Viêm tai giữa có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Viêm tai giữa là sự nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus ở tai giữa. Bệnh lý thường đi cùng với nhiễm trùng đường hô hấp trên. Các triệu chứng bao gồm đau tai, thường có triệu chứng toàn thân (ví dụ như sốt, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy), đặc biệt ở trẻ nhỏ. Chẩn đoán dựa trên nội soi tai. Điều trị với thuốc giảm đau và đôi khi dùng kháng sinh. Bệnh nếu không được điều trị đúng cách sẽ gây biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân và dấu hiệu viêm tai giữa
Viêm tai giữa do vi khuẩn hoặc siêu vi (hay còn gọi là virus) trong tai giữa gây ra. Tình trạng viêm nhiễm này thường là do một bệnh khác như cảm lạnh, cúm hoặc dị ứng, gây tắc nghẽn và sưng tấy đường mũi, cổ họng và vòi nhĩ (hay còn gọi là vòi Eustache, tiếng Anh: Eustachian tube).1
Vai trò của vòi nhĩ (Eustachian tube)
Vòi nhĩ là một cặp ống hẹp chạy từ mỗi tai giữa đến phần cao ở phía sau cổ họng, phía sau đường mũi. Phần cuối cổ họng của các ống mở và đóng, với các vai trò như:
- Cân bằng khí áp trong tai giữa.
- Làm mới không khí trong tai giữa.
- Dẫn các chất dịch từ tai giữa vào họng mũi.
Các ống vòi này bị sưng có thể tắc nghẽn, khiến chất lỏng tích tụ trong tai giữa. Chất lỏng này có thể bị nhiễm trùng và gây ra các triệu chứng của viêm tai giữa.
Ở trẻ em, vòi nhĩ hẹp hơn và nằm ngang và ngắn hơn. Việc này khiến chúng khó thoát dịch hơn và dễ bị tắc. Là lý do giải thích vì sao viêm tai giữa thường xảy ra ở trẻ em hơn so với người lớn.
Vai trò của VA (hay còn gọi là Amidan vòm)
VA là hai miếng mô nhỏ ở phía sau mũi. Chúng được cho là có vai trò trong hoạt động của hệ miễn dịch.
Bởi vì VA ở gần chỗ mở của vòi nhĩ, VA to có thể làm tắc nghẽn các ống này, hậu quả làm tai giữa bị viêm. Quá trình sưng và kích ứng của VA có nhiều khả năng đóng một vai trò trong nhiễm trùng tai ở trẻ em vì trẻ em có VA tương đối lớn hơn so với người lớn.
Yếu tố nguy cơ2
- Tiếp xúc gần với khói thuốc lá hoặc hút thuốc nhiều.
- Có các triệu chứng dị ứng theo mùa hoặc quanh năm.
- Bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên khác.
Dấu hiệu viêm tai giữa
- Đau tai là triệu chứng ban đầu thường gặp và thường kèm với giảm sức nghe.
- Trẻ sơ sinh có thể khó ngủ. Ở trẻ nhỏ thường có biểu hiện sốt, buồn nôn, nôn, và tiêu chảy.
- Đau đầu nhiều có thể xảy ra với sự lây lan nhiễm trùng vào nội sọ.
- Liệt mặt hoặc chóng mặt cho thấy sự lan rộng của nhiễm trùng đến ống Fallop hoặc mê nhĩ.
- Nội soi tai có thể cho thấy màng nhĩ phồng, không rõ cấu trúc bình thường.
- Giảm thông khí tai giữa (ống soi tai có bơm hơi) cho thấy tính di động kém của màng nhĩ. Mủ chảy ra ống tai ngoài khi màng nhĩ bị thủng.
Viêm tai giữa có nguy hiểm không?
Viêm tai giữa ban đầu là một bệnh lý viêm nhiễm cấp tính, viêm tai giữa mạn tính xảy ra khi không được phát hiện kịp thời hoặc không được chữa trị, lúc này bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong điều trị và hay tái phát.3
Các biến chứng của viêm tai giữa khá hiếm, tuy nhiên nếu chúng xảy ra có thể sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng.3
Các biến chứng về lâu dài đa phần không xảy ra, nếu có sẽ để lại các di chứng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, các biến chứng có thể bao gồm:3
Mất thính lực
Một số trường hợp mất thính lực nhẹ, tạm thời (cảm thấy âm thanh nghe được bị biến dạng) thường xảy ra trong thời gian bị nhiễm trùng tai. Nhiễm trùng tái phát nhiều lần làm tổn thương các cấu trúc giải phẫu trong tai làm thính lực giảm ngày càng nhiều hơn.
Chậm phát triển ngôn ngữ
Trẻ nhỏ phải nghe để có thể phát triển khả năng nói. Mất sức nghe ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của trẻ.
Thủng màng nhĩ
Một vết rách có thể phát triển trong màng nhĩ do áp lực từ sự hiện diện lâu dài của chất lỏng trong tai giữa. Khoảng 5% đến 10% trẻ em bị nhiễm trùng tai bị rách màng nhĩ nhỏ.3
Nếu màng nhĩ không tự lành có thể bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật vá màng nhĩ. Nếu bị chảy nước hoặc chảy dịch từ tai, không đặt bất cứ thứ gì vào ống tai. Làm như vậy có thể nguy hiểm nếu xảy ra tai nạn với vật dụng chạm vào màng nhĩ.
Nhiễm trùng lây lan
Khi nhiễm trùng không được giải quyết có thể lan ra các cấu trúc ở ngoài tai. Nhiễm trùng có thể làm hỏng xương chũm gần đó (xương sau tai) gây biến chứng viêm tai xương chũm.
Trong trường hợp không thường gặp, nhiễm trùng có thể lây lan đến màng não và tủy sống và gây ra bệnh viêm màng não. Ở những trường hợp này, tỉ lệ tử vong rất cao và đe dọa tính mạng
Nếu các biến chứng xảy ra, bệnh nhân cần phải đến ngay bệnh viện để được điều trị sớm và tích cực bằng thuốc kháng sinh, các loại thuốc đặc trị khác hoặc thậm chí phẫu thuật.
Chẩn đoán bệnh viêm tai giữa
Các triệu chứng phổ biến của viêm tai giữa là:
- Đau một hoặc cả hai tai.
- Tiết dịch từ tai.
- Nghe kém.
- Đau họng.
Bệnh nhân cũng có thể sốt. Nếu sốt cao, đau dữ dội sau tai hoặc méo mặt, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Bác sĩ thường sẽ chẩn đoán viêm tai giữa dựa trên các triệu chứng bạn mô tả và khám. Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng một dụng cụ có ánh sáng (kính soi tai) để soi tai, họng và đường mũi.2
Nội soi tai
Theo Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ AAFP, chẩn đoán viêm tai giữa đòi hỏi màng nhĩ căng phồng từ trung bình đến nặng (Hình 3), xuất huyết tai mới khởi phát không phải do viêm tai ngoài, hoặc phồng nhẹ màng nhĩ liên quan đến cơn đau tai gần đây (dưới 48 giờ) hoặc xung huyết đỏ.
Không nên chẩn đoán ở những trẻ không có bằng chứng khách quan về chảy dịch tai giữa. Một chẩn đoán không chính xác có thể dẫn đến điều trị không cần thiết bằng kháng sinh và góp phần phát triển tình trạng kháng kháng sinh.1
Soi tai có bơm hơi
Một dụng cụ được gọi là dụng cụ soi tai có bơm hơi thường là công cụ chuyên dụng mà bác sĩ cần để chẩn đoán viêm tai giữa. Dụng cụ này cho phép bác sĩ quan sát trong tai và đánh giá xem có dịch nằm phía sau màng nhĩ hay không.
Với dụng cụ soi tai có bơm hơi, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng thổi không khí vào ống tai. Ở người bình thường, khi có luồng không khí này vào ống tai ngoài thì bác sĩ sẽ thấy được sự chuyển động của màng nhĩ. Trường hợp tai giữa chứa đầy dịch, màng nhĩ sẽ ít hoặc không có chuyển động
Các xét nghiệm khác
Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm khác nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về chẩn đoán, nếu không đáp ứng với các phương pháp điều trị trước đó hoặc nếu có các vấn đề kéo dài hoặc nghiêm trọng khác.
- Nhĩ Lượng Đồ: Thử nghiệm này đo sự chuyển động của màng nhĩ. Thiết bị bịt kín ống tai sẽ điều chỉnh áp suất không khí trong ống tai, khiến màng nhĩ chuyển động. Thiết bị này đo mức độ chuyển động của màng nhĩ và cung cấp một phép đo gián tiếp áp suất trong tai giữa.
- Ống Thông Màng Nhĩ: Hiếm khi bác sĩ sử dụng một ống nhỏ xuyên qua màng nhĩ để dẫn lưu chất lỏng từ tai giữa – một thủ thuật được gọi là đặt ống thông màng nhĩ. Dịch lấy ra được kiểm tra để tìm vi khuẩn. Điều này có thể hữu ích nếu nhiễm trùng không đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị trước đó.
Điều trị bệnh tai giữa
Một số trường hợp nhiễm trùng tai có thể tự khỏi mà không cần điều trị kháng sinh, phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm tuổi và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Sau đây là những phương pháp điều trị viêm tai giữa:4
Theo dõi tình trạng và diễn tiến bệnh
Các triệu chứng của viêm tai giữa thường cải thiện trong vài ngày đầu tiên và hầu hết các trường hợp sẽ tự khỏi trong vòng một đến hai tuần mà không cần điều trị. Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ1 và Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ5 khuyến nghị nên theo dõi mà chưa cần điều trị cho các trường hợp sau:
- Trẻ từ 6 – 23 tháng có dấu hiệu đau một bên tai trong thời gian dưới 48 giờ và nhiệt độ thấp hơn 102,2 °F (39 °C).
- Trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên bị đau tai giữa nhẹ ở một hoặc cả hai tai trong thời gian dưới 48 giờ và nhiệt độ thấp hơn 102,2 °F (39 °C).
Một số bằng chứng cho thấy việc điều trị bằng thuốc kháng sinh có thể hữu ích đối với một số trẻ bị viêm tai giữa. Hơn nữa, dùng kháng sinh có thể làm phát triển các vi khuẩn kháng thuốc.
Kiểm soát cơn đau
Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn các phương pháp điều trị để giảm đau do nhiễm trùng tai, bao gồm những điều sau:
- Thuốc giảm đau: Bác sĩ có thể khuyên bạn sử dụng acetaminophen không kê đơn hoặc ibuprofen để giảm đau. Sử dụng các loại thuốc theo chỉ dẫn trên nhãn. Thận trọng khi cho trẻ sử dụng thuốc Aspirin, các đối tượng sau khỏi bệnh thủy đậu hoặc cúm cũng không nên dùng.
- Thuốc nhỏ tai: Thuốc này có thể được dùng để giảm đau nếu màng nhĩ không bị thủng hoặc bị rách.
Liệu pháp kháng sinh
Sử dụng thuốc kháng sinh cho viêm tai giữa là chỉ định phù hợp cho các trường hợp sau:
- Trẻ từ 6 tháng trở lên đau tai vừa đến nhiều ở một hoặc cả hai tai hơn 48 giờ hoặc nhiệt độ 39 °C trở lên.
- Trẻ 6 – 23 tháng đau nhẹ tai dưới 48 giờ và nhiệt độ thấp hơn 39 °C.
- Trẻ 24 tháng tuổi trở lên bị đau tai nhẹ dưới 48 giờ và nhiệt độ thấp hơn 39 °C.
- Trẻ dưới 6 tháng cần được điều trị bằng kháng sinh ngay mà không cần thời gian chờ theo dõi.
Ngay cả khi các triệu chứng đã được cải thiện, tiếp tục sử dụng kháng sinh theo chỉ dẫn. Không uống hết thuốc có thể dẫn đến nhiễm trùng tái phát và vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.
Ống thông màng nhĩ
Bác sĩ có thể đề nghị một thủ thuật để dẫn chất lỏng ra khỏi tai giữa. Nếu bị nhiễm trùng tai lặp đi lặp lại, kéo dài (viêm tai giữa mạn tính) hoặc sau khi hết dấu hiệu viêm nhiễm mà chất lỏng vẫn hiện diện trong tai thì có thể được đề nghị đặt ống thông qua màng nhĩ
Trong quá trình làm thủ thuật, bác sĩ thực hiện, bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo một lỗ vừa đủ lớn trên màng nhĩ sau đó hút chất lỏng trong tai ra ngoài. Một ống nhỏ (ống thông màng nhĩ) được đặt ở lỗ thông để giúp thông khí cho tai giữa và ngăn ngừa sự tích tụ nhiều chất lỏng hơn. Một số ống được giữ nguyên vị trí trong vòng 4 đến 18 tháng và sau đó sẽ tự rụng. Các ống khác được thiết kế để tồn tại lâu hơn và có thể phải phẫu thuật lấy bỏ.
Khi ống thông nhĩ tự rơi hoặc được tháo ra, màng nhĩ thường sẽ tự đóng lại sau một thời gian nhất định, thường dưới 6 tháng.
Như vậy, viêm tai giữa là bệnh lý rất thường gặp ở mọi lứa tuổi. Mức độ có thể từ tự khỏi, nhẹ cần điều trị thuốc. Đến nặng cần phải phẫu thuật. Biến chứng dẫn đến tử vong có thể xảy ra tuy nhiên rất hiếm. Vì thế không được chủ quan và phải đến gặp ngay bác sĩ khi có các dấu hiệu của viêm tai giữa để được chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị sớm tránh xảy ra các biến chứng nặng nề. Bài viết đã mang đến cho bạn thông tin viêm tai giữa có nguy hiểm không và cách điều trị.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Otitis Media: Diagnosis and Treatmenthttps://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2013/1001/p435.html
Ngày tham khảo: 29/09/2022
-
Middle-Ear Infection in Adultshttps://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/otitis-media-middle-ear-infection-in-adults
Ngày tham khảo: 29/09/2022
-
Ear Infection (Otitis Media)https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8613-ear-infection-otitis-media
Ngày tham khảo: 29/09/2022
-
Ear infection (middle ear)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ear-infections/diagnosis-treatment/drc-20351622
Ngày tham khảo: 29/09/2022
-
The Diagnosis and Management of Acute Otitis Media https://publications.aap.org/pediatrics/article/131/3/e964/30912/The-Diagnosis-and-Management-of-Acute-Otitis-Media
Ngày tham khảo: 29/09/2022