YouMed

Astaxanthin: Chất chống oxy hóa từ thiên nhiên

Dược sĩ TRẦN VÂN THY
Tác giả: Dược sĩ Trần Vân Thy
Chuyên khoa: Dược

Astaxanthin là một chất chống oxy hóa mạnh với nhiều công dụng như bảo vệ cơ thể khỏi quá trình lão hoá, tăng cường phục hồi sau vận động, cải thiện trí nhớ, tăng cường thị lực… Vậy astaxanthin được dùng như thế nào và cần lưu ý gì khi sử dụng? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về chất này thông qua bài viết sau của YouMed.

Sản phẩm chứa thành phần tương tự: AstaREAL®, Astavita, BioAstin®, NaturalAstaxanthin..

Thuốc Astaxanthin là gì?

Cơ chế tác dụng

Astaxanthin là một sắc tố màu đỏ thuộc nhóm carotenoid, được tạo ra bởi vi tảo, nhiều nhất là vi tảo xanh Haematococcus pluvialis. Khi tảo Haematococcus pluvialis tiếp xúc với sự thay đổi trong môi trường sống như ánh sáng mặt trời trực tiếp, bị bỏ đói hoặc bị tấn công, nó sẽ tạo ra astaxanthin để tự bảo vệ. Astaxanthin là một chất chống oxy hóa mạnh, astaxanthin bảo vệ tảo khỏi các gốc tự do và stress oxy hóa.

Astaxanthin gây ra màu hồng hoặc đỏ trong cá hồi, tôm hùm, nhuyễn thể và các loại hải sản khác. Bên cạnh đó, chất này còn có trong lông của các loài chim như chim cút, chim hồng hạc và cò, cũng như trong keo ong. Nó có cấu trúc tương tự như beta-carotene (pro-vitamin A). Nhưng do có một số khác biệt về mặt hóa học có thể làm cho astaxanthin an toàn hơn.

Nồng độ Astaxanthin trong các loài

Astaxanthin có trong thực phẩm nào? Astaxanthhin có mặt trong một số loại hải sản, cá hồi, tôm hùm… với nồng độ ở một số loài như sau:

  • Nhuyễn thể – 120 ppm (một phần triệu).
  • Tôm – 1.200 ppm.
  • Nấm men – 10.000 ppm.
  • Haematococcus pluvialis – 40.000 ppm.
Tìm hiểu thông tin về Astaxanthin
Tìm hiểu thông tin về Astaxanthin

Astaxanthin có tác dụng gì?

Astaxanthin là chất chống oxy hóa bảo vệ các tế bào khỏi hư hại và cải thiện hệ thống miễn dịch. Vượt trên khả năng chống oxy hóa của lutein và zeaxanthin, astaxanthin hỗ trợ sức khỏe của mắt, tim mạch, cải thiện chất lượng da và chống lão hóa.

Công dụng chính

Giảm quá trình oxy hóa trong não, hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson.

Hỗ trợ điều trị bệnh gan.

Hỗ trợ các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (mất thị lực do tuổi tác).

Dùng trong các hội chứng chuyển hóa, là nhóm các tình trạng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và đái tháo đường, cholesterol cao:

  • Ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám trong động mạch tim, bảo vệ cơ tim khỏi bị tổn thương do thiếu oxy trong một cơn đau tim.
  • Bảo vệ chống lại tổn thương thận do bệnh đái tháo đường.

Ngăn ngừa ung thư do làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư vú và da.

Có thể làm giảm sự phát triển của vi khuẩn H. pylori, gây loét dạ dày.

Kích thích hệ thống miễn dịch.

Giảm tổn thương cơ, giảm đau nhức sau khi tập thể dục, cải thiện hiệu suất tập.

Ngăn ngừa cháy nắng, cải thiện giấc ngủ.

Astaxanthin có khả năng giảm viêm, điều trị cho các vấn đề liên quan đến viêm như hội chứng ống cổ tay và viêm khớp dạng thấp.

Chứng khó tiêu.

Vô sinh nam, triệu chứng mãn kinh.

Thuốc Astaxanthin có tác dụng gì trong điều trị bệnh?
Thuốc Astaxanthin có tác dụng gì trong điều trị bệnh?

Các công dụng khác

  • Astaxanthin bôi trực tiếp lên da để bảo vệ da, chống cháy nắng, giảm nếp nhăn và các lợi ích thẩm mỹ khác.
  • Trong nông nghiệp, chất này được sử dụng làm thực phẩm bổ sung cho gà sản xuất trứng.
  • Trong thực phẩm, astaxanthin là chất tạo ra màu cho cá hồi, cua, tôm, gà và trứng.

Astaxanthin giá bao nhiêu?

Astaxanthin bán ở đâu và giá bao nhiêu? Hiện nay bạn có thể tìm mua sản phẩm này ở một số nhà thuốc trên toàn quốc hoặc cửa hàng chuyên về thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, cần chọn nơi uy tín để đảm bảo mua đúng sản phẩm chính hãng và chất lượng. Theo đó, giá sản phẩm này như sau:

  • Natural Astaxanthin 12mg giá: 650.000/hộp.
  • Quy cách đóng gói: Hộp 180 viên.

Lưu ý: Mức giá chỉ mang tính chất tham khảo. Có thể thay đổi tuỳ thời điểm và phụ thuộc vào nhà cung cấp. Bên cạnh đó, những sản phẩm chiết xuất từ Astaxathin có rất nhiều loại. Bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn để chọn được sản phẩm phù hợp với thể trạng và tư vấn kỹ về liều lượng cũng như cách sử dụng.

Hướng dẫn dùng thuốc Astaxanthin

Khuyến cáo

Liều astaxanthin khác nhau tùy theo các mục đích khác nhau. Hầu hết các nghiên cứu sử dụng liều từ 2 mg đến 24 mg mỗi ngày. Tuy nhiên, liều tối ưu của astaxanthin cho từng trường hợp chưa được thiết lập.

Liều khuyến cáo nằm trong khoảng từ 4mg-12mg mỗi ngày tùy theo tác dụng mong muốn. 4mg mỗi ngày đã được chứng minh là có tác dụng tích cực làm giảm viêm và 12mg mỗi ngày là dành cho người cần chất chống oxy hóa cao hơn.

Do là một caroten tan trong chất béo, và liên quan đến quá trình chuyển hóa vitamin A (cũng tan trong chất béo), thận trọng khi dùng thuốc này cùng với bữa ăn, nhất là trong một bữa ăn có chứa chất béo.

Liều tham khảo

Các liều tham khảo dưới đây dựa trên nghiên cứu khoa học, ấn phẩm, cách sử dụng truyền thống hoặc ý kiến ​​chuyên gia và có thể không áp dụng cho tất cả các sản phẩm. Bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên nhãn và hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi bắt đầu trị liệu.

Trẻ em (dưới 18 tuổi):

  • Không có liều an toàn hoặc chứng minh hiệu quả đối với trẻ em.

Người lớn (18 tuổi trở lên)

  • Chống oxy hóa: 4-8 mg astaxanthin, uống 2-3 lần mỗi ngày trong bữa ăn.
  • Chứng khó tiêu: 40 mg astaxanthin (AstaCarox®) uống hàng ngày với liều chia trong 4 tuần.
  • Cải thiện khả năng tập thể dục: 8 mg astaxanthin (1 viên Xanthin®) trước và sau khi hoạt động thể chất, có thể uống 4 mg astaxanthin vào buổi sáng cùng với thức ăn.
  • Đối với cholesterol cao: 6, 12 và 18 mg astaxanthin (AstaREAL®) uống hàng ngày trong 12 tuần. Ở những người khỏe mạnh, 3.6, 7.2 và 14.4 mg uống hàng ngày trong 2 tuần.
  • Đối với vô sinh nam: 16 mg astaxanthin (AstaCarox®) uống hàng ngày trong 3 tháng.
  • Đối với tình trạng da: 2 mg astaxanthin (Astavita AstaREAL® 2 mg) uống 2 lần mỗi ngày với bữa sáng và bữa tối trong 6 tuần. Theo các nguồn khác, 4 mg astaxanthin (BioAstin® 4 mg) hàng ngày trong 2 tuần có thể ngăn ngừa cháy nắng.
  • Ghép (thận): 12 mg astaxanthin mỗi ngày (BioAstin®; mỗi viên 4 mg uống 3 lần mỗi ngày) trong một năm.
Liều lượng dùng thuốc theo từng đối tượng cụ thể
Liều lượng dùng thuốc theo từng đối tượng cụ thể

Trường hợp không nên dùng thuốc Astaxanthin

Tránh dùng loại thuốc này nếu bạn bị dị ứng hoặc nhạy cảm với:

  • Astaxanthin hoặc các carotenoids liên quan, bao gồm cả canthaxanthin.
  • Nguồn chứa astaxanthin, chẳng hạn như vi tảo Haematococcus pluvialis sản xuất ra nó.
  • Thuốc ức chế 5-alpha-reductase như finasteride (Propecia, Proscar) hoặc dutasteride (Avodart, Jalyn).
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc có thể mang thai.

Lưu ý khi dùng Astaxanthin

Astaxanthin có thể gây chảy máu. Thận trọng ở người bị rối loạn chảy máu hay dùng thuốc có thể ảnh hưởng đến chảy máu. điều chỉnh liều dùng khi cần thiết.

Bên cạnh đó, thuốc này có thể làm giảm lượng đường trong máu. Thận trọng ở người bị bệnh đái tháo đường hoặc hạ đường huyết; người đang dùng thuốc, thảo dược hoặc chất bổ sung có ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Nồng độ glucose trong máu có thể cần được theo dõi bởi bác sĩ, dược sĩ. điều chỉnh thuốc khi cần thiết.

Một số trường hợp dùng thuốc có thể gây ra huyết áp thấp. Thận trọng ở người đang dùng thuốc, thảo dược hoặc các chất bổ sung làm giảm huyết áp.

Sử dụng thận trọng ở người đang dùng thuốc, thảo dược và chất bổ sung được chuyển hóa bởi hệ thống enzyme cytochrom P450 của gan. Astaxanthin có thể làm giảm nồng độ của các loại thuốc này trong máu và làm giảm tác dụng dự định.

Thận trọng ở người bị rối loạn nội tiết tố hoặc đang sử dụng các tác nhân ảnh hưởng đến hormone, đặc biệt là các chất ức chế 5-alpha-reductase.

Sử dụng thận trọng ở người bị rối loạn tự miễn dịch hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Vì thuốc này có thể làm tăng chức năng miễn dịch.

Ngoài ra, sử dụng thận trọng ở người:

  • Hạ canxi máu, loãng xương.
  • Rối loạn tuyến cận giáp.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc có thể mang thai, vì astaxanthin có thể ức chế men khử 5-alpha.
  • Sử dụng beta-carotene, vì astaxanthin có thể làm thay đổi chuyển đổi beta-carotene.
Lưu ý khi sử dụng các sản phẩm, thực phẩm chiết xuất từ Astaxanthin
Lưu ý khi sử dụng các sản phẩm, thực phẩm chiết xuất từ Astaxanthin

Tác dụng phụ của Astaxanthin

Với liều cực cao (48mg mỗi ngày) phân có thể chuyển sang màu đỏ do sắc tố đỏ của astaxanthin. Ngoài ra, astaxanthin có thể làm tăng nhu động ruột, liều cao có thể gây đau dạ dày.

Một số nghiên cứu cho thấy astaxanthin có thể ức chế enzym 5-alpha-reductase. Do đó ức chế chuyển đổi testosterone thành dihydrotestosterone (DHT). Điều này có thể gây nên:

  • Giảm ham muốn, giảm lượng tinh dịch trong quá trình xuất tinh, bất lực.
  • Tăng trưởng vú nam.
  • Rối loạn cương dương.
  • Tăng sắc tố da, tăng trưởng tóc, tăng cân và tâm trạng chán nản.

Một nghiên cứu cho thấy astaxanthin kết hợp với cây cọ cảnh làm tăng testosterone, có thể giúp ích cho ham muốn tình dục.

Astaxanthin cũng có thể làm:

  • Giảm huyết áp.
  • Giảm nồng độ canxi huyết thanh
  • Rối loạn chảy máu.
  • Giảm lượng đường trong máu.

Mặc dù astaxanthin đã được tìm thấy để kích thích hệ thống miễn dịch, nhưng trong nghiên cứu lâm sàng, astaxanthin đã được tìm thấy để làm giảm mức độ eosinophil. Ngoài ra thuốc này cũng có thể gây đau bụng dữ dội và thiếu máu bất sản.

Astaxanthin có thể làm tăng sắc tố da
Astaxanthin có thể làm tăng sắc tố da

Tương tác thuốc khi dùng Astaxanthin

Hãy cho bác sĩ biết về bất kỳ thức ăn, thuốc hay thực phẩm bổ sung nào bạn đang dùng, ngay cả khi chúng là tự nhiên. Điều này sẽ giúp bác sĩ có thể kiểm tra các tác dụng phụ tiềm ẩn hoặc tương tác.

Tương tác với thuốc

Astaxanthin có thể làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc đông máu khi dùng chung với các thuốc làm tăng nguy cơ đó. Bao gồm aspirin, thuốc chống đông máu như warfarin (Coumadin®) hoặc heparin, thuốc chống tiểu cầu như clopidogrel (Plavix®) và thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen (Motrin®, Advil®) or naproxen (Naprosyn®, Aleve®).

Astaxanthin có thể làm giảm lượng đường trong máu. Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc cũng có thể làm giảm đường trong máu. Người đang dùng insulin hoặc thuốc điều trị đái tháo đường bằng đường uống nên được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ, dược sĩ. điều chỉnh thuốc khi cần thiết.

Astaxanthin có thể gây ra huyết áp thấp. Thận trọng ở người dùng thuốc điều trị huyết áp hay thảo dược hoặc thực phẩm bổ sung làm giảm huyết áp.

Astaxanthin có thể can thiệp vào một số loại thuốc thông qua hệ thống enzyme cytochrom P450 của gan. Do đó, nồng độ trong máu của các loại thuốc này có thể giảm và giảm tác dụng.

Astaxanthin có thể tương tác với các thuốc nội tiết tố như thuốc ức chế 5-alpha-reductase, muối canxi, thuốc trợ tim, thuốc ức chế miễn dịch và rofecoxib.

Tương tác với các loại thảo dược, thực phẩm bổ sung

Astaxanthin có thể làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc đông máu. Thận trọng khi sử dụng các loại thảo mộc hoặc chất bổ sung cũng có nguy cơ này. Nhiều trường hợp chảy máu đã được báo cáo với ginkgo biloba, và ít trường hợp với tỏi và cưa cọ.

Astaxanthin có thể làm giảm lượng đường trong máu. Thận trọng khi sử dụng các loại thảo mộc hoặc chất bổ sung cũng có nguy cơ này. Nồng độ glucose trong máu có thể cần theo dõi, và liều có thể cần điều chỉnh.

Astaxanthin có thể gây ra huyết áp thấp. Thận trọng ở những bệnh nhân dùng thảo dược hoặc các chất bổ sung làm giảm huyết áp.

Astaxanthin có thể can thiệp vào một số loại thảo mộc hoặc chất bổ sung thông qua hệ thống enzyme cytochrom P450 của gan. Do đó, nồng độ của các loại thảo mộc hoặc chất bổ sung khác có thể giảm trong máu. Từ đó thay đổi các tác động trên hệ thống cytochrom P450.

Astaxanthin có thể tương tác với canxi (và thực phẩm có chứa canxi), carotenoids (và thực phẩm có chứa carotenoids), thảo dược và chất bổ sung cho tim, thảo dược và chất bổ sung nội tiết tố, cưa cọ.

Mức độ tương tác giữa Astaxanthin với một số loại thực phẩm và thảo dược
Mức độ tương tác giữa Astaxanthin với một số loại thực phẩm và thảo dược

Xử trí khi quá liều Astaxanthin

Liều tới 50mg đã được dung nạp. Chưa có giới hạn độc tính trên. Không phải tất cả astaxanthin đều được sinh tổng hợp bởi vi tảo sống. Astaxanthin tổng hợp từ hóa dầu không được chấp thuận dùng cho người.

Đối tượng đặc biệt sử dụng thuốc

Bổ sung chất chống oxy hóa đã cho thấy một mối tương quan tích cực với khả năng sinh sản. Tuy nhiên sản phẩm này không được khuyến cáo trong khi mang thai hoặc cho con bú do thiếu các nghiên cứu an toàn.

Cách bảo quản thuốc

  • Bảo quản sản phẩm ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt.
  • Nhiệt độ bảo quản dưới 30ºC.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng.
  • Tránh xa tầm tay của trẻ em.

Astaxanthin là một chất chống oxy hóa mạnh với nhiều công dụng. Tuy nhiên sản phẩm không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trên đây là những thông tin tham khảo từ YouMed về chất astaxanthin. Nếu có bất cứ vấn đề gì liên quan, hãy liên hệ với bác sĩ hay dược sĩ để được tư vấn cụ thể.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Astaxanthinhttps://www.drugs.com/drp/astaxanthin-capsules-and-oral-powder.html

    Ngày tham khảo: 16/05/2020

  2. Astaxanthinhttps://www.webmd.com/vitamins-and-supplements/astaxanthin#1

    Ngày tham khảo: 16/05/2020

  3. ASTAXANTHINhttps://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-1063/astaxanthin

    Ngày tham khảo: 16/05/2020

  4. Astaxanthin: A Review of the Literaturehttps://www.naturalmedicinejournal.com/journal/2012-02/astaxanthin-review-literature

    Ngày tham khảo: 16/05/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người