Viêm da cơ địa ở trẻ em và những điều phụ huynh cần lưu ý
Nội dung bài viết
Viêm da cơ địa vốn là một bệnh viêm da mãn tính phổ biến. Bệnh thường xảy ra nhất là ở trẻ em nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến cả người lớn. Chính vì vậy, có rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng khi thấy con em mình mắc bệnh viêm da cơ địa. Vậy viêm da cơ địa ở trẻ em là bệnh như thế nào? Đâu là những điều các bậc phụ huynh cần lưu ý? Hãy cùng bác sĩ Nguyễn Thị Thảo tìm hiểu rõ hơn thông qua bài viết dưới đây nhé!
Viêm da cơ địa ở trẻ em là bệnh như thế nào?
Bệnh chàm hay còn gọi là viêm da cơ địa ở trẻ được định nghĩa là tình trạng viêm da tái diễn, kéo dài. Biểu hiện bằng ngứa nhiều và có thể kèm theo mụn nước. Bệnh chàm rất phổ biến ở trẻ em, tỷ lệ mắc bệnh có thể từ 10 đến 20%.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm da cơ địa ở trẻ
Có 2 yếu tố kết hợp gây ra bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em là cơ địa dị ứng và yếu tố khởi phát. Trong đó bao gồm:
- Cơ địa dị ứng:
+Hen, sổ mũi kéo dài, nổi mề đay
- Yếu tố khởi phát:
+ Các chất kích thích tại chỗ như quần áo từ lông cừu, các loại sợi tổng hợp, mồ hôi ứ đọng nhiều, xà bông, chất tẩy rửa,….
+ Các loại thực phẩm như đồ biển, sữa bò, trứng, đậu nành…
+ Các dị nguyên đường hô hấp: bụi nhà, lông thú, phấn hoa, khói bụi giao thông, khói thuốc lá,….
+ Khí hậu: nhiệt độ hay độ ẩm quá cao, quá thấp.
+ Trẻ bị căng thẳng tâm lý, thiếu ngủ, mọc răng.
Các biểu hiện của bệnh viêm da cơ địa ở trẻ
Các biểu hiện đặc trưng của bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em là những sang thương thường đối xứng. Vị trí tập trung ở vùng hai má, vành tai, da đầu, cổ, các nếp gấp tay, chân. Đặc biệt trong các trường hợp nặng có thể lan tỏa toàn thân.
Các tổn thương da trong bệnh viêm da cơ địa ở trẻ sẽ có các đặc điểm như:
- khởi đầu là các dát hay mảng hồng ban, phù nhẹ, giới hạn thường không rõ ràng.
- Trên nền hồng ban xuất hiện nhiều mụn nước nhỏ, to dần hoặc tập hợp lại thành bóng nước.
- Ngứa nhiều.
- Các mụn nước sau đó thường vỡ ra (tự nhiên hay do cào gãi), rỉ dịch vàng, đóng thành mài.
- Nếu diễn tiến tốt, các triệu chứng biến mất, da sẽ trở về bình thường sau vài tuần.
- Nếu diễn tiến xấu các sang thương tiếp tục xuất hiện tại chỗ hoặc lan ra nhiều nơi khác.
- Sang thương có thể bị bội nhiễm, khi đó dịch tiết có mủ, bé bị sốt và hạch vùng sưng đau.
Phân loại bệnh chàm ở trẻ như thế nào?
Có nhiều cách phân loại chàm hay viêm da cơ địa ở trẻ. Mà trong đó phổ biến nhất là được phân loại theo diễn tiến, việc phân loại bao gồm:
- Chàm cấp: tiết dịch nhiều, hồng ban đỏ, phù nề.
- Chàm bán cấp: tiết dịch ít hơn, da đỏ ít, không còn phù nề.
- Chàm mạn: da đỏ có vảy, ngứa. Nếu gãi nhiều da sẽ bị dày sừng, liken hóa.
Khi nào trẻ mắc bệnh viêm da cơ địa cần nhập viện
Khi phụ huynh nghi ngờ bé bị viêm da cơ địa thì nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế uy tín.
Lưu ý trong các trường hợp trẻ mắc viêm da cơ địa mà có nhiễm trùng toàn thân. Cha mẹ phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được xử trí kịp thời.
Chẩn đoán bệnh viêm da cơ địa ở trẻ như thế nào?
Trong bệnh viêm da cơ địa trẻ sẽ được chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào lâm sàng.
Bệnh chàm được chẩn đoán xác định khi bệnh nhân có dấu hiệu ngứa da kèm theo ít nhất 3 trong 5 triệu chứng sau đây:
- Khởi bệnh dưới 2 tuổi.
- Da khô.
- Viêm da ở các nếp gấp lớn (nhìn thấy hay trong tiền căn).
- Tiền căn có ngứa các nếp da như khuỷu tay, khoèo chân…
- Tiền sử gia đình hoặc cá nhân mắc bệnh suyễn.
Ngoài ra khi chẩn đoán bệnh viêm da cơ địa ở trẻ. cũng cần phải chú ý phân biệt với các bệnh có thể nhầm lẫn ở trẻ như:
- Bệnh ghẻ ngứa.
- Rôm sảy.
- Bệnh zona
- …..
Cách điều trị bệnh viêm da cơ địa ở trẻ
Nguyên tắc điều trị
Tránh yếu tố khởi phát: các bậc phụ huynh cần cố gắng tìm yếu tố khởi phát bệnh chàm ở trẻ để từ đó tránh như
- Dị nguyên tiêu hóa do ăn uống.
- Dị nguyên tiếp xúc: những tác nhân gây kích ứng da trẻ có thể gặp.
- Dị nguyên hô hấp.
- …..
Điều trị cụ thể
Việc điều trị bệnh viêm da cơ địa ở trẻ sẽ bao gồm điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân. Trong đó:
Điều trị tại chỗ:
- Sữa làm dịu da (Emollients): sử dụng đối với chàm nhẹ, da chỉ bị khô và/hoặc ửng đỏ. Bôi tại chỗ hoặc tắm toàn thân, từ 1 đến 2 lần một ngày
- Đối với sang thương tiết dịch: sử dụng thuốc bôi dạng nước như Eosin 2%, xanh Methylen hoặc rửa bằng dung dịch thuốc tím pha loãng màu hồng cánh sen
- Corticoid bôi (Hydrocortisone 1% cho các sang thương vùng mặt, Clobetasone 0,5% ở chi và thân). Chỉ định khi chàm ở mức độ trung bình hoặc nặng trong giai đoạn bán cấp hoặc mạn tính, không quá 7 ngày
Điều trị toàn thân:
- Thuốc chống ngứa: thuốc kháng Histamin đường uống, dùng khi trẻ bị ngứa nhiều gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt.
- Kháng sinh: chỉ định khi có dấu chứng nhiễm khuẩn ở trẻ. Ví dụ như sang thương tiết dịch mủ, trẻ có sốt, nổi hạch vùng,….
- Corticoid dùng toàn thân: không nên dùng kéo dài trong trường hợp mãn tính. Bởi vì có thể gây ra hiện tượng bùng phát bệnh khi ngưng thuốc. Có thể chỉ định trong giai đoạn cấp tính với Prednisolon liều 0,5mg/kg/ngày x 3 ngày.
Các bậc phụ huynh cần chú ý khi nghi ngờ trẻ bị mắc bệnh viêm da cơ địa tuyệt đối không được xem thường và tự ý điều trị. hãy đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để trẻ được điều trị đúng cách. Đồng thời quan trọng nhất là các bậc phụ huynh cần cố gắng tìm yếu tố khởi phát bệnh ở trẻ để từ đó tránh làm bệnh khởi phát nặng hơn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Treatment of atopic dermatitis (eczema)https://www.uptodate.com/contents/treatment-of-atopic-dermatitis-eczema#:~:text=%7C%20This%20topic%20last%20updated%3A%20Apr,oozing%20and%20crusting%2C%20and%20lichenification
Ngày tham khảo: 16/06/2021