YouMed

Atiso đỏ: Sắc màu của tạo hóa

Thạc sĩ Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh
Tác giả: ThS.BS Dư Thị Cẩm Quỳnh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Atiso đỏ đối với người Việt không còn gì quá xa lạ nữa. Một số người chính vì màu hoa đỏ rực rỡ của nó mà mê mẩn. Rồi người ta đem cây hoa Atiso về trồng như 1 loại hoa cảnh đẹp tuyệt vời. Nhưng mấy ai biết hoa Atiso đỏ còn có công dụng chữa bệnh nữa. Hãy cùng YouMed khám phá ngay thôi.

1. Mô tả dược liệu

1.1. Danh pháp và tên gọi dược liệu

  • Tên gọi khác: Bụp giấm hay còn gọi Đay nhật, Lạc thần hoa.
  • Tên khoa học: Hibiscus sabdariffa.
  • Họ khoa học: Malvaceae.

1.2. Đặc điểm tự nhiên

Cây sống khoảng một năm, cao 1,5 – 2m, phân nhánh gần gốc, màu tím nhạt. Lá hình trứng, nguyên, mép lá có răng. Hoa đơn độc, mọc ở nách, gần như không có cuống. Tràng hoa màu vàng hồng hay tía, có khi trắng. Quả nang hình trứng, có lông thô mang đài màu đỏ sáng tồn tại bao quanh quả. Cây ra hoa từ tháng 7 đến tháng 10. Loài này được mô tả khoa học đầu tiên năm 1753.

hoa Atiso đỏ
Dược liệu Atiso đỏ

1.3. Phân bố, thu hái, chế biến dược liệu

1.3.1. Phân bố

Cây Atiso đỏ có nguồn gốc ở châu Phi, thường được trồng để lấy phần đọt non và đài hoa để làm rau chua ăn kèm.

Hiện tại, Atiso đỏ được di thực về nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam để làm dược liệu và thực phẩm.

1.3.2. Thu hái, chế biến

Atiso đỏ được thu hái vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hằng năm.

Hái về có thể sử dụng tươi hoặc phơi, sấy khô bảo quản dùng dần. Bông Atiso đỏ phơi khô có thể bảo quản được lâu, sau khi ngâm nước có thể quay trở lại trạng thái ban đầu.

Hoa khô rất dễ bị ẩm mốc và mối mọt. Do đó, cần bảo quản dược liệu ở nơi khô thoáng. Tránh nơi có môi trường ẩm ướt và nhiều côn trùng.

1.4. Bộ phận sử dụng

Lá, đài hoa và hạt cây Atiso đỏ được sử dụng để làm dược liệu.

>> Tìm hiểu thêm về công dụng của loại Atiso thông thường: Atiso: Thần dược mát gan.

2. Thành phần hóa học

Lá đài của cây Atiso đỏ chứa các thành phần hóa học phổ biến như sau: Protein, Acid chính tan trong nước như Acid Malic, Acid Citric, Acid Hibiscus và Acid Tartric, chất có tính kháng sinh như Chlorid Hibiscin và Gossypetin.

Hoa Atiso đỏ có chứa các thành phần chính như: chất màu vàng là Flavonol Glucosid Hibiscitrin, Sabdartrin, Hibiscetin, Gossypitrin.

Quả khô có chứa: chất có tác dụng kháng sinh Anthocyanin, Oxalat Canxi, Gossypetin, vitamin C.

3. Tác dụng dược lý

3.1. Theo y học cổ truyền

Tính vị: Atiso đỏ tính mát, vị hơi chua, có mùi thơm nhẹ.

Quy kinh: Quy vào kinh Đại trường và kinh Can.

Nhuận tràng, lợi tiểu, lợi mật.

3.2. Theo y học hiện đại

3.2.1. Trong điều trị tăng huyết áp

Ngày nay, tỉ lệ mắc tăng huyết áp ngày càng tăng, trở thành bệnh mạn tính để lại những biến chứng nguy hiểm lên tim, não, thận, mạch máu. Nguyên do chủ yếu từ nguyên phát không rõ nguyên nhân, nhưng cải thiện các yếu tố sinh hoạt có thể giúp giảm huyết áp.

Các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng trên người, viết tắt RCT, là các nghiên cứu có kết quả tin cậy cao. Tổng hợp 5 nghiên cứu RCT ghi nhận Atiso đỏ có tác dụng hạ huyết áp tâm  thu trung bình 7.58 mmHg, huyết áp tâm trương 3.53 mmHg.

3.2.2. Trong điều trị béo phì, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch

Các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng trên người RCT cho thấy, trà Atiso đỏ giảm cholesterol, LDL-C, triglyceride, cũng như tăng HDL-C.

Chiết xuất Atiso đỏ thường được coi là có mức độ độc tính thấp. Các nghiên cứu chứng minh rằng tiêu thụ Atiso đỏ không ảnh hưởng xấu đến chức năng gan và thận ở liều thấp, nhưng có thể gây độc cho gan với liều cực cao. Ngoài ra, nồng độ ion điện giải nói chung không bị ảnh hưởng mặc dù có tác dụng lợi tiểu.

Dược liệu Atiso đỏ hỗ trợ điều trị béo phì
Dược liệu hỗ trợ điều trị béo phì

Nhóm bằng chứng này được giải thích cùng nhau cho thấy rằng Atiso đỏ có tiềm năng lớn để giảm các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tim mạch và đáng để nghiên cứu thêm.

3.2.3. Trong phòng ngừa ung thư

Chiết xuất (dung dịch nước, ethanol và metanol) đã cho thấy tiềm năng chống ung thư trước các tác nhân độc hại khác nhau trên động vật thí nghiệm và nuôi cấy tế bào. Chủ yếu ở các tế bào bạch cầu (K-562), ung thư biểu mô tuyến vú ở người (MCF-7), tế bào ung thư biểu mô dạ dày ở người (AGS), tế bào ung thư tuyến tiền liệt của con người (CaP), nhiều tế bào u nguyên bào tủy (RPMI 8226). 

3.2.4. Kháng khuẩn

Vi khuẩn E.coli chủng O157:H7 gây tiêu chảy cấp, Staphylococcus aureus gây nhiều loại nhiễm trùng ở da, hầu họng… Chiết xuất Atiso đỏ có tác dụng kháng khuẩn đối với 2 vi khuẩn này.

3.2.5. Trong điều trị đái tháo đường loại 2

Trong mô hình chuột mắc bệnh tiểu đường loại 2, chiết xuất Atiso đỏ làm giảm đường huyết và tăng insulin máu. Chiết xuất Atiso đỏ có khả năng là một chất bổ trợ cho điều trị bệnh tiểu đường.

4. Lưu ý khi dùng trà Atiso đỏ

Hoa Atiso đỏ có thể dùng để pha trà, sử dụng thay giấm, làm mứt, chế biến thành si rô, món ăn… Có thể ngâm đường phèn theo tỉ lệ, hoa:đường là 1:1.

Nếu sử dụng trà hoa Atiso đỏ nên chia ra thành nhiều lần uống trong ngày. Không nên dùng một lần với số lượng lớn.

Không được chế biến ở nhiệt độ quá cao. Điều này khiến các hoạt chất có lợi trong Atiso đỏ bị phá hủy và mất tác dụng điều trị bệnh.

5. Kiêng kỵ

Phụ nữ có thai và đang cho con bú không được sử dụng. Nhiều nghiên cứu cho biết tác dụng của hoa Atiso đỏ có thể gây bất lợi cho sự phát triển của thai nhi.

Thận trọng khi cần sử dụng chung với các loại thuốc khác. Atiso có thể làm giảm nồng độ Diclofenac trong huyết thanh. Với liều dùng Acetminophen (Paracetamol) để hạ sốt, tác dụng tương tự.

Phụ nữ có thai không nên dùng Atiso đỏ
Phụ nữ có thai không dùng Atiso đỏ

Atiso đỏ là loài cây phổ biến ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Atiso đỏ có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Fullerton M, Khatiwada J, Johnson J U, Davis S, et al, (2011), "Determination of antimicrobial activity of sorrel (Hibiscus sabdariffa) on Escherichia coli O157:H7 isolated from food, veterinary, and clinical samples", J Med Food, 14 (9), pp. 950-956.

  2. Herranz-López M, Olivares-Vicente M, Encinar J A, Barrajón-Catalán E, et al, (2017), "Multi-Targeted Molecular Effects of Hibiscus sabdariffa Polyphenols: An Opportunity for a Global Approach to Obesity", Nutrients, 9 (8), pp.

  3. Hopkins A L, Lamm M G, Funk J L, Ritenbaugh C, (2013), "Hibiscus sabdariffa L. in the treatment of hypertension and hyperlipidemia: a comprehensive review of animal and human studies", Fitoterapia, 85 pp. 84-94.

  4. Peng C H, Chyau C C, Chan K C, Chan T H, et al, (2011), "Hibiscus sabdariffa polyphenolic extract inhibits hyperglycemia, hyperlipidemia, and glycation-oxidative stress while improving insulin resistance", J Agric Food Chem, 59 (18), pp. 9901-9909.

  5. Serban C, Sahebkar A, Ursoniu S, Andrica F, et al, (2015), "Effect of sour tea (Hibiscus sabdariffa L.) on arterial hypertension: a systematic review and meta-analysis of randomized controlled trials", J Hypertens, 33 (6), pp. 1119-1127.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người