YouMed

Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: bệnh lý nhiễm trùng tim mạch nguy hiểm

Bác sĩ LƯƠNG SỸ BẮC
Tác giả: Bác sĩ Lương Sỹ Bắc
Chuyên khoa: Tim mạch

Trái tim của chúng ta được cấu tạo từ mô cơ tim hết sức đặc biệt. Cấu trúc này giúp nó có thể hoạt động suốt đời mà không nghỉ. Mô cơ tim được bao bọc bởi ngoại tâm mạc và nội tâm mạc. Do cường độ làm việc cao nên có rất nhiều bệnh lý có thể xảy ra trên mô cơ tim. Bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu về một bệnh lý nguy hiểm xảy ra trên nội tâm mạc. Đó chính là  viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là bệnh thường gặp do sự lan tràn của vi khuẩn gây bệnh từ những ổ nhiễm trùng khu trú ở nội tâm mạc và nội mạc động mạch. Bệnh thường xảy ra trên bệnh nhân có bệnh tim có sẵn (Valve tim hậu thấp hoặc tim bẩm sinh).

Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là gì?

Nội tâm mạc là màng trong của các buồng tim và van tim. Đây là nơi tiếp xúc trực tiếp với máu cà các thành phần trong máu, bao gồm cả vi khuẩn.

Viêm nội tâm mạc thường xảy ra khi vi khuẩn, nấm hoặc các vi trùng khác từ bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như miệng, lây lan qua đường máu và bám vào các khu vực bị tổn thương trong tim. Nếu không được điều trị nhanh chóng, viêm nội tâm mạc có thể phá hủy van tim và cơ tim. Đây là các biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến đe dọa tính mạng.

Cần lưu ý là có nhiều nguyên nhân có thể gây viêm nội tâm mạc như các bệnh tự miễn… Bài viết này chúng ta chỉ đề cập tới viêm nội tâm mạc nhiếm trùng do nguyên nhân vi trùng.

Cấu trúc tim
Cấu trúc tim

Những người nào có nguy cơ Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng?

Các vi trùng gây nhiễm trùng có xu hướng bám vào và sinh sôi trên các van tim bị tổn thương hoặc được cấy ghép bằng phẫu thuật, hoặc trên nội tâm mạc có bề mặt thô ráp.

Những người có nguy cơ cao nhất bị viêm nội tâm mạc là những người có:

  • Van tim nhân tạo. Vi trùng có nhiều khả năng bám vào van tim nhân tạo hơn là van tim bình thường.
  • Dị tật tim bẩm sinh. Tật tim bẩm sinh có thể tạo các luồng thông với áp lực cao trong buồng tim. Vận tốc, áp lực cao làm van tim và cơ tim dễ bị tổn thương. Từ đó tạo điều kiện cho vi trùng bám vào gây viêm nội tâm mạc.
  • Tiền sử viêm nội tâm mạc. Viêm nội tâm mạc có thể làm hỏng mô tim và van. Tiền sử bênh lý này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tim trong tương lai.
  • Van tim bị hỏng. Một số tình trạng bệnh lý, chẳng hạn như sốt thấp khớp hoặc nhiễm trùng, có thể làm hỏng hoặc tạo sẹo cho một hoặc nhiều van tim. Điều này có thể khiến bệnh nhân dễ bị viêm nội tâm mạc.
  • Tiền sử sử dụng ma túy qua đường tĩnh mạch (IV). Những người sử dụng ma túy bằng cách tiêm chích có nguy cơ bị viêm nội tâm mạc cao hơn. Kim tiêm được sử dụng để tiêm thuốc có thể bị nhiễm vi khuẩn và gây viêm nội tâm mạc.
Van tim nhân tạo
Van tim nhân tạo

Nguyên nhân của Viêm nội tâm mạc là gì?

Viêm nội tâm mạc xảy ra khi vi trùng xâm nhập vào máu, di chuyển đến tim và gắn vào van tim bất thường hoặc mô tim bị tổn thương. Vi khuẩn gây ra hầu hết các trường hợp, nhưng nấm hoặc các vi sinh vật khác cũng có thể là nguyên nhân.

Thông thường, hệ thống miễn dịch tiêu diệt vi khuẩn có hại khi chúng xâm nhập vào máu. Ngay cả khi vi khuẩn đến tim, chúng có thể đi qua mà không gây nhiễm trùng. Tuy nhiên, vi khuẩn đôi khi có thể viêm nội tâm mạc trong những trường hợp thích hợp.

Các tác nhân gây viêm nội tâm mạc có thể xâm nhập vào máu của bạn thông qua:

Hoạt động sinh hoạt hàng ngày

Các hoạt động như đánh răng hoặc các hoạt động khác có thể khiến nướu bị chảy máu, có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào máu. Vi khuẩn gây bệnh thậm chí có thể là các vi khuẩn thường trú trong miệng và hầu họng.

Nhiễm trùng hoặc tình trạng y tế khác

Vi khuẩn có thể lây lan từ khu vực bị nhiễm trùng, chẳng hạn như vết loét trên da. Các tình trạng y tế khác cũng có thể tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào máu. Chẳng hạn như bệnh nướu răng, nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, một số rối loạn đường ruột.

Catherte

Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua một ống thông ( Catherte). Đây là một ống mỏng sử dụng để tiêm hoặc loại bỏ chất lỏng ra khỏi cơ thể. Điều này dễ xảy ra hơn nếu đặt ống thông trong một thời gian dài.

Kim được sử dụng để xăm và xỏ lỗ trên cơ thể

Vi khuẩn có thể gây viêm nội tâm mạc cũng có thể xâm nhập vào máu thông qua kim được sử dụng để xăm mình hoặc xỏ lỗ trên cơ thể.

Sử dụng ma túy qua đường tĩnh mạch (IV)

Bơm kim tiêm bị ô nhiễm có nguy cơ cao đặc biệt đối với những người sử dụng heroin hoặc cocaine. Thông thường, những người sử dụng các loại ma túy này không được tiếp cận với bơm kim tiêm sạch.

Tiêm chích ma túy là nguy cơ cao gây Viêm nội tâm mạc
Tiêm chích ma túy là nguy cơ cao gây Viêm nội tâm mạc

Một số thủ tục nha khoa

Một số thủ thuật nha khoa có thể cắt nướu có thể cho phép vi khuẩn xâm nhập vào máu.

Vi khuẩn có thể dễ dàng bám vào nội tâm mạc hơn, nếu bề mặt của nó thô ráp. Nguy cơ cao bị viêm nội tâm mạc nếu bạn có van tim bị lỗi, bị bệnh hoặc bị hỏng. Tuy nhiên, viêm nội tâm mạc đôi khi xảy ra ở những người khỏe mạnh trước đó.

Các biến chứng của viêm nội tâm mạc

Trong viêm nội tâm mạc, vi khuẩn và các mảnh tế bào bám trong tim tại vị trí nhiễm trùng. Những khối này, được gọi khối sùi, có thể vỡ ra và di chuyển đến các cơ quan khác. Đặc biệt là não, phổi, các cơ quan trong ổ bụng, thận hoặc tay chân. Các khối này làm tắc mạch máu nuôi dưỡng các cơ quan từ đó gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Ngoài ra viêm nội tâm mạc còn gây tổn thương trực tiếp tại tim. Kết quả là, viêm nội tâm mạc có thể gây ra một số biến chứng lớn, bao gồm:

  • Các vấn đề về tim, tổn thương van tim, cột cơ hoặc dây chằng. Cuối cùng có thể gây tử vong sớm hoặc biến chứng suy tim.
  • Đột quỵ
  • Co giật.
  • Mất khả năng cử động một phần của toàn bộ cơ thể.
  • Áp xe phát triển trong tim, não, phổi và các cơ quan khác.
  • Thuyên tắc phổi – khối sùi di chuyển đến phổi và làm tắc động mạch phổi
  • Tổn thương thận
  • Lá lách to
Thuyên tắc phổi là biến chứng nguy hiểm
Thuyên tắc phổi là biến chứng nguy hiểm

Các triệu chứng của bệnh Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng

Viêm nội tâm mạc có thể phát triển chậm hoặc đột ngột. Tùy thuộc vào loại vi trùng nào đang gây ra nhiễm trùng và tiền sử bệnh lý tim mạch. Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm nội tâm mạc có thể khác nhau ở mỗi người.

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của viêm nội tâm mạc bao gồm:

  • Các triệu chứng giống cúm, chẳng hạn như sốt và ớn lạnh.
  • Một tiếng thổi tim mới hoặc đã thay đổi, là tiếng tim do máu chạy qua tim.
  • Mệt mỏi
  • Đau khớp và cơ bắp
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Hụt hơi
  • Đau ngực khi bạn thở
  • Sưng ở bàn chân, cẳng chân hoặc bụng của bạn

Viêm nội tâm mạc cũng có thể gây ra các triệu chứng không phổ biến hơn. Bao gồm các:

  • Giảm cân không giải thích được
  • Tiểu máu. Có thể tự nhìn thấy trên đại thể hoặc xét nghiệm tiểu máu vi thể.
  • Tổn thương Janeway, là những chấm đỏ trên lòng bàn chân hoặc lòng bàn tay.
  • Các nút Osler, là những nốt đỏ, mềm dưới da ngón tay hoặc ngón chân.
  • Petechiae là những chấm nhỏ màu tím hoặc đỏ trên da, lòng trắng mắt hoặc bên trong miệng.

Chẩn đoán viêm nội tâm mạc nhiễm trùng như thế nào?

Các gợi ý chẩn đoán viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn ở người bệnh gồm:

  • Tiếng thổi ở tim;
  • Biến cố tắc mạch không rõ nguồn gốc;
  • Nhiễm trùng huyết không rõ nguồn gốc;
  • Sốt ở những bệnh nhân có van nhân tạo, bệnh van tim, tim bẩm sinh, suy tim, rối loạn dẫn truyền.

Cụ thể, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn được chẩn đoán dựa trên tiêu chuẩn Duke gồm các tiêu chuẩn chính và tiêu chuẩn phụ:

Tiêu chuẩn chính

Cấy máu dương tính với loại vi khuẩn thường gặp gây viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn:

  • Loại vi khuẩn điển hình phù hợp với chủng vi khuẩn được phân lập từ hai lần cấy máu riêng biệt (Streptococci viridans, Streptococcus bovis, S. aureus, enterococcus, nhóm HACEK).
  • Loại vi khuẩn phù hợp với chủng vi khuẩn gây viêm nội tâm mạch phân lập được từ các lần cấy máu dương tính liên tiếp. Có ít nhất 2 lần cấy máu dương tính từ các mẫu máu được lấy cách nhau 12h hoặc tất cả 3 lần cấy máu đều dương tính hoặc cấy nhiều hơn 4 lần, đại đa số đều dương tính với điều kiện lần đầu và lần cuối lấy mẫu máu cách nhau ít nhất 1h.

Bằng chứng tổn thương nội mạc tim

  • Siêu âm tim cho thấy tổn thương viêm nội tâm mạch nhiễm khuẩn như sùi, áp xe…
  • Hở van mới xuất hiện.

Tiêu chuẩn phụ

  • Có bệnh tim loại hay gặp trong viêm nội tâm mạc, có tiêm chích ma túy;
  • Sốt cao hơn 38 độ;
  • Các dấu hiệu tại mạch máu: tắc động mạch lớn, nhồi máu phổi nhiễm trùng, phình mạch hình nấm, xuất huyết nội sọ, xuất huyết kết mạc…;
  • Các dấu hiệu miễn dịch như: viêm cầu thận, nốt Osler, vết Roth, yếu tố dạng thấp;
  • Bằng chứng nhiễm khuẩn: cấy máu dương tính nhưng không đáp ứng được tiêu chuẩn chính hoặc có bằng chứng huyết thanh học về tính trạng nhiễm trùng đang hoạt động phù hợp với tác nhân gây bệnh hay gặp trong viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Chẩn đoán xác định khi có:

  • 2 tiêu chí chính hoặc 1 tiêu chuẩn chính kết hợp 3 tiêu chuẩn phụ hoặc
  • 5 tiêu chuẩn phụ.

Chẩn đoán nghi ngờ viêm nội tâm mạc (có dấu hiệu viêm nội tâm mạc nhưng không đủ chẩn đoán xác định) nhưng không thể loại trừ gồm 1 tiêu chí chính và 1 tiêu chí phụ hoặc 3 tiêu chí phụ.

Chẩn đoán loại trừ viêm nội tâm mạc gồm khẳng định một chẩn đoán khác hoặc khỏi sau 4 ngày điều trị kháng sinh, sinh thiết hoặc tử thiết không phát hiện bằng chứng bệnh hoặc không đủ tiêu chuẩn chẩn đoán nói trên.

Điều trị Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng

Tùy vào tình trạng bệnh mà phác đồ điều trị sẽ khác nhau. Điều trị viêm nội tâm mạc bao gồm điều trị nội khoa và ngoại khoa. Điều trị nội khoa chủ chốt bằng các loại kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn. Các trường hợp năng đặc biệt có chỉ định ngoại khoa như:

  • Suy tim vừa đến nặng do rối loạn hoạt động của van tim
  • Van tim nhân tạo không ổn định.
  • Nhiễm trùng không kiểm soát bằng kháng sinh.
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng trên van nhân tạo tái phát sau khi đã dùng kháng sinh trị liệu tối ưu

Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là bệnh lý nguy hiểm với nhiều biến chứng nguy hiểm tính mạng. Bệnh không phổ biến nhưng rất hay thường gặp ở những đối tượng có nguy cơ cao. Điều quan trọng là phải phát hiện sớm để được điều trị kịp thời để giảm thiểu biến chứng của bệnh

>> Xem thêm:

Thuốc Nebivolol và những điều bạn cần biết

Những điều bạn cần biết về thuốc tim mạch Atenolol

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/endocarditis/symptoms-causes/syc-20352576
  2. https://www.healthline.com/health/endocarditis

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người