Viêm cổ tử cung: Dấu hiệu, điều trị và cách phòng ngừa
Nội dung bài viết
Bệnh phụ khoa từ trước đến nay luôn là nỗi lo lắng của chị em. Vì chúng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt hằng ngày mà còn ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản về sau. Trong đó, bệnh viêm cổ tử cung được nhắc đến nhiều do tỉ lệ mắc cao. Hiểu hơn về bệnh nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời và phù hợp luôn là phương pháp tối ưu để bảo vệ sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
Viêm cổ tử cung là gì?
Viêm cổ tử cung là tình trạng viêm ở cổ tử cung. Cổ tử cung hình dạng giống như chiếc bánh rán có lỗ giữa, mở đường vào bên trong tử cung. Biểu hiện của viêm cổ tử cung thường giống với viêm âm đạo, bao gồm: Tiết dịch âm đạo (huyết trắng) bất thường, ngứa âm đạo hoặc đau khi giao hợp.
Chưa có thống kê nào báo cáo chính xác tỉ lệ mắc viêm cổ tử cung ở cộng đồng. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ các phòng khám sản phụ khoa, khoảng 30-40% có mắc dù không có biểu hiện bệnh. Phụ nữ thường đi khám vì nguyên nhân khác và tình cơ phát hiện.
Nguyên nhân gây ra viêm cổ tử cung?
Viêm cổ tử cung có thể do nhiễm trùng hoặc không do nhiễm trùng.
Với nguyên nhân nhiễm trùng, tác nhân hay gặp nhất là chlamydia và lậu. Đây là loại vi khuẩn thường lây truyền qua đường tình dục.
Các nguyên nhân khác không phải do nhiễm trùng cũng có thể gây ra viêm như: thụt rửa thường xuyên gây tổn thương cổ tử cung, dị ứng với các hóa chất có trong bao cao su, chất diệt tinh trùng, đặt vòng tránh thai, màng chắn tránh thai, tampon, v.v.
Đôi khi có thể gặp trong thời kỳ tiền mãn kinh – mãn kinh do nội tiết tố nữ giảm. Ảnh hưởng do xạ trị, hóa trị trong điều trị ung thư cũng có thể gây ra.
Các dấu hiệu nghi ngờ viêm cổ tử cung?
Phần lớn viêm cổ tử cung không biểu hiện rõ rệt ra bên ngoài. Chúng thường được phát hiện do vô tình đi khám các bệnh lý sản phụ khác.
Trong một nghiên cứu, khi quan sát 59 phụ nữ đến sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ. Đến khoảng 24% có dấu hiệu viêm, nhưng chỉ 5% có biểu hiện (tiết dịch âm đạo).
Trong một số trường hợp, các dấu hiệu hay gặp là:
- Huyết trắng bất thường như ra dịch nhiều và/ hoặc có màu vàng, xanh,…
- Ngứa hoặc thấy có đốm bất thường ở âm đạo (vùng kín).
- Đau và chảy máu sau khi giao hợp, hoặc chảy máu ngoài chu kì kinh nguyệt.
- Viêm có thể lan ra gây viêm đường niệu, biểu hiện: tiểu rặn, tiểu lắt nhắt, nóng rát khi tiểu.
Hậu quả khi không được điều trị
Trong trường hợp nặng tình trạng viêm ở cổ tử cung có thể lan đến tử cung, vòi trứng, buồng trứng – còn gọi là viêm vùng chậu, với biệu hiện sốt và đau bụng dưới đi kèm. Viêm vùng chậu có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này, bao gồm: Tăng nguy cơ thai ngoài tử cung, đau vùng chậu mãn tính, thậm chí có thể gây vô sinh.
Ở phụ nữ có thai, viêm cổ tử cung có thể gây ra các hậu quả nặng nề khác như dọa sinh non – sinh non, con nhẹ cân do tăng nguy cơ nhiễm trùng thai nhi, nhau thai, nước ối.
Khi nào đi khám bác sỹ?
Nếu bạn bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ viêm nhiễm vùng sinh dục như đau, chảy máu khi giao hợp, huyết trắng tiết ra nhiều hoặc có màu sắc bất thường, chảy máu ngoài chu kỳ kinh,… Hãy đến các cơ sở sản phụ khoa uy tín để thăm khám. Các bác sỹ sẽ hỏi thêm về tiền sử quan hệ cá nhân hoặc các chất tiếp xúc có thể gây dị ứng. Ngoài ra, có thể cần thêm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây viêm nhiễm.
Đặc biệt trong trường hợp có kèm theo đau bụng và sốt, cần nhanh chóng đi khám để được chữa trị kịp thời. Vì đây có thể là dấu hiệu viêm nhiễm đã lan rộng gây viêm vùng chậu.
Phụ nữ mang thai hoặc có ý định mang thai nên được khám sức khỏe tiền sản sớm và định kỳ. Việc này giúp loại trừ viêm cổ tử cung. Từ đó, hạn chế các hậu quả không mong muốn trong thai kỳ như chuyển dạ sớm, sẩy thai, v.v.
Kế hoạch điều trị?
Việc điều trị như thế nào tùy theo nguyên nhân hoặc các yếu tố nguy cơ gây viêm nhiễm.
Quyết định điều trị bằng kháng sinh có thể được áp dụng trước khi có kết quả xét nghiệm nếu người bệnh có các yếu tố nguy cơ lây nhiễm qua đường tình dục. Chẳng hạn như không dùng biện pháp bảo vệ (bao cao su) với bạn tình mới hoặc có nhiều bạn tình hoặc trong lúc thăm khám tình trạng viêm biểu hiện rõ rệt.
Một khi viêm cổ tử cung được điều trị thích hợp, bệnh sẽ bắt đầu cải thiện trong vòng một vài ngày. Nếu được xác định có viêm vùng chậu, sẽ cần dùng kháng sinh trong hai tuần hoặc hơn. Đặc biệt nên tránh quan hệ tình dục cho đến khi hoàn tất điều trị để cổ tử cung không bị kích thích thêm.
Cách phòng ngừa hiệu quả?
Bệnh thường xảy ra do lây nhiễm qua đường tình dục. Vậy nên điều quan trọng là dùng bao cao su khi quan hệ và hạn chế số lượng bạn tình. Nếu được chẩn đoán có nhiễm bệnh lây qua đường tình dục, nên thông báo với bạn tình có quan hệ trong vòng 60 ngày kể từ khi bản thân có biểu hiệu bệnh, để người này cũng được thăm khám và điều trị dự phòng.
Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục giúp ngăn các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Ngoài ra, tránh các tác nhân dị ứng gây viêm cổ tử cung đã được xác định cũng là một điều cần thiết để ngăn ngừa tái phát.
Viêm ở cổ tử cung nếu được điều trị phù hợp, hiệu quả là cực kỳ rõ ràng. Tuy nhiên, nếu việc phát hiện và điều trị trì trệ, có thể diễn tiến nặng gây hậu quả nghiêm trọng như viêm vùng chậu. Điều này ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau. Vậy nên, hãy thăm khám bác sỹ ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ, đặc biệt có các yếu tố nguy cơ gây bệnh rõ ràng để được tư vấn và điều trị phù hợp nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Acute cervicitishttps://www.uptodate.com/contents/acute-cervicitis
Ngày tham khảo: 29/03/2020
-
Cervicitishttps://www.health.harvard.edu/a_to_z/cervicitis-a-to-z
Ngày tham khảo: 29/03/2020
- ThS.BS Nguyễn Xuân Vũ (2016), "Viêm vùng chậu - Phụ khoa". Bài giảng sản phụ khoa tập 2. Nhà xuất bản Y học TP.HCM, tr. 149-153.