Xử lý ngộ độc thực phẩm: nắm rõ để xử trí đúng cách
Nội dung bài viết
Ngộ độc thực phẩm là một vấn đề sức khỏe phổ biến. Tuy nhiên, sơ cứu và xử lý ngộ độc thực phẩm như thế nào vẫn còn là mối băn khoăn của nhiều người. Hãy cùng tìm hiểu các thông tin cần thiết qua bài viết sau đây nhé!
Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm còn có tên là ngộ độc thức ăn. Người dân chúng ta thường dùng một cách gọi quen thuộc hơn là “trúng thực”. Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi thức ăn bị nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn. Sự nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc có thể đến từ nhiều công đoạn khác nhau, bao gồm:
- Giai đoạn thu hoạch, làm sạch và giai đoạn sơ chế thức ăn. Nguồn nhiễm có thể từ phân bón, thuốc trừ sâu chưa thải hết. Ký sinh trùng như giun sán,… bám trên bề mặt rau quả, thịt cá,.. chưa được rửa sạch.
- Giai đoạn chế biến. Trúng thực có thể do nguồn nước không sạch, nấu thức ăn không chín.
- Giai đoạn bảo quản thực phẩm. Nhiệt độ, độ ẩm không phù hợp. Để thức ăn tiếp xúc với côn trùng, thức ăn đóng hộp không xử lí đúng cách,…. Đó là những tình trạng phổ biến khiến thức ăn nhiễm khuẩn.
- Ngoài ra, ngộ độc còn do bản thân độc chất có trong thực phẩm như cá nóc, nấm độc, khoai tây lên mầm,…
Đặc biệt, tình trạng này thường gặp ở các nước đang phát triển, điều kiện vệ sinh môi trường kém. Tại Việt Nam, cao điểm vào mùa nóng, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra lẻ tẻ hoặc trên diện rộng. Người dân cần nắm rõ các nguyên tắc xử lý ngộ độc thực phẩm để chủ động trong việc phát hiện và xử trí kịp thời
Triệu chứng ngộ độc thực phẩm?
Triệu chứng của ngộ độc thường đến nhanh sau bữa ăn. Trung bình là khởi phát trong vòng vài giờ đồng hồ sau ăn. Biểu hiện của tình trạng ngộ độc thức ăn cũng khá đa dạng. Thông thường, các triệu chứng sẽ thay đổi tùy theo nguồn nhiễm, tác nhân gây nhiễm bẩn hoặc từng dạng độc chất. Các dấu hiệu thường gặp trong một trường hợp ngộ độc thực phẩm điển hình bao gồm:
- Nôn ói là biểu hiện phổ biến khi ngộ độc thực phẩm
- Buồn nôn, nôn ra thức ăn vừa ăn. Sau nôn người bệnh cảm thấy khá hơn
- Tiêu chảy sau ăn. Tính chất phân thay đổi tùy tác nhân. Có thể là phân tóe nước hoặc phân có máu.
- Đau bụng. Thường gặp là đau quặn vùng trên rốn.
- Sốt
- Mất nước và rối loạn điện giải. Khi tình trạng nôn ói, tiêu chảy xảy ra quá nhiều, kèm sốt cao,… bệnh nhân có thể biểu hiện mất nước. Tình trạng mất nước và điện giải có thể gây ra các biểu hiện mệt mỏi, yếu tay chân. Mức độ nặng sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim mạch, thận và các cơ quan khác,…
Tuy nhiên, đa phầm các trường hợp ngộ độc thực phẩm thường nhẹ. Bệnh nhân có thể thấy khó chịu, mệt mỏi. Sau khi nôn ói hết thức ăn hoặc đi tiêu vài lần, các triệu chứng sẽ cải thiện dần và có thể tự khỏi. Một số trường hợp biểu hiện đa dạng hay nặng nề, người bênh cần được can thiệp y khoa kịp thời. Đặc biệt là khi nghi ngờ nguyên nhân từ các thực phẩm có độc chất: nấm dại, hải sản,..Lúc này, cần đưa đến bệnh viện để nhân viên y tế xử lý ngộ độc thực phẩm đúng theo mức độ và nguyên nhân.
Xử lý ngộ độc thực phẩm
Đa số các trường hợp nhẹ, triệu chứng sốt, nôn mới xuất hiện, người bệnh có thể tự xử lý tại nhà trước. Tìm hiểu về một sô phương pháp xử lý ngộ độc thực phẩm tại nhà qua bài viết sau đây:
Những trường hợp nhiều triệu chứng hoặc mức độ biểu hiện nặng nề, cần liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ hoăc người lớn tuổi, người có các bệnh lí nền mạn tính.
Đưa đến bệnh viện:
Gọi cấp cứu ngay khi nghi ngờ người bệnh ăn nhầm nấm độc hay các thức ăn có độc khác. Hoặc nghi ngờ uống nhầm hóa chất không rõ hay người bệnh có ý muốn tự tử.
Đối với các trường hợp ngộ độc tập thể, mức độ nặng có thể rất khác nhau giữa các bệnh nhân. Nên liên hệ cơ sở y tế gần nhất để tiến hành điều trị kịp thời. Ngoài ra, các trường hợp nghi gộ độc do vi sinh vật dễ gây dịch như tả,.. cũng cần được báo cáo để xử lí trong địa phương. Nhằm tránh dịch bùng lên với quy mô lớn.
Sau đây là tổng quan điều trị ngộ độc thực phẩm tại cơ sở y tế:
Kiểm soát tuần hoàn, hô hấp, thần kinh trong các trường hợp nặng:
Độc chất hoặc mất nước nặng có khả năng khiến bệnh nhân vào sốc. Trường hợp xử lý ngộ độc thực phẩm này cần can thiệp y khoa khẩn trương. Sau khi ổn định tình trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ điều trị cụ thể dựa trên các triệu chứng và nguyên nhân ở người bệnh.
Kiểm soát nôn
Tình trạng nôn ói cần can thiệp y tế khi:
Nôn ói nhiều và liên tục khiến bệnh nhân không thể ăn uống được. Đặc biệt nếu kèm theo tình trạng hạ đường huyết. Các dấu hiệu có thể tự nhận tình trạng hạ đường huyết bao gồm:
- Mệt mỏi, bủn rủn tay chân
- Vã mồ hôi, hồi hộp
- Xây xẩm mặt mày, không đứng vững hay té ngã do “tối sầm” trước mắt,…
Nôn ói ra máu hoặc dịch có màu xanh vàng gần giống phân
Nôn ói cùng tiêu chảy liên tục khiến người bệnh có:
- dấu mất nước
- tiểu ít hay không có nước tiểu
- sụt cân rõ đặc biệt ở bệnh nhi.
Cách xử lý ngộ độc thực phẩm: uống thuốc chống nôn cho bệnh nhân khi đã xác định được nguyên nhân gây nôn ói. Các thuốc chống nôn có một số tác dụng phụ. Vì vậy liều lượng dùng trong ngày cần được tính toán và kiểm soát bởi bác sĩ. Người bệnh và gia đình không nên tự ý dùng thuốc chống nôn khi chưa qua thăm khám và chỉ định.
Cải thiện tình trạng mất nước:
Trong trường hợp mất nước nhẹ, người bệnh còn khả năng uống, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách tự bù nước tại nhà. Dung dịch bù có thể là nước khoáng, nước trái cây hay với dung dịch Oresol tùy từng tình trạng bệnh nhân. Thường là uống theo nhu cầu mỗi khi khát và sau khi đi tiêu. Cách thức pha cùng liều dùng cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn.
Những trường hợp có biểu hiện mất nước nặng hoặc người bệnh không có khả năng tự chăm sóc cần được nhập viện. Nhân viên y tế sẽ bù dịch, điện giải và theo dõi mạch, huyết áp, nhiệt độ. Không được tự ý bù dịch hoặc tại các phòng khám không đủ thiết bị và nhân lực. Bệnh nhân có khả năng vô sốc khi bù dịch không đúng cách. Mức độ nguy hiểm cao nhất là tử vong do sốc.
- Truyền dịch là một trong các biện pháp xử lý ngộ độc thực phẩm tại cơ sở y tế
Dùng kháng sinh khi cần:
Một số tình trạng ngộ độc do nhiễm khuẩn cần đến kháng sinh để loại trừ tác nhân gây hại. Việc sử dụng kháng sinh cần có chỉ định và sự quản lí chặt chẽ từ bác sĩ điều trị. Tự ý sử dụng có nguy cơ dùng sai, làm chậm trễ chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra còn tiềm ẩn nguy cơ kháng kháng sinh về sau này.
Cùng các biện pháp xử lý ngộ độc thực phẩm đặc thù khác tùy từng bệnh trạng như: giải độc, rửa dạ dày,…
Ngộ độc thực phẩm là một tình trạng thường gặp và thường dễ xử trí. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nặng cần được can thiệp y khoa kịp thời. Các triệu chứng phổ biến nhất là nôn ói, tiêu chảy, mất nước,… Khi phát hiện các dấu hiệu nặng, hãy liên hệ cơ sơ y tế ngay. Tránh tự ý dùng thuốc chống nôn ói, cầm tiêu chảy và kháng sinh. Qua bài viết, hi vọng bạn đọc có thêm những thông tin hữu ích về chữa trị đúng cách về tình trạng này.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Treatment for Food poisoning
Treatment for Food Poisoning | NIDDK (nih.gov)
Ngày truy cập: 30-01-2021
Food poisoning treatment
Food Poisoning Treatment: First Aid Information for Food Poisoning (webmd.com)
Ngày truy cập: 30-01-2021