YouMed

Viêm túi thừa: Những điều cần biết

bác sĩ nguyền hồ thanh an
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Hồ Thanh An
Chuyên khoa: Chẩn đoán hình ảnh, Nội tổng quát

Hệ tiêu hóa con người trong một số trường hợp tồn tại các cấu trúc hình túi, kích thước nhỏ, gọi là túi thừa. Chúng thường ít khi gây ra các vấn đề về sức khỏe, tuy nhiên, đôi khi, cũng có thể bị viêm nhiễm, cần phải được chăm sóc. Và nếu không điều trị phù hợp sẽ gây ra biến chứng nghiêm trọng. Vậy, làm sao để có thể bảo vệ bản thân trước tình trạng trên? Chúng ta hãy cùng đến với bài viết: “Viêm túi thừa và những điều cần biết”.

1. Viêm túi thừa là gì?

Túi thừa là những túi nhỏ, phình ra, hình thành trong lớp niêm mạc của hệ thống tiêu hóa. Chúng khá phổ biến (đặc biệt là sau 40 tuổi) và chủ yếu xuất hiện ở phần thấp của ruột già (đại tràng). Các túi thừa này thường hiếm khi gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng cũng có thể bị viêm hoặc nhiễm trùng.

 
Túi thừa là những túi nhỏ ở ruột, xuất hiện chủ yếu ở đại tràng (ruột già)
Túi thừa là những túi nhỏ ở ruột, xuất hiện chủ yếu ở đại tràng (ruột già)

2. Triệu chứng

Người bệnh thường trải qua các dấu hiệu và triệu chứng như:

  • Đau bụng: cơn đau có thể liên tục và kéo dài trong vài ngày. Vị trí thường thấy là vùng vụng phía dưới bên trái và lan ra chân, háng, lưng và bụng bên. Tuy nhiên, đôi khi, người bệnh lại cảm thấy đau nhiều ở vùng bụng phía dưới bên phải (đặc biệt là ở những người gốc Á).
viêm túi thừa
Đau và sốt là các dấu hiệu thường gặp khi túi thừa bị viêm
  • Sốt.
  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Táo bón (thường gặp hơn) hoặc tiêu chảy.
  • Có thể gặp các triệu chứng tiết niệu như đi tiểu nhiều, tiểu gấp….

3. Nguyên nhân

Viêm túi thừa là một tình trạng viêm của đại tràng được cho là gây ra bởi thủng một trong các túi riêng lẻ. Người ta ước tính rằng 10-20% những người bị bệnh túi thừa sẽ phát triển viêm túi thừa. Một số yếu tố có thể làm tăng hơn nữa nguy cơ xảy ra viêm túi thừa:

  • Tuổi: Tỷ lệ viêm túi thừa tăng theo tuổi.
  • Béo phì: Thừa cân nghiêm trọng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh viêm túi thừa.
  • Hút thuốc: Những người hút thuốc lá có nhiều khả năng mắc bệnh hơn những người không hút thuốc.
  • Lười tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên có vẻ sẽ làm giảm nguy cơ viêm túi thừa.
  • Chế độ ăn nhiều chất béo động vật và ít chất xơ: Một chế độ ăn ít chất xơ kết hợp với lượng lớn chất béo động vật dường như cũng làm tăng nguy cơ.
  • Một số loại thuốc: Có liên quan đến việc tăng nguy cơ viêm túi thừa, bao gồm steroid, opioids (thuốc giảm đau gây nghiện) và thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác) và naproxen natri (Aleve).

>> Xem thêm: Thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs): Sử dụng bừa bãi gây tác hại gì?

4. Biến chứng

Cứ 4 người thì có khoảng 1 người gặp biến chứng do viêm túi thừa gây ra. Chúng bao gồm:

  • Áp xe, xảy ra khi mủ tích tụ trong túi.
  • Tắc đại tràng hoặc ruột non gây ra bởi xơ và sẹo.
  • Lỗ rò giữa các phần của ruột hoặc lỗ rò ruột và các cơ quan xung quanh.
  • Viêm phúc mạc: có thể xảy ra nếu túi thừa viêm bị vỡ khiến cho các chất bẩn trong ruột tràn vào khoang bụng. Khi đó người bệnh thường thấy đau bụng dữ dội, thay đổi nhịp tim và huyết áp. Đây là một trường hợp cấp cứu, cần phải phẫu thuật khẩn.

5. Chẩn đoán

Các triệu chứng như đau bụng và đề kháng có khá nhiều nguyên nhân như bệnh ruột thừa, túi mật, dạ dày, ruột non, buồng trứng, tử cung, tuyến tiền liệt và bàng quang. Một bệnh sử kĩ lưỡng và thăm khám cẩn thận có thể giúp thu hẹp hoặc loại bỏ các chẩn đoán khác. Trong một số trường hợp cũng phải cần đến sự hỗ trợ từ các xét nghiệm, thường bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Số lượng bạch cầu tăng cao có thể cho thấy sự hiện diện của nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Một phân tích và nuôi cấy nước tiểu có thể phát hiện nhiễm trùng đường tiết niệu, làm tăng nghi ngờ lỗ rò từ đại tràng đến bàng quang, vì nước tiểu sẽ bị nhiễm phân từ đại tràng.
  • Thử thai (đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ): để loại trừ các nguyên nhân gây đau bụng liên quan đến thai kỳ.
  • Chụp CT bụng và chậu: Chụp CT được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm túi thừa. Phương pháp này có thể cho thấy cụ thể phần nào của đại tràng bị ảnh hưởng và mức độ của nó. CT sẽ cũng phát hiện được nếu có xuất hiện các biến chứng như áp xe, hẹp hoặc lỗ rò.  
viêm túi thừa
Chụp CT được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm túi thừa

6. Điều trị viêm túi thừa cấp

6.1 Viêm túi thừa chưa biến chứng

Hầu hết viêm túi thừa cấp tính mức độ nhẹ không cần phải nhập viện. Người bệnh thường đáp ứng tốt với kháng sinh đường uống và chế độ ăn hạn chế chất xơ cho đến khi ổn định. 

6.2 Viêm túi thừa có biến chứng

Nhìn chung, đối với các trường hợp nặng, chẳng hạn như số lượng bạch cầu cao, sốt cao, thay đổi nhịp tim hoặc huyết áp,…người bệnh sẽ phải nhập viện truyền dịch và kháng sinh đường tĩnh mạch (IV).  

Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể sẽ áp dụng những phương pháp khác nhau như:

  • Áp xe nhỏ được điều trị bằng kháng sinh đơn thuần. Áp xe lớn hơn thường được kết hợp thêm dẫn lưu qua da. Đây là một thủ thuật trong đó ống dẫn lưu được đưa xuyên qua da vào ổ áp xe với sự hỗ trợ của các kỹ thuật hình ảnh như siêu âm hoặc CT.
  • Viêm phúc mạc, tắc ruột hay các lỗ rò cần đến phẫu thuật.

7. Phẫu thuật

Phẫu thuật cho viêm túi thừa cấp tính chỉ được giới hạn trong một vài trường hợp như: 

  • Viêm túi thừa cấp vỡ gây viêm phúc mạc.
  • Áp xe không thể dẫn lưu qua da, hoặc dẫn lưu qua da không hiệu quả.
  • Khi viêm túi thừa có kèm hẹp hoặc lỗ rò.
  • Không cải thiện kể cả khi đã nhập viện và truyền tĩnh mạch kháng sinh thích hợp. 
  • Người bệnh bị suy giảm miễn dịch, ghép tạng hoặc đang điều trị hóa trị.

Phương pháp phẫu thuật có thể là nội soi hoặc phẫu thuật truyền thống. Mục tiêu là kiểm soát nhiễm trùng đồng thời làm giảm tối đa nguy cơ xuất hiện biến chứng. Để thực hiện điều này, người ta có thể tiến hành theo hai cách như sau:  

  • Cắt bỏ ruột một thì: Các đoạn bị bệnh của ruột sẽ bị loại bỏ và sau đó nối lại với các đoạn khỏe mạnh. Lựa chọn này cho phép lưu thông trong ruột diễn ra bình thường.
  • Cắt bỏ ruột có làm hậu môn nhân tạo: Nếu phần ruột bị viêm không thể thực hiện nối lại ngay, bác sĩ sẽ tiến hành làm hậu môn nhân tạo tạm thời. Chất thải (phân) sau đó sẽ đi ra ngoài qua lỗ thông này. Đừng quá lo lắng! Một khi tình trạng viêm đã thuyên giảm, quá trình này có thể được đảo ngược. Và hai đầu ruột sẽ được nối lại với nhau.
viêm túi thừa
Hậu môn nhân tạo có thể dùng để thoát phân tạm thời. Khi người bệnh ổn định, quá trình này có thể đảo ngược

Bệnh túi thừa là một tình trạng phổ biến, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Nó có thể xuất hiện với nhiều mức độ nghiêm trọng từ không triệu chứng đến các nhiễm trùng đe dọa tính mạng. Người bệnh thường cảm thấy đau bụng, sốt, rối loạn tiêu hóa,… Tùy từng trường hợp mà điều trị có thể là thay đổi chế độ ăn, kháng sinh hoặc phẫu thuật.   

Bác sĩ : Nguyễn Hồ Thanh An

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

ASCRS (The American Society of Colon and Rectal Surgeons) – Diverticular Disease Expanded Version https://fascrs.org/patients/diseases-and-conditions/a-z/diverticular-disease-expanded-version,accessed on 07/02/2020.

Mayoclinic – Diverticulitis https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diverticulitis/diagnosis-treatment/drc-20371764, accesse

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người