Y học thường thức: Thiếu máu thiếu sắt
Nội dung bài viết
Thiếu máu là một tình trạng bệnh lý thường gặp, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như ở Việt Nam. Trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu sắt, khi xác định thiếu máu thiếu sắt là vấn đề của người bệnh, phát hiện và điều trị sớm sẽ có cho kết quả rất ngoạn mục. Mặt khác, trên một số đối tượng mà nhu cầu sắt tăng cao (ví dụ như thai phụ), bổ sung sắt sớm trước mang thai sẽ giúp ngừa gần như hoàn toàn nguy cơ thiếu máu thiếu sắt xảy ra. Tuy thế, dù có thể phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị dễ dàng, nhưng nếu để tình trạng này kéo dài mà không có sự can thiệp kịp thời thì bệnh sẽ mang lại nhiều nguy cơ đáng lo ngại cho người bệnh, bài viết này sẽ cho chúng ta một cái nhìn tổng quan hơn về bệnh và cách nhận biết, phòng ngừa bệnh.
(xem thêm: Tổng quan về thiếu máu)
1. Sắt có vai trò như thế nào trong sự tạo máu?
Sắt là nguyên liệu tạo máu, thiếu sắt sẽ dẫn thiếu máu. Nhu cầu sắt bình thường của người trưởng thành là khoảng 1mg mỗi ngày, ở trẻ em thì con số này khoảng 1,5 – 2mg, con số này đặc biệt tăng cao ở phụ nữ mang thai, có thể lên tới 6mg ở giai đoạn cuối thai kỳ.
2. Thiếu máu do thiếu sắt sẽ biểu hiện và gây hậu quả như thế nào?
Thiếu máu thiếu sắt là một tình trạng thiếu máu mạn, bệnh diễn tiến từ từ với các triệu chứng nặng dần, nên có thể không để ý sẽ không nhận ra sớm:
- Da xanh xao, niêm mạc mắt nhợt nhạt, lòng bàn tay nhợt nhạt.
- Móng sọc, dẹt, mất bóng, dễ gẫy.
- Tóc rụng nhiều.
- Thường xuyên mệt mỏi, giảm khả năng hoạt động hằng ngày.
- Hay quên, giảm khả năng ghi nhớ và tập trung.
- Trẻ em chậm phát triển thể chất, trí tuệ.
- Phụ nữ mang thai tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng, thai chậm phát triển.
3. Nguyên nhân bị thiếu máu thiếu sắt?
Nguyên nhân được chia làm hai nhóm, giảm cung cấp không đủ cho cơ thể hoặc tăng mất sắt.
Cung cấp không đủ sắt:
- Ăn uống kém, ăn kiêng, khẩu phần ăn không hợp lý.
- Cơ thể có bệnh lý nền làm giảm hấp thu sắt: viêm loét dạ dày tá tràng, phẫu thuật cắt dạ dày, ruột….
- Do ăn uống hoặc sử dụng các thực phẩm, các chất làm giảm hấp thu sắt: cà phê, trà, nước uống có gas.
- Do bản thân người bệnh tăng nhu cầu sắt: tuổi nhỏ, tuổi dậy thì, phụ nữ tuổi sinh nở, mang thai, cho con bú,…
Tăng mất sắt:
- Chảy máu rỉ rả do biến chứng loét dạ dày, loét tá tràng, loét đại tràng,…
- Nhiễm giun sán, đặc biệt là giun móc.
- Ung thư bất gây chảy máu rỉ rả (ung thư đường tiêu hoá, phụ khoa,…)
- Bệnh lý phụ khoa gây rong kinh rong huyết: u xơ, lạc nội mạc,…
4. Bệnh được chẩn đoán như thế nào?
Bệnh có thể được chẩn đoán dễ dàng bởi bác sĩ thông qua khám sơ bộ và xét nghiệm phân tích huyết học, định lượng sắt và mức độ dự trữ sắt, từ đó sẽ đánh giá chính xác được mức độ thiếu máu, mức độ thiếu sắt và tiến hành điều trị ngay khi có chẩn đoán rõ ràng. Trong một số trường hợp, bác sĩ cần phải loại trừ một số nguyên nhân khác có thể gây thiếu máu ( Nổi bật là Thalassemia – xem thêm: bệnh tan máu bẩm sinh).
5. Bệnh được điều trị như thế nào?
Bệnh được điều trị bằng cách bù sắt bằng thuốc uống, hoặc có thể là đường tĩnh mạch tuỳ tình huống.
Điều trị hợp lý tình trạng này sẽ có đáp ứng từ từ và ngoạn mục theo thời gian, xét nghiệm máu sẽ cho kết quả hồi phục trở lại sau khoảng 3 tuần, dự trữ sắt trong cơ thể sẽ khôi phục trong vòng 3 – 6 tháng, do đó cần theo dõi định kỳ kéo dài để bác sĩ có thể đánh giá chính xác mức độ hồi phục của bệnh nhân.
Tuy nhiên, nếu đánh giá ban đầu là tình trạng thiếu máu nặng, sẽ cần điều trị truyền máu và sắt khẩn cấp, sau đó sẽ tiến hành bù sắt như trên.
6. Cần lưu ý gì trong phòng ngừa và điều trị thiếu máu thiếu sắt?
- Khi được điều trị bù sắt, cần điều trị liên tục, thậm chí tiếp tục ít nhất 3 tháng sau khi tình trạng thiếu sắt đã cải thiện để phục hồi dự trữ sắt.
- Khi uống sắt, phải uống kèm vitamin C, tốt nhất nên uống cách bữa ăn (trước ăn 1 giờ hoặc sau ăn 2 giờ).
- Trong quá trình điều trị, có thể có cảm giác buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy hoặc táo bón, tiểu vàng hơn và đi tiêu phân đen, đây là tình trạng thường xảy ra khi uống sắt, tuy nhiên hãy tham vấn bác sĩ điều trị nếu khó chịu nhiều.
- Chế độ ăn nên bao gồm thịt đỏ, ngũ cốc, rau xanh đậm, gan, lòng đỏ trứng,… tránh các thực phẩm và thuốc giảm hấp thu sắt như trà, cà phê, thuốc canxi, thuốc giảm tiết dạ dày,…
- Không nên tự ý uống thuốc bắc, thuốc nam hoặc dùng các thực phẩm chức năng mà chưa qua trao đổi với bác sĩ điều trị.
- Trẻ bú mẹ sẽ hấp thu sắt tốt hơn, nên ưu tiên cho trẻ bú mẹ.
- Bổ sung viên sắt – acid folic theo khuyến cáo bác sĩ trước và trong quá trình mang thai.
Bác sĩ Đinh Gia Khánh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Bệnh thiếu máu thiếu sắt – Viện Huyết Học Truyền Máu Trung Ương https://www.nihbt.org.vn/huyet-hoc-lam-sang/benh-thieu-mau-thieu-sat/p187i9130.html Iron deficiency anemia – Mayoclinic https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/iron-deficiency-anemia/symptoms-causes/syc-20355034