Viêm vú và những điều bác sĩ muốn bạn biết
Nội dung bài viết
Viêm vú là tình trạng viêm ở vú, thường liên quan đến việc cho con bú. Các triệu chứng thường bao gồm đau và đỏ tại chỗ. Thường kèm theo sốt và đau nhức toàn thân. Khởi phát thường khá nhanh và thường xảy ra trong vài tháng đầu sau khi sinh. Các biến chứng có thể bao gồm hình thành áp xe.
1. Vú được cấu tạo như thế nào
Vú bao gồm một số tuyến và ống dẫn đến núm vú và vùng có màu xung quanh núm được gọi là quầng vú. Các ống dẫn sữa kéo dài từ núm vú vào mô bên dưới của vú giống như các nan hoa của bánh xe.
Dưới quầng vú là các ống dẫn sữa. Những ống dẫn chứa đầy sữa trong thời kỳ cho con bú sau khi phụ nữ sinh con. Khi con gái đến tuổi dậy thì, nội tiết tố thay đổi khiến các ống dẫn sữa phát triển và làm tăng lượng mỡ tích tụ trong mô vú. Các tuyến sản xuất sữa (tuyến vú) được kết nối với bề mặt của vú bằng các ống dẫn sữa có thể kéo dài đến vùng nách.
2. Nguyên nhân dẫn đến viêm vú
Viêm vú là tình trạng nhiễm trùng mô vú xảy ra thường xuyên nhất trong thời kỳ cho con bú. Nó có thể xảy ra khi vi khuẩn, thường từ miệng trẻ, xâm nhập vào ống dẫn sữa qua vết nứt trên núm vú.
Viêm vú thường xảy ra nhất từ một đến ba tháng sau khi sinh con, nhưng chúng có thể xảy ra ở phụ nữ chưa sinh con và ở phụ nữ sau khi mãn kinh. Các nguyên nhân khác của viêm vú bao gồm viêm vú mãn tính và một dạng ung thư hiếm gặp được gọi là ung thư biểu mô viêm.
Ở phụ nữ khỏe mạnh, hiếm gặp viêm vú. Tuy nhiên, phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, bệnh mãn tính, AIDS hoặc suy giảm hệ thống miễn dịch có thể dễ bị hơn. Khoảng 1% -3% bà mẹ cho con bú bị viêm vú. Việc căng sữa và cho con bú không hoàn toàn có thể góp phần gây ra vấn đề và làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn.
Viêm vú mãn tính xảy ra ở phụ nữ không cho con bú. Ở phụ nữ sau mãn kinh, viêm vú có thể liên quan đến tình trạng viêm mãn tính của các ống dẫn bên dưới núm vú. Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể có thể khiến các ống dẫn sữa bị tắc nghẽn với các tế bào da chết và các mảnh vụn. Những ống dẫn bị tắc này làm cho vú dễ bị viêm.
3. Các triệu chứng viêm vú
Viêm vú có thể gây đau, đỏ và nóng vú cùng với các triệu chứng sau:
- Sưng;
- Nhức mỏi cơ thể;
- Mệt mỏi;
- Căng sữa;
- Sốt và ớn lạnh.
Áp xe vú có thể là một biến chứng của viêm vú. Các khối không ung thư như áp xe thường mềm hơn và thường có cảm giác di động bên dưới da. Cạnh của khối thường đều đặn và được xác định rõ. Các dấu hiệu cho thấy tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng này đã xảy ra bao gồm:
- Khối u mềm trong vú không nhỏ đi sau khi cho trẻ bú sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu áp xe nằm sâu trong vú, bạn có thể không cảm nhận được.
- Chảy mủ từ núm vú.
- Sốt dai dẳng và không cải thiện các triệu chứng trong vòng 48 – 72 giờ điều trị.
4. Khi nào bạn cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế
Gọi cho bác sĩ của bạn ngay khi bạn cảm thấy bất kỳ khối u đáng ngờ nào, cho dù bạn đang cho con bú hay không. Các dấu hiệu bất thường bao gồm:
- Bạn có bất kỳ dịch tiết bất thường nào từ núm vú.
- Đau vú khiến bạn khó hoạt động mỗi ngày.
- Bạn bị đau vú kéo dài không rõ nguyên nhân.
- Bạn có bất kỳ triệu chứng liên quan nào khác như mẩn đỏ, sưng tấy, đau cản trở việc cho con bú, một khối hoặc cục u mềm ở vú không biến mất sau khi cho con bú.
Nếu bạn đang cho con bú, hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của nhiễm trùng vú để có thể bắt đầu điều trị kịp thời.
Các triệu chứng dưới đây cần được điều trị khẩn cấp:
- Sốt cao dai dẳng;
- Buồn nôn hoặc nôn khiến bạn không thể dùng thuốc kháng sinh theo quy định;
- Chảy mủ từ vú;
- Vệt đỏ kéo dài về phía cánh tay hoặc ngực của bạn;
- Chóng mặt, ngất xỉu hoặc lú lẫn.
5. Chẩn đoán
Việc chẩn đoán viêm vú và áp xe vú thường có thể được thực hiện dựa trên khám sức khỏe.
Nếu không rõ một khối là do áp xe chứa đầy dịch hay khối rắn như khối u, thì có thể làm xét nghiệm như siêu âm. Siêu âm cũng có thể hữu ích trong việc phân biệt giữa viêm vú đơn thuần và áp xe hoặc chẩn đoán áp xe sâu trong vú. Xét nghiệm không xâm lấn này cho phép bác sĩ hình dung trực tiếp ổ áp xe bằng cách đặt một đầu dò siêu âm trên vú của bạn. Nếu xác định có áp xe, thường phải chọc hút hoặc dẫn lưu phẫu thuật và kháng sinh đường tĩnh mạch.
Có thể lấy dịch nuôi cấy, sữa mẹ hoặc vật liệu lấy ra từ ổ áp xe qua ống tiêm, để xác định loại vi sinh vật gây nhiễm trùng. Thông tin này có thể giúp bác sĩ của bạn quyết định loại kháng sinh sẽ sử dụng.
Những phụ nữ không nuôi con bằng sữa mẹ bị viêm vú, hoặc những người không đáp ứng với điều trị, có thể được chụp X quang tuyến vú hoặc sinh thiết vú. Đây là một biện pháp phòng ngừa một loại ung thư vú hiếm gặp có thể tạo ra các triệu chứng của viêm vú.
6. Điều trị viêm vú
6.1. Biện pháp khắc phục tại nhà điều trị viêm vú.
Sau khi gặp bác sĩ, hãy thử những cách sau để giúp tình trạng viêm vú của bạn mau lành.
- Thuốc giảm đau: Uống acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau. Những loại thuốc này an toàn khi cho con bú và sẽ không gây hại cho em bé của bạn. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau theo toa nếu cơn đau của bạn nghiêm trọng và không thuyên giảm khi dùng thuốc không kê đơn.
- Trong trường hợp viêm vú nhẹ, thuốc kháng sinh có thể không được kê đơn. Nếu bạn được kê đơn thuốc kháng sinh, việc hoàn thành đơn thuốc ngay cả khi bạn cảm thấy tốt hơn trong vài ngày là rất quan trọng.
- Cho trẻ bú thường xuyên: Không ngừng cho con bú từ vú bị ảnh hưởng, mặc dù vú sẽ bị đau và bạn có thể đang dùng thuốc kháng sinh. Nếu cần, sử dụng máy hút sữa để giảm áp lực và hút hết sữa hoàn toàn. Bạn cũng có thể cho con bú sữa mẹ từ bên không bị ảnh hưởng và bổ sung sữa công thức khi cần thiết. Nhiễm trùng sẽ không gây hại cho em bé vì vi trùng gây nhiễm trùng có thể đến từ miệng của em bé ngay từ đầu. Nên tránh cho con bú ở vú bị viêm khi có biến chứng áp xe.
- Giảm đau: Chườm ấm trước và sau khi bú thường có thể giúp giảm đau. Tắm nước ấm cũng có thể hiệu quả. Nếu nhiệt không hiệu quả, chườm đá sau khi cho bú có thể giúp dễ chịu và nhẹ nhõm hơn. Tránh chườm đá ngay trước khi cho con bú vì có thể làm chậm dòng sữa.
- Uống nhiều nước. Ăn các bữa ăn cân bằng và bổ sung thêm 500 calo mỗi ngày khi cho con bú. Mất nước và dinh dưỡng kém có thể làm giảm nguồn sữa và khiến bạn cảm thấy tồi tệ.
>> Xem thêm: Trẻ bú mẹ – Như thế nào là đúng cách và hiệu quả
6.2. Thuốc điều trị viêm vú
Đối với viêm vú đơn giản mà không có áp xe, thuốc kháng sinh uống được kê đơn. Thuốc kháng sinh được kê đơn sẽ tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bạn và bất kỳ trường hợp dị ứng thuốc nào mà bạn có thể mắc phải. Thuốc này là an toàn để sử dụng trong khi cho con bú và sẽ không gây hại cho em bé.
Viêm vú mãn tính ở phụ nữ không cho con bú có thể phức tạp. Các đợt viêm vú tái phát là phổ biến. Đôi khi, loại nhiễm trùng này phản ứng kém với kháng sinh. Do đó, việc theo dõi sát với bác sĩ là điều bắt buộc.
Nếu tình trạng nhiễm trùng trở nên trầm trọng hơn bất chấp việc kháng sinh đường uống hoặc nếu bạn bị áp xe sâu cần điều trị phẫu thuật, bạn có thể nhập viện để tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch.
6.3. Phẫu thuật áp xe
Nếu có áp xe thì phải dẫn lưu. Sau khi tiêm thuốc gây tê cục bộ, bác sĩ có thể dẫn lưu ổ áp xe gần bề mặt da bằng cách hút bằng kim và ống tiêm hoặc bằng cách rạch một đường nhỏ.
Nếu áp xe nằm sâu trong vú, có thể phải phẫu thuật dẫn lưu trong phòng mổ. Thủ thuật này thường được thực hiện dưới gây mê toàn thân để giảm thiểu đau đớn và để dẫn lưu hoàn toàn ổ áp xe. Thuốc kháng sinh và nhiệt trên khu vực này cũng được sử dụng để điều trị áp xe.
6.4. Khác
Viêm vú không gây ung thư, nhưng ung thư có thể bắt chước viêm vú về bề ngoài. Nếu tình trạng nhiễm trùng vú chậm biến mất, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn có thể đề nghị chụp X quang tuyến vú hoặc các xét nghiệm khác để loại trừ ung thư.
7. Phòng ngừa viêm vú
Đôi khi bệnh viêm vú là khó tránh khỏi. Một số phụ nữ dễ bị hơn những người khác, đặc biệt là những người lần đầu tiên cho con bú. Nhìn chung, các thói quen tốt để ngăn ngừa viêm vú bao gồm:
- Cho trẻ bú đều hai bên vú.
- Làm trống bầu ngực hoàn toàn để ngăn ngừa căng sữa và tắc ống dẫn sữa.
- Sử dụng các kỹ thuật cho con bú tốt để ngăn ngừa núm vú bị đau, nứt.
- Ngăn hơi ẩm tích tụ trong miếng đệm ngực hoặc áo lót.
- Tránh mất nước bằng cách uống nhiều nước.
- Thực hành vệ sinh cẩn thận: Rửa tay, vệ sinh núm vú, giữ vệ sinh cho trẻ.
8. Triển vọng về viêm vú
Khi được điều trị kịp thời, phần lớn các trường hợp viêm vú khỏi nhanh chóng và không có biến chứng nghiêm trọng. Hầu hết phụ nữ có thể và nên tiếp tục cho con bú mặc dù có đợt viêm vú không biến chứng. Với điều trị thích hợp, các triệu chứng sẽ bắt đầu hết trong vòng một đến hai ngày.
Áp xe vú có thể phải phẫu thuật dẫn lưu, kháng sinh đường tĩnh mạch. Một vết rạch nhỏ được thực hiện và thường lành khá tốt. Tiên lượng hồi phục hoàn toàn cũng tốt.
Phụ nữ sau mãn kinh bị áp-xe vú có tỷ lệ tái phát cao sau khi dẫn lưu đơn thuần và thường xuyên phải theo dõi bởi bác sĩ phẫu thuật để điều trị dứt điểm hơn. Nhiễm trùng mãn tính có thể dẫn đến áp xe, nếu không được dẫn lưu hoàn toàn và điều này có thể dẫn đến kết quả thẩm mỹ kém.
Bài viết trên hy vọng đã cung cấp cho bạn các kiến thức bổ ích về tình trạng viêm vú. Qua đó giúp bạn phòng tránh và chữa trị chúng hiệu quả.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Mastitishttps://en.wikipedia.org/wiki/Mastitis
Ngày tham khảo: 09/10/2020
-
Breast infectionhttps://www.webmd.com/women/guide/breast-infection
Ngày tham khảo: 09/10/2020