YouMed

Viêm mũi không do dị ứng là gì? Điều trị như thế nào là hiệu quả?

Bác sĩ SỬ NGỌC KIỀU CHINH
Tác giả: Bác sĩ Sử Ngọc Kiều Chinh
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Viêm mũi là một bệnh khá phổ biến và bao gồm nhiều loại. Nó có thể được phân loại chung thành viêm mũi dị ứng và viêm mũi không do dị ứng. Viêm mũi không do dị ứng lại bao gồm nhiều loại nhỏ tùy vào nguyên nhân cụ thể. Tuy viêm mũi dị ứng được hiểu khá rõ, sinh bệnh học của viêm mũi không dị ứng lại chưa được biết rõ ràng.

Điều trị viêm mũi nói chung và viêm mũi không dị ứng nói riêng không chỉ dựa vào loại viêm mũi cụ thể mà còn dựa vào những triệu chứng chính của người bệnh. Điều trị có thể khá khó khăn với những trường hợp viêm mũi nặng.

1. Viêm mũi không do dị ứng là gì?

Viêm mũi là tình trạng viêm của niêm mạc lót bên trong hốc mũi. Khi tình trạng viêm mũi xảy ra không liên quan đến các chất gây dị ứng, chúng được gọi là viêm mũi không do dị ứng.

Những triệu chứng của viêm mũi không do dị ứng cũng tương tự như triệu chứng của viêm mũi dị ứng nhưng trong những trường hợp này không có bằng chứng của phản ứng dị ứng.

>> Tìm hiểu thêm bài viết về Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi không dị ứng có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Nhưng nó xuất hiện phổ biến hơn sau 20 tuổi. Chẩn đoán viêm mũi không dị ứng sau khi đã loại trừ các nguyên nhân dị ứng. Khi đó có thể cần thực hiện xét nghiệm dị ứng da hoặc xét nghiệm huyết thanh.

Viêm mũi không dị ứng là loại viêm mũi không do cơ chế dị ứng
Viêm mũi không dị ứng là loại viêm mũi không do cơ chế dị ứng – Nguồn: Medicalnewstoday

2. Cơ chế của viêm mũi không do dị ứng

Không giống như viêm mũi dị ứng, sinh bệnh học của viêm mũi không dị ứng vẫn chưa được biết rõ ràng. Viêm mũi không dị ứng gồm nhiều loại khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.

Trong đó viêm mũi vô căn hay còn gọi là viêm mũi vận mạch, là loại viêm mũi không dị ứng thường gặp nhất. Loại viêm mũi này được cho là có liên quan đến sự mất cân bằng của hệ thần kinh tự chủ. Sự mất cân bằng này có thể dẫn đến tăng hoạt động các tuyến nhầy của mũi và nghẹt mũi.

Một loại viêm mũi không dị ứng khác là viêm mũi nghề nghiệp. Chúng có thể xảy ra do cơ chế dị ứng hay do đáp ứng với tác nhân kích thích.

3. Viêm mũi không dị ứng gồm những loại nào?

Viêm mũi không dị ứng bao gồm nhiều loại khác nhau. Mỗi loại do những nguyên nhân và cơ chế khác nhau, bao gồm:

  • Viêm mũi do nhiễm trùng. Có thể là nhiễm virut hoặc vi trùng.
  • Viêm mũi nghề nghiệp. Tác nhân từ môi trường gây ra viêm mũi hoặc làm nặng hơn tình trạng viêm mũi sẵn có.
  • Viêm mũi gây ra do thuốc. Có nhiều loại thuốc có thể kích hoạt tình trạng viêm mũi như là: Thuốc kháng viêm không steroid, Aspirin, thuốc hạ huyết áp, thuốc tránh thai,…Trong đó có loại viêm mũi Medicamentosa gây ra do lạm dụng thuốc xịt thông mũi (thuốc chống sung huyết mũi tại chỗ) hơn 5 đến 10 ngày.
  • Viêm mũi do nội tiết tố. Tình trạng thay đổi nội tiết tố có thể gây viêm mũi. Ví dụ như trong những trường hợp sau: Mang thai, kỳ kinh nguyệt, bệnh nhược giáp,…
  • Viêm mũi vô căn. Hay còn gọi là viêm mũi vận mạch. Loại viêm mũi này không liên quan đến dị ứng, nhiễm trùng và không có nguyên nhân cụ thể nào.
  • NARES. Hội chứng viêm mũi không dị ứng có tăng bạch cầu ái toan.
  • Viêm mũi vị giác. Người bệnh chảy mũi nhiều sau khi ăn thức ăn cay nóng.
  • Viêm mũi teo. Có thể xảy ra do nhiễm vi khuẩn Klebsiella ozaenae hay sau chấn thương, phẫu thuật mũi xoang.

Lạm dụng các thuốc xịt thông mũi có thể dẫn đến viêm mũi không dị ứng.
Lạm dụng các thuốc xịt thông mũi có thể dẫn đến viêm mũi không dị ứng.

4. Nguyên nhân của viêm mũi không dị ứng

Có nhiều nguyên nhân được biết dẫn đến viêm mũi không dị ứng. Mỗi nguyên nhân liên quan đến mỗi loại viêm mũi cụ thể. Chúng có thể gây ra triệu chứng tạm thời hay dai dẳng.

Những nguyên nhân có thể gây viêm mũi không dị ứng bao gồm:

  • Nhiễm trùng. Là nguyên nhân thường gặp của viêm mũi không do dị ứng. Có thể là nhiễm virut hoặc vi khuẩn. Ví dụ như cảm cúm.
  • Các tác nhân kích thích từ môi trường hay công việc. Những chất này có thể bao gồm khói bụi, khói thuốc lá, nước hoa,… Những hóa chất trong một số nghành nghề nhất định cũng có thể là nguyên nhân.
  • Thay đổi thời tiết. Sự thay đổi nhiệt độ hay độ ẩm có thể kích thích niêm mạc mũi phù nề, dẫn đến nghẹt hay chảy mũi.
  • Thuốc. Một số loại thuốc có thể gây ra viêm mũi không dị ứng. Những thuốc này bao gồm: NSAIDs, Aspirin, thuốc hạ huyết áp, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai hoặc thuốc dùng để điều trị rối loạn cương dương. Việc lạm dụng thuốc xịt mũi thông mũi như là oxymetazoline, phenylephrine có thể gây ra một loại viêm mũi không dị ứng được gọi là viêm mũi Medicamentosa.
  • Sự thay đổi nội tiết tố. Thay đổi nội tiết tố do mang thai, kinh nguyệt, suy giáp,…cũng có thể gây ra viêm mũi không dị ứng.
  • Thức ăn và đồ uống. Viêm mũi không dị ứng có thể xảy ra khi bạn ăn, đặc biệt là ăn thức ăn cay nóng. Uống các loại đồ uống có cồn cũng có thể khiến phù nề niêm mạc mũi, dẫn đến nghẹt mũi.
  • Stress hay vận động mạnh. Stress cũng có thể gây ra viêm mũi vô căn, là một loại viêm mũi không dị ứng.
  • Sau chấn thương hay phẫu thuật mũi xoang. Viêm mũi teo là biến chứng ít gặp sau phẫu thuật mũi xoang.

5. Triệu chứng của viêm mũi không dị ứng

Những triệu chứng của viêm mũi không dị ứng có thể trùng lắp và khó phân biệt với viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên chúng có thể khác biệt đôi chút tùy từng loại cụ thể. Triệu chứng có thể xuất hiện trong thời gian ngắn hoặc kéo dài dai dẳng. Những triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Nghẹt mũi.
  • Chảy mũi.
  • Chảy mũi sau hay cảm giác dịch nhầy ở họng.
  • Và một số triệu chứng phụ khác như: Ho, tằng hắng,…
  • Viêm mũi không dị ứng thường không gây ngứa mũi, ngứa hay chảy nước mắt, ngứa họng. Những triệu chứng này phổ biến ở viêm mũi dị ứng.

Triệu chứng của viêm mũi không dị ứng có thể khó phân biệt với viêm mũi dị ứng.
Triệu chứng của viêm mũi không dị ứng có thể khó phân biệt với viêm mũi dị ứng.

6. Biến chứng của viêm mũi không dị ứng

Viêm mũi không dị ứng kéo dài có thể gây ra những tình trạng sau:

  • Polyp mũi: Đây là những khối u mềm, không phải ung thư. Chúng phát triển trên niêm mạc mũi hoặc xoang do viêm mạn tính. Các polyp nhỏ có thể không gây ra vấn đề gì. Nhưng những khối polyp lớn có thể chặn luồng không khí qua mũi, gây nghẹt mũi liên tục.
  • Viêm xoang: Nghẹt mũi kéo dài do viêm mũi không dị ứng có thể làm tăng khả năng phát triển bệnh viêm xoang 
  • Viêm tai giữa. Nghẹt mũi và tăng tiết dịch có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm tai giữa.
  • Gián đoạn hoạt động hàng ngày. Viêm mũi không dị ứng có thể gây rối loạn hoạt động hàng ngày. Bạn có thể làm việc kém hiệu quả hơn. Bệnh còn khiến tiêu tốn thời gian nghỉ ngơi hay đi khám bác sĩ.

7. Khi nào bạn cần đến khám bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ trong những trường hợp sau:

  • Triệu chứng nặng nề, gây khó chịu hay ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày.
  • Những triệu chứng, biểu hiện bệnh không thuyên giảm dù đã uống thuốc và tự chăm sóc tại nhà.
  • Bạn bị tác dụng phụ khó chịu sau khi sử dụng thuốc điều trị viêm mũi.  

8. Viêm mũi không dị ứng được chẩn đoán như thế nào?

Chẩn đoán viêm mũi không dị ứng có thể khó khăn vì nghẹt mũi và chảy nước mũi cũng có thể xảy ra trong viêm mũi dị ứng hay viêm mũi xoang mạn tính. Bác sĩ có thể sử dụng các cách sau đây để giúp chẩn đoán loại viêm mũi mà bạn mắc phải:

Xét nghiệm dị ứng

Những xét nghiệm dị ứng được thực hiện để phân biệt viêm mũi không dị ứng với viêm mũi dị ứng. Chúng bao gồm xét nghiệm dị ứng da và xét nghiệm kháng thể IgE đặc hiệu huyết thanh. Nên ngưng thuốc kháng histamin 2 ngày và Corticoid 3 đến 6 ngày trước khi thực hiện xét nghiệm này. Nếu cả 2 xét nghiệm này đều âm tính thì tình trạng viêm mũi ít khả năng là viêm mũi dị ứng.

Test lẩy da dùng để xác định dị ứng với những tác nhân thường gặp.
Test lẩy da dùng để xác định dị ứng với những tác nhân thường gặp.

Thử nghiệm kích thích mũi

Thử nghiệm kích thích mũi chủ yếu được thực hiện để chẩn đoán viêm mũi nghề nghiệp. Dùng để xác định quan hệ nhân quả giữa việc tiếp xúc tác nhân và các triệu chứng. Thử nghiệm được tiến hành bằng cách xịt chất gây dị ứng với liều nhất định vào một hoặc hai mũi và theo dõi phản ứng của bệnh nhân. Người bệnh nên hít thở sâu trước khi xịt để tránh lắng động chất này sâu trong đường thở dưới.

Các xét nghiệm khác ở mũi

Kiểm tra chức năng có thể được sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của viêm mũi. Bằng các xét nghiệm đo mức độ tắc nghẽn ở mũi như là đo lưu lượng đỉnh thở ra từ mũi, khí áp mũi, sóng âm mũi.

Tế bào học ở mũi cũng có thể được thực hiện để giúp chẩn đoán loại viêm mũi. Số lượng bạch cầu ái toan thường tăng trong viêm mũi dị ứng, nhiễm ký sinh trùng và hội chứng viêm mũi không dị ứng kèm tăng bạch cầu ái toan (NARES).

Xét nghiệm chức năng nhầy lông chuyển có thể giúp chẩn đoán rối loạn chức năng nhầy lông chuyển ở mũi.

Các tổn thương nghi ngờ của niêm mạc mũi phải được sinh thiết để loại trừ ung thư hoặc các bệnh u hạt.

Hình ảnh học

Nội soi mũi xoang được thực hiện để loại trừ các bất thường cấu trúc. Ví dụ như polyp mũi hay vẹo vách ngăn,… có thể làm triệu chứng nặng hơn.

Chụp Ctscan được chỉ định để loại trừ các tình trạng như viêm xoang mạn tính và khối u.

Chụp Xquang thẳng ngày nay được cho là không còn nhiều hữu ích.

Nội soi mũi xoang phát hiện polyp mũi
Nội soi mũi xoang phát hiện polyp mũi

9. Có những cách nào để điều trị viêm mũi không dị ứng?

Điều trị viêm mũi sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng cá nhân cụ thể. Bác sĩ sẽ điều trị nhắm vào triệu chứng gây phiền phức nhất cho bạn. Điều trị có thể khá khó khăn với những trường hợp viêm mũi nặng. Bệnh có thể kéo dài và bạn cũng cần thích ứng với các phương thức điều trị. Bạn nên đến gặp bác sĩ để lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp nhất với mình.

Những cách điều trị viêm mũi không dị ứng có thể là:

Tránh các chất gây kích ứng như là khói thuốc lá. Có thể áp dụng với tất cả các loại viêm mũi.

Corticoid xịt mũi có thể có hiệu quả trong việc giảm nghẹt mũi ở bệnh nhân viêm mũi vô căn và hội chứng viêm mũi không dị ứng có tăng bạch cầu ái toan (NARES).

Thuốc xịt thông mũi cũng có thể được sử dụng. Tuy nhiên, sử dụng loại thuốc này nên giới hạn trong 7 ngày để tránh tác dụng phụ. Những người bị viêm mũi medicametosa cần ngưng sử dụng thuốc xịt thông mũi từ từ và thường cần dùng corticoid xịt mũi. Ở những trường hợp nặng, sử dụng corticoid uống trong thời gian ngắn có thể cần thiết.

Thuốc kháng cholinergic tại chỗ có thể làm giảm triệu chứng chảy mũi và hữu ích trong viêm mũi vị giác. Những thuốc kháng cholinergic này thành phần đầu tay trong điều trị chảy mũi ở bệnh nhân lớn tuổi. Đánh giá hiệu quả sử dụng thường được thực hiện sau 6 tuần dùng thuốc.

Kháng histamine xịt mũi đã được chứng minh là làm giảm nghẹt và chảy mũi ở bệnh nhân viêm mũi vô căn. Nó cũng có hiệu quả tốt ở những bệnh nhân kết hợp cả viêm mũi dị ứng và không dị ứng.

Kháng histamine uống đơn thuần thường không được chỉ định trong trường hợp này vì ít hiệu quả.

Tránh các chất kích ứng như khói thuốc lá.
Tránh các chất kích ứng như khói thuốc lá.

Điều trị viêm mũi nghề nghiệp

Viêm mũi nghề nghiệp được đặc biệt quan tâm vì liên quan mật thiết với hen suyễn do nghề nghiệp. Điều trị quan trọng nhất là phải tránh hoàn toàn các tác nhân gây viêm mũi đã biết. Nếu việc tránh hoàn toàn các tác nhân này không khả thi và bạn có ít nguy cơ mắc hen suyễn, thì có thể giảm tiếp xúc và sử dụng thêm các thuốc điều trị. Bạn cần theo dõi sát sao các triệu chứng để phát hiện dấu hiệu đầu tiên của hen suyễn do nghề nghiệp.

Phẫu thuật được lựa chọn khi nào?

Phẫu thuật được thực hiện khi có một bất thường cấu trúc kèm theo.

Chỉnh hình vách ngăn được thực hiện trong trường hợp có vẹo vách ngăn mũi gây ra triệu chứng nghẹt mũi khó chịu

Phẫu thuật cắt một phần cuốn dưới có thể được thực hiện trong trường hợp viêm mũi loại medicamentosa kháng với điều trị thuốc. Ngoài ra còn được thực hiện với những loại quá phát cuốn mũi kháng thuốc khác.

Phẫu thuật nội soi mũi xoang được tiến hành khi viêm mũi kèm theo các bệnh như viêm mũi xoang mạn tính hay polyp mũi.

Phẫu thuật cắt thần kinh vidian trong điều trị viêm mũi vô căn đã được thay thế bằng điều trị thuốc. Tránh các biến chứng do phẫu thuật gây ra.

10. Làm cách nào để phòng ngừa viêm mũi không dị ứng?

Nếu bạn đã bị viêm mũi không dị ứng, bạn có thể thực hiện các bước sau để giảm các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh bùng phát:

  • Tránh các tác nhân kích thích. Nếu bạn có thể xác định những thứ gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của mình, việc tránh chúng có thể tạo ra sự khác biệt lớn.
  • Đừng lạm dụng thuốc xịt thông mũi. Sử dụng những loại thuốc này nhiều ngày có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn.
  • Sử dụng phương thức điều trị có hiệu quả. Nếu điều trị không hiệu quả, hãy quay lại gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể thay đổi phương thức điều trị để ngăn ngừa hoặc giảm các triệu chứng của bạn tốt hơn.
  • Một nghiên cứu mới cho thấy rằng những đứa trẻ ăn cá có dầu hoặc một số axit béo không bão hòa có ít khả năng bị viêm mũi dị ứng và không dị ứng hơn. Nghiên cứu này cho thấy nguy cơ mắc bệnh giảm ở những đứa trẻ ăn cá trích, cá thu hoặc cá hồi ít nhất một lần một tuần.

Tránh lạm dụng các thuốc xịt thông mũi
Tránh lạm dụng các thuốc xịt thông mũi

Kết luận

Viêm mũi là một bệnh lý phổ biến trên toàn thế giới. Nó có thể được phân loại thành viêm mũi dị ứng và không dị ứng. Chẩn đoán chính xác loại viêm mũi là cần thiết cho quá trình điều trị. Điều trị viêm mũi thường nhắm vào triệu chứng để cải thiện chất lượng sống của người bệnh.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Nonallergic Rhinitishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nonallergic-rhinitis/symptoms-causes/syc-20351229

    Ngày tham khảo: 27/08/2020

  2. What is nonallergic rhinitis?https://www.medicalnewstoday.com/articles/177085#natural_treatment

    Ngày tham khảo: 27/08/2020

  3. David W.Kennedy, Rhinology – Diseases of the Nose, Sinuses, and Skull Base, Allergic and Nonallergic Rhinitis, p 107 – 115.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người