YouMed

Xạ can: Vị thuốc quý trị ho, viêm họng

Bác sĩ BÙI KHÁNH HÀ
Tác giả: Bác sĩ Bùi Khánh Hà
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Trong tự nhiên, có rất nhiều loại cây ngoài tác dụng làm thuốc còn mang trên mình những bông hoa thật đẹp và nhiều ý nghĩa. Ví dụ như cây Rẻ quạt với những bông hoa 6 cánh, mang dáng hình chiếc mũ của chú hề. Bông hoa đó còn là biểu tượng cho sự phồn thịnh và phát triển. Còn xét về mặt dược liệu, cây Rẻ quạt được biết đến với cái tên Xạ can, một vị thuốc điều trị các bệnh hầu họng hiệu quả. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vị thuốc này nhé.

1. Đặc điểm cây Xạ can

1.1. Mô tả

Xạ can là loại cây thảo, sống lâu năm. Cây có phần rễ phát triển, thân rễ mọc bò. Cây này có thân bé, phần lá mọc thẳng đứng, có thể cao tới 1m.

Lá cây hình mác dài, hơi có bẹ, mọc ốp vào thân và xòe ra như cái quạt, mọc xen kẽ thành 2 vòng (xếp 2 dãy). Lá Xạ can dài khoảng 20 – 40cm, rộng 15 – 20mm, hình phiến dài, gân lá song song, xếp sít nhau.

Cụm hoa có cuống dài 20 – 40cm. Bao hoa dài 6cm. Cánh hoa màu vàng cam, trên điểm đốm tía. Hoa có 3 nhị, bầu hạ.

Quả nang hình trứng có 3 van và dài khoảng 23 – 25mm, chứa nhiều hạt nhỏ màu xanh đen, bóng, hình cầu.

Hình ảnh thân, rễ, hoa, lá của Xạ can
Hình ảnh thân, rễ, hoa, lá của Xạ can

1.2. Phân bố

Cây Xạ can dễ trồng, dễ mọc, thường thấy mọc hoang và được trồng làm cảnh ở khắp nơi.

Xạ can tập trung nhiều ở các nước châu Á như: Lào, Ấn Độ, Triều Tiên, Nhật Bản…

Ở Việt Nam, cây được thấy nhiều ở các tỉnh: Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Ninh Bình, Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai…

Cây Xạ can được trồng quanh năm, tốt nhất là vào mùa xuân. Trồng bằng mầm tách từ cây mẹ.

Hoa Xạ can
Hoa Xạ can

2. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

2.1. Bộ phận dùng

Người ta dùng thân rễ (thường gọi là củ) của cây để làm thuốc.

Rễ cong queo, có đốt ngắn màu vàng nhạt hoặc vàng nâu, ruột màu trắng, có mùi thơm, cứng.

2.2. Thu hái

Thu hoạch vào khoảng mùa xuân, thu.

Không nên chọn thứ vụn nát, mốc, thâm đen, mọt, xốp vì là dược liệu phẩm chất kém.

2.3. Chế biến

Theo Trung y: Hái lấy củ, ngâm nước vo gạo một đêm rồi vớt ra, nấu với lá tre tầm 3 giờ. Sau đó đem phơi khô để dùng.

Theo kinh nghiệm Việt Nam:

  • Dùng tươi: Rửa sạch, giã với ít muối để ngậm.
  • Dùng khô: Mài thành bột trong nắp siêu, uống với nước tiểu trẻ em khỏe mạnh dưới 3 tuổi.
  • Rửa sạch, ủ mềm đều, bào mỏng phơi khô.

2.4. Bảo quản

Cất chỗ kín đáo, cao ráo, thoáng mát, tránh ẩm mọt, mốc.

Thân rễ Xạ can khô dùng làm thuốc
Thân rễ khô dùng làm thuốc

3. Thành phần hóa học

Trong thân rễ Xạ can chứa một số thành phần như: Irigenin, Tectorigenin, Tectoridin, Belamcanidin, Methylirisolidone, Iristectoriginin A, Irisflorentin, Iridin, Noririsflorentin.

4. Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu, Xạ can có một số tác dụng dược lý sau:

  • Kháng vi sinh: Nước sắc Xạ can có tác dụng ức chế liên cầu khuẩn, khuẩn bạch hầu, khuẩn thương hàn…
  • Kháng viêm.
  • Tác dụng đối với nội tiết: Dịch chiết và cồn chiết xuất Xạ can cho uống hoặc chích đều có kết quả làm tăng tiết nước miếng. Thuốc chích có tác dụng nhanh và dài hơn.
  • Giải nhiệt: Cho chuột đang sốt cao uống nước sắc Xạ can thấy có tác dụng giải nhiệt.
  • Khứ đờm: Cho chuột nhắt uống nước sắc Xạ can, thấy hô hấp tăng, tống đờm ra mạnh hơn (Trung Dược Dược Lý Dữ Lâm Sàng, Ngô Trạch Phương).

5. Công dụng của vị thuốc

Xạ can vị đắng, tính lạnh, có công dụng chính là thanh nhiệt giải độc, thường được ứng dụng điều trị một số bệnh sau:

  • Viêm họng có sốt, sưng đau (thường phối hợp với Huyền sâm, Thăng ma, Sinh địa, Cát cánh).
  • Mụn nhọt.
  • Chữa ho, làm long đờm.
  • Lợi niệu, chữa phù thũng.
  • Lao hạch, viêm hạch (có thể phối hợp với Liên kiều, Hạ khô thảo, Huyền sâm…).
  • Chứng trong tai sưng đau nhức.
  • Chữa sốt.
  • Đại tiện không thông.
  • Các trường hợp sưng vú, tắc tia sữa.
  • Đau bụng kinh.
  • Các vết thương rắn cắn.
  • Trị đau nhức răng.

6. Liều lượng

Ngày dùng 3 – 6g.

7. Một số bài thuốc sử dụng Xạ can

7.1. Phương thuốc chữa người bị yết hầu sưng đau rất khó ăn uống

Dùng Xạ can sống cùng với mỡ lợn mỗi thứ 4 g nấu với nhau cho gần khô, bỏ bã đi mỗi lần ngậm bằng quả táo, dần dần sẽ khỏi (theo “Tụ trân phương”).

7.2. Bài thuốc trị ho mà khí nghịch lên, trong họng có nước khò khè như gà kêu

Xạ can 13 củ, Ma hoàng 120g, Sinh khương 120g, Tế tân, Tử uyển, Khoản đông hoa đều 90g, Ngũ vị tử 1/2 thăng, Đại táo 7 trái, Bán hạ (chế). Sắc Ma hoàng với 1 đấu 2 thăng nước cho sôi, vớt bỏ bọt, cho các vị kia vào nấu còn 3 thăng, chia làm 3 lần, uống ấm (Xạ Can Ma Hoàng Thang – Kim Quỹ Yếu Lược).

7.3. Bài thuốc trị tắc cổ họng

Xạ can 4g, Hoàng cầm 2g, Cam thảo bắc 2g, Cát cánh 2g.

Đem tất cả giã nhuyễn, sắc với nước để uống.

7.4. Bài thuốc trị báng bụng, da đen sạm

Xạ can tươi giã nhuyễn vắt lấy nước uống, khi nào thấy tiểu tiện nhiều là được.

7.5. Bài thuốc chữa người bị chứng đại tiểu tiện đều không thông

Xạ can, giã vắt lấy nước cốt 1 chén, uống thì thông ngay (Phổ tễ phương).

7.6. Phương thuốc trị vú sưng đau

Xạ can phơi khô, tán bột, trộn với mật rồi đắp lên vùng vú bị sưng đau.

7.7. Bài thuốc trị bạch hầu

Xạ can 3g, Sơn đậu căn 3g, Kim ngân hoa 15g, Cam thảo 6g. Sắc uống.

8. Lưu ý

  • Vị thuốc Xạ can có tính lạnh, những người cơ thể bị lạnh nên thận trọng khi sử dụng.

Xạ can là vị thuốc chữa bệnh hiệu quả. Nhưng để phát huy sự hiệu quả đó, cần có sự chẩn đoán bệnh chính xác, dùng liều lượng, phối hợp thuốc thích hợp với bệnh cảnh. Do đó, bạn không nên tự ý sử dụng mà cần có sự thăm khám và tham khảo ý kiến từ thầy thuốc. Rất mong nhận được những phản hồi cũng như sự đồng hành của các bạn ở các bài viết kế tiếp. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đông Y sỹ Hạnh Lâm, Nguyễn Văn Minh. Dược tính chỉ Nam.

  2. Bài giảng Đông Y. Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Hà Nội.

  3. Bào chế Đông dược. Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Hà Nội.

  4. Võ Văn Chi. Những cây thuốc thông thường.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người