Xét nghiệm thủy đậu gồm những loại nào? Câu trả lời của bác sĩ
Nội dung bài viết
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan. Bệnh tương đối lành tính và dễ điều trị. Tuy nhiên, thủy đậu vẫn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Thủy đậu có thể được chẩn đoán bằng các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm. Trong bài viết dưới đây, Bác sĩ Phan Văn Giáo sẽ cung cấp thông tin về một số xét nghiệm chẩn đoán. Hãy cùng theo dõi nhé!
Thủy đậu là gì?
Thủy đậu là bệnh dễ lây lan do virus varicella – zoster (VZV) gây ra. Thủy đậu có dấu hiệu đặc trưng là phát ban ngứa dưới dạng các vết phồng rộp. Những nốt phát ban này có thể xuất hiện đầu tiên ở trên ngực, lưng, mặt sau đó lan rộng khắp cơ thể.1
Theo thống kê của Hội Y học Dự phòng Việt Nam, năm 2018, cả nước có tổng cộng hơn 31.000 người mắc thủy đậu. Số liệu năm 2017 là 39.000 ca, tăng 45,9% so với năm 2016. Hơn 90% người bệnh nhiễm thủy đậu trong độ tuổi từ 2 – 7 tuổi.2
Khi có các triệu chứng nghi nhiễm thủy đậu, người bệnh cần phải nhanh chóng liên hệ bác sĩ để được chẩn đoán bằng các biện pháp khác nhau như triệu chứng lâm sàng, hay thông qua các xét nghiệm chẩn đoán.
Xét nghiệm thủy đậu gồm những loại nào?
Xét nghiệm kháng thể và xét nghiệm PCR là 2 loại xét nghiệm chẩn đoán thủy đậu thường được sử dụng hiện nay.
Xét nghiệm PCR
Xét nghiệm PCR là phương pháp nhạy cảm nhất để xác định chẩn đoán bệnh thủy đậu là sử dụng phản ứng chuỗi polymerase (PCR) để phát hiện VZV trong các tổn thương da (mụn nước, vảy, tổn thương dát sẩn,…). Là một xét nghiệm dùng để phát hiện các bộ gen của virus trong dịch túi, dịch não tủy, mô, dịch rửa phế quản phế nang,…3
Kết quả xét nghiệm PCR được đọc như sau:
- Nếu PCR có kết quả xét nghiệm âm tính: không mắc bệnh thủy đậu.
- Nếu PCR có kết quả xét nghiệm dương tính: mắc bệnh thủy đậu.
Giá của xét nghiệm PCR có khác nhau tại các cơ sở y tế khác nhau, thường khoảng 500.000 VNĐ cho một lần test. Nếu có nhu cầu xét nghiệm, bạn có thể đến các bệnh viện, phòng khám, trung tâm xét nghiệm uy tín trên cả nước đế thực hiện.
Xét nghiệm kháng thể
1. Kháng thể IgM
Xét nghiệm huyết thanh học IgM được sử dụng để tìm kháng thể IgM trong máu của người bệnh. Đây là một xét nghiệm ít nhạy hơn so với xét nghiệm PCR các tổn thương da. Huyết thanh học IgM có thể cung cấp bằng chứng về tình trạng nhiễm VZV đang hoạt động gần đây, nhưng không phân biệt giữa nhiễm trùng nguyên phát và tái nhiễm nhiễm. Đây là một trong những xét nghiệm kém đặc hiệu.3
Xét nghiệm huyết thanh dương tính đối với kháng thể globulin miễn dịch M (IgM) varicella – zoster khi có phát ban giống như thủy đậu:
- Nếu IgM dương tính: đang nhiễm virus thủy đậu.
- Nếu IgM âm tính: không có kháng thể của virus thủy đậu trong máu, tiếp tục theo dõi các triệu chứng của bệnh.
2. Kháng thể IgG
Đây xét nghiệm tìm kháng thể của virus gây bệnh thủy đậu trong huyết thanh người bệnh.
Kết quả:
- Nếu IgG dương tính: đang nhiễm virus thủy đậu.
- Nếu IgG âm tính: không có kháng thể trong máu, có thể đang nhiễm virus thuỷ đậu, cần tiếp tục theo dõi triệu chứng của bệnh.
Thông thường, kết quả xét nghiệm kháng thể IgG và IgM sẽ được kết hợp với nhau để đưa ra chẩn đoán cuối cùng:4
- Nếu kháng thể IgG trong máu dương tính và IgM âm tính: bệnh nhân nghi ngờ bệnh thủy đậu không có các dấu hiệu lâm sàng, có thể đã từng bị thủy đậu hoặc đã được tiêm phòng.
- Kết quả âm tính: không bị nhiễm virus gây bệnh thủy đậu.
- Kháng thể IgM dương tính, IgG dương tính hoặc âm tính: đã bị nhiễm thủy đậu.
Xét nghiệm kháng thể IgG và IgM là phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán xác định bệnh thủy đậu. Người dân có thể thực hiện xét nghiệm này ở các bệnh viện, phòng khám, trung tâm xét nghiệm uy tín trên cả nước. Giá của xét nghiệm kháng thể IgG hoặc IgM thường rơi vào khoảng 400.000 VNĐ cho mỗi lần test. Mức giá này có thể thay đổi tùy thuộc vào từng đơn vị xét nghiệm khác nhau.
Một số lưu ý khi thực hiện xét nghiệm thủy đậu
Tùy từng loại xét nghiệm mà sẽ có các lưu ý khác nhau. Bạn có thể được yêu cầu nhịn ăn hoặc tránh dùng một số chất kích thích như trà, cà phê để không ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm huyết thanh.
Xét nghiệm PCR có thể sử dụng mẫu từ chính các tổn thương trên da người bệnh. Trong khi đó, xét nghiệm kháng thể sẽ sử dụng mẫu máu ở tĩnh mạch. Sau khi lấy mẫu, vị trí đâm kim có thể bị đau và bầm tím nhẹ. Tuy nhiên, những phản ứng này sẽ nhanh chóng biến mất.
Để biết chính xác và cụ thể cần lưu ý gì, bạn có thể hỏi ý kiến của bác sĩ, nhân viên y tế để được tư vấn trước khi thực hiện xét nghiệm thủy đậu.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các xét nghiệm thủy đậu thường được sử dụng hiện nay. Nếu có các triệu chứng của bệnh thủy đậu, bạn nên liên hệ cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị phù hợp nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
About Chickenpoxhttps://www.cdc.gov/chickenpox/about/index.html
Ngày tham khảo: 11/05/2023
-
Phòng chống bệnh thủy đậuhttps://soyte.phutho.gov.vn/Chuyen-muc-tin/Chi-tiet-tin/title/1665/ctitle/142
Ngày tham khảo: 11/05/2023
-
Interpreting Laboratory Testshttps://www.cdc.gov/chickenpox/lab-testing/lab-tests.html
Ngày tham khảo: 11/05/2023
-
Chickenpox and Shingles Testshttps://www.testing.com/tests/chickenpox-and-shingles-tests/
Ngày tham khảo: 11/05/2023