Acnekyn là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý
Nội dung bài viết
Thuốc Acnekyn có công dụng là gì? Những đối tượng nào phù hợp để sử dụng thuốc? Acnekyn có cần lưu ý gì khi sử dụng không? Trong bài viết dưới đây Dược sĩ Phan Tiểu Long sẽ cung cấp đủ thông tin về thuốc Acnekyn cho bạn nhé!
Hoạt chất: Acetaminophen.
Thuốc chứa thành phần tương tự: Actadol 500mg Medipharco, Panactol 500mg Khapharco, Hapacol DHG Pharma.
Acnekyn là thuốc gì?
Acnekyn 500 mg là sản phẩm được sản xuất bởi CTCP sản xuất – thương mại dược phẩm Đông Nam. Sản phẩm dưới dạng viên nén chứa thành phần chính là acetaminophen. Acnekyn được chỉ định để điều trị các chứng đau và sốt từ nhẹ đến vừa.
Thành phần của Acnekyn
Trong mỗi viên nén Acnekyn có các thành phần sau:
- Acetaminophen: 500 mg.
- Tá dược: Tinh bột bắp/ngô, Avicel, Lactose, PVP, Aerosil, Màu Tartrazin, Magnesi stearat, DST.
Acetaminophen có công dụng gì?
Thành phần chính của Acnekyn đó là Acetaminophen (hay còn được biết đến với tên gọi như paracetamol hay N – acetyl – p – aminophenol). Đây là thuốc giảm đau – hạ sốt hữu hiệu có thể thay thế aspirin, chất chuyển hóa có hoạt tính của phenacetin. Thế nhưng điểm khác biệt với aspirin là acetaminophen không có hiệu quả điều trị viêm. Acetaminophen có dụng giảm đau và hạ sốt tương tự như aspirin với liều ngang nhau tính theo gam.
Cơ chế hạ sốt của Acetaminophen làm giảm thân nhiệt ở người bệnh sốt. Nhưng ở người bình thường hiếm khi làm giảm thân nhiệt. Thuốc tác động lên vùng dưới đồi gây hạ nhiệt, giãn mạch giúp tăng tỏa nhiệt và tăng lưu lượng máu ngoại biên.1
Tác dụng của Acnekyn
Điều trị sốt và giảm các triệu chứng đau từ nhẹ tới vừa là các chỉ định chính của Acnekyn:2
- Sử dụng trong các dạng đau: Giảm đau tạm thời khi đau nhẹ và vừa. Hiệu quả thuốc được phát huy tốt nhất khi làm giảm đau cường độ thấp với nguồn gốc đau không ở nội tạng. Thuốc không có có tác dụng trong điều trị thấp khớp. Thuốc có thể thay thế salicylat trong giảm đau và hạ sốt.
- Giảm thân nhiệt ở những người có triệu chứng sốt.
Cách dùng và liều dùng Acnekyn
Cách dùng
Sản phẩm có dạng bào chế là viên nén, bạn nên dùng đường uống với lượng nước cần thiết. Điều này sẽ giúp sản phẩm dễ hòa tan và phát huy tốt tác dụng.
Liều dùng cho từng đối tượng
Liều dùng dành cho người lớn:2
Liều uống thường dùng trong một lần của acetaminophen là 0,3 g đến 1 g, uống 3 – 4 lần/ngày, không được vượt quá tổng liều 4 g/ngày. Bạn nên chú ý khoảng cách giữa các lần dùng phải ít nhất từ 4 đến 6 tiếng.
Tùy theo triệu chứng nặng nhẹ cũng như tuổi tác bệnh nhân mà liều có thể thay đổi.
Acetaminophen tuy được sử dụng phổ biến trong đời sống, bạn vẫn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và nhận lời khuyên từ chuyên gia y tế nhằm tránh lạm dụng để sản phẩm đạt hiệu quả điều trị cao và không ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân.
Acnekyn giá bao nhiêu?
Giá tham khảo của Acnekyn là từ 55.000 đồng/hộp 10 vỉ x 10 viên. Giá bán lẻ có thể thay đổi tùy theo từng nhà thuốc. Bạn nên liên hệ hoặc đến trực tiếp nhà thuốc để có được giá chính xác.
Tác dụng phụ của Acnekyn
Bất kì thuốc nào cũng có tác dụng phụ, khi sử dụng Acnekyn 500 mg bạn có thể gặp các triệu chứng với các tần suất sau:
- Thỉnh thoảng xảy ra tình trạng như: Ban da và những phản ứng dị ứng khác. Ban đỏ hoặc mày đay, có thể nặng hơn và có thể kèm theo thương tổn niêm mạc và sốt do thuốc. Người có mẫn cảm với salicylat thì rất hiếm có trường hợp mẫn cảm với acetaminophen và những thuốc có liên quan. Trong một số ít trường hợp riêng lẻ, acetaminophen đã gây giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu và giảm toàn thể huyết cầu.
- Ít gặp: Buồn nôn, nôn, loạn tạo máu (giảm bạch cầu trung tính, giảm toàn thể huyết cầu, giảm bạch cầu), thiếu máu, bệnh thận, độc tính thận khi lạm dụng dài ngày.
- Hiếm gặp: Phản ứng quá mẫn.
Khi bạn gặp tác dụng phụ ngoài ý muốn thì nên dừng sử dụng sản phẩm. Tốt nhất là thông báo cho bác sĩ và đến cơ sở y tế gần nhất phòng khi tình trạng càng diễn biến nặng.
Tương tác thuốc
Dưới đây là một số tương tác thuốc cần lưu ý khi sử dụng Acnekyn:2
- Tác dụng chống đông của coumarin và dẫn chất indandion tăng nhẹ khi uống dài ngày liều cao acetaminophen.
- Ở người bệnh dùng đồng thời phenothiazin và liệu pháp hạ nhiệt cần phải chú ý đến khả năng gây hạ sốt nghiêm trọng.
- Nguy cơ acetaminophen gây độc cho gan khi uống rượu quá nhiều và dài ngày.
- Tính độc hại gan của acetaminophen do tăng chuyển hóa thuốc thành những chất độc hại với gan khi sử dụng cùng thuốc chống co giật (gồm carbamazepinm phenytoin, barbiturat) gây cảm ứng enzym ở microsom thể gan.
- Khi đang dùng thuốc chống co giật hoặc isoniazid có nguy cơ acetaminophen gây độc tính gan gia tăng đáng kể ở người bệnh uống liều acetaminophen lớn hơn liều thông thường. Thế nhưng chưa xác định được cơ chế chính xác của tương tác làm tăng độc tính với gan.
- Khi đang dùng thuốc chống co giật hoặc isoniazid người bệnh phải hạn chế tự dùng acetaminophen. Người bệnh dùng đồng thời liều điều trị acetaminophen và thuốc chống co giật thường không cần giảm liều.
Đối tượng chống chỉ định dùng Acnekyn
Chống chỉ định dùng sản phẩm này khi nằm trong những trường hợp sau:2
- Người bệnh có bệnh tim, thận, phổi hoặc gan và nhiều lần thiếu máu.
- Người có tiền sử quá mẫn với acetaminophen.
- Người bị thiếu hụt G6PD (glucose – 6 – phosphat dehydrogenase).
Phụ nữ có thai và mẹ cho con bú có sử dụng được không?
Việc thai nghén dùng acetaminophen chưa xác định được có an toàn ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi. Do đó, chỉ khi thật cần thiết mới nên dùng acetaminophen ở người mang thai.2
Đối tượng thận trọng khi dùng Acnekyn
Sau đây là một số đối tượng cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng Acnekyn:2
- Nên thận trọng ở người bị phenylceton – niệu và người phải hạn chế lượng phenylalanin đưa vào cơ thể. Những người này phải được cảnh báo là một số chế phẩm acetaminophen chứa aspartam, sẽ chuyển hóa trong dạ dày – ruột thành phenylalanin sau khi uống.
- Một số dạng thuốc acetaminophen có trên thị trường chứa sulfit. Việc này có thể gây phản ứng kiểu dị ứng, phản vệ, hen đe dọa tính mạng hoặc ít nghiêm trọng hơn ở một số người quá mẫn.
- Tỷ lệ chung về quá mẫn với sulfit trong dân chúng không biết rõ, nhưng chắc là thấp; ở người bệnh hen sự quá mẫn như vậy có vẻ thường gặp nhiều hơn ở người không hen.
- Ở người bệnh có thiếu máu từ trước, dùng acetaminophen thận trọng vì chứng xanh tím có thể không biểu lộ rõ, mặc dù có những nồng độ cao nguy hiểm của methemoglobin trong máu.
- Tránh hoặc hạn chế uống rượu do có thể gây tăng độc tính với gan của acetaminophen.
- Người bị suy giảm chức năng gan hoặc thận nên thận trọng.
Xử lý khi quá liều
Khi nhiễm độc nặng, điều quan trọng là phải điều trị hỗ trợ tích cực. Khi có tác dụng không mong muốn vì sử dụng quá liều, lập tức dừng việc sử dụng sản phẩm và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Cần rửa dạ dày trong mọi trường hợp, tốt nhất trong vòng 4 giờ sau khi uống.
Giải độc bằng những hợp chất sulfhydryl nhờ bổ sung dự trữ glutathion ở gan. N – acetylcystein có tác dụng khi uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Phải cho thuốc ngay lập tức nếu chưa đến 36 giờ kể từ khi uống acetaminophen.
Nếu không có N – acetylcystein, có thể dùng methionin. Ngoài ra có thể dùng than hoạt và/hoặc thuốc tẩy muối, chúng có khả năng làm giảm hấp thu acetaminophen.2
Trường hợp quên liều
Uống thuốc càng sớm càng tốt khi nhớ ra là quên uống. Nếu gần với liều kế tiếp thì bỏ qua và uống theo như lịch trình. Tuyệt đối không nên uống liều gấp đôi.
Lưu ý gì khi sử dụng
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng đính kèm trước khi dùng.
Cần lưu ý khi sử dụng ở các đối tượng thận trọng.
Nếu có bất kì tác dụng phụ nào thì nên đến cơ sở y tế ngay.
Cách bảo quản
Bảo quản thuốc ở nơi có nhiệt độ dưới 30 °C, tránh nơi ẩm thấp, để ở nơi thoáng mát.
Bài viết trên đã cung cấp đủ các thông tin về thuốc Acnekyn. Hy vọng qua bài viết của Dược sĩ Phan Tiểu Long, các bạn đã có thể hiểu thêm về loại thuốc này để sử dụng an toàn và chính xác hơn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Bộ Y tế (2018). Dược thư quốc gia Việt Nam 2018. Nhà xuất bản Y học. Trang 1118https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=1118
Ngày tham khảo: 10/08/2022
-
Acnekyn 500mghttps://drugbank.vn/thuoc/Acnekyn-500&VD-18475-13
Ngày tham khảo: 10/08/2022