YouMed

Viêm gan do độc chất: Cách điều trị và phòng ngừa

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Viêm gan do độc chất là tình trạng viêm của mô gan dưới tác dụng của các loại thuốc, hóa chất hay rượu. Tình trạng viêm này có thể nhẹ nhàng, tự khỏi. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp viêm gan do độc chất có thể dẫn đến suy gan, thậm chí là tử vong. Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu về cách phòng ngừa và điều trị của tình trạng này nhé.

1. Tổng quan

Gan có thể bị viêm do nhiều tác nhân khác nhau. Các hóa chất, rượu bia, thuốc men, hay thậm chí một số loại thảo dược hoặc thực phẩm chức năng cũng có thể gây viêm gan. Sau khi tiếp xúc với độc tố, gan có thể bị viêm sau vài giờ đồng hồ. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bệnh diễn ra âm thầm. Có thể mất hàng tháng trời để các triệu chứng của viêm gan biểu hiện.

Có nhiều tác nhân có thể gây viêm gan do độc chất
Có nhiều tác nhân có thể gây viêm gan do độc chất

Các triệu chứng của viêm gan có thể biến mất khi bạn ngừng tiếp xúc với độc chất gây viêm. Tuy nhiên, các tổn thương gan có thể nặng nề và không thể hồi phục. Một số trường hợp có thể xuất hiện xơ gan, suy gan, thậm chí là gây tử vong.

2. Biểu hiện của viêm gan do độc chất như thế nào?                   

Những trường hợp viêm gan nhẹ có thể không có biểu hiện gì. Nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ biết mình viêm gan khi được xét nghiệm tổng quát. Còn đối với những trường hợp có triệu chứng, một số biểu hiện thường gặp là:

  • Vàng da.
  • Ngứa.
  • Đau vùng hạ sườn phải.
  • Mệt mỏi.
  • Chán ăn, ăn không ngon.
  • Nôn, buồn nôn.
  • Phát ban.
  • Sốt.
  • Sụt cân.
  • Nước tiểu sậm màu.

Buồn nôn có thể là biểu hiện của viêm gan do độc chất
Buồn nôn có thể là biểu hiện của viêm gan do độc chất

Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?

Hãy đi khám ngay khi có thể nếu có bất kỳ triệu chứng nào khiến bạn lo lắng.

Một số thuốc khi dùng quá liều có thể dẫn đến suy gan. Có thể kể đến như acetaminophen (paracetamol và các loại thuốc khác). Khi bị ngộ độc thuốc, hãy nhập cấp cứu ngay để được điều trị kịp thời. Một số biểu hiện của ngộ độc thuốc acetaminophen:

  • Ăn không ngon.
  • Nôn và buồn nôn.
  • Đau thượng vị.
  • Hôn mê.

Nếu bạn nghi ngờ ai đó bị ngộ độc thuốc, hãy gọi cấp cứu ngay hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Việc điều trị sớm là rất quan trọng, có thể cứu mạng bệnh nhân. Đừng đợi đến khi các triệu chứng xuất hiện.

3. Những chất nào được coi là độc đối với gan?

Độc chất có thể gây viêm và phá hủy tế bào gan. Việc dùng thuốc quá liều cũng có thể gây ra những tổn thương gan nghiêm trọng.

Nhiều loại thuốc có hại cho gan
Nhiều loại thuốc có hại cho gan

Gan có chức năng loại bỏ, thải lọc các chất không cần thiết và thuốc ra khỏi dòng máu. Tuy nhiên, các sản phẩm chuyển hóa của các thuốc hay độc chất có thể gây tổn thương tế bào gan. Dù tế bào gan có khả năng tái sinh rất mạnh, nhưng khi tổn thương là quá nghiêm trọng, gan sẽ không thể hồi phục.

Các độc chất gây hại cho gan

  • Rượu. Việc uống rượu nhiều và liên tục có thể dẫn đến viêm gan do độc chất là rượu. Tình trạng này có thể dẫn đến suy gan.

>> Uống quá nhiều rượu bia sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bạn. Tìm hiểu thêm trong bài viết Rượu bia và những tác hại (Phần 1).

  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê toa. Các thuốc giảm đau như acetaminophen, aspirin, ibuprofen hay naproxen đều có thể gây hại cho gan. Đặc biệt là khi sử dụng quá liều hoặc khi người sử dụng thuốc có uống rượu.
  • Thuốc được kê toa. Một số thuốc có thể gây hại cho gan như thuốc giảm mỡ máu (statin), amoxicillinclavulanate (Augmentin), phenytoin, azathioprine, niacin, ketoconazole, một số loại thuốc kháng virus, vân vân.
  • Thảo dược và thực phẩm bổ sung. Một vài loại thảo dược có thể gây tổn hại cho gan. Có thể kể đến như nha đam, mao lương, vỏ quả cà phê (cascara), cây bụi gai (chaparral), liên mộc, ma hoàng… Việc sử dụng vitamin quá liều cũng có thể ảnh hưởng đến gan.
  • Hóa chất công nghiệp. Các hóa chất công nghiệp có thể tiếp xúc khi làm việc như trong sản xuất chất tẩy rửa, nhựa…

Sử dụng nha đam quá nhiều có thể gây độc lên gan
Sử dụng nha đam quá nhiều có thể gây độc lên gan

4. Các yếu tố nguy cơ của viêm gan do độc chất

Những yếu tố sau làm tăng nguy cơ bị viêm gan do độc chất:

  • Sử dụng thuốc kê toa hay không kê toa. Đặc biệt là khi dùng quá liều, dùng nhiều loại thuốc hại cho gan cùng lúc.
  • Có bệnh gan. Các bệnh lý gan mạn tính như xơ gan, gan thoái hóa mỡ không do rượu làm bạn dễ bị viêm gan do độc chất hơn người bình thường.
  • Bị viêm gan. Bạn có thể bị viêm gan B, viêm gan C hay các loại viêm gan khác. Tình trạng viêm gan có sẵn này làm bạn dễ bị tổn thương hơn khi tiếp xúc với độc chất.
  • Tuổi già. Khi già đi, chức năng gan suy giảm. Do đó, các độc tố tồn đọng trong cơ thể lâu hơn, gây viêm gan.
  • Uống rượu. Rượu bia và đồ uống có cồn nói chung có thể gây hại cho gan. Việc sử dụng rượu cùng với các loại thuốc hay thảo dược còn làm tăng thêm nguy cơ.
  • Giới tính nữ. Cơ thể nữ  giới chuyển hóa các chất chậm hơn nam giới. Do đó, các chất độc có thời gian đọng lại trong cơ thể lâu hơn.
  • Biến đổi gen. Một số bệnh về gen gây thiếu các men để chuyển hóa độc chất. Khi đó, cơ thể bệnh nhân nhạy cảm hơn với các tác nhân làm tổn thương gan.
  • Tiếp xúc với hóa chất công nghiệp.

Rượu là nguyên nhân gây viêm gan phổ biến
Rượu là nguyên nhân gây viêm gan phổ biến

5. Viêm gan do độc chất gây ra biến chứng gì?

Viêm gan dẫn đến tổn thương tế bào gan và để lại sẹo. Dần dần, các sẹo này xuất hiện trong gan ngày càng nhiều. Chức năng gan từ đó cũng dần suy giảm theo. Tình trạng này dẫn đến xơ gan, suy gan. Những biến chứng này rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.

Gan bình thường (bên trái) và gan xơ (bên phải)
Gan bình thường (bên trái) và gan xơ (bên phải)

6. Làm thế nào để phòng ngừa tình trạng này?

Để giảm nguy cơ bị viêm gan, bạn có thể:

  • Hạn chế sử dụng thuốc khi không cần thiết. Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định rõ ràng và cần thiết. Hãy tìm hiểu và đọc hướng dẫn trước khi sử dụng bất kỳ thuốc nào. Nếu thuốc do bác sĩ kê toa, hãy hỏi để được bác sĩ giải thích và tư vấn.
  • Hãy sử dụng thuốc đúng theo chỉ định. Hãy sử dụng đúng liều, đúng cách. Đừng nghĩ rằng việc dùng nhiều thuốc hơn sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Hãy theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc đọc trong hướng dẫn sử dụng.
  • Cảnh giác với các loại thảo dược, thực phẩm chức năng. Bạn nên tìm hiểu kỹ các thông tin về chúng trước khi dùng. Hỏi các chuyên gia hoặc bác sĩ của bạn về các loại thảo mộc, thực phẩm chức năng.
  • Không sử dụng thuốc cùng với rượu. Rượu và các loại thuốc có tương tác rất xấu với nhau. Chúng có thể gây ra tổn thương gan rất nghiêm trọng. Nếu có sử dụng thuốc giảm đau như acetaminophen, bạn không nên uống rượu.
  • Cẩn trọng khi tiếp xúc với hóa chất. Nếu môi trường làm việc của bạn có hóa chất độc hại, hãy cẩn thận. Hãy tuân theo các quy định an toàn khi làm việc. Nếu có tiếp xúc, hãy làm theo các hướng dẫn của cơ sở chăm sóc y tế để được hỗ trợ.
  • Để các loại thuốc và hóa chất xa tầm tay trẻ em. Trẻ em không biết rõ về các loại thuốc hay hóa chất. Chúng có thể vô tình uống nhầm và bị ngộ độc.
Cần để các hóa chất có thể gây hại cho gan tránh xa tầm với của trẻ nhỏ
Cần để các hóa chất có thể gây hại cho gan tránh xa tầm với của trẻ nhỏ

7. Phương pháp chẩn đoán viêm gan do độc chất

Để chẩn đoán viêm gan do độc chất, bác sĩ có thể:

  • Thăm khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng của bạn. Ngoài ra, tiền sử về các thuốc, thảo dược, thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng cũng cần được khai thác kỹ. Hãy nhớ mang theo các toa thuốc cũng như hóa chất mà bạn nghi ngờ gây ra viêm gan.
  • Xét nghiệm máu. Cho phép đo nồng độ men gan trong máu. Mức độ men gan có thể giúp đánh giá tình trạng viêm của gan. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn giúp đánh giá chức năng gan.
  • Xét nghiệm hình ảnh học. Các xét nghiệm như siêu âm, chụp CT scan hay cộng hưởng từ (MRI) có thể được thực hiện. Một số phương pháp khác như cộng hưởng từ đàn hồi, hay FibroScan giúp đánh giá độ đàn hồi của gan cũng mang lại những thông tin có giá trị.
  • Sinh thiết gan. Một mẫu mô gan có thể được lấy ra để xét nghiệm. Kết quả của mẫu mô sau khi được quan sát dưới kính hiển vi sẽ giúp xác nhận chẩn đoán viêm gan do độc chất. Xét nghiệm này cũng có thể dùng để loại trừ viêm gan do các tác nhân khác.

8. Điều trị viêm gan do độc chất

Các bác sĩ sẽ đánh giá nguyên nhân gây ra viêm gan là gì. Đôi khi, việc chẩn đoán tác nhân viêm gan là khá dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cần làm các xét nghiệm cần thiết để đưa ra chẩn đoán.

Trong hầu hết các trương hợp, việc ngưng tiếp xúc với độc chất có thể làm giảm bớt các triệu chứng. Các biện pháp dưới đây được sử dụng trong điều trị viêm gan do độc chất.

Điều trị hỗ trợ

Đối với các trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể không cần phải nhập viện. Còn với các trường hợp nặng, chăm sóc hỗ trợ trong bệnh viện khá quan trọng. Bệnh nhân được truyền dịch đường tĩnh mạch và dùng thuốc để điều trị triệu chứng. Bác sĩ sẽ theo dõi và đánh giá diễn tiến của bệnh. Chức năng gan và mức độ tổn thương gan cũng được theo dõi thường xuyên.

Một số trường hợp viêm gan do độc chất cần được theo dõi trong bệnh viện
Một số trường hợp viêm gan do độc chất cần được theo dõi trong bệnh viện

Thuốc dùng để giải độc gan do ngộ độc acetaminophen

Ngộ độc thuốc acetaminophen là một nguyên nhân khá thường gặp. Khi đó, bệnh nhân sẽ được truyền thuốc để giải độc. Thuốc được sử dụng là acetylcysteine. Thuốc được dùng càng sớm càng tốt. Thông thường, để đạt được hiệu quả giải độc tốt nhất, thuốc cần được dùng trong vòng 16 giờ kể từ khi ngộ độc acetaminophen.

Chăm sóc cấp cứu

Đối với những trường hợp ngộ độc do quá liều thuốc, chăm sóc cấp cứu rất quan trọng. Các phương pháp điều trị có thể là lọc chất độc ra ngoài hoặc trung hòa, làm giảm tính độc của thuốc. Tùy thuộc vào loại thuốc và liều ngộ độc, bác sĩ sẽ đưa ra điều trị phù hợp.

Ghép gan

Khi tình trạng tổn thương gan quá nghiêm trọng, ghép gan có thể cần thiết. Gan của bệnh nhân sẽ được mổ và thay thế bởi lá gan khỏe mạnh từ người hiến. Tuy nhiên, ghép gan còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác. Đây là một thủ thuật phức tạp, tốn kém, ngoài ra còn phải tìm được nguồn ghép phù hợp. Hãy trao đổi thật kỹ với bác sĩ điều trị để có phương pháp phù hợp.

Tạm kết

Gan có thể bị tổn thương bởi rất nhiều loại tác nhân khác nhau. Các loại thuốc, rượu bia, thảo mộc, thực phẩm chức năng hay thậm chí vitamin khi được sử dụng sai cách cũng có thể gây viêm gan. Tình trạng viêm gan do độc chất có thể gây ra những biến chứng rất nguy hiểm, gây chết người. Do đó, khi có nghi ngờ ngộ độc thuốc, hãy đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay. May thay, viêm gan có thể phòng tránh được nếu bạn cẩn thận. Hãy lưu lại những điều vừa chia sẻ để có một lá gan khỏe mạnh nhé.

 Bác sĩ Phan Văn Giáo

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/toxic-hepatitis/symptoms-causes/syc-20352202

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người