Các vật liệu trám răng được sử dụng hiện nay
Nội dung bài viết
Sâu răng là tình trạng bệnh lý răng miệng phổ biến trong xã hội hiện nay. Phương pháp điều trị sâu răng hiệu quả nhất hiện nay là trám răng. Ngoài sâu răng, răng mất chất do chấn thương và một số nguyên nhân khác (mòn răng do chất hóa học,…) cũng được điều trị tốt với phương pháp trám răng. Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Hồ Trần Việt tìm hiểu về các vật liệu trám răng hiện nay qua bài viết sau.
Trám răng là gì?
Trám răng là một phương pháp khôi phục răng bị tổn thương do sâu răng, mất chất do chấn thương hoặc mòn răng bằng một vật liệu nhân tạo để lấp đầy lỗ sâu trên men răng, hoặc chỗ nứt vỡ của răng. Ngoài ra, bề mặt răng hoặc những khe hở (kẽ răng) cũng có thể được tái tạo lại bằng trám răng.
Trám răng giúp chúng ta cải thiện thẩm mỹ và chức năng ăn nhai.
Các loại vật liệu trám răng hiện nay
Trám răng composite1 2 3
Composite trám răng hay còn gọi là nhựa tổng hợp nha khoa. Là một loại vật liệu có thành phần cấu tạo từ nhựa bisphenol A-glycidyl methacrylate (BISGMA), urethane dimethacrylate (UDMA), semi-crystalline polyceram (PEX) và sillica.1
Composite nha khoa có màu trắng hơi ngả vàng tương tự răng. Độ trắng dựa vào số hiển thị trên mỗi cây composite. Trên mỗi cây composite có các số hiển thị như: A1, A2, A3,… Số càng tăng thì màu composite càng tối.
Tính chất
- Kỵ nước: trong môi trường miệng, composite không phản ứng với nước bọt. Khi có sự xuất hiện của nước bọt trong khi trám sẽ làm giảm sự dính của composite với mô răng thật.
- Tính dẻo: nha sĩ dễ dàng tạo hình, thao tác miếng trám phù hợp với vị trí tổn thương.
- Tính bền vật liệu tương đối cao.
- Cách điện và cách nhiệt tốt.
- Chế tạo đơn giản, không tốn thời gian như những vật liệu khác.
- Giá thành rẻ, hợp lý.
Ưu điểm khi sử dụng vật liệu composite
Ngày nay, composite là một trong những vật liệu được sử dụng để trám răng phổ biến nhất. Để có được điều này là bởi những ưu điểm sau:
- Tính thẩm mỹ. Composite có màu trắng ngà tương tự giống răng thật. Nếu kỹ thuật nha sĩ tốt và lựa chọn đúng màu răng phù hợp với bệnh nhân thì nhìn thoáng qua rất khó để phân biệt đâu là răng đang được trám. Vì vậy, vật liệu composite có thể được sử dụng để phục hình các răng phía trước như răng cửa, răng nanh.
- Không xâm lấn. Composite cho khả năng bám dính trực tiếp lên thân răng. Do vậy, không yêu cầu phải mài thêm men răng để trám. Chỉ mài bỏ phần nào của răng bị hư tổn, không mài thêm thân răng khỏe mạnh.
- Dễ dàng sửa chữa. Khác với nhiều vật liệu trám răng khác, răng trám composite nếu hư tổn thì chỉ cần trám bù thêm phần hư tổn đó, có thể không phải thực hiện trám lại từ ban đầu.
- Không có thủy ngân. Composite hoàn toàn không chứa thủy ngân. Do vậy, nó đảm bảo sự an toàn ở mức tối đa cho khách hàng, bác sĩ và cả môi trường.
Nhược điểm khi trám răng với composite
Mặc dù composite là vật liệu được sử dụng phổ biến để trám răng, composite vẫn có những nhược điểm nhất định, bao gồm:
- Độ bền chưa thực sự tốt. Bản chất composite là nhựa nên dễ biến dạng dưới lực mạnh (đặc biệt là lực nhai liên tục hàng ngày). Miếng trám với composite duy trì được khoảng 5 – 7 năm. Thời gian này khá thấp so với nhiều loại vật liệu trám răng khác.
- Độ co theo thời gian. Vật liệu trám răng composite vẫn có độ co rút nhất định. Do vậy, sau khi trám răng, miếng trám co rút dần theo thời gian dài, có thể gây hở vi kẽ giữa miếng trám với mô răng thật. Từ đó dẫn đến sâu răng tái phát dưới miếng trám.
- Khó cách ly với nước bọt trong quá trình trám. Vật liệu trám răng composite bản chất kỵ nước, rất dễ sút hoặc giảm tính dán của vật liệu với mô răng thật nếu không được cách ly khỏi nước bọt thật tốt. Quá trình cách ly này càng khó khăn nếu răng nằm ở phía sau (như răng hàm) – vị trí tuyến nước bọt tiết nhiều nhất.
Trám răng bằng composite có bền không?
Do độ cứng và đặc tính mòn của loại chất liệu này không cao nên độ bền sử dụng không được lâu dài. Sau khi trám răng bằng composite một thời gian nếu không được chăm sóc tốt, miếng trám dần bị biến đổi màu cụ thể xỉn màu và tạo nên sự khác biệt giữa màu sắc của miếng trám và răng thật.
Một điều nữa là vật liệu composite rất dễ bị bong tróc khỏi vị trí trám nếu nó bị kích thích bởi thức ăn có nhiệt độ đột ngột. Hoặc sẽ bị bong ra nếu bị va chạm hoặc sử dụng quá nhiều lực để nghiền thức ăn cứng.
Ngoài những nhược điểm như kém bền, khó cô lập khi trám, trám răng bằng vật liệu composite mang những ưu điểm về thẩm mỹ và chi phí cũng như quy trình điều trị đơn giản, nhanh chóng, thích hợp cho những trường hợp răng sâu mức độ nhẹ, không bể lớn.
Trám răng composite giá bao nhiêu?
Trám răng bằng composite có giá từ 200.000 – 600.000 VNĐ, tùy từng chính sách của các địa chỉ nha khoa, và tùy từng chỗ sâu răng cần trám.
Trám răng bằng amalgam
Vật liệu trám răng amalgam là vật liệu có thành phần từ thủy ngân cùng các kim loại khác như bạc, thiếc, đồng,… Trám răng bằng amalgam giúp tái tạo lại hình dáng ban đầu của răng, giúp bảo vệ răng và ngăn ngừa sâu răng phát triển.
Tính chất của vật liệu amalgam4
- Độ bền và khả năng chịu lực cao do thành phần của miếng trám. Amalgam có chứa kim loại như bạc, thiếc, đồng,…
- Dẫn điện, dẫn nhiệt.
- Khó co rút.
Ưu điểm5
Được đánh giá là vật liệu có độ bền chắc tương đối cao, amalgam mang đến cho người sử dụng:
- Tuổi thọ có thể lên tới 10 – 15 năm.
- Chịu lực ăn nhai tốt.
- Giá cả thấp hơn so với một số vật liệu trám trực tiếp khác.
- Thời gian trám răng nhanh.
Quan trọng hơn cả, hàn trám răng bằng amalgam đảm bảo độ an toàn cao bởi nồng độ thủy ngân cũng như các kim loại khác được sử dụng trong giới hạn cho phép.
Nhược điểm5
Vật liệu trám răng bằng amalgam có ưu điểm vượt trội hơn nhiều so với một số vật liệu trám trước đây. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn còn khiến người dùng băn khoăn bởi những khuyết điểm sau:
- Tính thẩm mỹ thấp. Do cấu tạo từ thuỷ ngân và một số mạt kim loại, thế nên vật liệu amalgam có màu sắc xám bạc không tương đồng với men răng.
- Tác động nhiều đến cấu trúc răng. Để có thể tái tạo và lưu giữ tốt miếng trám, bác sĩ phải tạo rãnh hoặc gờ ở răng để cố định lớp trám. Trong một số trường hợp, phải lấy khá nhiều mô răng. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến cấu trúc của răng cũng như thẩm mỹ của bề mặt răng.
- Ảnh hưởng đến răng lân cận. Không chỉ khiến cho chiếc răng trám bị đổi màu, mà còn có thể làm cho các răng bên cạnh có màu xám bạc.
- Ngoài ra, sử dụng vật liệu trám amalgam có thể có nguy cơ dị ứng. Tỉ lệ bị dị ứng rất nhỏ, thế nhưng đây vẫn là điểm hạn chế khiến khách hàng lo lắng khi sử dụng.
Trám răng bằng amalgam bền không?6
Kỹ thuật hàn răng amalgam luôn được đánh giá cao về tuổi thọ miếng trám. Thực tế, miếng trám có thể ở trên răng từ 5 – 6 năm. Thậm chí lên tới 10 – 15 năm nếu như được chăm sóc cẩn thận về chế độ ăn uống lẫn vệ sinh răng miệng.3
Ngoài ra, tuổi thọ của miếng trám amalgam còn phụ thuộc vào tay nghề hàn trám của nha sĩ. Việc đến địa chỉ nha khoa uy tín thực hiện trám răng amalgam sẽ đảm bảo độ bền miếng trám amalgam đạt ngưỡng cao nhất.
Trám răng bằng amalgam giá bao nhiêu?
Chi phí để thực hiện trám răng bằng phương pháp này khá thấp, mà vẫn mang lại hiệu quả cao nên được nhiều người lựa chọn sử dụng.
Giá của trám răng amalgam dao động từ 150.000 – 700.000 VNĐ/răng tùy từng trường hợp bệnh lý hay mục đích của người sử dụng.
Xi-măng silicat
Trám răng xi-măng silicat là phương pháp hàn trám răng sử dụng vật liệu xi-măng silicat. Đây là chất liệu tổng hợp có màu sắc giống răng thật nhất so với các chất trám khác, có tuổi thọ cao hơn so với các loại hình trám răng khác. Có khả năng chịu lực cao và đảm bảo chức năng ăn nhai như răng thật.
Ưu điểm của trám răng xi-măng silicat
- Màu sắc có tính thẩm mỹ cao. Trám răng bằng xi-măng silicat có màu sắc gần giống răng thật. Tuy nó có tính thẩm mỹ cao hơn trám amalgam nhưng không bằng trám composite.
- Giúp chắc răng, chống sâu răng. Một số loại xi-măng silicat có chứa flo có khả năng chống sâu, làm chắc răng răng giúp bảo vệ răng tốt hơn.
- Không gây hại cho cơ thể. Vật liệu này hoàn toàn an toàn với cơ thể.Do đó, người bệnh có thể ăn uống bình thường mà không cần lo lắng vật liệu này có thể gây hại cho cơ thể.
- Thời gian trám răng ngắn. Nếu người bệnh đến trám răng tại các nha khoa uy tín, thì thời gian trám chỉ kéo dài khoảng 15 – 20 phút là xong.
- Chi phí thấp. Trám răng silicat tiết kiệm kinh tế hơn trám răng composite.
- Răng trám bằng xi-măng silicat rất ít bị dị ứng với đồ nóng lạnh, không ê buốt răng. Bác sĩ chỉ đưa vật liệu trám silicat lên răng cần phục hình, không cần phải khoan sâu vào cấu trúc của răng, không xâm phạm vào tủy răng, không làm mòn men răng. Vì vậy, răng được trám không bị nhạy cảm với đồ nóng lạnh. Từ đó không gây ra hiện tượng ê buốt răng.
Nhược điểm của trám răng xi-măng silicat
- Độ chịu lực thấp. Khả năng chịu lực và chống mòn kém. Do đó, silicat chỉ dùng để hàn cổ răng, là nơi dễ phát sinh sâu răng và ít chịu tác động của ngoại lực có cường độ lớn.
- Dễ đổi màu. Trám silicat dễ bị đổi màu bởi thức ăn sau thời gian dài sử dụng.
Trám răng bằng vật liệu xi-măng silicat có bền không?
Độ bền của chất trám xi-măng silicat không được cao. Răng trám có thể sử dụng được từ 2 – 5 năm, tùy vết trám có to hay không, nếu vết trám càng to thì càng dễ bị bong sút.
Trám răng xi-măng silicat giá bao nhiêu?
Trám răng bằng xi-măng silicat có giá từ 100.000 – 300.000 VNĐ, tùy từng nha khoa và tùy từng chỗ sâu răng cần trám.
Cách lựa chọn vật liệu trám răng phù hợp?
Việc lựa chọn vật liệu để trám răng là vô cùng quan trọng. Việc lựa chọn vật liệu trám răng tùy thuộc vào những yếu tố sau:
- Tình trạng sâu răng, mất mô răng của bệnh nhân.
- Điều kiện kinh tế của bệnh nhân.
- Trình độ chuyên môn của nha sĩ.
- Điều kiện về trang thiết bị của cơ sở nha khoa thăm khám.
Mỗi loại vật liệu sẽ có ưu, nhược điểm khác nhau. Vì vậy, để để đảm bảo độ bền và thẩm mỹ của răng thì bạn nên tìm đến những cơ sở nha khoa uy tín để được thăm khám và tư vấn. Việc lựa chọn vật liệu trám sao cho phù hợp nhất sẽ được các nha sĩ giải đáp sau khi thăm khám và tư vấn.
Việc ăn uống sau khi trám có ảnh hưởng đến vật liệu trám răng không?
Hiện nay, vật liệu trám răng được áp dụng phổ biến là dạng composite có màu sắc tương tự răng thật và có độ bền cao. Sau khi đã tạo hình dạng miếng trám thì bác sĩ sẽ sử dụng đèn ánh sáng xanh làm đông miếng trám và khít sát vào bề mặt của răng để hoàn thành kỹ thuật hàn trám răng.
Thời gian ăn uống sau trám răng sẽ phụ thuộc vào công nghệ và vật liệu trám răng mà bạn lựa chọn.
Nếu sử dụng các loại vật liệu trám như amalgam hay kim loại (vàng, đồng,…) thì sẽ cần nhiều thời gian hơn để tái tạo hình dáng miếng trám trên mô răng, vì thế thời gian có thể ăn uống sau trám răng cũng lâu hơn.
Lúc này, mới trám răng xong có ăn được không sẽ phụ thuộc vào việc trước đó bạn có cần gây tê để trám răng hay không.
Trong trường hợp trám kẽ răng không gây tê, thì người bệnh có thể ăn uống bình thường ngay sau khi kết thúc điều trị.
Đối với các trường hợp răng sâu, răng chấn thương cần gây tê để giảm đau, thì cần đợi thuốc tê hết tác dụng mới có thể ăn được. Thông thường, thời gian chờ hết thuốc tê khi trám răng là khoảng 1 – 2 tiếng.
Trên đây là bài viết về những vật liệu trám răng được sử dụng hiện nay của Thạc sĩ, Bác sĩ Hồ Trần Việt. Hy vọng với những kiến thức chia sẻ ở bài viết này, bạn đọc có thể biết thêm những thông tin thật hữu ích về trám răng và lựa chọn cho được cho mình phương pháp, vật liệu trám răng phù hợp nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Composite resins. A review of the materials and clinical indicationshttp://www.medicinaoral.com/pubmed/medoralv11_i2_pE215.pdf
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
What You Should Know About Composite Fillingshttps://www.healthline.com/health/dental-and-oral-health/composite-fillings
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
Dental Health and Tooth Fillingshttps://www.webmd.com/oral-health/guide/dental-health-fillings
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
Amalgam buildups: shear strength and dentin sealing properties.https://europepmc.org/article/med/1803337
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
Dental amalgam alloyshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/1777668/
Ngày tham khảo: 15/10/2022
-
Clinical assessment of amalgam fillingshttps://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/j.1600-0528.1984.tb01432.x
Ngày tham khảo: 15/10/2022