YouMed

Viêm gan A: Con đường lây lan, cách điều trị và phòng ngừa

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú THÁI VIỆT NGUYÊN
Tác giả: ThS.BS Thái Việt Nguyên
Chuyên khoa: Nội tiêu hóa

Viêm gan A là bệnh nhiễm trùng của gan gây ra bởi virus viêm gan A. Virus lây lan qua đường ăn uống hoặc tiếp xúc trực tiếp với người mang mầm bệnh. Bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng chủng ngừa. Bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên sẽ cung cấp kiến thức cơ bản về bệnh. Vì thế sẽ hứa hẹn giúp bạn đọc hiểu về đường lây, cách phòng ngừa bệnh.

Viêm gan là gì?

Viêm gan là tình trạng các tế bào gan bị tổn thương và viêm nhiễm trong mô gan. Nó thường được gây ra bởi nhiễm virus, quá trình tự miễn, thuốc, độc tố và rượu… Bệnh diễn ra âm thầm và chỉ khi trở nặng mới có các triệu chứng rõ ràng khiến người bệnh khó chủ động điều trị và có thể biến chứng thành xơ gan, ung thư gan…

Gan là cơ quan quan trọng của cơ thế, phụ trách chuyển hóa chất dinh dưỡng, lọc máu và chống sự nhiễm trùng. Khi gan bị viêm hay bị hủy hoại thì chức năng của gan cũng có thể bị ảnh hưởng.

Uống nhiều rượu, nhiễm độc, thuốc, và một số bệnh có thể gây ra viêm gan. Tuy nhiên, viêm gan thường nhất là do virus gây ra. Những loại virus thường gặp là virus viêm gan A, B, C. Mặc dù viêm gan virus thường có triệu chứng giống nhau, nhưng lại  lây truyền và điều trị khác nhau. Vài loại virus gây bệnh cảnh nặng nề hơn loại khác.

Viêm gan A là gì?

Viêm gan A  là sự nhiễm trùng của gan gây ra bởi virus cùng tên. Bệnh có thể phòng chống bằng chủng ngừa. Người nhiễm có thể có triệu chứng trong vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên người bệnh thường sẽ hồi phục hoàn toàn và không có tổn thương gan vĩnh viễn. Hiếm hơn, viêm gan A có thể gây suy gan cấp và thậm chí tử vong. Điều này thường gặp ở người già và người đang mắc bệnh, như là bệnh gan mãn tính. 

Năm 1996, nhờ sự có mặt của vaccine, số ca viêm gan A đã giảm đáng kể. Tuy nhiên gần đây, số người mắc bệnh tăng lên. Điều này do tiếp xúc người với người, đặc biệt ở người nghiện thuốc, vô gia cư, quan hệ đồng giới nam.

Những dấu hiệu và triệu chứng để phát hiện viêm gan A

Không phải tất cả người bệnh đều có những triệu chứng này. Một số người có thể xuất hiện ngay khi mới mắc bệnh. Nhưng đôi khi một số khác bệnh tiến triển nặng thì mới có những triệu chứng này.

Các triệu chứng điển hình

  • Vàng da.
  • Vàng tròng trắng mắt.
  • Phân nhạt màu.
  • Nước tiểu sậm màu.
  • Ngứa ngáy toàn thân.
Những triệu chứng điển hình khi mắc viêm gan A
Những triệu chứng điển hình khi mắc viêm gan A

Một số triệu chứng khác có thể xuất hiện kèm theo

  • Mệt mỏi.
  • Biếng ăn.
  • Buồn nôn.
  • Ói mửa.
  • Sốt nhẹ.
  • Đau bụng dưới.

Các triệu chứng này thường kéo dài dưới 2 tháng, có trường hợp lên tới 6 tháng rồi tự biến mất. Khi bạn đã có những triệu chứng trên thì nên đi gặp bác sĩ để được tư vấn và làm các xét nghiệm cần thiết.

Nếu bạn tiếp xúc với virus viêm gan A thì nên tiêm vắc xin hoặc áp dụng các liệu pháp phòng ngừa trong vòng 2 tuần sau khi tiếp xúc. Hãy hỏi bác sĩ hoặc trung tâm y tế địa phương để thực hiện tiêm phòng viêm gan A nếu:

  • Bạn đi du lịch gần khu vực Mexico, Nam Mỹ, khu vực trung tâm nước Mỹ hoặc các nước có chất lượng vệ sinh kém.
  • Khu vực bạn đang sinh sống thông báo về dịch viêm gan A đang lan truyền.
  • Người sống cùng với bạn hoặc chăm sóc bạn mà nhiễm virus viêm gan A.
  • Có quan hệ tình dục với người mang virus viêm gan.

Nguyên nhân gây ra bệnh là gì?

Bệnh viêm gan A gây ra bởi virus viêm gan A. Những đường lây lan chính của virus viêm gan A bao gồm:

  • Ăn thức ăn chế biến bởi người bị viêm gan A không rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh
  • Uống nước ở nguồn nước ô nhiễm
  • Ăn sò, ốc sinh sống ở nguồn nước ô nhiễm
  • Tiếp xúc thường xuyên với người bệnh viêm gan A
  • Quan hệ tình dục với người đang mang virus
Ăn sò, ốc sinh sống ở nguồn nước ô nhiễm
Ăn sò, ốc sinh sống ở nguồn nước ô nhiễm

Bệnh này lây lan như thế nào?

Virus viêm gan A được tìm thấy trong phân và máu của người nhiễm. Vì thế, virus thường lây truyền qua đường ăn uống, thường gặp ở:

Tiếp xúc giữa người với người

Virus lây lan khi tiếp xúc gần với người nhiễm, như quan hệ tình dục, chăm sóc người bệnh. Virus lây lan rất mạnh, người nhiễm có thể truyền virus ngay cả khi họ chưa có triệu chứng.

Ăn uống thực phẩm nhiễm bệnh

Thực phầm có thể nhiễm virus vào bất cứ giai đoạn nào. Bao gồm: trồng, thu hoạch, sản xuất, đóng gói và thậm chí sau khi nấu chín. Thức ăn, nước uống sẽ dễ nhiễm bệnh hơn ở những nơi có tần suất bệnh cao.  

Chẩn đoán và điều trị bệnh?

Không phải tất cả người nhiễm virus đều có triệu chứng. Người lớn thường dễ có biểu hiện bệnh hơn trẻ em. Nếu có, triệu chứng thường xuất hiện trong 2 đến 7 tuần sau nhiễm. Bao gồm:

  • Vàng da vàng mắt
  • Chán ăn
  • Dạ dày khó chịu
  • Nôn ói
  • Đau dạ dày
  • Sốt
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Phân bạc màu
  • Tiêu chảy
  • Đau khớp
  • Mệt mỏi

Những triệu chứng này ít khi kéo dài hơn 2 tháng. Tuy nhiên có vài trường hợp có thể bệnh hơn 6 tháng.

Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm gan siêu vi A dựa vào thăm khám và xét nghiệm máu. Điều trị thường là ngoại trú: nghỉ ngơi, chế độ ăn đầy đủ, bù đủ nước. Vài trường hợp nặng cần phải nhập viện.

Biện pháp hỗ trợ quá trình điều trị viêm gan A

Một số biện pháp hỗ trợ trong quá trình điều trị để bệnh tiến triển theo chiều hướng tốt được các bác sĩ khuyên như:

  • Hãy rửa tay nếu bạn bị viêm gan A hoặc chăm sóc cho người bị viêm gan A đặc biệt là tiếp xúc với phân của bệnh nhân
  • Hãy dùng riêng dụng cụ ăn uống
  • Rửa tay sau khi thay tã lót hoặc làm việc tại trung tâm chăm sóc sức khỏe, nhà hàng
  • Hãy có những biện pháp phòng vệ đúng cách như găng tay, kính mát nếu bạn tiếp xúc với phân hay dịch của người bệnh do tính chất công việc
  • Nếu những triệu chứng không dứt trong vòng 4 tuần, hãy gọi cho bác sĩ
  • Bạn sẽ cần nghỉ ngơi nhiều vì hầu hết những người bị viêm gan A thường hay mệt mỏi
  • Bạn cũng có thể bị buồn nôn và dẫn đến biếng ăn. Do đó, bạn hãy ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng để cơ thể có đủ năng lượng chẳng hạn như uống nước trái cây hoặc sữa
  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn
  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.

Phòng ngừa bệnh bằng cách nào ?

Viêm gan siêu vi A hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng vaccine. Chủng ngừa rất an toàn và hiệu quả. Một liệu trình đủ cần 2 mũi tiêm, cách nhau 6 tháng. Tiêm đủ liều sẽ bảo vệ cơ thể chống lại virus. Khuyến khích chủng ngừa viêm gan A cho:

  • Tất cả trẻ dưới 1 tuổi.
  • Người du lịch đến nơi có tần suất bệnh cao.
  • Quan hệ đồng giới nam.
  • Bệnh nhân có bệnh gan mạn tính, bao gồm cả viêm gan Bviêm gan C.
  • Tiền sử có rối loạn đông máu.
  • Có tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm.
  • Người vô gia cư.
  • Người nghiện thuốc.

Bạn có thể phòng ngừa thậm chí sau khi tiếp xúc với virus. Nếu biết mình có tiếp xúc với virus trong vòng 2 tuần, hãy đến bác sĩ để được chủng ngừa. Một liều đơn độc của vaccine sẽ giúp phòng tránh bệnh sau phơi nhiễm 2 tuần. Tùy thuộc độ tuổi và tình trạng sức khỏe, bác sĩ có thể yêu cầu bổ sung globulin miễn dịch.

Rửa tay có vai trò quan trọng trong phòng ngừa bệnh. Thực hiện rửa tay đúng chuẩn. Đặc biệt rửa tay bằng xà phòng và nước ấm sau khi đi vệ sinh, thay tả, trước và sau ăn. Điều này rất quan trọng trong phòng tránh sự lây truyển của virus, bao gồm virus viêm gan A.

Rửa tay có vai trò quan trọng trong phòng ngừa bệnh viêm gan A
Rửa tay có vai trò quan trọng trong phòng ngừa bệnh viêm gan A

Bệnh viêm gan A hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng chủng ngừa. Hãy đến bệnh viện để được tiêm ngừa khi bạn nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ cao. Cũng như đến khám bác sĩ khi bạn có những dấu hiệu của bệnh.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Hepatitis Ahttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hepatitis-a

    Ngày tham khảo: 19/11/2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người