Xơ cứng bì khu trú dạng mảng là một bệnh lý ở da, biểu hiện với các mảng đổi màu trên tay, bụng, ngực, lưng. Nếu bạn nhận thấy các mảng da cứng hoặc dày màu đỏ, hãy đến gặp bác sĩ. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp làm chậm sự phát triển của các mảng mới và cho phép bác sĩ của bạn xác định và điều trị các biến chứng trước khi chúng xấu đi. Hãy cùng bác sĩ Nguyễn Thị Thảo tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
1. Tổng quan về bệnh xơ cứng bì khu trú dạng mảng
Xơ cứng bì khu trú dạng mảng hay còn gọi là Morphea là một tình trạng da hiếm gặp. Nó gây ra các mảng đổi màu không đau trên da của bạn. Thông thường, các thay đổi về da này xuất hiện trên bụng, ngực hoặc lưng. Nhưng chúng cũng có thể xuất hiện trên mặt, cánh tay hoặc chân của bạn.
Theo thời gian, các mảng có thể trở nên cứng, khô và mịn. Xơ cứng bì khu trú dạng mảng có xu hướng ảnh hưởng đến các lớp nông bên ngoài của da. Nhưng một số dạng ít gặp cũng ảnh hưởng đến các mô sâu hơn và hạn chế chuyển động ở các khớp.
Bệnh này gây ra các mảng đổi màu không đau trên da
Bệnh này thường tự giảm theo thời gian, tuy nhiên bệnh vẫn có thể tái phát sau đó. Trong khi đó, các loại thuốc và liệu pháp có sẵn để giúp điều trị sự đổi màu da và các tác dụng khác.
2. Các triệu chứng của xơ cứng bì khu trú dạng mảng
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh khác nhau, tùy thuộc vào loại và giai đoạn bệnh. Bao gồm:
Các mảng da hình bầu dục hơi đỏ hoặc tía, thường ở bụng, ngực hoặc lưng.
Sang thương phát triển dần dần, phía trung tâm nhạt hơn hoặc trắng hơn.
Các mảng dài trên da, đặc biệt là trên cánh tay hoặc chân.
Thay đổi dần vùng da bị ảnh hưởng, trở nên cứng, dày lên, khô và bóng.
Rụng tóc và mất tuyến mồ hôi ở khu vực bị ảnh hưởng.
Xơ cứng bì khu trú dạng mảng thường chỉ ảnh hưởng đến da và mô bên dưới nhưng đôi khi cũng ảnh hưởng đến xương. Tình trạng này thường kéo dài vài năm và sau đó tự biến mất. Nó có thể để lại sẹo hoặc những vùng da bị sạm hoặc đổi màu.
3. Nguyên nhân gây bệnh xơ cứng bì khu trú dạng mảng
Nguyên nhân gây bệnh là gì?
Nguyên nhân của Morphea là không rõ. Một số chuyên gia cho rằng đó là do nhiễm trùng, nhưng lý thuyết đó chưa được chứng minh.
Tuy nhiên có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ tiến triển bệnh, bao gồm:
Giới tính nữ : Phụ nữ có nhiều khả năng phát triển morphea hơn nam giới.
Tuổi tác : Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Nhưng nó thường xuất hiện ở độ tuổi từ 2 đến 14 hoặc giữa những năm 40 tuổi.
4. Xơ cứng bì khu trú dạng mảng có thể gây ra các biến chứng gì?
Morphea có thể dẫn đến nhiều biến chứng
Morphea có thể gây ra một số biến chứng, bao gồm:
Sự tự ti: Morphea có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và ngoại hình của bạn. Đặc biệt nếu các mảng da đổi màu xuất hiện trên cánh tay, chân hoặc mặt của bạn.
Khả năng vận động : Morphea ảnh hưởng đến cánh tay hoặc chân có thể làm giảm khả năng vận động của khớp.
Các vùng da cứng, sạm màu lan rộng: Nhiều mảng da đổi màu, cứng mới dường như liên kết với nhau, một tình trạng được gọi là morphea toàn thân.
Tổn thương mắt : Trẻ em bị Morphea ở đầu và cổ có thể bị tổn thương mắt vĩnh viễn nhưng điều này khó nhận biết sớm.
5. Chẩn đoán xơ cứng bì khu trú dạng mảng như thế nào?
Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh Morphea bằng cách nào?
Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh Morphea bằng cách kiểm tra vùng da bị ảnh hưởng và hỏi bạn về các dấu hiệu và triệu chứng của bạn.
Họ có thể lấy một mẫu nhỏ của vùng da bị ảnh hưởng (sinh thiết da) để kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Điều này có thể cho biết những thay đổi trên da của bạn, chẳng hạn như sự dày lên của protein (collagen ) ở lớp thứ hai của da (hạ bì).
Điều quan trọng là phải phân biệt xơ cứng bì khu trú dạng mảng với bệnh xơ cứng bì toàn thân và các bệnh lý khác. Nếu con bạn bị morphea ở đầu và cổ, hãy đưa con đi khám mắt thường xuyên, vì morphea có thể gây tổn thương mắt khó nhận biết nhưng không thể phục hồi.
Siêu âm và chụp cộng hưởng từ có thể hữu ích trong việc theo dõi sự tiến triển của bệnh và đáp ứng với điều trị.
6. Điều trị xơ cứng bì khu trú dạng mảng như thế nào?
Morphea thường biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên nó có thể để lại sẹo hoặc các vùng da đổi màu. Bạn có thể theo các phương pháp điều trị giúp kiểm soát dấu hiệu và triệu chứng của mình.
Các lựa chọn điều trị bao gồm:
Sử dụng kem bôi da
Kem bôi da
Bác sĩ có thể kê đơn một loại kem vitamin D. Chẳng hạn như calcipotriene (Calcipotriene, Dovonex, Taclonex), để giúp làm mềm các mảng da. Da thường bắt đầu cải thiện trong những tháng đầu điều trị.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm bỏng rát, châm chích và phát ban. Hoặc bác sĩ có thể kê đơn một loại kem corticosteroid để giảm viêm. Khi sử dụng trong thời gian dài, các loại kem này có thể làm mỏng da.
Liệu pháp ánh sáng
Đối với morphea nặng hoặc lan rộng, điều trị có thể bao gồm sử dụng tia cực tím (đèn chiếu).
Thuốc uống
Đối với Morphea nghiêm trọng hoặc lan rộng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc ức chế miễn dịch. Chẳng hạn như methotrexate uống (Trexall), thuốc viên corticosteroid hoặc cả hai. Hoặc bác sĩ có thể đề nghị hydroxychloroquine (Plaquenil). Mỗi loại thuốc này đều tiềm ẩn những tác dụng phụ nghiêm trọng.
7. Biện pháp khắc phục tại nhà
Vì Morphea làm khô vùng da bị ảnh hưởng, kem dưỡng ẩm có thể giúp làm mềm và cải thiện cảm giác của da. Bạn nên tránh tắm vòi sen hoặc tắm nước nóng quá lâu vì chúng có thể làm khô da.
Xơ cứng bì khu trú dạng mảng thường không gây tình trạng nguy hiểm, tuy nhiên nó ảnh hưởng đến ngoại hình của người bệnh. Nó có thể là một tình trạng khó khăn để chung sống. Nếu bạn muốn được tư vấn hoặc hỗ trợ, hãy yêu cầu bác sĩ giới thiệu đến chuyên gia sức khỏe tâm thần. Tuân thủ điều trị và lời dặn của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.