Viêm mũi xoang do nấm: Căn bệnh không nên chủ quan
Nội dung bài viết
Viêm mũi xoang do nấm là một trong những bệnh lý viêm nhiễm ở vùng mũi xoang. Bệnh gây ra bởi sự sinh sôi nảy nở của các loại vi nấm. Bệnh lý viêm nhiễm này tuy hiếm gặp nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh. Vậy thì nguyên nhân gây ra bệnh này là do đâu? Cách điều trị bệnh như thế nào? Hãy cùng đọc qua bài viết sau đây để rõ hơn nhé các bạn!
1. Tổng quan về bệnh viêm mũi xoang do nấm
Viêm mũi xoang do nấm là tình trạng viêm mũi và viêm niêm mạc của các xoang cạnh mũi do nhiễm vi nấm. Bệnh lý này thường xảy ra ở những người bị suy giảm khả năng miễn dịch. Thường gặp nhất là xoang hàm trên.
Các loại nấm gây nấm vùng mũi xoang là Aspergillus fumigatus (90%), Aspergillus flavus và Aspergillus niger. Nấm mũi xoang xảy ra phổ biến nhất ở độ tuổi trung niên. Đái tháo đường là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất liên quan.
Các loại viêm mũi xoang do nấm dựa trên cơ sở xâm lấn và không xâm lấn được phân loại như sau:
Xâm lấn
- Tối cấp, cấp tính
- Xâm lấn mãn tính.
- U hạt.
Không xâm lấn
- Nhiễm trùng hoại sinh.
- Bóng nấm mũi xoang.
- Dị ứng vùng mũi xoang do nấm.
2. Viêm mũi xoang do nấm gồm có những dạng bệnh nào?
Nấm vùng mũi xoang gồm có những dạng bệnh sau:
2.1. Bóng nấm
Trong bệnh cảnh này, một xoang cạnh mũi biệt lập được lấp đầy bởi một quả bóng chứa các mảnh vụn nấm. Bệnh thường gặp nhất là ở các xoang hàm trên. Các triệu chứng của bệnh nhân bao gồm đầy, chướng và chảy dịch. Điều trị bóng nấm cần phải phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn tất cả các phần tử nấm. Tiên lượng thường tốt.
2.2. Viêm nấm dị ứng
Viêm nấm dị ứng ở vùng mũi xoang có đặc điểm là dịch tiết ở xoang có màu vàng vàng đặc trưng và có độ sệt như cao su. Các chất tiết này chứa protein từ bạch cầu ái toan bị phân giải (một loại tế bào viêm). Kết hợp với một số yếu tố nấm. Bệnh nhân thường sẽ được điều trị nhiều lần (bao gồm cả steroid) đối với bệnh nấm mũi xoang mãn tính trước khi chẩn đoán viêm nấm dị ứng được xác định. Nhiều bệnh nhân nấm mũi xoang dị ứng cũng bị hen suyễn.
Phẫu thuật nội soi xoang là bắt buộc để chẩn đoán và làm sạch xoang bằng phương pháp cơ học. Tuy nhiên phẫu thuật phải kết hợp với điều trị nội khoa lâu dài. Các phương pháp điều trị nhiễm trùng xoang bao gồm corticosteroid toàn thân và tại chỗ. Kết hợp với thuốc chống nấm cũng như thuốc kháng sinh trị nhiễm trùng do vi khuẩn.
2.3. Viêm mũi xoang do nấm cấp tính
Nấm vùng mũi xoang cấp tính xảy ra khi các vi nấm xâm nhập vào vùng mũi xoang ở những bệnh nhân bị ức chế miễn dịch. Những bệnh nhân này đã bị ức chế miễn dịch do hóa trị liệu để điều trị ung thư. Hoặc họ bị đái tháo đường dẫn đến ức chế miễn dịch.
Xem thêm: Viêm mũi vận mạch nên điều trị như thế nào?
Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân có một vùng mô bị hoại tử, tức là mô chết do nấm xâm nhập. Nó xuất hiện ở trong mũi xoang. Nhưng trong vòng vài giờ, nó có thể nhanh chóng lây lan đến mắt và não. Tiên lượng thường xấu. Phẫu thuật khẩn cấp là cần thiết để xác định chẩn đoán và loại bỏ cơ học tất cả các mô chết. Điều trị chống nấm toàn thân cũng nên được phối hợp. Nếu có thể, các nỗ lực để đảo ngược sự ức chế miễn dịch cơ bản nên được bắt đầu.
2.4. Viêm mũi xoang do nấm mãn tính
Trong bệnh cảnh nấm mũi xoang mãn tính, quá trình xâm nhập vào các mô xoang xảy ra trong khoảng thời gian vài tuần hoặc vài tháng. Nhiều bệnh nhân với tình trạng hiếm gặp này có những bất thường nhỏ trong hệ thống miễn dịch. Chẳng hạn do bệnh đái tháo đường hoặc sử dụng corticoide kéo dài.
Bệnh nhân có thể bị sưng mắt và thậm chí mù lòa. Phẫu thuật khẩn cấp là cần thiết để xác định chẩn đoán và loại bỏ tất cả các mô nấm gây bệnh. Một lần nữa, các phương pháp điều trị chống nấm toàn thân cũng rất quan trọng.
2.5. Viêm nấm có u hạt
Sự khởi phát của nấm vùng mũi xoang dạng hạt cũng tiến triển một cách từ từ. Tình trạng này được đặc trưng bởi một phản ứng viêm dài hạn cụ thể. Nó được gọi là viêm u hạt đối với các vi nấm đã xâm nhập vào các mô xoang. Hầu hết tất cả các trường hợp xảy ra ở Sudan và các nước lân cận.
Xem thêm: Viêm mũi không do dị ứng là gì?
3. Những triệu chứng của bệnh viêm mũi xoang do nấm là gì?
Các triệu chứng của viêm mũi xoang do nấm tương tự như các dạng viêm mũi xoang khác, bao gồm:
- Nghẹt mũi, nhảy mũi.
- Đau vùng mặt, hốc mắt, hốc mũi.
- Mất khứu giác hoặc có mùi hôi trong mũi.
- Chảy nước mũi.
- Nấm vùng mũi xoang có thể khá nặng ở bất kỳ ai có hệ thống miễn dịch bị suy giảm và có thể gây ra các triệu chứng:
- Những thay đổi của da (da nhợt nhạt hoặc xạm đen)
- Cảm giác tê ở vùng mặt.
- Mặt, má hoặc mí mắt bị sưng phù.
4. Những biến chứng của bệnh nấm vùng mũi xoang
Bệnh nấm vùng mũi xoang nếu không được điều trị thích hợp có thể dẫn đến những biến chứng sau đây:
- Nấm lây lan sang các vùng lân cận. Chẳng hạn như hầu họng, thanh quản, khí quản, phế quản.
- Đối với những người suy giảm miễn dịch, biến chứng xảy ra có thể nghiêm trọng hơn. Bao gồm nấm thực quản, phổi, não, tim,…
- Suy hô hấp do nấm lây lan vào đường hô hấp.
5. Chẩn đoán
Các bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử để phát hiện những triệu chứng gợi ý của tình trạng viêm mũi xoang. Chẳng hạn như chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau hốc mũi, đau đầu,… Chẩn đoán xác định được thực hiện từ mô bệnh học phẫu thuật có hoặc không có cấy nấm xoang ngoại khoa dương tính. Mô bệnh học cho thấy chất nhầy dị ứng ngoài niêm mạc nhuộm dương tính với sợi nấm rải rác. Đồng thời viêm niêm mạc xoang tăng bạch cầu ái toan.
Ngoài ra, một số xét nghiệm khác có thể được thực hiện kèm theo như:
- Chụp X Quang mũi xoang để hỗ trợ chẩn đoán.
- CT Scan có thể ghi lại sự hiện diện của viêm xoang.
- MRI được sử dụng để tìm sự lây lan của thần kinh trung ương. Đồng thời đánh giá mức độ của bệnh do tình trạng nấm xâm lấn.
6. Điều trị viêm mũi xoang do nấm như thế nào?
Các lựa chọn điều trị điển hình được ghi nhận trong các nguyên nhân riêng lẻ của viêm xoang do nấm được mô tả ở trên. Thông thường, một số loại phẫu thuật hoặc thủ thuật được yêu cầu để loại bỏ nấm, chất nhầy chứa nó và đôi khi là mô đã bị ảnh hưởng.
Thuốc chống nấm cũng nên được sử dụng kèm theo, nhưng thường không phải là không cần phẫu thuật. Đã có một số nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc chống nấm được gọi là “azoles”, chẳng hạn như itraconazole, có thể hữu ích trong việc điều trị viêm xoang do nấm dị ứng. Với bệnh viêm xoang do nấm xâm lấn, cần sử dụng thuốc kháng nấm đặc hiệu.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị bằng Amphotericin B. Kết hợp với một số kháng sinh như: Meropenem, Metronidazole, Tigecycline và Posaconazole. Sau đó nhỏ Amphotericin B được áp dụng trong khoang mũi. Và thuốc nhỏ mắt amphotericin B cũng được đề nghị trong một số trường hợp.
7. Phòng bệnh
Có những phương pháp bạn có thể làm để giúp cơ thể ít bị nhiễm nấm hơn. Bạn có thể tự bảo vệ mình bằng cách:
- Xông mũi bằng nước muối sinh lý để giữ sạch đường mũi.
- Tránh ăn quá nhiều chất bột đường, bánh ngọt vì nấm sử dụng những thực phẩm này để phát triển.
- Uống bổ sung dầu cá, vitamin C để tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn.
- Tập thể dục hàng ngày.
- Đối với những người bị suy giảm miễn dịch nên ăn uống đầy đủ, hít thở không khí trong lành, thường xuyên tập thể dục. Khi có bất kỳ bệnh lý nào ở mũi xoang nên đi khám ngay. Mục đích là để các bác sĩ phát hiện sớm bệnh nấm vùng mũi xoang.
Xem thêm: Mất mùi – vấn đề ảnh hưởng nhiều khí cạnh cuộc sống
8. Lời kết
Nói chung, bệnh viêm mũi xoang do nấm là một trong những bệnh lý gây viêm mũi xoang không phổ biến. Bệnh dễ xảy ra ở những đối tượng suy giảm miễn dịch. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, mọi người nên có lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và ăn uống đầy đủ. Đồng thời đi khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường vùng mũi xoang.
Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Tham khảo thêm: Nghẹt mũi khi ngủ và những điều cần biết
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.