Xà sàng: Cây thuốc chữa bệnh “khó nói” ở nam và nữ
Nội dung bài viết
Xà sàng là một loại cỏ mọc hoang ở khắp nơi. Trong con mắt nhiều người, đó chỉ là thứ cỏ dại bỏ đi. Nhưng thực tế đây lại là một vị thuốc trong Đông y, có khả năng chữa một số bệnh khó chia sẻ cùng ai của cả nam lẫn nữ. Thiên nhiên luôn kì diệu như thế, gần như không có gì là vô ích, kể cả những thứ tưởng chừng như cỏ dại kia. Vậy công dụng cụ thể của cây thuốc này là gì, chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé.
1. Đặc điểm cây Xà sàng
1.1. Mô tả
Xà sàng còn được biết đến với cái tên Giần sàng. Sở dĩ là Xà sàng vì người ta thấy rắn hay nằm trên cây này, còn Giần sàng là do cụm hoa của nó nhìn từ trên cao xuống trông như cái giần hay sàng gạo. Nó có tên khoa học Cnidium monnieri (L.) Cuss, thuộc họ Hoa tán (Apiaceae). Đây là loại cây thân cỏ nhỏ, khá thấp, chiều cao chỉ khoảng 0,4 – 1m. Thân cây có vạch dọc.
Lá cây là dạng lá xẻ lông chim 2 lần, có bẹ ngắn ôm vào thân. Cuống lá có chiều dài trung bình từ 4 – 8 cm. Các thùy lá có chiều rộng cỡ 1,5mm.
Hoa Xà sàng mọc thành tán kép, có nhiều hoa nhỏ li ti. Lúc mới nở nụ hoa có màu xanh, khi nở bung ra màu trắng. Cuống hoa có chiều dài cỡ 7 – 12 cm, dài hơn lá, tổng bao có ít lá bắc hẹp. Nhìn từ trên cao xuống, cụm hoa trông rất giống với hình dáng cái giần mà người nông dân hay dùng để sàng gạo. Nên nó còn có tên Giần sàng vì lẽ đó. Quả Xà sàng nhỏ, dài khoảng 2 – 5mm, chia thành nhiều múi có dìa mỏng. Vỏ ngoài cứng có màu nâu nhạt.
1.2. Phân bố
Xà sàng có sức sinh trưởng rất mạnh mẽ, đặc biệt là vào mùa xuân khi tiết trời ẩm mát. Cây mọc hoang khắp nơi ở bờ ruộng, bờ sông, ven đường, bãi cỏ. Đặc biệt nhiều ở miền Bắc, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trở ra.
2. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Bộ phận được dùng làm thuốc trên cây này là quả và hạt. Nó được gọi là Xà sàng tử.
Quả thu hái vào mùa hạ, tầm tháng 6 – 8. Người ta nhổ cả cây đem về phơi khô, đập lấy quả, sảy sạch tạp chất.
Theo cách bào chế Đông y: dùng uống trong thì xát bỏ vỏ ngoài, lấy nhân sao qua cho không còn cay. Nếu dùng làm nước rửa bên ngoài thì dùng sống.
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Nếu dùng sống thì nấu nước tắm rửa. Dùng chín thì tẩm muối sao qua (nổ đều là được).
Dược liệu cần được bảo quản nơi khô ráo, kín, thoáng mát. Tránh những chỗ nóng, ẩm làm mất tinh dầu.
3. Thành phần hóa học của Xà sàng
Xà sàng chứa 1,3% tinh dầu, đây là một chất có mùi hắc đặc biệt. Nó chứa các thành phần chính L.pinen, camphen và bocnylisovalerianat.
Ngoài ra còn có chất Ostola là một loại tinh thể không màu. Chất dầu màu đen xanh có thành phần chủ yếu là 92,66% axit béo không no, 4,56% axit béo no và 0,38% chất không xà phòng hóa được, 3,27% glycerin.
4. Công dụng của Xà sàng tử
Xà sàng vị cay, đắng, tính ấm, hơi có độc. Nó có tác dụng làm cường dương, ấm tử cung, sát trùng ngoài da, chữa bộ phận sinh dục ẩm ngứa. Nó thường được dùng để chữa các chứng:
- Nam liệt dương, nữ lạnh tử cung nên khó có thai.
- Chữa âm đạo hay bộ phận sinh dục lở ngứa.
- Chữa dương vật sưng to như dùi trống.
- Trị ghẻ lở, hắc lào, các mụn nhọt chảy nước vàng dầm dề.
- Chữa phụ nữ âm hộ ngứa, ra khí hư.
- Trị lòi dom.
>> Xem thêm: Muồng trâu: Đằng sau vị thuốc trị Hắc lào hiệu quả
5. Một số bài thuốc sử dụng Xà sàng tử
5.1. Bài thuốc chữa nam liệt dương, nữ lạnh tử cung
Xà sàng tử, Ba kích mỗi vị 12g, Ngũ vị tử, Phá cố chỉ, Nhục quế mỗi vị 8g. Tất cả đem tán bột, hoặc làm viên, uống mỗi ngày 24g với nước sắc Dây tơ hồng sao 30g làm thang.
5.2. Bài thuốc chữa viêm âm đạo do trùng roi
Xà sàng tử 30g, Hoàng bá 9g. Tất cả tán thành bột mịn, trộn với glycerogelatin làm thành thuốc đĩnh 2g (mỗi thỏi nặng 2g). Mỗi ngày đặt 1 thỏi vào âm đạo.
5.3. Bài thuốc chữa trĩ ngoại
Xà sàng tử 40g, Cam thảo 40g. Tán nhỏ, trộn đều; ngày uống 9g, chia ra làm 3 lần uống, mỗi lần 3g. Đồng thời nấu nước Xà sàng tử xông và rửa chỗ đau.
>> Xem thêm: Ngũ bội tử: Công dụng cho người bệnh trĩ
6. Lưu ý
Vậy là bài viết hôm nay lại giới thiệu đến bạn đọc thêm một vị thuốc nữa. Tuy nhiên do Xà sàng là vị thuốc có độc, nên bạn đọc phải cẩn trọng khi sử dụng, đặc biệt là nếu muốn dùng đường uống. Tốt hơn hết là nên có sự thăm khám từ thầy thuốc.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Lê Trần Đức. Trồng hái và dùng cây thuốc, tập II. Nhà xuất bản Nông nghiệp.
- Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Ương. Nghiên cứu bào chế 50 vị thuốc Y học cổ truyền thiết yếu. Nhà xuất bản Hà Nội.