YouMed

30 ngày đầu đời của trẻ, bạn cần chú ý những thông tin quan trọng nào?

Bác sĩ HUỲNH NGUYỄN UYÊN TÂM
Tác giả: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
Chuyên khoa: Nhi

Thời gian đầu, trẻ sơ sinh không cần làm gì khác ngoài chuyện ăn, ngủ, khóc. Sau 30 ngày đầu đời, con bạn sẽ bắt đầu có phản ứng nhanh hơn nhiều. Dần dần, cử động của trẻ sẽ mượt mà và phối hợp hơn, đặc biệt là khi đưa tay lên miệng. Bạn sẽ nhận ra trẻ đang lắng nghe những lời nói ngọt ngào từ bố mẹ. Trẻ có thể quan sát khi bạn ôm chúng vào lòng và cử động tùy ý thay câu trả lời hoặc để thu hút sự chú ý của bạn. Bố mẹ sẽ ngạc nhiên và vô cùng hạnh phúc vì những thay đổi về thể chất trong tháng đầu tiên của trẻ.

Phát triển về cân nặng, chiều dài và vòng đầu

Cân nặng

Khi mới sinh, cân nặng của con bạn đã bao gồm lượng chất lỏng không cần thiết trong cơ thể. Do đó, trẻ sẽ sụt cân sau sinh vài ngày. Điều này hoàn toàn bình thường. Trẻ sơ sinh có thể giảm khoảng 1/10 cân nặng lúc sinh trong 7 ngày đầu tiên. Sau đó, cân nặng sẽ bắt đầu tăng dần đều. Hầu hết trẻ sơ sinh đều tăng cân rất nhanh. Đặc biệt là trong các giai đoạn tăng trưởng. Thời điểm xảy ra vào khoảng 7 đến 10 ngày và lặp lại lúc 3 đến 6 tuần tuổi. Trẻ sơ sinh trung bình tăng cân khoảng 20 – 30g mỗi ngày.

Lúc đầy tháng, cân nặng thường đạt 4,5kg. Nhưng con số này có thể thay đổi đáng kể từ bé này sang bé khác. Chiều dài thường tăng thêm khoảng 4,5 – 5cm trong tháng này.

Bác sĩ cũng chú ý đến sự phát triển đầu của con bạn. Kích thước này giúp đánh giá gián tiếp sự phát triển của não. Xương trong hộp sọ ở trẻ sơ sinh phát triển nhanh nhất trong 4 tháng đầu tiên. Chu vi vòng đầu của trẻ sơ sinh trung bình là 35cm. Nó sẽ tăng lên thêm khoảng 38cm sau một tháng.

Các bé trai có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn các bé gái về cân nặng, chiều dài lẫn vòng đầu. Các số đo lần lượt chênh nhau khoảng 350g, 1,25cm và 1cm.

Ở tất cả các giai đoạn phát triển của trẻ sơ sinh, phụ huynh cần quan tâm đến cân nặng của trẻ, không chỉ trong 30 ngày đầu đời. Phụ huynh có thể tham khảo thêm: Cân nặng trẻ sơ sinh như thế nào là hợp lý?

Phản xạ

Trong khoảng 30 ngày đầu đời, cơ thể trẻ sẽ dần thẳng ra khỏi vị trí cuộn tròn như lúc trong bụng mẹ. Đa số cử động là duỗi thẳng tay và chân. Thỉnh thoảng, trẻ có thể cong lưng. Bàn chân có thể tiếp tục xoay vào trong khiến chân trẻ trông giống như chân vòng kiềng. Vấn đề này thường sẽ tự cải thiện trong năm đầu tiên. Nếu có những dấu hiệu nghiêm trọng hoặc phần trước của bàn chân cong lên rõ rệt, bác sĩ có thể đề nghị nẹp hoặc bó bột để điều chỉnh lại. Tuy nhiên, những trường hợp này là cực kỳ hiếm gặp.

Phần lớn hoạt động của bé trong 30 ngày đầu đời là phản xạ. Điều này có nghĩa là nó tự động xảy ra mà trẻ không điều khiển được. Nếu bạn đưa ngón tay vào miệng, trẻ sẽ mút theo phản xạ. Ngoài ra, trẻ có thể nhắm mắt lại trước ánh sáng rực rỡ.

Một số phản xạ vẫn tồn tại với trẻ trong nhiều tháng, trong khi những phản xạ khác biến mất sau vài tuần. Một số trường hợp, phản xạ chuyển thành hành động tự nguyện. Ví dụ, trẻ được sinh ra với phản xạ tìm kiếm khiến bé quay đầu về phía tay bạn nếu bạn vuốt má hoặc miệng. Điều này giúp trẻ tìm thấy núm vú khi bú. Lúc đầu, trẻ sẽ rướn người từ bên này sang bên kia, quay đầu về phía núm vú. Sau đó, trẻ sẽ chỉ di chuyển đầu và miệng vào vị trí để bú.

1. Mút tay

Mút là một phản xạ có ngay cả trước khi sinh. Nếu siêu âm trong lúc mang thai, bạn có thể đã thấy con mình đang bú sữa mẹ. Sau sinh, khi núm vú và quầng vú được đặt sâu trong miệng của con bạn, trẻ sẽ tự động bắt đầu bú. Phối hợp các cử động mút nhịp nhàng này với thở và nuốt là một công việc tương đối phức tạp đối với trẻ sơ sinh. Vì vậy, ngay cả khi nghĩ rằng đây là một phản xạ, không phải tất cả trẻ sơ sinh đều bú hiệu quả ngay từ đầu. Tuy nhiên, nếu lặp lại, phản xạ trở thành một kỹ năng mà đa số trẻ đều thực hiện tốt.

Trẻ mút tay
Không chỉ xuất hiện ở trẻ trong 30 ngày đầu đời mà mút tay còn là một phản xạ có từ trong bụng mẹ

Tìm kiếm, mút và đưa tay lên miệng được coi là tín hiệu thể hiện nhu cầu bú sữa trong những tuần đầu sau sinh. Về sau, khi mà việc bú mẹ đã thành thạo, bé sẽ bắt đầu sử dụng những cử động này để tự an ủi mình.

2. Phản xạ Moro

Một phản xạ ấn tượng trong vài tuần đầu tiên này là phản xạ Moro. Nếu đầu trẻ thay đổi vị trí đột ngột hay ngã về phía sau hoặc bị giật mình, trẻ sẽ duỗi thẳng tay chân và cổ, sau đó nhanh chóng thu cánh tay lại. Bé thậm chí có thể khóc rất to. Phản xạ Moro biểu hiện ở các mức độ khác nhau ở trẻ. Nó đạt đỉnh điểm trong tháng đầu tiên và biến mất sau 2 tháng.

3. Phản xạ tăng trương lực cơ cổ

Một phản ứng tự động thú vị hơn là phản xạ tăng trương lực cơ ở cổ hay cổ căng hoặc tư thế đấu kiếm. Bạn có thể nhận thấy rằng khi đầu của con quay sang một bên, cánh tay tương ứng của trẻ sẽ duỗi thẳng. Cánh tay đối diện sẽ uốn cong giống như trẻ đang đấu kiếm. Tuy nhiên, bạn có thể không nhìn thấy hành động này. Nhất là nếu con bạn quấy khóc, trẻ có thể không thực hiện. Nó biến mất khi trẻ được 5 đến 7 tháng tuổi.

Trong 30 ngày đầu đời, trẻ đã có một số phản xạ sơ sinh
Trong 30 ngày đầu đời, trẻ đã có một số phản xạ sơ sinh

Cả hai phản xạ Moro và tăng trương lực cổ phải có ở cả hai bên của cơ thể. Nếu bạn nhận thấy rằng phản xạ có vẻ khác ở một bên, trẻ cử động một bên cơ thể mạnh hơn bên kia, hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ nhé.

4. Nắm lòng bàn tay, tự động bước

Bạn sẽ thấy vẫn còn một phản xạ khác khi vuốt lòng bàn tay hay lòng bàn chân của trẻ. Quan sát sẽ thấy trẻ ngay lập tức nắm chặt ngón tay của bạn hoặc các ngón chân cong lại. Trong vài ngày đầu tiên sau khi sinh, khả năng cầm nắm của con bạn sẽ rất chắc chắn.

Phản xạ nắm tay trẻ sơ sinh
Phản xạ nắm tay

Ngoài ra, tài năng đặc biệt khác của con bạn là bước đi. Tất nhiên, bé không thể tự đi. Nhưng nếu bạn ôm cánh tay và cẩn thận nâng đỡ đầu của trẻ, để bàn chân trẻ chạm vào một mặt phẳng, bé sẽ đặt một chân trước chân kia và bắt đầu đi bộ. Phản xạ này sẽ giúp trẻ sơ sinh trườn đến vú mẹ ngay sau khi sinh khi nằm trên bụng mẹ. Thường nó sẽ biến mất sau 2 tháng. Sau đó sẽ xuất hiện lại vào cuối năm đầu tiên để tập đứng, đi bộ, sau đó là chạy.

Nhiều bố mẹ có thể nghĩ trẻ sơ sinh hoàn toàn không có khả năng tự vệ. Nhưng thực ra, trẻ vẫn có một số phản xạ bảo vệ. Ví dụ, bé sẽ quay đầu lại và cố gắng di chuyển theo hướng tránh đồ vật đang đến.

Sau đây là các phản xạ bất thường của trẻ sơ sinh sẽ thấy trong những tuần đầu tiên:

Kiểu phản xạ Tuổi khi phản xạ xuất hiện Tuổi khi phản xạ biến mất
Tự động bước

Tìm kiếm

Tăng trương lực cơ cổ

Moro

Nắm lòng bàn tay

Co lòng bàn chân

Lúc sinh

Lúc sinh

Lúc sinh

Lúc sinh

Lúc sinh

Lúc sinh

2 tháng

4 tháng

5 – 7 tháng

5 – 7 tháng

5 – 6 tháng

9 – 12 tháng

Những vấn đề thường gặp

Tóc

Bạn có thể phát hiện những sợi tóc nhỏ trên đầu của con bạn khi mới sinh bắt đầu rụng. Dân gian gọi là rụng tóc vành khăn. Trẻ có thể bị hói tạm thời ở phía sau đầu do ngủ ở tư thế nằm ngửa. Tình trạng này không gây nghiêm trọng đáng kể về mặt y tế. Phần da đầu bị rụng tóc sẽ được bao phủ bởi lớp tóc mới sau vài tháng.

Da

Một sự phát triển bình thường khác là “mụn trứng cá” nổi trên mặt trẻ. Thường nó xuất hiện vào tuần thứ 3 đến tuần thứ 5. Các bác sĩ từng nghĩ rằng điều này là do các tuyến nội tiết tố của người mẹ kích thích da của trẻ sơ sinh. Nhưng bây giờ, họ cho rằng đó có thể là phản ứng bình thường với vi khuẩn trên da. Hay còn có tên gọi “mụn mủ” ở trẻ sơ sinh.

Nếu con bạn bị mụn trứng cá, hãy dùng khăn mỏng rửa mặt nhẹ nhàng mỗi ngày một lần với xà phòng dành cho trẻ sơ sinh. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn một loại kem thoa mặt. Thậm chí, trẻ có thể nhập viện để chích kháng sinh vì nghi ngờ nhiễm trùng da.

Trên mặt trẻ có thể xuất hiện mụn trứng cá
Trên mặt trẻ có thể xuất hiện mụn trứng cá

Da của trẻ sơ sinh có màu trắng hồng hoặc tím xanh. Đặc biệt, bàn tay và bàn chân của con bạn có thể lạnh hơn và tím nhẹ hơn so với phần còn lại của cơ thể. Bởi vì các mạch máu nhạy cảm hơn với sự thay đổi nhiệt độ. Nhất là khi gặp thời tiết lạnh. Tuy nhiên, nếu bạn massage cánh tay và chân của trẻ, làn da sẽ nhanh chóng chuyển sang màu hồng trở lại.

Nhiệt độ cơ thể

“Cơ quan điều nhiệt” của cơ thể khiến trẻ đổ mồ hôi hoặc run rẩy. Đôi khi, nó sẽ không hoạt động thích hợp vì não chưa đủ phát triển để điều khiển hoàn toàn. Ngoài ra, trong 30 ngày đầu đời, trẻ sẽ thiếu lớp chất béo cách nhiệt để bảo vệ da trẻ khỏi sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Vậy nên, điều quan trọng là phải mặc quần áo cho con bạn đúng cách. Mặc trang phục ấm áp khi thời tiết lạnh và đồ mát mẻ khi trời nóng. Nguyên tắc chung là mặc cho trẻ nhiều hơn một lớp quần áo mà bạn mặc trong cùng điều kiện thời tiết. Đừng bó chặt trẻ chỉ vì đó là một đứa trẻ sơ sinh.

Rốn

Từ 10 ngày đến 3 tuần sau khi sinh, dây rốn sẽ khô và rụng đi. Đôi khi còn sót lại một đốm khô. Ngoài ra, có thể rỉ ra một ít dịch nhuốm máu. Bạn chỉ cần giữ cho rốn khô và sạch sẽ. Nó sẽ tự lành. Nếu rốn viêm đỏ hay vẫn còn rỉ dịch sau 3 tuần, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhé.

Xem thêmRốn trẻ sơ sinh: Những vấn đề liên quan.

Nếu đây là đứa con đầu lòng, bạn có thể lo lắng rằng mình chưa sẵn sàng để chăm sóc trẻ sơ sinh. Thật ra, không chỉ riêng bạn cảm thấy như vậy. Rất nhiều cha mẹ bối rối vì sợ không chuẩn bị đầy đủ khi đã đến lúc đưa con từ bệnh viện về nhà. Vậy nên, trước khi rời bệnh viện, bạn có thể trao đổi với y tá hoặc bác sĩ về những thắc mắc. Ngoài ra, lần khám đầu tiên của con bạn sau khi xuất viện là một thời điểm tốt để hỏi về việc chăm sóc trẻ sơ sinh mà bạn gặp phải.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. American Academy of Pediatrics. "Caring for Your Baby and Young Child: Birth to Age 5". 7th ed, page 159 - 163, accessed on 8th September, 2020.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người