Bột tiêm Ampicillin Mekophar là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng
Nội dung bài viết
Thuốc Ampicillin Mekophar 1 g có công dụng là gì? Thuốc được chỉ định sử dụng trên đối tượng nào, cách dùng ra sao? Khi sử dụng thuốc này bạn cần lưu ý những điều gì để thuốc đạt hiệu quả và an toàn nhất? Trong bài viết dưới đây Dược sĩ Trần Việt Linh sẽ đưa đến cho bạn những thông tin đầy đủ và chi tiết nhất.
Hoạt chất trong Ampicillin Mekophar: Ampicillin (1 g), tá dược (vừa đủ).
Thuốc chứa thành phần tương tự: Ampicillin VCP, Harpin Ampicillin, Ampicillin MD Pharco,…
Ampicillin Mekophar là thuốc gì?
Ampicillin Mekophar là thuốc bột pha tiêm được sản xuất bởi công ty CP Hoá dược Mekophar. Đây là thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc được đóng gói ở hai dạng:
- Hộp 20 lọ thuốc bột.
- Hộp 50 lọ thuốc bột.
Thành phần và công dụng của từng thành phần
Thành phần của thuốc bột pha tiêm Ampicillin Mekophar là Ampicillin sodium (dạng muối của ampicillin) và tá dược (vừa đủ).
Ampicillin là một kháng sinh thuộc nhóm Penicillin. Nó có khả năng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn bằng cách phá hủy thành tế bào. Kết quả là tế bào bị ly giải và vi khuẩn không thể tồn tại.1 Đây là lí do giải thích vì sao thuốc chứa hoạt chất này có khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra.
Tác dụng của Ampicillin Mekophar
Tác dụng của thuốc Ampicillin Mekophar là điều trị các bệnh viêm do nhiễm khuẩn, bao gồm:
- Viêm tai giữa.
- Viêm xoang.
- Viêm đường hô hấp.
- Viêm phế quản.
- Viêm nắp thanh quản.
- Viêm mạn tính bộc phát.
- Viêm màng não.
- Bệnh viêm do nhiễm khuẩn Listeria (đây là loại vi khuẩn rất nhạy cảm với hoạt chất ampicillin).
Cách dùng Ampicillin Mekophar
Thuốc dùng tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.
- Tiêm bắp: hoà tan 1 g ampicillin với 3,5 ml nước cất pha tiêm chuyên dụng.
- Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm truyền tĩnh mạch: tiến hành hòa tan 1 g ampicillin với khoảng 5 ml – 10 ml nước cất pha tiêm chuyên dụng.
Liều dùng cho từng đối tượng
Bác sĩ sẽ chỉ định liều Ampicillin Mekophar cụ thể cho từng đối tượng bệnh nhân. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo liều ampicillin như sau:
Người lớn
Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch gián đoạn thật chậm từ trong khoảng thời gian 3 phút – 6 phút, 0,5 – 2 g/lần, 4 – 6 giờ/lần hoặc truyền tĩnh mạch.
Điều trị nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm màng não nhiễm khuẩn với liều 8 g – 14 g hoặc 150 mg – 200 mg/kg, tiêm làm nhiều lần cách nhau 3 giờ – 4 giờ/lần. Nếu thuốc được dùng để điều trị khởi đầu trong nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm màng não nhiễm khuẩn phải tiêm tĩnh mạch ít nhất 3 ngày và sau đó có thể tiêm bắp.
Trẻ em
Điều trị nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm màng não nhiễm khuẩn với liều 100 mg – 200 mg/kg/ngày. Cần chia thành nhiều liều nhỏ cách 3 giờ – 4 giờ/lần, bắt đầu bằng tiêm tĩnh mạch trong 3 ngày và tiếp tục bằng tiêm bắp.
Đối với nhiễm khuẩn ngoài viêm màng não:
- Trẻ sơ sinh ≤ 1 tuần tuổi: liều 25 mg/kg tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 12 giờ/lần (đối với trẻ cân nặng ≤ 2 kg thể trọng) hoặc 8 giờ/lần (đối với trẻ trên 2 kg thể trọng).
- Trẻ sơ sinh trên 1 tuần tuổi: liều 25 mg/kg tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, cách 8 giờ/lần (đối với trẻ cân nặng ≤ 2 kg thể trọng) hoặc 6 giờ/lần (đối với trẻ trên 2 kg thể trọng).
Đối với viêm màng não ở trẻ dưới 2 tháng tuổi, liều tĩnh mạch: 100 – 300 mg/kg/ngày chia làm nhiều lần phối hợp với Gentamicin tiêm bắp.
Bệnh nhân suy thận
Độ thanh thải creatinin ≥ 30 ml/phút: dùng liều thông thường ở người lớn.
Độ thanh thải creatinin ≤ 10 ml/phút: dùng liều thông thường cách 8 giờ/lần.
Người bệnh chạy thận nhân tạo phải dùng thêm 1 liều Ampicillin sau mỗi thời gian thẩm tích.
Thời gian điều trị: phụ thuộc vào loại và mức độ nặng của nhiễm khuẩn. Đối với đa số nhiễm khuẩn tiếp tục điều trị ít nhất 48 giờ – 72 giờ sau khi người bệnh hết triệu chứng.
Ampicillin Mekophar giá bao nhiêu?
Ampicillin Mekophar có giá kê khai là 5.283 VNĐ/lọ thuốc bột pha tiêm. Giá này sẽ giao động tùy thuộc vào cơ sở kinh doanh thuốc và vùng địa lý.
Tác dụng phụ của Ampicillin Mekophar
Thuốc Ampicillin Mekophar gây ra khá nhiều loại tác dụng phụ. Trong đó có một số tác dụng phụ thường gặp ở hầu hết các bệnh nhân như: tiêu chảy, nổi mẩn đỏ. Các tác dụng không mong muốn khác của thuốc xuất hiện với tần suất hiếm hơn bao gồm:
- Tác dụng phụ ít gặp: giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu và mất bạch cầu hạt, thiếu máu, viêm miệng, viêm lưỡi, buồn nôn, nôn, viêm đại tràng, tiêu chảy,…
- Tác dụng phụ hiếm gặp: phản ứng sốc phản vệ, viêm da tróc vảy và ban đỏ đa dạng.
Tương tác thuốc
Một số thông tin về tương tác thuốc của Ampicillin Mekophar như:
- Tránh dùng chung với thuốc Allopurinol: tăng nguy cơ mẩn đỏ da.
- Hạn chế dùng với các kháng sinh diệt khuẩn như: Erythromycin, Chloramphenicol, các Tetracycline: giảm khả năng diệt khuẩn của Ampicillin.
Đối tượng chống chỉ định dùng Ampicillin Mekophar
Phụ nữ có thai và mẹ cho con bú dùng được Ampicillin Mekophar với liều điều trị bình thường. Tuy nhiên, những đối tượng bệnh nhân này cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
Bệnh nhân suy thận, suy gan, người bị dị ứng chéo Cephalosporin cần thận trọng khi dùng thuốc này.
Ngoài ra, thuốc Ampicillin cần chống chỉ định với người có mẫn cảm với thành phần của thuốc.
Xử lý khi quá liều
Khi người bệnh sử dụng thuốc Ampicillin Mekophar bị quá liều, họ sẽ có các biểu hiện trên đường tiêu hóa như: buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Ngoài ra, co giật cũng có thể xuất hiện nếu nồng độ thuốc cao trong dịch não tủy. Khi đó, người bệnh cần bình tĩnh và thực hiện những cách sau đây để xử trí:
- Ngưng dùng thuốc và nhờ người thân đưa đến bệnh viện kiểm tra.
- Bác sĩ dùng phương pháp thẩm phân máu để loại ampicillin ra khỏi tuần hoàn chung.
Trường hợp quên liều
Khi bệnh nhân quên liều, cần bổ sung ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian nhớ với liều tiếp theo ngắn thì nên bỏ qua liều đã quên. Sau đó bệnh nhân dùng liều kế tiếp theo lịch dùng thuốc. Tuyệt đối không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã quên vì gây nguy hiểm đến tính mạng.
Lưu ý gì khi sử dụng
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Ampicillin để đảm bảo hiệu quả và an toàn:
- Không nên pha dung dịch có ampicillin với các chế phẩm của máu hoặc dung dịch đạm thủy phân.
- Không pha trộn ampicillin trong cùng một vật chứa với aminoglycosid.
- Dung dịch tiêm ampicillin sodium phải được tiêm ngay lập tức sau khi pha và không để vào ngăn đông.
- Nếu thời gian điều trị lâu dài, bệnh nhân cần được kiểm tra chức năng gan, thận.
- Điều tra và xác nhận các thông tin dị ứng trước đây của bệnh nhân với Penicillin, Cephalosporin hay các tác nhân dị ứng khác.
- Thông báo cho bác sĩ điều trị tất cả tác dụng phụ xảy ra trong thời gian dùng thuốc.
Cách bảo quản
Bảo quản thuốc Ampicillin Mekophar tại nơi khô ráo, nhiệt độ không quá 30oC và tránh ánh sáng trực tiếp.
Bài viết đã cung cấp đầy đủ thông tin về cách dùng, liều lượng, bảo quản, tác dụng phụ,… của thuốc Ampicillin Mekophar. Bạn hãy liên hệ cho YouMed để được giải đáp thêm về thuốc nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Ampicillinhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK519569/
Ngày tham khảo: 21/09/2022
-
Ampicillin 1ghttps://www.mekophar.com/index.php?page=product-detail&id=175
Ngày tham khảo: 15/09/2022