉ), Okavax (Pháp). SuduVax được sử dụng tại Hàn Quốc. Ngoài ra còn 4 vắc-xin khác được cấp phép sử dụng riêng ở Trung Quốc.

Hình ảnh vắc-xin Okavax (Pháp)
Hình ảnh vắc-xin Okavax (Pháp)
Hình ảnh vắc-xin Varilrix (Bỉ)
Hình ảnh vắc-xin Varilrix (Bỉ)

Hiệu quả của vắc-xin

Sau tiêm 1 mũi vắc-xin

Năm 1995, vắc-xin thủy đậu được cấp phép sử dụng tại Hoa Kỳ. Tác giả Marietta Vázquez đã tiến hành nghiên cứu theo dõi  đối tượng trẻ em từ 13 tháng tuổi đến 15 tuổi được tiêm 1 mũi vắc-xin Varivax. Kết quả cho thấy vắc-xin có hiệu quả bảo vệ trẻ em không bị mắc thủy đậu là 86%, hiệu quả bảo vệ trẻ em không mắc thủy đậu ở mức độ nặng là 100%.3

Một phân tích gộp công bố năm 2016 kết quả từ nhiều nghiên cứu khác trên thế giới cũng cho thấy 1 mũi vắc-xin có hiệu quả bảo vệ trẻ em không mắc thủy đậu là 81% và hiệu quả bảo vệ trẻ em không mắc thủy đậu ở mức độ nặng là 100%.4

Các kết quả nghiên cứu nêu trên cho thấy vắc-xin có hiệu quả bảo vệ rất cao. Có thể hiểu một cách đơn giản là sau khi tiêm 01 mũi vắc-xin thì rất ít trẻ mắc thủy đậu. Trường hợp sau tiêm vắc-xin mà trẻ mắc thủy đậu thì bệnh chỉ ở mức độ nhẹ – trung bình. Không có trường hợp nào diễn tiến nặng.

Sau tiêm 2 mũi vắc-xin

Mặc dù trong giai đoạn 1995 – 2006, vắc-xin thủy đậu được khuyến cáo tiêm thường quy cho tất cả trẻ em tại Hoa Kỳ, các vụ bùng phát thủy đậu lây lan trong trường học vẫn được ghi nhận thường xuyên. Sự cần thiết của mũi vắc-xin thủy đậu thứ 2 đã được đặt ra. Năm 2007, sau khi cân nhắc, Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng Hoa Kỳ (ACIP – The Advisory Committee on Immunization Practices) đã đề nghị tiêm thêm mũi vắc-xin thủy đậu thứ 2 bổ sung cho mũi vắc-xin thủy đậu thường quy trước đó.

Kết quả nghiên cứu của tác giả Shapiro khi theo dõi trẻ em được tiêm thường quy 2 mũi vắc-xin thủy đậu trong giai đoạn 2006 – 2010 đã chỉ ra rằng tiêm 2 mũi vắc-xin thủy đậu có hiệu quả bảo vệ cao tốt hơn có ý nghĩa thống kê so với khi tiêm 1 mũi vắc-xin.5

Hình 3: Tỷ suất chết liên quan thủy đậu phân theo nhóm tuổi hằng năm tại Hoa Kỳ sau khi có vắc-xin thủy đậu
Tỷ suất chết liên quan thủy đậu phân theo nhóm tuổi hằng năm tại Hoa Kỳ sau khi có vắc-xin thủy đậu

Đối tượng và lịch tiêm ngừa vắc-xin thủy đậu

Đối tượng nên tiêm vắc-xin thủy đậu

Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng Hoa Kỳ khuyến cáo tất cả người khỏe mạnh (trẻ em và người lớn) chưa có miễn dịch với thủy đậu nên tiêm ngừa vắc-xin để phòng bệnh.6

Theo Bộ Y tế (2016), vắc-xin được chỉ định cho tất cả trẻ em trên 1 tuổi cho tới 12 tuổi chưa mắc thủy đậu và người lớn chưa có kháng thể với Herpes zoster.7

Trong quá khứ, thủy đậu từng gây ra những trận dịch trong trường học, ký túc xá, doanh trại quân đội do đặc tính dễ lây lan của bệnh. Theo dữ liệu quốc gia tại Hoa Kỳ, trước khi vắc-xin thủy đậu được đưa vào sử dụng (1988 – 1994), tỉ lệ mắc thủy đậu trong dân số là 86% ở nhóm tuổi 6 – 11, 93% ở nhóm tuổi 12 – 19; 95,5% ở nhóm tuổi 20 – 29 và 99% ở nhóm tuổi ≥30. Nói cách khác, gần như toàn bộ người trên 30 tuổi tại Hoa Kỳ đều đã mắc thủy đậu trong thời gian đó.8

Sau khi vắc-xin thủy đậu ra đời, tỉ lệ mắc bệnh trong dân số đi đáng kể. Các vụ dịch bùng phát gần như không còn xảy ra nữa. Bệnh chỉ xuất hiện lẻ tẻ trong cộng đồng. Đây là kết quả của miễn dịch cộng đồng được tạo ra bởi việc tiêm vắc-xin (trên 90% dân số có đề kháng với bệnh).

Lịch tiêm ngừa vắc-xin thủy đậu

Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng Hoa Kỳ đã đưa ra hướng dẫn về lịch tiêm ngừa vắc-xin thủy đậu đơn độc như sau:6

Tiêm ngừa 2 mũi vắc-xin thường quy cho trẻ em

Mũi 1 tiêm cho trẻ vào thời điểm 12 – 15 tháng tuổi.

Mũi 2 tiêm cho trẻ vào thời điểm 4 – 6 tuổi.

Tiêm ngừa mũi đuổi thứ 2

Để cải thiện khả năng bảo vệ cá nhân chống lại bệnh thủy đậu trong những đợt bùng phát bệnh tại trường học, tiêm ngừa vắc-xin mũi đuổi (catch – up) thứ 2 được khuyến cáo cho đối tượng trước đó chỉ được tiêm 1 mũi vắc-xin (bao gồm trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành). Khoảng cách tối thiểu giữa mũi 1 và mũi 2 (mũi đuổi) là 3 tháng đối với trẻ em ≤12 tuổi và là 4 tuần đối với người >13 tuổi.

Tiêm ngừa vắc-xin cho thanh thiếu niên (≥13 tuổi) và người trưởng thành

Tiêm 2 mũi vắc-xin cách nhau khoảng 4 – 8 tuần.

Đối tượng chống chỉ định tiêm vắc-xin

Tất cả vắc-xin thủy đậu hiện nay trên thế giới đều có bản chất là vắc-xin virus sống giảm độc lực. Điều này có nghĩa là vắc-xin có thể gây bệnh cho người tiêm vắc-xin trong trường hợp cơ thể người này không khỏe mạnh hoặc hệ miễn dịch bị suy yếu.

Một số đối tượng sau đây không nên tiêm ngừa vắc-xin thủy đậu hoặc cần trì hoãn:9

  • Người có tiền sử dị ứng nặng đe dọa tính mạng với vắc-xin thủy đậu trong lần tiêm trước đó hoặc dị ứng với gelatin, neomycin hay bất kể thành phần khác của vắc-xin.
  • Người có bệnh lý trung bình – nặng tại thời điểm dự định tiêm ngừa vắc-xin thủy đậu nên trì hoãn việc tiêm vắc-xin cho đến khi tình trạng sức khỏe hồi phục, ổn định trở lại.
  •  Phụ nữ đang mang thai không nên tiêm ngừa vắc-xin thủy đậu và nên trì hoãn cho đến sau khi sinh con xong. Đối với phụ nữ có ý định sinh con thì không nên mang thai trong vòng 1 tháng sau khi tiêm vắc-xin thủy đậu.

Những đối tượng sau đây nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, thăm khám trước khi tiêm vắc-xin:

  • Người nhiễm HIV/AIDS hoặc mắc các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch khác.
  • Người đang sử dụng các thuốc gây ức chế miễn dịch như corticoid kéo dài ≥ 2 tuần.
  • Người đang mắc bất kỳ bệnh lý ung thư nào.
  • Người đang hóa trị hoặc xạ trị ung thư.
  • Người vừa được truyền máu trong thời gian gần đây.

Tác dụng phụ có thể xảy ra

Theo Bộ Y tế (2016), vắc-xin thủy đậu hiệu quả cao và an toàn. Tuy nhiên, việc tiêm vắc-xin đôi khi có thể gây ra một số tác dụng phụ cần phải lưu ý:10

  • Phản ứng tại chỗ tiêm: khoảng 20% – 25% người tiêm vắc-xin có biểu hiện sưng, đau, đỏ, đau tại vị trí tiêm trong vòng 2 ngày đầu sau tiêm vắc-xin thủy đậu
  • Phát ban: khoảng 1 – 3% người tiêm vắc-xin có biểu hiện phát ban ít xung quanh vị trí tiêm vắc-xin, 3 – 5% người tiêm vắc-xin có biểu hiện phát ban toàn thân giống như khi mắc thủy đậu trong vòng 1 tháng sau tiêm vắc-xin. Những người phát ban sau tiêm vắc-xin được khuyên là nên hạn chế tiếp xúc với người chưa có miễn dịch với thủy đậu.
  •  Khoảng 15% trẻ em, 10% người trưởng thành ghi nhận biểu hiện sốt trong vòng 6 tuần sau tiêm vắc-xin
  • Ngoài ra, một số tác dụng phụ khác hiếm gặp hơn sau khi tiêm vắc-xin đã được ghi nhận là: đau đầu, mệt mỏi, ho khan, chán ăn, khó ngủ, đau cơ, đau hốc mắt, sưng hạch… Các biểu hiện này thường nhẹ, thoáng qua và tự khỏi

Thủy đậu là một một lý truyền nhiễm rất dễ lây truyền. Bệnh từng gây ra những vụ dịch bùng phát ở trong trường học, kí túc xá, doanh trại quân đội. Vắc-xin thủy đậu ra đời và giúp giảm đi tỉ lệ mắc bệnh trong dân số một cách đáng kể.

Nhìn chung, vắc-xin thủy đậu an toàn và hiệu quả cao. Vắc-xin được khuyến cáo sử dụng ở người khỏe mạnh chưa có miễn dịch với bệnh, tiêm 2 mũi cách nhau 4 – 8 tuần tùy theo độ tuổi. Hiệu quả bảo vệ của vắc-xin lên đến 85 – 90%. Sốt là biểu tác dụng phụ hay gặp nhất sau tiêm vắc-xin, chiếm khoảng 1/5 các trường hợp.

Vắc-xin thủy đậu có bản chất là vắc-xin virus sống giảm độc lực. Do đó, một số đối tượng đặc biệt như người có suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV, hóa trị, sử dụng corticoid…), phụ nữ mang thai cần phải có sự tham vấn và chỉ định của bác sĩ khi có ý định tiêm vắc-xin thủy đậu.

Câu hỏi thường gặp

Tiêm vắc-xin ở đâu?

Theo thông tư số 38/2017/TT – BYT, vắc-xin thủy đậu không nằm trong danh mục các vắc-xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Do đó, không phải cơ sở y tế nào cũng có sẵn vắc-xin thủy đậu. 11

Mọi người có thể tham khảo tiêm ngừa vắc-xin thủy đậu tại một số cơ sở y tế công lập như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cũng như một số cơ sở y tế tư nhân như hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh…

Chi phí tiêm vắc-xin?

Tại Việt Nam, một số vắc-xin thủy đậu đơn độc thường được sử dụng có thể kể đến như Varivax, Varirix, Okavax. Giá cho mỗi loại vắc-xin dao động khoảng 4000.00 VNĐ đến 800.000 VNĐ. Chi phí này chưa kể đến phí dịch vụ thăm khám và tư vấn khác.

Hiện nay, vắc-xin thủy đậu ở dạng kết hợp với vắc-xin khác như MMRV (measles, mumps, rubella, varicella: sởi – quai bị – rubella – thủy đậu) không có sẵn ở thị trường Việt Nam.

Tiêm vắc-xin có sốt không?

Bất kể loại vắc-xin nào cũng có một vài tác dụng phụ nhất định (sốt, đau mỏi cơ, đau đầu, tiêu chảy, chán ăn, mệt mỏi…). Đối với vắc-xin thủy đậu, sốt là tác dụng phụ thường gặp nhất sau tiêm. Khoảng 1/5 trường hợp người tiêm vắc-xin sẽ gặp phải vấn đề này. Tuy nhiên, sốt sau khi tiêm vắc-xin thủy đậu thường nhẹ và có thể xử trí đơn giản bằng biện pháp lau mát cũng như bằng thuốc hạ sốt như acetaminophen.

Tiêm vắc-xin thủy đậu rồi có bị bệnh lại không?

kết quả nghiên cứu cho thấy vắc-xin thủy đậu có hiệu quả bảo vệ khoảng 80 – 85%. Điều này có nghĩa là một người sau khi sau khi tiêm vắc-xin thủy đậu vẫn có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên, may mắn là tất cả trường hợp này thì bệnh thường nhẹ, mau khỏi và không có trường hợp nào diễn tiến đến biến chứng đe dọa tính mạng như viêm phổi, viêm não.

Tác dụng bảo vệ của vắc-xin thủy đậu kéo dài bao lâu

Giống như COVID-19, ban đầu các nhà lâm sàng cũng không xác định được là cần tiêm bao nhiêu mũi vắc-xin và khi nào cần tiêm lại. Vắc-xin thủy đậu ra đời hơn 20 năm và cũng đã có những nghiên cứu quan sát đủ dài về hiệu quả bảo vệ của vắc-xin trong thực tế.

Nghiên cứu của Saiman cho thấy có 31% nhân viên y tế tiêm vắc-xin thủy đậu sẽ mất kháng thể sau thời gian theo dõi trung bình 8 năm. 12

Một nghiên cứu khác quan sát kéo dài đến 13 năm cho thấy khoảng 60 – 90% người tiêm vẫn còn kháng thể khi được kiểm tra lại. 13

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Live Attenuated Varicella Vaccine: Prevention of Varicella and of Zosterhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34590140/

    Ngày tham khảo: 14/09/2022

  2. Varicellahttps://www.who.int/teams/health-product-and-policy-standards/standards-and-specifications/vaccine-standardization/varicella

    Ngày tham khảo: 14/09/2022

  3. The effectiveness of the varicella vaccine in clinical practicehttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11274621/

    Ngày tham khảo: 14/09/2022

  4. Global Varicella Vaccine Effectiveness: A Meta-analysishttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26908671/

    Ngày tham khảo: 14/09/2022

  5. Effectiveness of 2 doses of varicella vaccine in childrenhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21208922/

    Ngày tham khảo: 14/09/2022

  6. Prevention of Varicellahttps://www.cdc.gov/mmwr/preview/mmwrhtml/rr5604a1.htm

    Ngày tham khảo: 14/09/2022

  7. Bộ Y tế (2016). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm. Quyết định số: 5642/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 31 tháng 12 năm 2015. Hà Nội.

  8. Varicella in Americans from NHANES III: implications for control through routine immunizationhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/12627498/

    Ngày tham khảo: 14/09/2022

  9. Vaccine and Preventable Diseaseshttps://www.cdc.gov/vaccines/vpd/varicella/hcp/recommendations.html

    Ngày tham khảo: 14/09/2022

  10. Live Oka/Merck varicella vaccine in healthy children. Further clinical and laboratory assessmenthttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/2995697/

    Ngày tham khảo: 14/09/2022

  11. Bộ Y tế (2017). Thông tư ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc. Quyết định số: 38/2017/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 17 tháng 10 năm 2017. Hà Nội.

  12. Persistence of immunity to varicella-zoster virus after vaccination of healthcare workershttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11428437/

    Ngày tham khảo: 14/09/2022

  13. Varicella-zoster virus: prospects for controlhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/7718215

    Ngày tham khảo: 14/09/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người