Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn: căn bệnh lây qua nụ hôn
Nội dung bài viết
Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn hay còn có tên gọi là bệnh Kissing, là một bệnh lý do nhiễm virus. Loại virus này truyền qua nước bọt, do đó bạn có thể lây bệnh qua đường hôn (tên gọi kissing bắt nguồn từ đây) hay qua giọt bắn khi ho, hắt hơi. Vậy liệu bệnh lý này có nguy hiểm không? Virus này có lây lan thành dịch? Hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô trả lời giúp bạn những câu hỏi này nhé.
Tổng quan
Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn không quá dễ lây lan, loại virus này có khả năng lây từ người này qua người khác kém hơn bệnh cúm thông thường. Bệnh thường ảnh hưởng nhiều nhất tới thanh niên trẻ và vị thành niên. Tuy nhiên, trẻ em cũng có thể nhiễm bệnh, tuy không biểu hiện nhiều triệu chứng.
Nếu bạn có không may mắc bệnh, điều cần quan tâm là phòng ngừa biến chứng xảy ra. Biến chứng quan trọng cần đề phòng là lách to. Ngoài ra, việc điều trị cũng tương đối đơn giản, với nghỉ ngơi và bù đủ dịch cho cơ thể.
Các biểu hiện của tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn
Có thể xuất hiện các triệu chứng như:
- Mệt mỏi.
- Đau họng. Bệnh cũng dễ chẩn đoán nhầm với viêm họng streptococcus.
- Sốt.
- Nổi hạch ở cổ và nách.
- Sưng amiđan.
- Đau đầu.
- Phát ban da.
- Lách to, mềm.
Virus có thời gian ủ bệnh khoảng từ 4 – 6 tuần. Tuy nhiên, ở trẻ em thời gian ủ bệnh có thể ngắn hơn. Các triệu chứng như đau họng hay sốt thường giảm đi sau vài tuần. Tuy nhiên, mệt mỏi, lách to có thể xuất hiện và kéo dài lâu hơn.
Khi nào bạn nên đi khám?
Nếu bạn có bất kỳ biểu hiện nào như trên, bạn có thể bị tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn. Khi các triệu chứng không biến mất sau 1 đến 2 tuần, hãy đi khám bác sĩ.
Nguyên nhân của tình trạng này là gì?
Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh là Epstein-Barr virus. Tuy nhiên, một số loại virus khác cũng có thể gây ra biểu hiện tương tự.
Mặc dù các triệu chứng của bệnh có thể gây khó chịu, bệnh thường tự giới hạn. Điều này có nghĩa là bệnh thường tự khỏi và không để lại biến chứng. Hầu hết người lớn đều đã từng tiếp xúc với Epstein-Barr virus và cơ thể có đề kháng. Do đó, khi có kháng thể, bạn sẽ không mắc bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn nữa.
Biến chứng của bệnh là gì?
Tuy bệnh này khá nhẹ nhàng, nhưng lại có thể gây ra một số biến chứng khá nguy hiểm. Có thể kể đến các biến chứng dưới đây.
1. Lách to
Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn làm lách to ra. Ở những trường hợp nặng, lách có thể vỡ, gây ra một cơn đau nhói dữ dội ở vùng bụng trái. Nếu bạn có cảm nhận cơn đau như vậy, hãy gọi cấp cứu ngay. Tình trạng này có thể rất nguy hiểm và cần được mổ cấp cứu.
2. Các biến chứng tại gan
Có thể xuất hiện một số vấn đề tại gan như:
- Viêm gan có thể xuất hiện trong bệnh cảnh này.
- Vàng da, vàng mắt.
3. Các biến chứng ít gặp hơn
Một số biến chứng hiếm gặp có thể xảy ra như:
- Thiếu máu.
- Giảm số lượng tiểu cầu.
- Biến chứng tim. Cơ tim có thể bị viêm, tình trạng này được gọi là viêm nội tâm mạc.
- Biến chứng thần kinh. Viêm màng não, viêm não và hội chứng Guillain-Barre có thể xuất hiện.
- Sưng amiđan. Nếu amiđan sưng quá lớn có thể gây khó thở.
Đối với những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, Epstein-Barr virus có thể gây ra bệnh lý rất nghiêm trọng. Những đối tượng suy giảm miễn dịch có thể kể đến như nhiễm HIV/AIDS, hay người được ghép tạng và dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Làm sao để phòng ngừa bệnh lý này?
Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn lây lan qua nước bọt. Nếu bạn bị mắc bệnh, hãy tránh lây truyền virus này qua đường nước bọt. Có thể kể đến các biện pháp như không hôn, không mớm thức ăn hay sử dụng chung bát đũa. Tránh cho đến khi bạn khỏi bệnh và các triệu chứng biến mất.
Virus có thể tồn đọng lại trong nước bọt nhiều tháng sau lây nhiễm. Hiện tại chưa có vaccine để phòng ngừa bệnh.
Chẩn đoán bệnh như thế nào?
1. Khám lâm sàng
Dựa vào các biểu hiện lâm sàng, bác sĩ có thể nghĩ tới bệnh Kissing. Các dấu hiệu có thể được chú ý như nổi hạch, sưng amiđan, gan, lách to.
2. Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm tìm kháng thể. Nếu cần khẳng định chẩn đoán, xét nghiệm kháng thể sẽ được thực hiện để xem bạn có miễn dịch với Epstein-Barr virus hay không. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu của bệnh (tuần đầu tiên), xét nghiệm có thể không có giá trị.
- Đếm số lượng tế bào bạch cầu. Xét nghiệm này giúp gợi ý chẩn đoán.
Phương pháp điều trị tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn
Hiện tại không có điều trị đặc hiệu cho bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn. Thuốc kháng sinh không được sử dụng đối với các bệnh do virus. Do đó, điều trị chủ yếu là hỗ trợ để cơ thể tự hồi phục. Các điểm cần lưu ý gồm nghỉ ngơi đủ, ăn uống lành mạnh và uống nhiều nước. Nếu bạn sốt và đau nhiều, thuốc giảm đau hạ sốt tự mua tại hiệu thuốc cũng có thể giúp ích.
Điều trị thuốc
- Điều trị nhiễm trùng thứ phát. Đôi khi viêm họng do vi trùng có thể xuất hiện đồng thời cùng tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn. Hoặc những trường hợp bạn có viêm xoang, viêm amiđan đi kèm, việc điều trị kháng sinh là cần thiết.
- Nguy cơ phát ban do một số thuốc. Các thuốc như amoxicillin hay thuộc nhóm penicillin không được khuyên dùng trong bệnh lý này. Các thuốc này có nguy cơ làm xuất hiện phát ban. Do đó, khi bệnh nhân bị tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn, tránh sử dụng các loại kháng sinh nhất định gây phát ban.
Những lời khuyên dành cho bệnh nhân tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn
- Hãy uống nhiều nước và nước trái cây. Bổ sung đủ dịch giúp nhanh hạ sốt và tránh gây mất nước.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê toa hợp lý. Các thuốc thường được sử dụng như acetaminophen hay ibuprofen. Các thuốc này giúp giảm đau, hạ sốt hiệu quả. Tuy nhiên, hãy lưu ý khi sử dụng aspirin ở trẻ nhỏ.
- Súc miệng với nước muối. Hãy làm điều này nhiều lần trong ngày để giảm đau họng. Pha khoảng ½ muỗng cà phê muối với 200 ml nước để súc miệng.
Hãy hạn chế các hoạt động thể thao và sử dụng thể lực khác
Hầu hết các triệu chứng của bệnh sẽ tự hết sau vài tuần. Tuy nhiên, các dấu hiệu sót lại có thể kéo dài đến vài tháng trước khi bạn thấy hoàn toàn khỏe mạnh trở lại. Bạn nghỉ ngơi càng nhiều thì thời gian bình phục càng ngắn. Nếu bạn vận động trở lại quá sớm, bạn sẽ làm tăng nguy cơ tái phát bệnh.
Để tránh tình trạng vỡ lách, bác sĩ có thể khuyên bạn đợi khoảng 1 tháng trước khi vận động mạnh. Các động tác như nâng vật nặng hay thể thao có thể gây vỡ lách nếu bạn chưa hoàn toàn bình phục. Vỡ lách rất nguy hiểm, do đó bạn nên lưu ý đến vấn đề này.
Hỗ trợ bệnh nhân
Đối với bệnh nhân mắc bệnh, đặc biệt là ở lứa tuổi nhỏ, cần báo với nhà trường để có được sự chăm sóc cần thiết. Bệnh này không cần phải cách ly. Do số lượng lớn mọi người có miễn dịch với virus Epstein-Barr, do đó, bệnh ít lây lan. Tuy nhiên, các trẻ nhỏ có thể được nghỉ học cho đến khi khỏe hơn.
Tạm kết
Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn hay còn được gọi là bệnh kissing. Bệnh lý này được gây ra chủ yếu bởi Epstein-Barr virus. Chúng lây qua nước bọt, và chủ yếu gây bệnh ở người trẻ tuổi và vị thành niên. Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn có biểu hiện khá nhẹ nhàng và từ khỏi. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm, như vỡ lách.
Hãy lưu ý đến các mẹo nhỏ mà bài viết vừa cung cấp cho bạn nhé. Những thông tin này có thể rất hữu ích khi bạn hay người thân mắc bệnh và điều trị tại nhà đấy.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Mononucleosishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mononucleosis/symptoms-causes/syc-20350328
Ngày tham khảo: 17/09/2020