Y học thường thức: Chứng mất ngôn ngữ (APHASIA)
Nội dung bài viết
Ngôn ngữ đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày. Những bệnh nhân có tổn thương ở não có thể gặp phải chứng mất ngôn ngữ, một bệnh lý mà người bệnh gặp khó khăn trong nói, hiểu, đọc, viết và tính toán. Hãy cùng tìm hiểu về chứng mất ngôn ngữ – (aphasia) này!
Thế nào là chứng mất ngôn ngữ?
Chứng mất ngôn ngữ – Aphasia, là thuật ngữ y học miêu tả tình trạng bệnh nhân mất khả năng sử dụng hoặc tiếp nhận ngôn ngữ. Tình trạng này xảy ra khi não bộ bị tổn thương ở nhiều bệnh lý khác nhau, thường là do tai biến mạch máu não.
Có nhiều dạng mất ngôn ngữ khác nhau, một vài dạng ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận lời nói hoặc khả năng đọc. Một vài dạng khác lại ảnh hưởng để khả năng nói hoặc viết. Các dạng chính của chứng mất ngôn ngữ như:
- Mất ngôn ngữ biểu đạt (còn gọi là mất ngôn ngữ vùng Broca – Broca’s aphasia) – ở dạng mất ngôn ngữ này bệnh nhân vẫn có thể nghe hiểu nhưng gặp khó khăn trong vấn đề nói và viết.
- Mất ngôn ngữ lưu loát (còn gọi là mất ngôn ngữ vùng Wernicke – Wernicke’s aphasia) – Ở dạng mất ngôn ngữ này bệnh nhân vẫn có thể nói nhưng thường nói khó hiểu. Bệnh nhân nói rất nhiều nhưng nói không hợp ngữ cảnh hoặc đôi khi nói lẫn lộn không thành câu.
- Mất ngôn ngữ toàn thể (Global aphasia) – Bệnh nhân không thể nói chuyện và cũng không thể nghe hiểu. Cũng không thể đọc hoặc viết.
- Mất ngôn ngữ định danh (Anomic aphasia) – bệnh nhân gặp vấn đề trong việc gọi tên những đồ vật. Bệnh nhân vẫn có thể nói chuyện nhưng không thể nhớ hay gọi tên những đồ vật.
- Mất ngôn ngữ đọc (Alexia) – bệnh nhân mất khả năng đọc hiểu, họ không thể hiểu những đoạn văn. Hầu hết bệnh nhân gặp vấn đề này thường kèm với những dạng mất ngôn ngữ khác đi kèm.
Nguyên nhân của chứng mất ngôn ngữ?
Nguyên nhân thường gặp nhất của chứng mất ngôn ngữ là tai biến mạch máu não. Tuy nhiên những tổn thương não bộ khác cũng có thể dẫn đến mất ngôn ngữ. Như trong chấn thương sọ não nặng hay u não, bệnh nhân cũng có thể mắc phải chứng mất ngôn ngữ.
Có những bệnh lý tổn thương não lâu dài và dẫn đến mất ngôn ngữ hay còn gọi là “Mất ngôn ngữ tiên phát “.
Bệnh nhân mắc chứng mất ngôn ngữ cần thực hiện các xét nghiệm- cận lâm sàng nào?
Nếu mắc chứng mất ngôn ngữ, bác sĩ có thể cần thực hiện các thăm khám và cận lâm sàng để xác định loại mất ngôn ngữ nào bạn đang mắc phải:
- Nói và nghe hiểu.
- Đọc và viết.
- Lặp lại từ hay cụm từ.
- Giải câu đố.
- Diễn tả từ ngữ hoặc gọi tên đồ vật.
Bệnh nhân có thể cận được thực hiện các cận lâm sàng chẩn đoán hình ảnh học như cộng hưởng từ MRI hoặc cắt lớp vi tính CT để kiểm tra xem phần nào của não bộ bị tổn thương.
Liệu khả năng ngôn ngữ có hồi phục?
Những bệnh nhân mắc chứng mất ngôn ngữ thường có thể tập luyện và học lại cách phát âm, cách giao tiếp ngôn ngữ. Nếu chứng mất ngôn ngữ diễn tiến không hồi phục có thể bệnh nhân cần sự trị liệu của những chuyên gia trị liệu ngôn ngữ. Chuyên gia sẽ giúp đưa ra những bài tập hỗ trợ và đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Liệu khả năng ngôn ngữ có được phục hồi hoàn toàn?
Khả năng hồi phục hoàn toàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Diện tích vùng não tổn thương và nguyên nhân tổn thương của não bộ.
- Phần tổn thương não bộ nằm ở đâu.
- Bệnh nhân có được trị liệu sớm sau tổn thương.
Những việc có ích bệnh nhân mất ngôn ngữ nên làm?
- Thông báo với mọi người rằng bạn mắc chứng mất ngôn ngữ – aphasia.
- Đeo một tấm thiệp bên mình, ghi rõ aphasia – mất ngôn ngữ là gì.
- Cố gắng dùng dấu hiệu, ra dấu để miêu tả nếu bạn không thể nói được.
- Nhận sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè.
- Lập kế hoạch để luyện tập hồi phục khả năng sử dụng ngôn ngữ.
- Cố gắng bày tỏ cảm xúc với người thân, không tự chịu đựng những khó khăn một mình.
Hầu hết bệnh nhân aphasia- mất ngôn ngữ đều có sự thay đổi lớn trong cuộc sống. Những việc trước đây đơn giản nay lại khó khăn và mất nhiều thời gian. Ảnh hưởng đến chất lượng sống, công việc và các mối quan hệ xã hội. Mong qua bài viết giúp bạn có những kiến thức cơ bản về bệnh lý này.
Xem thêm: Chứng mất ngôn ngữ Aphasia: đặt câu hỏi cho bác sĩ sao cho đúng?