YouMed

Bố mẹ phải xử trí như thế nào khi em bé bị rắn cắn?

Bác sĩ HUỲNH NGUYỄN UYÊN TÂM
Tác giả: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
Chuyên khoa: Nhi

Em bé bị rắn cắn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Một số loài rắn độc thường gặp như rắn cạp nia, rắn hổ mang, rắn san hô, rắn lục. Và cũng nhiều loài rắn không có nọc độc. Có khoảng 30% những loài rắn độc khi cắn có thể không tiết nọc độc. Tuy vậy nó vẫn có thể gây những thương tổn khác đến cơ thể trẻ. 

Triệu chứng nhận biết em bé bị rắn cắn

Đa số rắn lành không gây ra bất kì triệu chứng nặng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Nếu bị rắn độc cắn, trẻ có thể sưng và bầm tím đáng kể ở vết thương. Những triệu chứng này thường xuất hiện trong vòng 30 phút. Ngoài ra, trẻ có thể xuất hiện thêm những dấu hiệu khác:

em bé bị rắn cắn
Em bé bị rắn cắn
  • Vết thương chảy máu;
  • Dấu vết rắn cắn trên da;
  • Buồn nôn hoặc nôn ói;
  • Chóng mặt, nhức đầu hoặc ngất xỉu;
  • Khó nuốt;
  • Yếu liệt;
  • Chảy máu mũi, chảy máu răng hay tiêu tiểu ra máu;
  • Tay chân lạnh;
  • Da xanh tái;
  • Khó thở.

Nếu bị rắn san hô cắn, trẻ có thể đau nhưng không gây ra tổn thương ở mô hoặc bầm tím đáng kể. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Cách sơ cứu khi trẻ bị rắn độc cắn

Đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức

Khi phát hiện em bé bị rắn cắn, bạn cần bình tĩnh đưa trẻ đến nơi an toàn. Trong vòng 4 tiếng đầu sau khi bị rắn độc cắn, bạn hãy đưa trẻ đến phòng cấp cứu của bệnh viện nhanh nhất có thể. Đây là một trong những điều quan trọng nhất để điều trị vết rắn cắn. Việc cần chú ý là giữ con bạn nằm yên ở một tư thế. Điều này giúp hạn chế nọc độc không ngấm vào cơ thể quá nhiều. Nếu trẻ bị cắn ở tay hoặc chân, hãy nới lỏng quần áo và tháo vòng tay hoặc nhẫn trước khi vết thương trở nên sưng tấy. 

Không cho trẻ ăn hoặc uống bất cứ thứ gì. Giữ ấm cơ thể con bạn nhưng không chườm nóng vết cắn. Bạn có thể theo dõi nhịp tim và nhịp thở của trẻ trong khi đưa đến bệnh viện.

trẻ bị rắn cắn
Hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay

Thuốc kháng nọc rắn

Cách tốt nhất để giúp điều trị vết rắn độc cắn hiệu quả nhất là đưa con bạn đến bệnh viện nhanh nhất có thể. Lúc đó, trẻ sẽ được cấp cứu và chữa trị kịp thời bởi các nhân viên y tế. Thuốc kháng nọc rắn hiện nay đã cứu sống được nhiều trường hợp nguy hiểm.

Không hút nọc độc

Việc hút nọc độc ra ngoài chỉ loại bỏ được rất ít nọc độc và thường thì không có ích gì. Quan trọng là KHÔNG BAO GIỜ cố dùng miệng để hút nọc độc của rắn. Việc làm này không những không giúp được gì mà thậm chí còn có thể gây nhiễm trùng vết thương. Ngoài ra một rủi ro khác là nọc độc có thể nhiễm vào máu của bạn thông qua vết thương hở. Không cố nặn vết thương để lấy nọc độc vì không mang lại hiệu quả. Cuối cùng, không dùng đá lạnh hay bất cứ thuốc, lá cây dân gian đặt lên vết thương. Những việc này có thể gây tê cứng và tổn hại đến làn da trẻ sau này.

trẻ bị rắn cắn
Không hút nọc độc của rắn

Trường hợp không xác định em bé bị rắn cắn là rắn lành hay rắn độc

Thỉnh thoảng trong một vài tình huống, cha mẹ phát hiện em bé bị rắn cắn nhưng không tìm được rắn. Nếu rắn đã chết và khó xác định loài rắn có độc hay không, tốt nhất là bạn nên đem theo loài rắn đó đến bệnh viện để Bác sĩ xác định. 

Chăm sóc trẻ tại nhà

Thông thường, những cái răng nhỏ của rắn lành có thể không làm rách da. Khi đó bạn cần rửa sach vết thương với xà phòng và nước. Trong trường hợp có vết thương làm rách da, trẻ cần được tiêm ngừa vắc-xin uốn ván nếu chưa tiêm mũi nào trong vòng 5 năm gần đây.

Đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức nếu

  • Có một hoặc hai vết cắn sâu làm rách da.
  • Vết cắn sưng to.
  • Xuất hiện tụ máu hoặc vết bầm tím ở vùng da bị cắn.
  • Con trẻ của bạn có các triệu chứng bất thường sau 6 tiếng kể từ khi bị cắn.

Phòng tránh em bé bị rắn cắn như thế nào?

Trẻ em thường thích chạy nhảy, khám phá môi trường xung quanh. Đôi khi, cha mẹ không thể nào quan sát và chăm sóc trẻ mọi lúc mọi nơi. Chính vì thế, trẻ rất dễ có nguy cơ bị rắn cắn. Vậy nên, cung cấp những thông tin về cách phòng tránh bị rắn cắn là rất quan trọng với con bạn.

  • Hãy dạy trẻ nhận biết và cách xa các con rắn. Trẻ em thường tò mò nên có thể đến gần hoặc cố đuổi giết chúng.
  • Đảm bảo trẻ không đến những nơi có cỏ mọc um tùm. 
  • Không cho phép trẻ thò tay hoặc chân vào những chỗ mà chúng không nhìn thấy bên trong như hang hốc, khe đá. Hạn chế khiêng những tảng đá hoặc các cành cây khô.
  • Hết sức cảnh giác và luôn cẩn trọng khi trẻ đang trèo lên các tảng đá lớn.

Nếu không điều trị kịp thời, nọc độc có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. Dù là bị rắn lành hay rắn độc cắn, đưa trẻ đến bệnh viện là một trong những phương pháp xử trí an toàn cho trẻ. Sau cùng, để hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của bé, các bậc phụ huynh nên tham khảo ý kiến của các Bác sĩ nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.abcdpediatrics.com/advisor/pa/pa_bitesnak_hhg.htm

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người